Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LUẬN VỀ MINH VƯƠNG, QUÂN SƯ VÀ GIÁN QUAN

Đắc Trung
Thứ ba ngày 16 tháng 3 năm 2021 8:20 AM




Các triều đại phong kiến thời xưa, những bậc "Minh vương" tận trung vì xã tắc, thường chọn bên mình "Quân sư" và "Gián quan". "Quân sư" để khuyên nhủ việc vua nên làm, "Gián quan" để can ngăn việc vua nên tránh hoặc cả khuyên và can. "Quân sư" phải có cái tâm của xã tắc, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, đặc biệt phải giỏi, kinh bang tế thế, đọc nhiều, hiểu rộng, thông kim bác cổ tổng kết từ lịch sử và cuộc đời để rút ra những bài học cả lý thuyết và thực tiễn. "Gián quan" cũng vậy, hơn thế, không chỉ giỏi, mà còn cần phải thẳng thắn cương trực, bản lĩnh và dũng cảm.

Triều nhà Lý, đời Lý Anh Tông, có quan Thái úy Tô Hiến Thành là người văn võ song toàn, một rường cột của quốc gia. Khi vua Lý Anh Tông qua đời, Thái tử còn non trẻ vai trò của ông càng quan trọng.

Tuổi già, sức yếu ông lâm bệnh nặng, Đỗ Thái hậu ngoài việc giao quan Ngự y trông nom thuốc thang cho ông còn phái hẳn quan Đại thần Vũ Tán Đường ngày đêm săn sóc hầu hạ.

Vũ Tán Đường là người đức hạnh, hầu như không mấy khi ông rời giường bệnh của Tô Hiến Thành và rất mực tận tâm, tận sức, không chỉ làm tròn phận sự của triều đình giao mà còn là để tỏ lòng tôn kính đối với vị quan đức tài trọn vẹn mà ông vô cùng cảm phục.

Bệnh tình của Tô Hiến Thành ngày càng nguy kịch, một hôm Đỗ Thái hậu tới thăm, bà xúc động cầm tay quan Thái úy hỏi:

- Nếu xảy ra cơ sự nào thì ai có thể thay Ngài làm Tướng quốc?

Điều này Tô Hiến Thành cũng đã nghĩ, đã tính, chỉ có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá, một người học nhiều hiểu rộng, bản lĩnh trung thực, dám mạnh dạn nói lên lẽ phải, khi cần có thể đem thân mình can gián nhà vua, được cả triều đình kính phục là đủ khả năng. Từ ngày Tô Hiến Thành lâm trọng bệnh Trần Trung Tá vì bận công việc không mấy khi đến thăm, nhưng Tô Hiến Thành vẫn không quên con người đáng tin ấy.

Nghe Tô Hiến Thành tiến cử Trần Trung Tá, Đỗ Thái hậu không vừa lòng, bà nói:

- Vũ Tán Đường hàng ngày hầu hạ thuốc thang chăm sóc Ngài, sao Ngài không nhắc đến?

Tô Hiến Thành cố gượng cười đáp:

- Thái Hậu hỏi người nào có thể thay tôi làm Tướng quốc nên tôi tiến cử Trần Trung Tá. Nếu Thái Hậu hỏi ai là người nuôi dưỡng chăm sóc tôi thì ngoài Vũ Tán Đường còn ai hơn được nữa.

- ...!

"Quân sư" là thế. Luôn đặt xã tắc trên hết.

Ở đời không chỉ minh chủ chọn mưu thần, mà mưu thần cũng phải biết tìm minh chủ.

Thời Tam quốc, dân số nước Ngụy của Tào Tháo là 4.432.881 người, nước Ngô của Tôn Quyền 2.300.000, nước Thục của lưu Bị chỉ có 940.000 (bằng 1/4 Ngụy và 1/2 Ngô). Thời xưa sức chiến đấu chủ yếu phụ thuộc vào nhân lực. Vậy tại sao Gia Cát Lượng không phò Tào Tháo hoặc Tôn Quyền mà lại chọn Lưu Bị? Bởi Gia Cát Lượng là một trí thức phong kiến, ông tôn sùng Nho giáo, thấm nhuần Đạo Trung quân. Lưu Bị là hậu duệ, huyết thống nhà Hán nên ông theo để thực hiện đạo trung ấy. Lưu Bị lại thiện tâm, trọng nhân nghĩa rất hợp với tư chất quân tử của Gia Cát Lượng nên ông phò. Trái lại Tào Tháo gian hùng nên ông tránh. Hơn nữa dưới trướng Tào Tháo đã có một số mưu thần giỏi như Tuân Úc, Quách Gia, Trình Dục... đi với Tào Tháo ông không có điều kiện thể hiện mình. Còn Tôn Quyền? Có lần sang Đông Ngô, ông được Trương Chiêu dụ dỗ phò Tôn Quyền, nhưng ông từ chối với lý do: "Tôn Quyền là chủ nhân tốt, nhưng không thể phát huy hết tài năng của ta". Dù Lưu Bị khi đó đã có Quan Vân Trường, Trương Phi, Triệu Tử Long, nhưng họ đều là võ tướng giỏi. Lưu Bị đang thiếu nhà mưu lược, phò ông Gia Cát Lượng mới có cơ hội thực hiện đầy đủ ý chí và nghị lực của mình. Sở dĩ lúc đầu Gia Cát Lượng còn thờ ơ, nằm trên lều cỏ mà không xuống tiếp Lưu Bị, vì ông còn hoài nghi không biết Lưu Bị có đánh giá đúng, tin tưởng, trao quyền và cư xử với mình như quốc sĩ hay chỉ như mưu thần tầm thường. Nhưng sau "tam cố thảo lư" Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật sự thành tâm cầu tài ông mới nhận lời xuống núi giúp. Nghĩa là Gia Cát phò Lưu Bị vì lý tưởng và phẩm giá tương đồng, mong phục hưng nhà Hán và sống trọng nhân nghĩa, bởi thế hai người một lòng gắn bó vì xã tắc và vì nhau.

Tuy nhiên dù tài năng hay sự đóng góp quan trọng đến đâu "Quân sư" và "Gián quan" đều rất khiêm nhường, luôn đặt lợi ích quốc gia trên tất cả.

Gia Cát Lượng phò Lưu Bị, khi Lưu Bị sắp qua đời Ấu Chúa còn quá nhỏ, nhà vua gọi Gia Cát Lượng ngỏ ý muốn nhường ngôi cho ông. Nhưng Gia Cát Lượng kiên quyết không nhận, thay vì ông hứa tận tâm phò Ấu Chúa.

Trần Thủ Độ là người nắm quyền lực lớn sắp xếp cuộc bàn giao ngôi vua từ Lý Chiêu Hoàng cho Trần Cảnh. Trần Cảnh khi ấy mới chín tuổi, triều thần muốn Trần Thủ Độ nhiếp chính, nhưng ông từ chối và tiến cử Trần Thừa là cha của Trần Cảnh đảm nhiệm trọng trách ấy.

Một hôm có viên quan tâu với vua Trần Thái Tông: "Bệ hạ tuổi còn trẻ, mà Thái sư Trần Thủ Độ quyền nghiêng đất lệch trời. Không biết rồi tiền đồ xã tắc sẽ ra sao. Hạ thần rất lấy làm lo lắng". Vua đem việc này nói với Trần Thủ Độ: "Trẫm biết Thượng phụ chỉ có tấm lòng son vì nước chứ không có bụng riêng nào. Vậy mà kẻ đó thấy Thượng phụ nắm giữ mọi quyền bính dám ngờ vực sàm tấu với trẫm rằng hắn lo ngại "Thượng phụ chuyên quyền bất lợi cho xã tắc". Đó là lời nói hại đến nghĩa vua tôi và tổn thương tình chú cháu". Nghe xong Trần Thủ Độ trầm ngâm, rồi tâu: "Kẻ đó nói vậy mà đúng. Thật có chuyện chuyên quyền. Thế mới biết một trăm kẻ chỉ khúm núm vâng dạ không bằng một người dám nói những điều người khác chỉ dám nghĩ. Triều chính muốn thịnh thì phải khuyến khích những người như thế". Nói xong Trần Thủ Độ xin vua lấy lụa quý ban thưởng cho viên quan ấy.

Triều nhà lý, đời Lý Thần Tông, có lần vua cho vời Thiền sư Viên Thông vào cung tham vấn về phép trị quốc, Thiền sư thỉnh tâu: "Thần từng xem qua các triều vua chúa đời trước, chưa từng có triều đại nào không dùng bậc quân tử mà được thịnh, không dùng kẻ tiểu nhân mà bị suy". Lịch sử đã chứng minh, bất kể quốc gia nào nếu vua hiền, một lòng vì nước vì dân, biết chọn "Quân sư" giỏi đều cường thịnh. An Dương Vương chọn Cao Lỗ, Lý Nam Đế chọn Triệu Quang Phục, Đinh Tiên Hoàng chọn Đại sư Khuông Việt, Lê Đại Hành chọn Thiền sư Pháp Thuận, Lý Thái Tổ chọn Thiền sư Vạn Hạnh, Trần Thái Tông chọn Trần Thủ Độ, Lê Lợi chọn Nguyễn Trãi...

Mà việc cầu nhân tài để chọn làm "Quân sư" đòi hỏi các bậc "Minh vương" phải thành tâm và công phu lắm. Bá chủ thời Xuân Thu là Tề Hoàn Công, ba lần đi bái kiến vẫn không được gặp một danh nhân là Đắc Tiên sinh. Có người khuyên thôi không gặp nữa. Tề Hoàn Công nói: "Không được. Kẻ sĩ rất coi thường danh lợi, thậm chí cũng chẳng trọng quân vương. Nhân cách của họ cao vời vợi. Làm quân vương, nếu không có chí lớn xưng bá chư hầu thì mới coi thường kẻ sĩ. Ta không phải loại ấy. Không chỉ quân vương mà mộng bá vương mới là chí lớn của ta, nên lúc nào ta cũng coi trọng kẻ sĩ".

Cái đạo của bậc vua sáng là làm sao khiến cho người khôn ngoan hết lòng lo lắng vì xã tắc và nhà vua từ đó mà quyết đoán công việc, nhờ thế cái khôn ngoan của nhà vua không bao giờ cạn. Những người hiền trổ hết tài năng của mình, nhà vua nhân đó mà sử dụng họ, nhờ thế tài năng của nhà vua không bao giờ thiếu. Công việc tốt thì vua được tiếng giỏi, có sai lầm thì bầy tôi chịu, nhờ thế nhà vua không bao giờ hết cái danh. Vì vậy, nhà vua không giỏi mà làm thầy những người giỏi, không khôn ngoan mà làm chuẩn mực cho sự khôn ngoan. Muốn được thế thì nhà vua phải rất khiêm tốn và cầu thị. Nhà vua biết bỏ điều riêng tư, coi xã tắc làm trọng, lấy phép công làm chuẩn thì dân sẽ được an, nước sẽ thịnh. Vua quan giàu mà nước vong, thì nguy cơ không phải từ bên ngoài mà chính tự mình sinh ra. Vua độc tài, lộng quyền, tham lam bạo ngược, nhẫn tâm xuống lệnh tàn sát, phanh thây mổ xác lương dân bất kể người già hay trẻ nhỏ, quần thần bị khóa hết mồm, thì sự sụp đổ tất không tránh khỏi và rồi quả báo sẽ thê thảm khôn lường. Quyền lực là con dao hai lưỡi, kẻ nào lạm dụng quyền lực kẻ đó cũng chết bởi quyền lực. Khi đang ở thế thượng phong cần phải nghĩ ngay đến lúc hạ mạt. Đại họa chưa giáng, chớ vội mừng. Sẽ lãnh đủ. Không chỉ đời mình mà cả đời con cháu. Không những thế với lịch sử còn phải muôn đời mang tiếng ác. Hãy xem kết cục cuộc đời của những tên bạo chúa mà suy ngẫm để tu thân. Nhà vua biết tôn trọng, lắng nghe "Quân sư" và "Gián quan" sẽ bớt được sai lầm, thì nước cường, dân phú. Tiền nhân đã để lại biết bao bài học.

Phan Thiên Tước người huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, từng giúp Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống giặc Minh. Sau khi Lê Lợi lên ngôi, ông được bổ nhiệm làm quan ở Ngự Sử đài chuyên can gián vua và vạch tội quan tham. Ông là người thẳng thắn, cương trực, từng dâng sớ tố cáo hàng loạt quan đại thần, đứng đầu là Lê Thụ - giữ chức Tể tướng kiêm Tổng Chỉ huy quân đội, đã lợi dụng chức quyền bắt binh lính về làm việc riêng cho mình; vơ vét tiền của xây nhà cao cửa rộng, tổ chức bao che cho người thân buôn lậu. Hơn thế, ông còn dám can ngăn vua bỏ thói hư tật xấu, chăm lo việc triều chính. Khi Lê Thái Tông kế vị vua cha, mới được hơn một năm, còn trẻ, trong cư xử có nhiều điểm không đúng với tư thế và phong cách của bậc đế vương, khiến quần thần nhiều người bất tín. Ông dâng sớ kể ra "Sáu điều không hợp đạo" của vua, khuyên vua nên lưu tâm đến học thuật, chiêu hiền đãi sĩ, chọn nhân tài giúp nước, kính trọng các bậc đại thần, úy lạo người có công, nghe lời nói thẳng, mở rộng đường ngôn luận, mới có thể nối được vương nghiệp.

Vua Lê Thái Tông xem xong tờ tấu đùng đùng nổi giận, sai triệu Phan Thiên Tước đến vặn hỏi, buộc ông phải nói tên những ai đã kể về các việc nêu trong sớ. Phan Thiên Tước khảng khái tâu: "Bọn thần vì lo cho xã tắc và yêu mến vua nên làm hết chức trách, dù có phải chết cũng không sợ. Ngày xưa, vua Thuấn là bậc thánh nhân mà Bá Ích vẫn lấy việc chơi bời, trễ nải của vua để can ngăn. Đường Thái Tông là bậc đế vương mà Ngụy Trưng vẫn dâng sớ nói mười điều chưa đúng của vua để phòng ngừa. Bọn thần chỉ sợ nhà vua có lỗi lầm, nên hết lòng ngu dại can ngăn. Bệ hạ nhận cho thì dẫu kẻ chăn trâu kiếm củi cũng trổ hết tài năng, mà thánh đức của Bệ hạ càng thêm ngời sáng. Xưa chí tôn như Nghiêu, Thuấn mà vẫn lấy Quản Trù, Thành Chiêu làm thầy. Nay Bệ hạ còn trẻ, đạo trị nước chưa biết rõ hết, hạ thần kén chọn nho sĩ vào hầu bên cạnh cũng là muốn Bệ hạ được như Nghiêu, Thuấn, sao Bệ hạ lại có thể coi thường tôn xã mà phụ lòng trung thành của các bậc bầy tôi như vậy. Mạnh Tử xưa đã từng dạy vua xem bề tôi như đất như cỏ thì bề tôi xem vua như giặc như thù. Xin Bệ hạ hãy nghĩ đến lời gửi gắm của Tiên vương, thì phúc cho bốn biển và Bệ hạ cũng được hưởng cái lộc sống lâu của bậc đại hiếu".

Vua Lê Thái Tông nghe xong, nguôi giận và vẫn để Phan Thiên Tước giữ chức như cũ.

Cũng từ đấy, nhà vua quyết chí tu thân, sửa các tật xấu, thẳng tay trừng trị bọn gian quan tham nhũng, khiến quần thần ngày càng quý trọng, vua tôi hòa thuận, xã tắc yên ổn, lòng dân tin cậy.

Ở Trung Quốc, thời Xuân Thu, Tề Tương Công có hai người con trai, một là công tử Củ và người kia là công tử Tiểu Bạch. Năm 686, tên phản nghịch Công Tôn Vô Tri giết chết Tề Tương Công tự xưng vua. Công tử Củ và công tử Tiểu Bạch phải chạy trốn ra nước ngoài. Một năm sau, Công Tôn Vô Tri bị các bậc trung thần giết, nhất thời nước Tề không có vua, cả hai anh em đều muốn nhanh chóng trở về tranh đoạt ngôi báu. Lúc ấy, có ba kẻ sĩ rất giỏi cùng là quan đại triều. Đó là Quản Trọng, Bào Thúc Nha và Triệu Hốt rất thân thiết với nhau, đều một lòng vì xã tắc. Quản Trọng tên thật là Di Ngô, tự là Kính Trọng, người Dĩnh Thượng, nước Tề, sinh năm 725 tr.CN, sống trong thời đại xã hội hỗn loạn, chiến tranh liên miên. Ông giàu tài năng, tâm hùng chí lớn, kết thân với Bào Thúc Nha, một đại quan có phẩm đức cao thượng, rất giỏi nhận biết con người. Bào Thúc Nha đánh giá cao Quản Trọng, đặc biệt tài trị quốc, nên luôn nhiệt tình giúp đỡ, kiên trì tiến cử với Tề Hoàn Công và được Tề Hoàn Công tôn là "Trọng Phụ". Vì thế, người đời thường gọi ông là Quản Trọng. Triệu Hốt cũng là người tinh bang tế thế. Ông cho rằng công tử Củ xứng đáng kế vị vua cha. Quản Trọng suy nghĩ một lúc, rồi nói: "Dân chúng trong thiên hạ đều oán ghét mẹ của công tử Củ và ngay cả công tử Củ cũng chẳng có đức tài gì. Tiểu Bạch không may mẹ mất sớm lại hiền tài chắc sẽ được mọi người thương quý. Tuy nhiên ai kế vị cũng rất khó biết trước. Chi bằng ba chúng ta, một người phò công tử Tiểu Bạch, hai người phò công tử Củ. Sau này, dù người kế vị là ai thì chúng mình cũng có đường lui tiến". Họ cho thế là phải và phân công Bào Thúc Nha phò công tử Tiểu Bạch, Quản Trọng và Triệu Hốt phò công tử Củ.

Vì phò công tử Củ phải một lòng với chủ, nên Quản Trọng bố trí quân mai phục nhằm hãm hại công tử Tiểu Bạch trên đường về nước. Khi Tiểu Bạch vừa đến, Quản Trọng giương cung bắn, nhưng mũi tên trúng chiếc móc đai áo bằng đồng ở gần rốn. Tiểu Bạch giả vờ chết. Được sự giúp đỡ của Bào Thúc Nha, công tử Tiểu Bạch về nước trước và lên ngôi vua.

Đó chính là Tề Hoàn Công nổi tiếng trong lịch sử.

Để trả thù và phòng hậu họa, Tề Hoàn Công đã giết chết Công tử Củ cùng Triệu Hốt. Sợ liên lụy đến người thân, Quản Trọng tự trói đến gặp Tề Hoàn Công xin chịu tội. Tề Hoàn Công lệnh xử trảm.

Bào Thúc Nha hết sức khuyên can và đem tính mạng cả gia đình mình ra bảo lãnh cho Quản Trọng, với lý do Quản Trọng là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Nhà vua hỏi: "Cái tài của Quản Trọng là gì? So với khanh ai hơn?". Bào Thúc Nha khẩn thiết tâu: "Thần có năm điều không bằng Quản Trọng. Đối với dân có lòng khoan hậu, lúc nào cũng nghĩ tới tri ân để bá tánh ổn định, đó là một. Đối với việc trị nước không thể để mất sự nghiêm minh của pháp luật, đó là hai. Dùng chữ "Trung" và chữ "Tín" để tập hợp bách tính, đó là ba. Đặt ra mọi lễ nghi chế độ khiến bốn phương cùng thi hành, đó là bốn. Tay cầm dùi trống đứng trước ba quân đánh lên để nung nấu ý chí của binh sĩ và thần dân cả nước dũng cảm xông về phía trước, thần không làm được như ông ấy, đó là năm. Muốn quốc gia cường thịnh thì nhà vua không thể không bỏ qua thù oán cá nhân, đặt giang sơn xã tắc trên hết mà dùng Quản Trọng. Bậc đại trượng phu dám làm việc lớn thì phải biết bỏ qua hận nhỏ, huống hồ Bệ hạ là bậc minh quân. Được như thế là hồng phúc cho quốc gia. Vả lại, theo đạo quân thần, vì trung thành với chủ mà Quản Trọng phải làm thế cũng là lẽ tự nhiên, chứ thật ra trong thâm tâm Quản Trọng từ lâu vốn tôn sùng Bệ hạ".

Tề Hoàn Công nghe ra đã miễn tội cho Quản Trọng. Sau đó biết Quản Trọng thực sự đức tài, nhà vua phong ông làm Tể tướng chủ trì mọi công việc triều chính. Đủ biết phải có tâm sáng, lòng rộng mới dùng được kẻ sĩ. Như thời xưa, Ung Xỉ từng giúp Hạng Vũ mấy lần đẩy Lưu Bang đến chỗ tuyệt vọng. Vậy mà sau khi đánh bại Hạng Vũ thống nhất thiên hạ cần nhân tài để tái thiết quốc gia Lưu Bang không hề tính đến thù oán cũ, phong ngay tước hầu cho Ung Xỉ. Võ Tắc Thiên đọc bài hịch "Từ Kính Nghiệp thảo Võ Anh" do Lạc Tân Vương soạn, không hề nổi giận vì những lời cực lực phỉ báng mình, ngược lại còn thốt lên: "Người này mà không dùng là bỏ qua một Tể tướng". Trương Tú đã từng là tử thù của Tào Tháo. Con và cháu của Tào Tháo đều bị Trương Tú giết. Nhưng nhờ quân sư Tuân Úc cho biết Trương Tú là một tướng tài, nên trước trận Quan Độ, Tào Tháo chủ động làm thân. Để Trương Tú hết nghi ngờ lo sợ, Tào Tháo còn cưới con gái của Trương Tú cho con trai mình. Quả nhiên Trương Tú đã dốc hết tài năng lập nhiều công lớn giúp Tào Tháo chiến thắng. Hoặc Trần Lâm, khi theo Viên Thiệu, đã từng viết hịch văn không chỉ liệt kê tội trạng của Tào Tháo, mà còn công kích cả ông bà nội và cha mẹ ông ta. Tào Tháo đọc hịch văn này lửa hận ngút trời, thề phanh thây Trần Lâm. Nhưng khi Trần Lâm quy hàng, biết đây là một nhân tài đã dẹp thù riêng, không chỉ tha thứ cho Trần Lâm, mà còn dùng ông ta làm Chưởng quản văn thư cho mình.

Bằng tấm lòng độ lượng, Tề Hoàn Công đã khiến Quản Trọng dốc hết tâm sức tài năng phò tá, tiến hành hàng loạt cải cách cả chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, văn hóa... đưa nước Tề thành bá chủ hùng mạnh nhất thời Xuân Thu. Cũng bằng sự bao dung độ lượng mà Tào Tháo đã dùng được cả Trương Tú, Trần Lâm giúp mình chinh phục thiên hạ.

Đó là bên Tàu, còn ở nước ta, từ thế kỷ 16 triều Lê sơ cực kỳ thối nát và tàn bạo không thể điều hành xã tắc. Khiến An Hưng vương Mạc Đăng Dung văn võ song toàn, đang nắm giữ quyền lực lớn, hết lòng muốn chấn hưng đất nước đã vận động được nhiều bá quan đồng tình yêu cầu vua Lê nhường ngôi thực hiện cuộc bàn giao lịch sử không đổ máu như Trần Thủ Độ đã từng làm với nhà Lý. Thời kỳ đầu Mạc Đăng Dung gặp không ít khó khăn. Một số quan đại triều vốn là cựu thần nhà Lê như Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt đã từng trợn mắt mắng Mạc Đăng Dung, Lê Tuấn Mậu khi vào chầu dấu đá trong tay áo để ném Mạc Đăng Dung, Tiến sĩ Thiều Quy Linh chức Tả thị lại đã từng chửi mắng Mạc Đăng Dung thậm tệ, Tiến sĩ Thái Bạt nhổ vào mặt Mạc Đăng Dung... Nhưng Mạc Đăng Dung không hề có hành vi nào trả thù. Ông không thành kiến, không nghi ngờ, coi đại nghĩa làm trọng chứ không vì tư thù cá nhân nên càng thu phục được nhân tâm. Nhà vua tìm mọi cách trọng dụng họ bởi những người đó thực sự là nhân tài mà xã tắc đang cần. Đáp lại họ đã hết lòng vì giang sơn đất nước phục vụ.

Trong lịch sử, những bậc "Minh vương" hiểu được giá trị của lời can ngăn quyết chí tu thân vì giang sơn đất nước thường coi "Quân sư", "Gián quan" như sư phụ. Chu Văn Vương nói: "Chỉ người nhân nghĩa một lòng vì xã tắc và hết mực thương dân mới có đủ tâm đức để tiếp thu những lời góp ý hay can gián ngay thẳng". Lão Tử dạy: "Vua hiền lấy tâm của dân làm tâm của mình". Khổng Tử viết: "Người nắm rường cột xã tắc, cần phải biết tôn trọng cả sự bất bình, phẫn nộ của người khác đối với mình". Sách "Luận ngữ" ghi: "Vua Chu Vũ Vương có lần ngửa mặt kêu: "Nếu mình trẫm gây ra tội thì xin Trời phạt mình trẫm thôi. Nếu muôn dân gây ra tội cũng xin Trời phạt mình trẫm, bởi tội của muôn dân là do lỗi từ trẫm"...". Về vai trò nhân dân đối với hưng vong quốc gia xã tắc, ở nước ta các bậc tiền nhân cũng đã từng khuyến cáo. Trong "Binh thư yếu lược" Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại vương viết: "Lượng sức dân để nuôi rễ bền gốc". Nguyễn Trãi ngay câu đầu trong "Đại cáo bình Ngô" đã nhấn mạnh: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy: "Cổ lai quốc dĩ dân vi bản. Đắc quốc ưng tri tại đắc dân" ( Trích trong "Bạch Vân thi tập" - Dịch là: "Từ xưa đến nay nước lấy dân là gốc. Được nước nên biết đó là do ở chỗ được lòng dân").

Là tướng giỏi nước Sở thời Xuân Thu, văn võ song toàn nhưng Tôn Thúc Ngao sống rất khiêm tốn, giản dị và cầu thị. Khi được phong Lệnh doãn (Thừa tướng) mọi người mặc quần áo đẹp đến mừng, duy có một cụ già bận đồ tang tới viếng. Tôn Thúc Ngao không hề phật ý, ăn mặc nghiêm chỉnh ra nghênh tiếp và thưa với ông lão rằng: "Nhà vua không biết tôi là kẻ bất tài, quá tin mà cho làm quan để tôi gây lụy đến dân. Ai ai cũng đến mừng, chỉ mình cụ tới viếng, chắc có điều chỉ bảo chăng?". Ông lão nói: "Có. Thân đã sang mà khinh người thì dân không chuộng. Chức đã cao mà lộng quyền thì bá tánh sinh nghi. Lộc đã hậu mà không biết dừng thì tất gặp họa". Tôn Thúc Ngao vái và nói: "Xin kính vâng lời. Mong cụ dạy bảo thêm nữa". Ông lão tiếp: "Chức đã cao càng phải khiêm cung. Quan đã to tâm càng phải sáng. Lộc đã hậu công việc càng phải tận tụy, cẩn thận, chớ làm bậy. Giữ được những điều ấy sẽ quản được dân". Tôn Thúc Ngao cúi đầu bái lạy. Ngẩng lên ông lão đã bỏ đi.

Vì thế biết ơn người khen thì càng phải biết ơn người chê. Bởi lời chê thường có ích hơn khen. Do vậy lời khen nghe thoảng, nhưng lời chê phải nghe kỹ. Tuân Tử dạy: "Người khen ta mà khen phải là bạn. Người chê ta mà chê phải là thầy". Suy đến cùng thì sự xu nịnh bao giờ cũng hại nhiều hơn lợi và tốn thương nhân cách cả kẻ nịnh cũng như người được nịnh.

Đứng đầu quốc gia mà luôn tìm cách tự đề cao mình; hả hê với tâng bốc, hằn học thù hận với chỉ trích phê phán mình thì không phải bậc "Minh vương" mà chỉ là đồ phế thải. Còn những kẻ khom lưng, cúi đầu, khúm núm, xun xoe bợ đỡ bề trên bằng ngôn từ hay cử chỉ hèn hạ đến không còn nhân tính; hoặc "cáo mượn oai hùm" nấp bóng nhà vua khuynh đảo tà quyền lợi dụng đục nước béo cò kiếm chác thì đó không phải "Quân sư", "Gián quan" mà là rác rưởi.

Lịch sử cũng chứng minh, bất kể triều đại nào, nếu nhà vua không đặt giang sơn xã tắc lên trên hết, chỉ lo vinh thân phì gia, độc đoán chuyên quyền; không chọn "Quân sư" giỏi để nghe khuyên nhủ những việc nên làm; không tìm "Gián quan" thẳng thắn cương trực để can ngăn những điều cần tránh, tệ hơn còn trả thù họ, thì không chỉ tự chuốc lấy thất bại, mà quốc gia suy vong là tất yếu. Sách binh thư "Lục thao" của đại mưu lược gia Khương Tử Nha (nhà Chu - Trung Quốc) viết: "Nhìn đồng ruộng thấy cỏ dại át lúa. Nhìn dân chúng thấy kẻ tà át người ngay. Nhìn quan lại thấy trên dưới bất hòa, bạo ngược tàn tệ. Nhìn pháp luật thấy đồi bại, hình phạt rối loạn. Nhìn nhà vua thấy chuyên quyền, độc ác. Đó là dự báo mất nước vậy".

Trong bối cảnh lịch sử đầy biến động. Đại họa vô cớ có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Mỗi người đều lo cách để tồn tại. Triều nhà Thanh, đời Càn Long, trung thần Lưu Dung chủ trương không nói gì, hoặc nói nhưng không ai hiểu gì để khỏi bị vin cớ kết tội. Gian thần Hòa Thân lại bằng mọi mưu mô để người khác không nhận ra bản chất thật của mình, giống con kỳ nhông luôn đổi màu, sống như kẻ loạn thần.

Ở đời, nếu tất cả đều nhắm mắt thì không biết ai mù. Mọi người đều im lặng thì chẳng rõ ai câm. Xã tắc rất cần những thần dân dũng cảm, mở to đôi mắt để nhìn và cất cao giọng để nói, bất chấp cả an nguy tính mạng bản thân. Bàn luận về khuyết điểm của người khác là tiểu nhân đáng khinh, nhưng phản biện và phê phán những bất công thối nát của xã hội để tìm ra giải pháp khắc phục lại là nhà tư tưởng đáng trọng.

Tuy nhiên chốn quan trường lời khuyên ít khi được đón nhận một cách xứng đáng bởi người cần thường không muốn nghe.

Hồ Quý Ly có người cô lấy vua Trần Minh Tông. Nghệ Tông là con Minh Tông nên có họ thân về đàng ngoại với Hồ Quý Ly. Nghệ Tông trao Quý Ly thâu tóm quyền lực và hắn ngang nhiên lộng hành. Quý Ly xúi giục Nghệ Tông giết Phế Đế, cháu gọi Nghệ Tông là bác, lập con Nghệ Tông là Thuận Tông lên ngôi. Những tướng lĩnh và quan đại thần không cùng cánh với Quý Ly cũng bị giết theo. Quý Ly gả con gái cho Thuận Tông, hắn trở thành bố vợ vua và càng tác quái. Từ năm 1390, sau khi Trần Khát Chân giết chết Chế Bồng Nga, đỡ phải lo đối phó với giặc Chiêm Thành, Quý Ly càng thao túng triều chính. Các bậc trung thần, kể cả Hoàng tử, thân vương đều bị Quý Ly ép Thượng hoàng Nghệ Tông giết. Sĩ phu có người lo lắng cho đất nước, dâng sớ tâu với Thượng hoàng về sự lộng hành của Quý Ly, Thượng hoàng liền chuyển sớ đó cho Quý Ly xem. Quý Ly lập tức trả thù.

Thượng hoàng Nghệ Tông vì thiếu đức khiêm tốn cầu thị, xa bỏ trung thần, không nghe can gián, ưa phỉnh nịnh, dùng gian tế giết cả con cháu họ hàng, đến nỗi cơ đồ nhà Trần sụp đổ rơi vào tay Hồ Quý Ly vào năm 1400.

Sau đại thắng giặc Minh, Lê Lợi ở ngôi được sáu năm (1428 - 1432) nhưng chỉ mấy năm đầu còn tỏ ra bậc minh quân, sau đó triều chính suy đồi khủng hoảng. Vua thì đa nghi hiếu sát. Bọn gian thần cậy thế lộng quyền, tìm cách trừ diệt công thần. Những tướng tài như Nguyễn Chích, Lê Sát, Lê Ngân, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Sảo đều lần lượt bị ghép vào tội chết.

Yến Anh xuất thân gia đình quyền quý nước Tề (Trung Quốc) làm tới chức Tướng quốc. Ông không chỉ là nhà chính trị, ngoại giao mưu lược lỗi lạc mà còn là nhà văn vĩ đại, đặc biệt nổi tiếng ở nhân cách cao thượng và bản lĩnh phi thường, hết lòng vì giang sơn đất nước. Vua Tề Trang Công là hôn quân, trọng dụng gian nịnh, xa lánh trung thần, suốt ngày đêm hoan lạc. Yến Anh can gián, nhà vua đem lòng hiềm khích. Bất bình ông từ quan về quê cày ruộng sinh sống. Hiền thần theo gương ông xa bỏ triều đình. Tề Trang Công càng mê muội, không lâu bị tên Thôi Trữ cầm đầu gian đảng giết chết. Được tin, Yến Anh quyết định về triều viếng Trang Công. Thực ra bạo chúa Trang Công bị giết, ông không hề thương xót, nhưng Thôi Trữ là tên phản đồ lộng quyền giết vua, ông về viếng Trang Công để tỏ thái độ không khuất phục y. Nhiều người lo lắng cho tính mạng ông, khuyên ông chớ lao vào lửa. Yến Anh nói: “Tuy ta đã từng làm Tướng quốc, nhưng Trang Công không gần ta, ta từ quan là vì ta. Nay Trang Công chết, ta đến viếng là làm trọn đạo bề tôi. Bởi thế không suy nghĩ tới ân oán, được mất cá nhân. Vì quốc gia đối mặt với cái chết ta không né tránh”.

Thôi Trữ không ngờ Yến Anh tới. Thấy ông thản nhiên bước đến, hắn rút kiếm giơ cao. Yến Anh sắc mặt không thay đổi, ung dung đối diện Thôi Trữ, nói rõ điều y làm là bất trung, thất tín, vô đạo và trước khi đến đây ông đã không kể gì đến sống chết. Chính khí hiên ngang của ông khiến Thôi Trữ phải dừng tay. Có người khuyên Thôi Trữ giết ngay Yến Anh phòng hậu họa. Suy nghĩ giây lát, Thôi Trữ nói: “Không được. Lời ông ta có lý, tư chất ông ta đàng hoàng, quần thần và lòng dân xưa nay ngưỡng mộ. Giết ông ta sẽ bất lợi”. Hắn tra gươm vào vỏ. Yến Anh chỉ vào mặt Thôi Trữ: “Tên vô đạo giết vua kia! Những kẻ nối giáo cho giặc kia! Bọn bay sẽ không được sống yên đâu!”.

Thôi Trữ như phát điên. Hắn lại tuốt gươm chĩa thẳng vào ngực Yến Anh. Yến Anh trừng mắt nhìn hắn: “Sợ hãi trước gươm đao không phải người quân tử. Phản bội quốc gia là tiểu nhân đê tiện. Ngực có thể thủng, đầu có thể rơi, Yến Anh ta quyết không bao giờ bị ngươi khuất phục!”. Ông đứng thẳng, ngẩng cao đầu. Giữa lúc Thôi Trữ định hạ sát, có người vội can: “Tuyệt đối không thể làm như vậy được. Ngài giết Trang Công, bởi Trang Công là hôn quân bạo chúa lòng dân oán hận, nên phản ứng không lớn, hơn thế còn hả lòng hả dạ. Yến Anh thì khác. Ông ấy vốn là Tướng quốc, đức cao vọng trọng, thuộc hàng khai quốc công thần, quân dân người nào cũng kính nể, nếu ngài giết thì đại họa sẽ khôn lường”.

Thôi Trữ cho là phải đành nuốt hận buông tay.

Yến Anh rời miếu Thái Công bước lên xe bỏ đi trước sự kính phục của mọi người.

Tư chất của bậc trung thần là thế.

Mới biết làm vua dễ, làm "Minh vương" mới khó. "Minh vương" phải là người biết quản lý điều hành đất nước bằng pháp luật. Sở dĩ nhà vua chế ngự được bầy tôi là nhờ vào hai cái cán là hình và đức. Phạt gọi là hình, thưởng gọi là đức. Hình và đức được thi hành theo đúng pháp luật sẽ tạo ra uy. Con hổ khống chế được con chó, bắt chó phục tùng, là hổ nhờ có nanh nhọn và vuốt sắc. Nếu nanh vuốt đem trao cho chó, thì ngược lại chó sẽ khống chế hổ. Ông vua dùng hình và đức để khống chế bầy tôi. Nếu vua dùng hình và đức không theo pháp luật sẽ không tạo ra được uy. Không có uy thì không thuyết phục nổi bầy tôi và nước sẽ loạn. Bậc vua sáng căn cứ theo pháp luật, lòng dân và tự lượng trí tuệ, sức lực của mình mà biết lúc nào nên thoái quyền, nhượng quyền chứ không cố quyết bám giữ; căn cứ theo pháp luật và lòng dân mà chọn người kế quyền, chứ không tự mình ưa ai thì cứ khăng khăng kiên trì tiến cử; căn cứ theo pháp luật và lòng dân để định công, luận tội mà thưởng, phạt công minh chứ không tự mình ban phát, trừng trị; phải lấy pháp luật và lòng dân làm nguyên tắc cho mọi quyết đoán và ứng xử. Được thế thì kẻ có tài năng không thể bị che lấp, kẻ yếu kém không thể tô vẽ, giữa vua với tôi phân biệt rõ ràng và nước dễ cai trị. Chỉ cần nhà vua tuân theo pháp luật và lòng dân biết bỏ điều riêng tư mà làm theo phép công. Lấy phép công thi hành với bầy tôi thì bầy tôi không thể dối trá, kỷ cương xã tắc có tôn ti trên dưới, "Quân sư" hết lòng khuyên nhủ, "Gián quan" dũng cảm can ngăn. Biển Thước trị bệnh lấy dao chích vào xương. Bậc thánh nhân cứu nguy cho xã tắc bằng lời trung chứ không bằng lời nịnh. Chích vào xương thì đau. Nghe lời trung thì cái tai khó chịu. Cho nên người bệnh muốn khỏi phải biết chịu đau. Vua sáng muốn xã tắc yên ổn, quốc gia hưng thịnh thì phải biết nghe lời chối tai khó chịu. Bị bệnh mà không chịu đau thì bỏ mất cái tài của Biển Thước. Nhà vua mà không chịu nghe điều chối tai khó chịu thì bỏ mất thánh ý của bậc trung thần. Một đất nước bên trong không có những đại thần kiên quyết giữ nghiêm pháp luật, không có người khuyên răn hoặc dám can gián giúp đỡ quân vương sửa chữa lỗi lầm, trong khi bên ngoài kẻ thù luôn rình rập tìm mọi thủ đoạn mua chuộc, khống chế, đe dọa thì sự diệt vong đã ở ngay trước mắt.

Nhưng ở đời "Minh vương" ít, hôn quân bạo chúa thì nhiều. Khi mới lên ngôi ngai vàng còn chưa vững nhà vua thường tỏ ra nhún mình lấy lòng quần thần và dân chúng, nhưng chỉ mấy năm cầm quyền rất dễ trở thành bạo chúa. Hai loại người ấy khác nhau cơ bản. "Minh vương" thành tâm vì xã tắc, luôn vui vẻ tiếp thu can gián, còn bạo chúa bản chất gian hùng nên độc đoán thâm thù. Bởi thế phải là người dũng cảm lắm, sẵn sàng sả thân vì đại cuộc mới dám làm việc khuyên cản những điều sai trái của bề trên. Bởi họ biết có thể mang họa lớn. Nhiều bậc "Gián quan" vì sự tồn vong hưng thịnh của quốc gia can ngăn vua mà phải chịu chết thảm. Như Dục Hầu bị thiêu sống, Quỷ Hầu bị phơi khô, Tỷ Can bị moi gan, Mai Bá bị làm mắm, Quản Di Ngô bị hành hình, Tào Cơ phải chạy trốn sang nước Trần, Lý Bách Hề phải đi xin ăn, Phó Duyệt bị bán làm tôi tớ, Tôn Tẫn bị cắt xương bánh chè, Quan Long Bàng bị chém, Trành Hoành bị phanh thây, Tư Mã Tử bị giết xác trôi trên sông Giang, Điền Linh bị liệng đá đến chết...

Đó là bên Tàu, còn ở nước ta có Chu Văn An. Ông làm quan Quốc Tử Giám tư nghiệp và dạy các con vua. Đời Trần Dụ Tông, triều đình thối nát, nhất là từ khi các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn qua đời, Thượng hoàng Minh Tông cũng không còn, bọn gian thần cấu kết lũng đoạn triều chính. Chu Văn An dâng "Thất trảm sớ" đòi chém 7 gian thần, nhưng vua không nghe. Ông liền bỏ quan về quê mở trường dạy học ở núi Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương. Vua Trần Dụ Tông có chỉ triệu, nhưng ông từ chối, khiến vua rất giận. Thân mẫu vua là Hoàng Thái hậu Bảo Từ khuyên: "Người ấy là bậc cao hiền. Nhà vua không có quyền bắt làm tôi được". Thái sử Ngô Sĩ Liên trong "Đại Việt sử ký toàn thư" viết về Chu Văn An: "Dụ Tông đem chính sự trao cho ông. Ông từ chối. Vua sai nội thần mang quần áo ban cho ông. Ông bái tạ xong liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều coi ông là bậc cao thượng...".

Tư chất và bản lĩnh của "Gián quan" là thế.

Hoặc Lương Đắc Bằng (1472 - 1522), người làng Hội Trào, huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa, đỗ Bảng nhãn năm 1499, làm quan tới chức Tả Thị lang Bộ Lễ, rồi Lại bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, công thần từ đời Lê Hiến Tông (1497 - 1504) đến Lê Tương Dực (1510 - 1516). Không chỉ thuộc bậc túc nho, ông còn là một đại thần cương trực nên nhân dân và triều đình rất trọng vọng. Ông thường được cử đi sứ Trung Hoa và luôn làm tròn sứ mệnh ngoại giao.

Lê Tương Dực là hôn quân bạo chúa. Tháng 10 năm Canh Ngọ (1510) Lương Đắc Bằng viết "Trị bình thập tứ sách" gồm 14 đề mục để giúp vua trị quốc an dân. Vua khen nhưng không thi hành. Ông nhận thấy nhà Lê đã mạt vận dù đem hết tâm sức ra giúp nước cũng không thể vãn hồi được tình thế bèn bỏ mũ áo từ quan về quê mở trường dạy học, nghiên cứu dịch học, lý số, sống "an bần, lạc đạo". Học trò ông nhiều người tài giỏi vang danh thiên hạ, trong đó có hai Trạng nguyên là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lương Thế Vinh.

Một lần đi sứ sang Minh quốc ông mang được bộ "Thái ất thần kinh" về nghiên cứu và thấy đây là sách rất quý. (Có giả thuyết cho rằng tác giả sách này là Dương Hùng, một danh nho đời Hán Tuyên đế (91 tr.CN - 49 tr.CN), rất uyên bác thông tuệ chuyên nghiên cứu Dịch học theo thuyết âm dương). Trước khi qua đời thầy Lương Đắc Bằng trao sách đó cho người trò yêu của mình là Nguyễn Bỉnh Khiêm với lời dặn: "Thầy tin con có thể đọc và hiểu được những tinh túy, sâu sắc ở đây rồi đem ra giúp đời làm việc thiện".

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 đời Lê Thánh Tông, người làng Trình Tuyền, huyện Vĩnh Lại (nay là Vĩnh Bảo - Hải Phòng). Thân phụ ông là Quận công Nguyễn Văn Định, mẹ là con gái Thượng thư Nhữ Văn Lan. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng Thần đồng, hai tuổi nói sõi, năm tuổi được mẹ dạy kinh sách, thơ văn, lịch sử, học đâu nhớ đấy. Đất nước loạn lạc nên 43 tuổi ông mới đi thi hương đỗ đầu Giải nguyên, năm sau thi hội đỗ đầu Hội nguyên và thi đình đỗ Trạng nguyên. Ông làm quan đại triều nhà Mạc. Đời Mạc Phúc Hải có nhiều lộng thần thao túng triều chính, ông dâng sớ đòi chém 18 tên (trong đó có cả con rể của mình là Phạm Dao làm trấn thủ Sơn Nam). Vua không nghe. Ông trả mũ áo từ quan, về mở trường dạy học. Học trò ông nhiều người nổi tiếng như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử... Ông dựng một mái am nhỏ bên hồ Bạch Vân, lấy tên hiệu là "Bạch Vân ẩn sĩ", ông sống an bần lạc đạo thanh cao như bậc chân tu, sáng tác thơ văn, nghiên cứu lịch sử, "Kinh dịch", Phật pháp, lý số... Không phụ sự ủy thác của thầy Lương Đắc Bằng mà ông vô cùng tôn kính, Nguyễn Bỉnh Khiêm nghiền ngẫm "Thái ất thần kinh", trí tuệ uyên bác giúp ông biết kỹ, hiểu sâu. Đây là công trình nghiên cứu công phu tổng hợp nguyên lý âm dương, ngũ hành, bát quái của triết học cổ đại phương Đông, gộp được cả các quy luật tương tác, vận hành vũ trụ, sinh mệnh con người trong xã hội cùng vạn vật. Nhờ thế mà ông tinh thông bách khoa, hiểu được quá khứ, hiện tại, đoán trước tương lai bằng những tiên tri chính xác kỳ diệu về vận mệnh quốc gia xã tắc được ghi lại trong sách "Sấm ký" ("Sấm Trạng Trình"), "Huyền phạm", "Bạch Vân thi tập", "Bạch Vân quốc ngữ thi" lưu truyền hậu thế.

Noi gương sư phụ và các bậc tiền bối, để giữ gìn nhân cách phẩm giá, ông kiên quyết bất hợp tác với chính quyền thối nát đương thời.

Tư chất và bản lĩnh của "Gián quan" là thế.

Lịch sử có những vua do mù quáng nghe lời xiểm nịnh mà giết oan trung thần, như Giản Định đế Trần Quỹ. Hồ Quý Ly thua, giặc Minh chiếm nước ta, Giản Định đế Trần Quỹ, con thứ vua Trần Nghệ Tông tập hợp lực lượng chống nhà Minh. Quân Minh mạnh, Trần Quỹ bỏ chạy. Nhờ có Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Nguyệt Hồ và nhiều tướng giỏi giúp mới lập được địa bàn từ Nghệ An trở vào, rồi tấn công ra Đông Quan. Khi đuổi giặc tới Cổ Lộng (thuộc huyện Ý Yên - Nam Định ngày nay), Giản Định đế định thừa thắng đánh ra lấy Đông Quan, nhưng tướng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, những người dầy dạn trận mạc can ngăn, muốn chờ quân các lộ về hội đủ mới có thể thắng giặc. Một số kẻ gian nịnh xu thời gièm pha, nhà vua nông nổi nghe theo, đem giết hai tướng tài là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Quân tướng nhà Trần bất bình vì thấy vua giết trung thần có công lớn, chán nản bỏ ngũ hàng loạt. Con Đặng Tất là Đặng Dung, con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị uất hận bỏ Giản Định đế, đem quân vào Thanh Hóa rước Trần Quý Khoáng vào La Sơn (Hà Tĩnh) tôn lên ngôi, hiệu là Trùng Quang.

Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn là quan trung thần, một người rất có công, chú ruột đồng thời cũng là bố vợ vua Trần Minh Tông (thân sinh Hoàng hậu Lệ Thánh - vợ Minh Tông). Trần Quốc Chẩn mấy lần đánh tan giặc Chiêm Thành kéo quân sang gây hấn.

Do Hoàng hậu Lệ Thánh chưa sinh con trai, nên việc lập Thái tử các quan trong triều phân làm hai phái ngược nhau. Một phái do Trần Quốc Chẩn đứng đầu, muốn chờ Hoàng hậu sinh con trai rồi mới lập Thái tử. Phái kia do Văn Hiến hầu Trần Khắc Chung (người đưa Huyền Chân Công chúa từ Chiêm Thành vượt biển về sau khi Chế Mân chết) xin lập Hoàng tử Vượng - con một thứ phi làm Thái tử. Để đạt ý định đó, Trần Khắc Chung dùng thủ đoạn nhỏ nhen, đê tiện cho tên Trần Nhạc, đầy tớ của Trần Quốc Chẩn 100 lạng vàng, xui nó vu cáo Trần Quốc Chẩn mưu làm phản. Vua Minh Tông liền bắt Quốc Chẩn giam ở chùa Tư Phúc. Nhân đó Trần Khắc Chung cùng lũ gian thần xúc xiểm nhà vua nên trừ khử Trần Quốc Chẩn phòng hậu họa. Trần Minh Tông hồ đồ bỏ ngoài tai những lời can gián, nghe theo gian thần, không cho điều tra, lệnh bỏ đói khát để Quốc Chẩn chết.

Sau đó, một người vợ lẽ của Trần Nhạc tố cáo sự thật, nỗi oan mới được giải, nhưng trung thần Quốc Chẩn đã không còn.

Lê Thái Tông là vị vua anh minh rất kính trọng Nguyễn Trãi. Ngày 27 tháng 7 năm Nhâm tuất (1442), nhà vua đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi đón vua ngự tại Côn Sơn, nơi ở của ông. Ngày 4 tháng 8, vua về Lệ Chi Viên (Gia Bình - Bắc Ninh). Cùng đi có Nguyễn Thị Lộ, người thiếp xinh đẹp của Nguyễn Trãi lúc đó đã ở tuổi 40, được Thái Tông rất cảm mến đi hầu. Đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ bình thơ, đàn hát và đột ngột qua đời. Một số quan trong triều lâu nay vốn ghen ghét với nhân cách và tài năng Nguyễn Trãi, lợi dụng cơ hội này, hùa nhau quy tội Nguyễn Thị Lộ mưu sát vua. Họ tôn Hoàng tử Bang Cơ mới hai tuổi lên ngôi, hiệu là Lê Nhân Tông, nhưng nhiếp chính điều hành đất nước là Hoàng Thái hậu. Hoàng Thái hậu vốn có thù riêng với Nguyễn Trãi, bất chấp lời can gián, nghe theo bọn gian thần, lệnh án tru di ba họ nhà Nguyễn Trãi mà không cho điều tra kỹ. Phẫn nộ thay lưỡi dao oan nghiệt của cái triều đình ngu muội ấy, lại do chính Nguyễn Trãi bậc khai quốc công thần chiến đấu hơn mười năm trời giúp Lê Lợi dựng nên (!).

Mãi hơn hai mươi năm sau, đến đời Lê Thánh Tông, nhà vua mới giải được nỗi oan này. Vua bãi hủy chiếu chỉ truy sát ba họ, cho tìm con cháu Nguyễn Trãi còn sống sót, sưu tầm thơ văn của ông để lưu giữ cho hậu thế. Trong bài thơ về Nguyễn Trãi, nhà vua viết: "Ức Trai tâm thượng, quang khuê tảo" - (Tâm của Ức Trai - Nguyễn Trãi sáng như sao Khuê trên cao).

Tất cả những người dám can gián nhà vua đều là kẻ sĩ tài giỏi, có nhân đức, trung với nước hiếu với dân và nhiều mưu lược, nhưng không may gặp phải vua hôn ám, hung bạo mà chịu chết thảm, hoặc bất mãn từ quan để giữ gìn nhân cách.

Đó là chuyện ngày xưa.

Còn ngày nay, quyền dân chủ được ghi khá đầy đủ trong "Hiến pháp năm 2013"; Điều 30: "Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác" và Điều 16: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật". Điều 16 "Luật Khiếu nại - Tố cáo" cũng ghi rõ: "Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, đe dọa, trả thù, trù dập người khiếu nại tố cáo, tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo...". Khoản 2, Điều 19 "Công ước Quốc tế về nhân quyền" mà Việt Nam tham gia ký kết ngày 24-9-1982: "Mọi người đều có quyền phát biểu quan điểm bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia". Điều quan trọng nhất là đoàn kết được toàn dân khiến cho trên dưới hòa đồng. Muốn vậy thì người trên phải bỏ tư tưởng bè phái, cục bộ, tôn trọng quyền của mọi thần dân để họ được tự do dân chủ, phát triển sở năng, thỏa mãn sở nguyện. Ai phục tùng tự họ sẽ tìm tới. Muốn được vậy thì lòng người trên phải trung chính. Nếu có tà tâm mưu cầu tư lợi dùng thủ đoạn để áp buộc thì dầu người ta có miễn cưỡng theo rồi cuối cùng họ cũng tìm cách kháng, không thể tập hợp được quốc dân cùng lo việc xã tắc. Người trên phải có chí thánh mới cảm hóa được người dưới và người dưới mới chí thành với người trên. Nghị quyết 4 Trung ương, Khóa XI coi tham nhũng và thoái hóa biến chất đạo đức lối sống trong "bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên" là giặc nội xâm. "Làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, trực tiếp đe dọa sự tồn vong chế độ" nên xác định việc chống lại chúng là quốc sách. Chỉ thị và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân tham gia cuộc chiến này.

Rất tin tưởng những điều ấy, xã hội ta cũng không thiếu các trung thần với nhân cách đạo đức của người cách mạng chân chính. Họ là các bậc có công khai quốc, lão thành cách mạng, trí thức, nhân sĩ, tướng lĩnh, sĩ quan, cán bộ, công chức và nhân dân lao động. Họ dám dũng cảm nghĩ những điều người khác không dám nghĩ, nói những điều người khác không dám nói và làm những việc người khác không dám làm. Họ phân tích, đề xuất, thậm chí phê phán, can ngăn những chủ trương, những dự luật, dự án liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và vận mệnh quốc gia, kiên trì phản ánh, phản ứng, lên tiếng phanh phui tố cáo và đấu tranh không khoan nhượng trước sai trái của những kẻ thoái hóa biến chất, tham nhũng, suy đồi về đạo đức, lối sống, phản bội Tổ quốc, buông bỏ lý tưởng cách mạng, nhằm bảo vệ chế độ tốt đẹp, mà biết bao xương máu của hàng triệu cán bộ chiến sĩ và nhân dân đã đổ xuống mới có.

Những ý kiến đóng góp của họ được hầu hết các nhà lãnh đạo đáng tin cậy của Đảng và Nhà nước trân trọng ghi nhận, tiếp thu. Điều ấy thể hiện tính ưu việt của xã hội dân chủ, coi phản biện là đòn seo phát triển đất nước.

(Tuy nhiên, vẫn còn những tà quan tồn tại ở mọi cấp, mọi ngành tự cao tự đại, độc đoán chuyên quyền, bảo thủ, tự huyền thoại mình, cho mình giỏi hơn tất cả, đặt mình cao hơn tất cả, bằng mọi mưu mô để thâu tóm, bám giữ quyền lực cho mình và phe cánh mình; ai nói hoặc làm trái ý lập tức xuống lệnh bắt thuộc hạ phải xử lý, trừng trị, bất chấp pháp luật, chà đạp đạo đức, tìm mọi thủ đoạn xấu xa, hèn hạ, tàn độc để trả thù, khiến họ phải chịu bao thiệt thòi, bị trù úm, vùi dập, bị đàn áp, tù tội. Nhưng họ vẫn quyết không nhụt ý chí. Bởi họ có niềm tin sắt đá rằng nhất định chính sẽ thắng tà. Kẻ nào làm cho nhiều người sợ thì kẻ đó phải sợ nhiều người. Gieo gió tất gặt bão. Tiền nhân đã dạy "Ở đời chớ cậy khi quyền thế. Gặp nước bàn cờ tốt đuổi xe". Bọn tà quan ấy chắc chắn không thể tồn tại. Khi thân tàn sức kiệt, chức vụ quyền lực không còn, "ác giả ác báo" đại họa giáng xuống thê thảm lúc ấy dù có hối cũng đã muộn).

Ý kiến phản biện, đóng góp chân tình, phê phán nghiêm khắc, mạnh mẽ can ngăn với động cơ xây dựng quốc gia của các cá nhân, tập thể là những tấm gương kiên trung bất khuất một lòng vì nước vì dân. Nhà nước đã ban hành luật để bảo vệ và khuyến khích họ. Bởi thế, không chỉ cơ quan công quyền các cấp, mà tất cả cán bộ và người dân hãy chung tay góp sức đồng hành và kiên quyết bảo vệ họ.

Đó chính là những "Quân sư", những "Gián quan" chân chính mà xã tắc rất cần. Chỉ mong sao quốc gia có được nhiều bậc "Minh vương" thì nhất định Đất nước sẽ "Hưng thịnh trường tồn ức vạn xuân" như nhà tiên tri Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết trong "Bạch Vân thi tập".