Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một vài nhận xét khi đọc bài GIẢI MÃ CUỘC HÀNH QUÂN RA BẮC VÀ TRẬN NGỌC HỒI- ĐỐNG ĐA CỦA VUA QUANG TRUNG, XUÂN KỈ DẬU 1789? của Trần Quốc Thường 1)

Quang Lâm
Thứ ba ngày 23 tháng 2 năm 2021 9:09 AM



Nguyễn Thiếp quê gốc làng Cương Gián huyện Nghi Xuân Hà Tĩnh, bố mẹ ông sinh ra ông ở xã Kim Lộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Vậy tác giả căn cứ vào Gia phả họ Nguyễn ở Phú Lương Thanh Oai Hà Tây (nay là Hà Nội) để viết về La Sơn phu tử chắc là nhầm!

Cũng chính vì thế mà trong bài viết TG Trần Quốc Thường ta không thấy một câu chữ nào nói về quê hương của Nguyễn Thiếp – mảnh đất văn vật xứ Nghệ - Can Lộc Hà Tĩnh.

La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp- một trong những tác gia văn học, nhà chính trị. Mối quan hệ giữa vua Quang Trung Nguyễn Huệ và La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp thể hiện qua những bức thư, chiếu, biểu hết sức quan trọng còn được chép trong văn bản Hạnh Am di văn 幸庵遺文. Phần 2 của văn bản này sao chép tất cả 16 bức thư, chiếu, chỉ, biểu tấu trong một bảng thống kê khá chi tiết (8) (7).

Theo Wikipedia (2) và Báo Hà Tĩnh (9) Tiểu sử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp được tóm lược như sau:

1. Sau khi thi đỗ ông giữ chức Huấn Đạo (1756) tại Anh Sơn, sau đó làm tri huyện Thanh Chương, Nghệ An.

2. Năm Mậu Tý (1768), Nguyễn Thiếp từ chức, trở về lập trại Bùi Phong dưới chân núi Thiên Nhẫn (Nam Đàn, Nghệ An) để dạy học.

3. Năm 1780: chúa Trịnh Sâm định lật đổ nhà Lê, mời ông ra Thăng Long, ông can ngăn không được, Nguyễn Thiếp chán nản xin cáo từ mà không nhận bất cứ chức tước hay bổng lộc nào. Lúc này Nguyễn Thiếp đã 60 tuổi, trở về trường cũ trong núi sâu và tiếp tục dạy học, nghiên cứu học thuật.

4. Năm 1786, 1787 Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc diệt họ Trịnh, mời Nguyễn Thiếp giúp, nhưng 2 lần ông đều từ chối, tự nhận mình là một thần tử nhà Lê, tuổi cao, tài hèn sức mọn, không thể giúp gì được.

5. Lần thứ 3, ngày 13 tháng 9 năm 1787, Nguyễn Huệ sai quan Thượng thư Bộ hình Hồ Công Thuyên dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Nguyễn Thiếp vẫn thoái thác không đi.

6. Tháng 4 năm Mậu Thân (1788), trên đường ra Thăng Long trừ Vũ Văn Nhậm. Khi đến đất Nghệ An, Nguyễn Huệ đã cử Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Lời thư rất tha thiết, nên ông đành xuống núi nhưng vẫn chưa chịu ra giúp. Hai người rất tâm đầu ý hợp, bàn luận sôi nổi. Cuộc hội kiến tưởng chừng như không dứt.

7. Cuối năm 1788, sau khi lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (Huế), vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) kéo quân ra Bắc, đến Nghệ An nghỉ binh, nhà vua lại triệu Nguyễn Thiếp đến hỏi kế sách đánh đuổi quân Thanh xâm lược.

8. Khi vua Quang Trung hỏi chiến thuật đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp trả lời: "Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được".

9. Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh quả đúng như dự kiến thiên tài của vua Quang Trung cũng như nhận định chính xác của Nguyễn Thiếp.

10. Lăng mộ Nguyễn Thiếp hiện ở xã Nam Kim dưới chân dãy Thiên Nhẫn, Nam Đàn, Nghệ An.

Qua các văn bản đã dẫn ta không thấy Nguyễn Thiếp sống hay làm việc ở Thanh Oai Hà Tây bao giờ cả.

Một số chi tiết không chính xác nữa trong bài trên là:

TG viết “Nguyễn Huệ tin tưởng, trao chức Phó súy, phong tước Quảng Oai hầu cho Nguyễn Thiếp và cấp rất nhiều tiền bạc để ông thực hiện kế hoạch. Chỉ trong 3 tháng mùa đông Kỉ Dậu 1789, Nguyễn Thiếp bằng uy tín, tài năng của mình đã xây dựng được một đội quân gần 20 vạn người”.

-Nguyễn Thiếp là quan văn đâu phải là quan võ và thời gian này Nguyễn Thiếp đang sống ở Nghệ An kia mà.

-Về thời gian: Sau đại thắng vào đầu xuân mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung về đến Nghệ An lại mời Nguyễn Thiếp đến bàn quốc sự. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”. chứ ko phải như TG viết : “mùa đông Kỉ Dậu” – chênh nhau gần 1 năm! Hơn nữa chi tiết này sai với đầu bài do TG đặt: Xuân Kỉ Dậu 1789.

Mộ La Sơn phu tử ở Nam Đàn NA. Ảnh namdantourism.vn Chiếu của Hoàng Đế Quang Trung. Ảnh Báo CAND

Quang Lâm

-------------------

Tài liệu tham khảo:

1) http://trannhuong.top/tin-tuc-55326/giai-ma-cuoc-hanh-quan-ra-bac-va-tran-ngoc-hoi--dong-da-cua-vua-quang-trung-xuan-ki-dau-1789-.vhtm

2) https://www.wikiwandcom/vi/Nguy%E1%BB%85n_Thi%E1%BA%BFp

3) https://namdantourism.vn/vi/molasonphutunguyenthiep

4) http://vinhcity.gov.vn/?detail=1179/tin-tuc-su-kien/

5) La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và đại thắng Kỷ Dậu (1789)

http://nghiencuuquocte.org/2017/04/23/la-son-phu-tu-nguyen-thiep-va-dai-thang-ky-dau-1789/

6) Trưng bày những bức thư của vua Quang Trung gửi Nguyễn Thiếp

http://cand.com.vn/van-hoa/Trung-bay-nhung-buc-thu-cua-vua-Quang-Trung-gui-Nguyen-Thiep-104610/

7) Danh sĩ được vua Quang Trung 3 lần viết chiếu cầu hiền

https://khoahocdoisong.vn/danh-si-duoc-vua-quang-trung-3-lan-viet-chieu-cau-hien-101669.html

8) Tìm hiểu quan hệ giữa La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp với vua Quang Trung Nguyễn Huệ qua văn bản Hạnh Am di văn (Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (105) 2011, Tr.48 - 55)

http://www.hannom.org.vn/detail.asp?param=1995&Catid=880

9) Nguyễn Thiếp (1723-1804) (Báo Hà Tĩnh)

https://baohatinh.vn/khac/nguyen-thiep-1723-1804/47581.htm