Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẢI MÃ CUỘC HÀNH QUÂN RA BẮC VÀ TRẬN NGỌC HỒI- ĐỐNG ĐA CỦA VUA QUANG TRUNG, XUÂN KỈ DẬU 1789 ?

Trần Quốc Thường
Thứ bẩy ngày 20 tháng 2 năm 2021 9:17 PM


Bài viết này dựa chủ yếu trên các cuốn: Phả họ Nguyễn và cuốn Thu tập,... ở Đại Lôi, xã Phú Lương huyện Thanh Oai, Hà Tây ( cũ) nay là Hà Nội mà ông tộc trưởng họ Nguyễn dòng đích còn giữ. Còn dựa cuốn Một vài khúc quanh trong lịch sử của TS Lã Duy Lan công tác ở viện Văn học.
Ngoài ra, còn có các câu đối, chữ trên bia đá, chuông đồng, miếu mộ, di tích, nhà thờ họ Nguyễn ở Phú Lương, Thanh Oai Hà Nội, ... là các minh chứng rõ ràng, khoa học, đã góp phần khẳng định công lao trong việc đánh giặc cứu nước của anh em, cha con, LSPT Nguyễn Thiếp là vô cùng to lớn mà tài liệu chính sử chưa hoặc ít đề cập đến.
Do quy định của dòng họ là không được tiết lộ thông tin ra ngoài, nên hiện nay chúng ta hiểu biết về LSPT còn rất ít, thậm chí có chổ sai lệch.
Qua tìm hiểu, đi điền dã cùng các nhà khoa học, được phép vị tộc trưởng dòng đích Nguyễn Vân Liên cho phép, tôi xin trao đổi vài việc nhân dịp kỉ niệm 232 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa 1789-2021 cùng bạn đọc để góp thêm một góc nhìn, về mấy việc:
- Vai trò của cha con, anh em dòng tộc họ Nguyễn Thiếp, trong trận Ngọc Hồi- Đống Đa?
- Có hay không cuộc hành quân thần tốc của quân Tây Sơn?
Như ta đã biết chính Nguyễn Thiếp không muốn tham gia cuộc nội chiến giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh vì ông cho rằng đó là cuộc chiến của anh em trong dòng tộc.
Với họ Trịnh thì ông lại khuyên Quang Trung nên cất quân ra bắc diệt Trịnh, phò Lê. Sau khi trả lại Bắc Hà cho vua Lê cai quản, nhưng khi nghe tin Lê Chiêu Thống bán nước, cầu vinh, Nguyễn Thiếp đã sẵn sàng hợp tác, bày binh bố trận giúp Nguyễn Huệ đánh tan quân Thanh xâm lược.
Quang Trung đã phong cho Nguyễn Thiếp làm Phó nguyên súy - tước Quảng Oai hầu để điều binh, khiển tướng đánh đuổi quân Thanh. Nguyễn Thiếp đã huy động hết mọi sức lực, tài lực, mưu lược để đánh giặc Thanh. Ba anh em Nguyễn Thiếp và 4 người con trai của ông đều là Đại đô đốc trong quân đội Tây Sơn. Họ đã giúp Quang Trung Nguyễn Huệ tập hợp lực lượng, thu phục lòng người, luyện rèn quân sỹ, bài binh bố trận làm nên trận Đống Đa - Ngọc Hồi lịch sử.
Sách "Lê triều dã sử" và nhiều nhà sử học khác nhận định sở dĩ quân Tây Sơn hành quân nhanh chóng vì Nguyễn Huệ đã bố trí 3 người một tốp, 2 người cáng, một người nghỉ rồi cứ thế thay phiên nhau đi suốt đêm.
Cách lý giải này thiếu tính thuyết phục, không thể thực hiện được. Nếu đi theo đường lai kinh ( men theo quốc lộ 1 hiện nay) phải bình quân cuốc bộ 48km/h. Quân lính còn phải mang theo vũ khí quân trang, lương thảo, qua sông lớn như sông Lam, sông Mã,... là điều không tưởng. Đi theo đường thượng đạo phía tây, lại càng khó khăn và dài hơn. Đi đường thủy thì thuyền đâu chở cho hết 10 vạn quân và 300 thớt voi chiến? Chưa nói đến yêu cầu bí mật bất ngờ của chiến dịch này đề ra là không thể đảm bảo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Điệp lại cho rằng đây là cuộc hành quân không tưởng của 10 vạn nghĩa sỹ Tây Sơn và đến nay nhiều sử gia vẫn chưa thể giải thích thuyết phục.
Vậy phải chăng, chẳng có cuộc hành quân nào diễn ra ?
Đúng vậy, trong cuốn Thu tập có viết: Trong 2 năm 1786 -1787 Nguyễn Huệ ba lần cho người mang thư do Trần Văn Kỷ viết cùng lễ vật đến mời LSPT hợp tác. Hai lá thư đầu LSPT đang ở Nguyệt Ao, nên đều có thư phúc đáp. Trong đó ông vẫn một mực từ chối lấy cớ bệnh tật, không có tài cán gì và trả lại tất cả các lễ vật. Đến lá thư thứ ba lúc ấy ông đang ở Thắng Lãm thì không có thư phúc đáp nữa. Đó là lúc Nguyễn Huệ ra Thăng Long làm ma Lê Hiển Tông sau đó thân đến Thắng Lãm làm lễ tổ đường ở Đền Thượng trong Nam thiên thất thập nhị từ và đến tận nhà LSPT cầu kiến. Đó cũng chính là lúc vua Lê Chiêu Thống cùng bầu đoàn thê tử chạy trốn sang Tàu để cầu kiến nhà Thanh. ( Thu tập)
Trong cuộc hội kiến lịch sử này, sau khi nghe Nguyễn Thiếp trình bày kế hoạch luyện quân, tác chiến, dựa vào lực lượng, hậu cần tại chổ, Nguyễn Huệ tin tưởng, trao chức Phó súy, phong tước Quảng Oai hầu cho Nguyễn Thiếp và cấp rất nhiều tiền bạc để ông thực hiện kế hoạch.
Chỉ trong 3 tháng mùa đông Kỉ Dậu 1789, Nguyễn Thiếp bằng uy tín, tài năng của mình đã xây dựng được một đội quân gần 20 vạn người. Quân lính của ông giả làm thợ rừng, thợ xây, ngày vào rừng tập luyện, đêm ra bìa rừng ngủ. Xe pháo, vũ khí, cầu đường, lương thực được chuẩn bị chu đáo chỉ chờ lệnh tiến công.
“Lúc Huệ ở Nghệ An cả lính mới và cũ chỉ có 3 vạn 3 nghìn quân, lại 3 người giữ lại một, cho nên chỉ đem theo 2 vạn 2 ngàn xuất chinh ra Bắc Hà, nhưng nói phao lên là 10 vạn. Huệ giữ lại một vạn một ngàn lập ra 5 đồn đóng lại Nghệ An”. (Thu tập).
Thử hỏi với từng ấy quân thì làm sao Nguyễn Huệ cự được với 29 vạn quân Thanh?
Khi Tôn Sỹ Nghị theo Lê Chiêu Thống tiến vào Thăng Long thì mọi kế hoạch của Nguyễn Thiếp đã đâu vào đó để "đón tiếp và tống tiễn" lũ giặc trời.
Một đội quân giả làm các quan lại, tộc trưởng địa phương vào yết kiến, dâng rượu thịt, gạo nếp cho giặc. Hai chàng trai trẻ giỏi võ như Đặng Tiến Đông, Ngô Siêu được giặc giữ lại hầu hạ.
Hai người em, bốn con trai, các cháu của ông và các tướng Bắc Hà lại là tướng của vua Lê, phần lớn được phong "đại tướng". Họ bố trí đóng trại xen kẽ với quân Thanh.
Các hào trưởng, quan chức địa phương xin Tôn Sỹ Nghị mở cửa thành cho dân đi lại, chúc tết mừng xuân mở hội ăn mừng quân tướng thiên triều. Tôn Sỹ Nghị đã "thay mặt thiên triều chuẩn hứa cho trăm họ tự do đi lại, mở hội mừng xuân" ( Thu tập) Ông cho các làng nhận tiền gạo, chia cho các nhà nấu bánh chưng, mua thịt đùm giò, nấu thịt đông đón chào năm mới. ( Thực ra là đang chuẩn bị lương thực tại chổ để khi quân ta tiến vào có cái ăn.)
Một bộ phận quân tinh nhuệ dưới sự chỉ huy của 2 em trai Nguyễn Thiếp là Nguyễn Chuyên và Nguyễn Khải đã ém sẵn trong thành Thăng Long chờ lệnh tấn công.
Quân của Nguyễn Thiếp đã ở Thăng Long từ đêm 30 tết Kỉ Dậu. Đêm mồng 1 và 2 quân Tây Sơn do đô đốc Bảo cũng đã hội quân ở Thắng Lãm. Tối mồng ba Quang Trung ra lệnh đánh Ngọc Hồi. Tướng giặc là Tôn Sỹ Nghị không có chút nghi ngờ gì cả.
Khi có lệnh tiến công, "tướng như trên trời sa xuống, quân như dưới đất chui lên" ( Hoàng Lê nhất thống chí- Ngô gia văn phái). Giặc chạy tán loạn, nhiều tên khi chết vẫn chưa tỉnh rượu.
Như vậy, LSPT chuẩn bị 3 tháng, chỉ 1 ngày giao tranh, hai chín vạn quân Thanh phút chốc đã tan tác. Thây chất thành gò, tướng giặc kẻ phải treo cổ, người thì nhục nhã tìm đường lẻn trốn.
Nhân kỉ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa tôi có vài dòng để mọi người biết công lao to lớn của Phó nguyên súy - Quảng Oai hầu -Nguyễn Thiếp cùng tướng sĩ và nhân dân Bắc Hà.
Về chiến thắng lịch sử này, trong bộ Thu tập, có ý kiến của nhiều tướng lĩnh từng tham gia trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa. Chính Nguyễn Thiếp cũng có bài thơ ghi lại sự kiện này:
BÌNH THANH TỰ SỰ.
( Tạm dịch)
Luyện quân đánh giặc một mùa đông.
Giúp vua dẹp loạn xuất tiên phong.
Bình Thanh, ngàn vạn chôn thây lại.
Cha con năm đạo quyét sạch đồn.
Quân đi tưởng tự trên trời xuống.
Lũ giặc nhìn nhau sợ mất hồn.
Hãy nhớ từ nay chừa bạo ngược.
Xưa nay cướp nước mấy ai còn?
Quảng Oai Hầu, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.