PHẦN I: QUYỀN LỰC
"Quyền lực gắn liền với quyền mưu.
Có quyền lực mà không có quyền mưu
thì chẳng khác kỵ sĩ mù cưỡi ngựa mù".
Tôn Tẫn
(Mưu lược gia lỗi lạc Trung Quốc)
Con ong chúa, con sư tử, con khỉ đầu đàn đầu đàn: đầy quyền lực. Thủ lĩnh một bộ tộc, đứng đầu một tổ chức đảng phái chính trị xã hội, một địa phương, một quốc gia: đầy quyền lực. Quyền lực mang cả yếu tố tự nhiên và xã hội, cả khái niệm và thực thể. Con vật sử dụng quyền lực theo bản năng tự phát. Con người sử dụng quyền lực tự giác qua trí tuệ. Thành bại đại nghiệp một đời, hay hưng vong một quốc gia phụ thuộc ở đấy. Bởi thế tinh thông quyền lực và quyền mưu là nhu cầu tất yếu cho bất kỳ đối tượng nào liên quan đến quyền lực. Nhà đại mưu lược Khương Tử Nha (đời nhà Chu) dạy: "Mưu trước hành sau sẽ sống. Hành trước mưu sau sẽ chết". Trong trước tác "Lục thao", bộ sách lý luận tương đối có hệ thống đầu tiên thời cổ đại của lịch sử Trung Hoa còn lưu giữ được trong 237 thiên thì Khương Tử Nha viết tới 81 thiên về "mưu", 71 thiên về "ngôn", 80 thiên về "binh"... Ông đặt "mưu" lên vị trí hàng đầu trong trị quốc, ngoại giao, quân sự... Chính nhờ mưu lược mà Khương Tử Nha đã giúp Chu Văn Vương đánh tan Trụ Vương kết thúc triều Thương Ân tồn tại đã hơn 600 năm giành bá chủ thiên hạ. Tôn Tử (thời Xuân Thu) nhà binh pháp lỗi lạc coi "đánh bằng mưu" là quan trọng nhất, coi «trí» là «điều kiện đầu tiên của tướng soái". "Đánh bằng mưu" thì có thể lấy ít địch nhiều, lấy yếu địch mạnh mà vẫn thắng, thậm chí không đánh mà thắng.
Quyền lực gồm hai yếu tố cấu thành: thực quyền và thế quyền.
Thực quyền thuộc nội lực, là khả năng cá nhân gồm: học vấn, bề dầy kinh nghiệm, phương pháp tư duy, là nhân cách đạo đức, uy tín...
Thế quyền thuộc ngoại lực, là chức vụ, quyền hạn được giao.
Thực quyền là chính. Thế quyền là phụ. Nội lực là chính. Ngọai lực là phụ. Thực quyền là cái đầu. Thế quyền là cái ghế. Cái đầu là của mình, thuộc sở hữu. Cái ghế không phải của mình, chỉ được sử dụng. Sử dụng phải đúng mục đích, đúng pháp luật. Có thực quyền mới được giao thế quyền. Thực quyền đến đâu, giao thế quyền đến đấy. Có thực quyền không được giao thế quyền, thực quyền không đủ điều kiện phát huy. Không có thực quyền mà giao thế quyền là đồng nghĩa với phá hoại. Thực quyền và thế quyền quan hệ biện chứng.
Quyền lực thể hiện qua ba mặt: Tài lực (tài chính), nhân lực (con người) và vũ lực (sức mạnh). Ba mặt tương quan gắn bó chặt chẽ.
Bằng cách nào để có quyền lực?
Trước hết phải có thực quyền. Đồng thời kiếm tìm thế quyền.
Có ba cách để có thế quyền: cận quyền, cầu quyền và kích quyền.
Cận quyền:
Là tiếp cận quyền lực (cá nhân, hoặc tổ chức có quyền lực). Quan hệ trực tiếp và công việc cụ thể là điều kiện lý tưởng để thể hiện thực quyền. Người ta sẽ lấy đó làm căn cứ để giao thế quyền xứng đáng. Hoặc ngược lại.
Võ Tắc Thiên (triều nhà Đường - Trung Hoa) tên thật là Võ Mỵ Nương xuất thân tầng lớp bình dân tại Kinh Châu. Nhờ được tuyển vào cung mới có dịp gần gũi vua Đường Thái Tông, mới có điều kiện bộc lộ năng lực mọi mặt của mình khiến các quan đại thần khâm phục và được nhà vua phong làm «tài nhân», rồi «hoàng hậu», được uỷ thác nhiếp chính, được tôn là «đế hậu nhị thánh», rồi thâu tóm hết quyền lực lên ngôi Hoàng đế. Ở nước ta có Nguyên phi Ỷ Lan. Tên thật bà là Lê Thị Yến quê làng Thổ Lỗi (Thuận Thành, Bắc Ninh), mồ côi mẹ năm 12 tuổi, bố lấy vợ lẽ, ở với dì ghẻ vô cùng khổ. Năm ấy vua Lý Thánh Tông đi Chùa Đậu cầu tự. Dân làng kéo nhau đến xem, riêng cô Yến chăm chỉ hái dâu vừa làm vừa hát. Vua thấy lạ vời lại hỏi. Thấy người xinh đẹp, hiền thục, đối đáp lưu loát, nhà vua cảm mến đưa về cung phong làm Nguyên phi Ỷ Lan. Ỷ Lan không lấy việc chau chuốt nhan sắc làm trọng, ngày đêm miệt mài đọc sách, khổ công học hỏi. Triều thần kinh ngạc về sự thông thái, hiểu biết uyên thâm của bà. Năm 1069 nhà vua đi dẹp giặc Chiêm Thành bà được giao quyền nhiếp chính. Năm 1072, vua qua đời, Lý Nhân Tông mới 7 tuổi nối ngôi, bà vẫn nhiếp chính. Bà dựa vào các nhân tài như Lý Thường Kiệt, quy tụ sức mạnh cả nước tổ chức đánh tan giặc Tống xâm lược (1077). Có nhiều công lớn, khi qua đời bà được dân chúng xưng tụng là Quan Âm, được nhà vua phong là "Phù Thánh Linh nhân Hoàng Thái hậu".
Nếu không được cận quyền thì mãi mãi Võ Mỵ Nương và Lê Thị Yến chỉ là hai cô gái quê.
Cần hiểu rằng quyền lực không chỉ có ở những cá nhân và tổ chức cấp trên, mà ở cả cá nhân và tổ chức cấp dưới, từ những người lao động bình thường, nhất là trong chế độ dân chủ tiến bộ (dân chủ thật chứ không phải ngụy dân chủ). Được cấp trên biết, cấp trên "cử" nhưng cấp dưới không biết, nhân dân không biết, không "bầu" thì liệu có đề bạt, có trúng cử, có được giao thế quyền? Bởi vậy cận quyền không chỉ với cấp trên mà cả với cấp dưới.
Quyền từ cấp dưới, từ dân mới là gốc, mới bền vững. Coi thường quyền lực cấp dưới, coi thường quyền lực nhân dân sẽ không tránh khỏi hậu họa. Nhân dân là con số 1. Tất cả các thành phần xã hội, kể cả tầng lớp chóp bu độc quyền thống trị, muốn có nghĩa, muốn tồn tại, phát triển đều phải đứng sau con số 1 ấy. Bởi có 1 rồi mới có 2... Đó là đạo. "Hữu đạo tồn, vô đạo vong". Nguyễn Trãi cũng đã viết: "Dân bi thán tất thành tố" - Dân thở dài sẽ thành bão. Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân. Quyền do dân giao cho thì phải dùng quyền ấy phục vụ dân. Đó mới là đạo.
Cầu quyền:
Không phải cầu cạnh, cầu xin, mua bán, chạy chọt, mà là tạo cầu nối giữa quyền lực với các đối tác cần quyền lực. Có hai cách cầu quyền: khách quan và chủ quan.
Cầu quyền khách quan: Là được người khác tiến cử.
Thời nhà Hán, Hàn Tín có tài xuất chúng đã từng theo Hạng Vũ. Với danh nghĩa quan thị vệ nhiều lần ông tìm cách tiếp cận Hạng Vũ để trình bày kế sách, mưu lược. Đáng tiếc Hạng Vũ ngông cuồng tự cao, tự đại, độc tài, luôn đặt mình trên thiên hạ, không biết nghe, không biết dùng người, khinh thường Hàn Tín xuất thân nghèo hèn chỉ cho làm chức quan nhỏ. Hàn Tín thất vọng quyết định bỏ Hạng Vũ theo Lưu Bang. Lúc đầu không hiểu Hàn Tín, Lưu Bang cũng chỉ cho ông chức quan coi kho quân lương. Rất may ông gặp được Tể tướng Tiêu Hà. Là người sáng suốt Tiêu Hà nhận biết Hàn Tín là bậc kỳ tài, ông tiến cử với Lưu Bang. Nhưng Lưu Bang cũng chưa trọng dụng. Thất vọng Hàn Tín lại bỏ đi. Được tin Tiêu Hà đích thân đuổi theo. Suốt ba ngày ba đêm mới gặp được Hàn Tín. Ông cố thuyết phục Hàn Tín quay về rồi lại kiên trì tiến cử với Lưu Bang: «Nếu Bệ hạ chỉ muốn xưng vương ở đất Hán Trung này thì không cần Hàn Tín. Nhưng muốn đoạt cả thiên hạ, thì ngoài Hàn Tín ra không ai có thể cùng Bệ hạ bàn việc quốc gia đại sự». Sau nhiều lần nghe Tiêu Hà thuyết giải, lại biết Tiêu Hà xưa nay rất giỏi dùng người, nhà vua chuẩn y phong Hàn Tín làm đại tướng thống soái ba quân. Nhờ thế Hàn Tín mới có điều kiện bộc lộ thực quyền bằng khả năng siêu phàm trở thành danh tướng đầy mưu lược trí dũng song toàn, bách chiến bách thắng, lừng lẫy chiến công, được Lưu Bang phong tới chức Tề vương.
Bàng Thống người Tương Dương, lòng rộng, chí lớn, hiệu là Phục Phượng (Phượng hoàng ẩn mình) mai danh ẩn tích trong núi nghiền ngẫm binh thư mong tìm hào kiệt. Lỗ Túc biết, tiến cử với Lưu Bị. Thấy Bàng Thống diện mạo xấu xí, vừa đen, vừa lùn, mũi hếch, râu mọc đầy mặt Lưu Bị chỉ để Bàng Thống đảm nhận chức Huyện lệnh. Bàng Thống trong lòng bất mãn, muốn ra đi. Lỗ Túc liền viết thư cho Lưu Bị: "Quản lý một huyện nhỏ không nên dùng Bàng Thống. Để ông ta làm từ Tự trung, Biệt giá trở lên mới phát huy được tài năng”. Khổng Minh Gia Cát Lượng chỉ mấy lần tiếp xúc cũng đánh giá Bàng Thống rất cao và hết lòng tiến cử. Đến lúc này Lưu Bị mới cho Bàng Thống triệu kiến. Sau khi trò chuyện, Lưu Bị vô cùng quý trọng, khâm phục, liền bổ nhiệm chức Quân sư trung lang tướng, chỉ ở sau Gia Cát Lượng. Trận Xích Bích lừng danh, liên quân Ngô - Thục đại thắng Tào Tháo, công lớn là nhờ kế “hoả liên hoàn” của Bàng Thống. Ông trở thành nhà đại mưu lược nổi tiếng không kém Khổng Minh, giúp Lưu Bị lập nên đại nghiệp.
Hoặc triều Tống, Triệu Phổ tiến cử một người, nhưng hoàng đế Triệu Khuông Dẫn không ưa người ấy. Lần thứ nhất không được phê chuẩn. Lần thứ hai Triệu Phổ vẫn tiến cử người ấy. Nhà vua vẫn không phê chuẩn. Lần thứ ba Triệu Phổ vẫn tiến cử người ấy. Nhà vua giận giữ xé tờ tấu ném xuống đất. Triệu Phổ bình thản cúi xuống nhặt lại bản tấu, cáo lui. Về nhà ông đem tờ tấu bị xé dán lại. Lần thứ tư lại vẫn dâng tờ tấu tiến cử người ấy. Triệu Phổ vốn là bậc trung thần đức độ, bốn lần kiên trì tiến cử một người khiến nhà vua nghĩ lại, đoán rằng đó chắc là nhân tài và phê chuẩn. Quả nhiên người ấy sau này trở nên trụ cột cho vương triều của ông. Đó là Đại tướng Tào Bân.
Nếu không có Tiêu Hà, Triệu Phổ, Lỗ Túc, Gia Cát Lượng làm cầu quyền và nếu không có các bậc minh quân biết nghe, biết đặt xã tắc trên hết chứ không phải người thân hoặc phe cánh khi chọn dùng người thì liệu Hàn Tín, Bàng Thống, Tào Bân có trở thành Tề Vương, Quân sư Trung lang tướng, Đại tướng?
Cầu quyền chủ quan: Là tự tiến cử.
Muốn thế, trước hết phải có thực quyền, rồi tự gửi tấu trình tới cá nhân hoặc tổ chức quyền lực đề xuất ý tưởng, dùng chính bản tấu làm cầu quyền.
Năm 140 trCN Hán Vũ Đế ban chiếu kêu gọi thiên hạ tiến cử hiền tài. Chu Mại Thần, một ẩn sĩ nghèo đã bao năm dầy công nghiên cứu binh pháp dâng sớ tự tiến cử và được Hán Vũ Đế triệu kiến. Chu Mại Thần hiến kế đánh Đông Việt. Ông nói: «Vương Dư Thiện ở Tuyền Sơn, dựa vào thế hiểm trở cố thủ nên không phá được. Nay ông ta đi xuống phía Nam ta chớp thời cơ xuất binh theo đường biển tiến đánh úp Tuyền Sơn thế nào cũng thắng». Quả nhiên bằng kế đó Đông Việt đại bại. Hán Vũ Đế phong ông làm Đô uý chủ tước.
Nghiêm An, một tài năng chờ thời cũng dâng tấu trình bày chính sự, đặt ra những kế sách trị quốc mà Hán Vũ Đế rất quan tâm. Đọc xong nhà vua đích thân triệu kiến, hết lời khen ngợi, rồi bổ nhiệm làm Từ lang trung. Một năm sau thăng liền bốn bậc tới chức Trung đại phu, trở thành mưu thần quan trọng của nhà vua.
Thời nhà Nguyên, Quách Thủ Kính nhiều năm nghiên cứu thiên văn, toán học, chế tạo cơ khí...Tự dâng tấu lên Hốt Tất Liệt đề xuất sáu điểm về phát triển thuỷ lợi kèm các giải pháp cụ thể. Xem xong Hốt Tất Liệt khen: "Những người như Quách Thủ Kính trẫm đang cần", liền phong cho chức Phó hà cừ xứ Tổng quản thuỷ lợi. Qua hai năm công trình hoàn thành giúp giao thông đường thuỷ thuận tiện, làm chủ tưới tiêu cho chín vạn mẫu đất trồng trọt. Ngoài ra Quách Thủ Kính còn hợp tác với học giả Hứa Hoành và Vương Tuần năm 1280 soạn xong "Lịch thụ thời" là bộ lịch ưu tú nhất thời bấy giờ.
Bằng cách tự tiến cử Chu Mại Thần, Nghiêm An và Quách Thủ Kính đã thực hiện kế cầu quyền chủ quan để đạt được đỉnh cao quyền lực.
Kích quyền: Là dùng thuật công kích gây phản ứng mạnh để cá nhân hoặc tổ chức có quyền lực biết đến mình.
Đây là kế mạo hiểm, thành bại trong gang tấc. Bởi cũng bằng cách tấu trình nhưng nội dung không chỉ đề xuất cải cách mà có cả phê phán, chỉ trích, thậm chí phản đối, lên án mạnh mẽ. Làm được việc này trước hết phải có thực quyền, đặc biệt phải dũng cảm dám chấp nhận hy sinh.
Thời nhà Thanh, Tăng Quốc Phiên trở thành nhân vật nổi tiếng nhờ kích quyền. Nhiều năm đảm nhiệm các chức Hữu thị lang Bộ Lễ ông dầy công nghiên cứu thời cuộc, đặc biệt từ "Chiến tranh nha phiến" đến "Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc" và thấy rõ những nguyên nhân khiến triều Thanh ngày càng hủ bại về chính trị, hỗn loạn về xã hội, đình đốn sa sút về kinh tế, lòng người ly tán... là do chủ thuyết không rõ ràng, triều chính không đủ uy, quan lại tham nhũng, bè phái, dân bị đè nén áp bức thậm tệ, luật pháp không nghiêm, kỷ cương phép nước buông lỏng... Ông dâng sớ lên Hoàng đế tỏ rõ bức xúc, bất bình và thuyết phục nhà vua cải cách. Nhưng tiếc thay tấu trình của ông không được hồi âm. Không nản, năm sau ông lại dâng tấu lên Hoàng đế, thái độ mạnh mẽ, cứng rắn hơn, nội dung sâu sắc, khúc triết hơn, những đề xuất cải cách cụ thể hơn. Thậm chí ông dám cảnh cáo Hoàng đế: "Nếu Bệ hạ nghe lời nói thẳng mà cảm thấy đáng ghét, còn nghe lời nịnh hót cảm thấy thân tình thì sẽ không thể ngăn chặn được tệ nạn". Đọc xong Hoàng đế Hàm Phong nổi giận lôi đình, lập tức sai quân cơ xử lý, bắt vào trị tội. Các quan đại thần ra sức can ngăn Tăng Quốc Phiên mới được tha.
Tuy nhiên các bản tấu đó đã làm Tăng Quốc Phiên nổi tiếng khiến Hoàng đế phải suy nghĩ lại và thấy Tăng Quốc Phiên đúng là bậc trung quân ái quốc, tư chất hơn hẳn bọn gian thần. Không trị tội, hơn thế Hoàng đế còn khen ngợi Tăng Quốc Phiên dám nói những điều mà người khác không dám, bổ nhiệm ông chức Thự hình Bộ thị lang.
Dùng kích quyền để đạt quyền lực như Tăng Quốc Phiên không nhiều. Đa phần chết thảm, bởi minh quân ít mà bạo chúa nhiều. Hầu hết kẻ nắm quyền tham vọng lớn bất chấp luật pháp, đạo lý, dám coi thế quyền thuộc sở hữu riêng, độc đoán, tác quái, biết sai không chịu sửa còn hãm hại trung thần. Gương tiền nhân đó: Văn Vương do thuyết phục vua Trụ mà bị Trụ nhốt ngục. Nhiều bậc gián quan cũng vì xã tắc khuyên can vua mà mang họa như Dục Hầu bị thiêu sống, Quỷ Hầu bị phơi khô, Tỷ Can bị moi gan, Mai Bá bị làm mắm, Quản Di Ngô bị hành hình, Bách Lý Hề phải đi ăn xin, Quản Long Bàng bị chém, Thành Hoành bị phanh thây, Tư Mã Tử bị giết xác trôi trên Sông Giang, Điền Linh bị liệng đá đến chết...
Tuy nhiên lịch sử vẫn đánh giá cao những nhân cách ấy. Quan văn chết vì can gián, quan võ chết nơi sa trường. Đó là chết vinh.
Sau khi bằng cận quyền, cầu quyền, kích quyền hoặc kết hợp những kế đó để được thế quyền, nghĩa là đã có quyền lực, đòi hỏi phải tinh quyền mới biết dụng quyền. Bởi thế cần dành cả đời dầy công học tập, nghiên cứu, suy ngẫm. Khoa học về mưu lược mênh mông, dụng quyền thiên hình vạn trạng, ở đây tôi chỉ xin mạo muội đúc rút ra 10 kế:
1. Kế mượn quyền:
Quyền lực không bao giờ đủ, vì thế mượn quyền là kế không thể thiếu trong dụng quyền.
Cuối triều Đông Hán xã hội thối nát. Hỗn chiến nổ ra từ triều chính tới các địa phương. Gian tặc hoành hành cát cứ tranh giành quyền lực. Tào Tháo "rước" vua bù nhìn Hán Hiến Đế đến Hứa Xương, danh nghĩa là phò Thiên Tử song thật ra là khống chế triều đình, mượn quyền vua Hán để điều khiển chư hầu, lợi dụng quan niệm "trung quân ái quốc" để thu phục thiên hạ. Nhờ thế ông ta thâu tóm hết giang sơn.
Những năm cuối đời, Hoàng đế Lưu Bang rất sủng ái Thích phu nhân, do đó muốn phế trừ Thái tử sắp lập do Lữ Hậu sinh ra là Lưu Doanh, dự chọn Triệu vương Như Ý làm người nối ngôi. Văn võ bá quan trong triều cho rằng không thể được, nghị luận xôn xao, nhưng không ai dám can gián. Lữ Hậu cuống cuồng lo sợ. Nếu ngôi vị Thái tử thay đổi thì ngay mạng sống con mình cũng khó giữ, bà liền nghĩ ngay tới quân sư Trương Lương và đến cầu kiến. Trương Lương cho rằng việc lập Thái tử là vô cùng quan trọng đến giang sơn xã tắc không thể tuỳ tiện thay đổi. Đặc biệt trong lúc nhà Hán mới dựng, nền tảng thống trị chưa vững chắc, lòng dân do vừa phải trải qua biết bao thống khổ nên chỉ mong yên ổn không muốn loạn lạc nữa. Sau khi cân nhắc, Trương Lương hiến kế cho Lữ Hậu: "Chỉ có thể nhờ vào uy tín của "Thương Sơn Tứ Hạo" mới thay đổi được ý định của Hoàng đế. "Tứ Hạo" là bốn vị đại sư phụ đức cao vọng trọng, kiến thức uyên thâm, tuổi đều đã ngoài tám chục, tiết nghĩa thanh cao, không màng đến công danh lợi lộc ẩn dật trong núi, ngày đêm nghiền ngẫm bách thư, vui vầy cùng cỏ cây hoa loá, chim muông. Nhiều lần Hoàng đế khẩn thiết cầu mời nhưng không được, khiến Hoàng đế càng kính trọng. Nếu Thái tử biết khiêm nhường cung kính, cúi mình thỉnh nguyện được "Tứ Hạo" chịu rời núi qua lại trong cung cùng Thái tử và việc này nếu Hoàng đế...». Quả nhiên đúng như Trương Lương dự đoán. Khi Hoàng đế biết cả bốn vị đại sư mà mình đã nhiều lần mời vẫn từ chối không chịu tới giờ thường xuyên ra vào cung thất cùng Thái tử thì vô cùng kinh ngạc và thán phục. Đồng thời nhận ra rằng Thái tử đã đủ đức đủ tài có thể trao phó giang sơn xã tắc. Từ đó không bao giờ Hoàng đế nhắc tới chuyện thay đổi Thái tử nữa. Sau khi Lưu Bang tạ thế, Thái tử Lưu Doanh kế ngôi hiệu là Hiếu Huệ Đế. Mới biết uy tín là thứ siêu quyền lực. Nếu biết mượn thì hiệu quả sẽ vô cùng.
Đó là chuyện bên Tầu, còn ở ta, bằng đẳng cấp chính trị siêu phàm của mình, Trần Thủ Độ đã dụng kế mượn quyền Lý Chiêu Hoàng hạ chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh, thực hiện trọn vẹn cuộc bàn giao lịch sử vĩ đại mà không hề đổ máu.
Kế mượn quyền được áp dụng trong mọi trường hợp, trong mọi mặt đời sống xã hội: chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, văn hoá và tình cảm... Khi mượn thế quyền, lúc mượn thực quyền hoặc mượn cả hai. Mượn tài lực, mượn nhân lực, mượn vũ lực hoặc mượn cả ba. Mượn cái gì, mượn lúc nào, mượn cách nào? Là những bài toán cụ thể phải giải, cốt nhằm phát huy cao nhất hiệu quả quyền lực.
2. Kế lược quyền:
Lược quyền là kế sách mang tính mục đích. Việc dụng quyền trước hết phải xác định mục đích lớn lao, sâu, xa và phải trung thành với mục đích ấy đến cùng. Phải hết sức kiên nhẫn, không vì thù oán, bất mãn mà làm hỏng đại sự. Không vì ân huệ nể nang vô nguyên tắc mà gieo mầm họa. Không vụ lợi trước mắt mà ảnh hưởng tới việc lớn lâu dài. Tôn Tử dạy: "Vua không thể vì giận mà cất quân. Tướng không thể vì căm uất mà quyết chiến. Hợp với đại sự thì làm, không hợp phải tránh. Giận giữ có thể trở lại vui mừng. Căm uất có thể trở lại bình thản. Nhưng nước mất không thể lấy lại, người chết không thể phục sinh. Vua sáng cần phải thận trọng, tướng giỏi phải biết răn mình".
Thời Xuân Thu, Việt vương Câu Tiễn nuôi chí lớn quyết diệt Ngô phục quốc mà nhẫn nhục cùng vợ sang làm con tin bên đất Ngô sống kiếp nô lệ, sẵn sàng quỳ phục dưới chân Ngô vương Phù Sai, dùng lưỡi nếm phân đoán bệnh cho y cốt để Ngô vương Phù Sai tin rằng chí trong đầu Câu Tiễn đã chết, Câu Tiễn đã hoàn toàn thần phục và tha Câu Tiễn trở về nước Việt. Suốt mười năm, đêm nằm trên gai nhọn, ngày nếm mật đắng, kiên trì, quyết tâm sắt đá Câu Tiễn phục hồi quốc sự, củng cố quân đội và cuối cùng đã bình Ngô, diệt Phù Sai rửa xong nhục lớn.
Hoặc như Tôn Tẫn thời Chiến Quốc. Ông người nước Tề, hậu duệ của Tôn Vũ, thời còn trẻ học cùng với Bàng Quyên, tài năng hơn hẳn khiến Bàng Quyên, con người rất nhỏ nhen ấy ghen ghét đố kỵ. Thành tài Bàng Quyên làm tướng nước Ngụy. Chiến tranh Tề - Ngụy bùng nổ, Bàng Quyên rất sợ nước Tề bổ nhiệm Tôn Tẫn làm tướng liền giả nhân nghĩa bí mật mời Tôn Tẫn sang Ngụy. Khi Tôn Tẫn sang Ngụy y lại rất sợ Ngụỵ vương trọng dụng Tôn Tẫn nên đã dùng âm mưu quỷ quyệt vu cho Tôn Tẫn là mật gián của Tề, khép ông "tội hình" cắt gân bánh chè cả hai chân và thích chữ vào mặt. Với bậc đại phu thì "tội hình" là đại nhục thường tìm cách tự vẫn. Nhưng Tôn Tẫn quyết phải sống nuôi chí lớn phục thù. Để bảo toàn tính mạng, ông giả điên, đầu tóc bù xù, áo quần rách rưới, lang thang vạ vật ngoài đường, xó chợ, bốc cả phân cho vào miệng, khi khóc, lúc cười. Bàng Quyên hoàn toàn tin Tôn Tẫn điên thật, cho rằng sống như thế còn nhục hơn chết và không cho người bám theo nữa. Tôn Tẫn thừa cơ liên hệ được với sứ thần nước Tề đang ở Ngụy. Sứ thần biết Tôn Tẫn là bậc kỳ tài liền dấu Tôn Tẫn vào xe đưa về Tề. Ông được Tề Vương kính nể và trọng dụng bổ nhiệm làm quân sư. Tôn Tẫn viết: "Tôn Tẫn chi pháp" - bộ trước tác về lý luận quân sự nổi tiếng và giúp tướng Điền Kỵ đánh đâu thắng đấy.
Chiến tranh Tề - Ngụy bước vào thời kỳ quyết liệt. Quân Tề do Điền Kỵ chỉ huy, Tôn Tẫn quân sư tiến thẳng đến Đại Lương. Bàng Quyên dốc hết binh lực quyết tử chiến. Tôn Tẫn dùng kế, Bàng Quyên mắc mưu bị nhử vào Mã Lăng, nơi hiểm yếu có mai phục sẵn. Quân Ngụy đại bại. Bàng Quyên vừa nhục bởi bị dồn vào chỗ chết, vừa hổ thẹn về sự hèn hạ liền rút gươm tự sát.
Câu Tiễn và Tôn Tẫn nhờ kiên trì nhẫn nhục vận dụng thành công Kế lược quyền nên thắng.
Thời Tam Quốc, Mạnh Hoạch là thủ lĩnh các dân tộc ít người vùng sơn cước phía Tây Nam luôn đối đầu chống chính quyền Thục Hán. Năm 225 phụng mệnh Lưu Bị, Gia Cát Lượng dẫn quân đi thảo phạt. Cuộc chiến diễn ra ở Nam Trung, Mạnh Hoạch bị bắt sống. Gia Cát Lượng tiếp đãi Mạnh Hoạch như khách, dẫn đi xem doanh trận, rồi hỏi: "Tướng quân thấy thế nào?". Mạnh Hoạch đáp: "Lần sau đánh sẽ không thua". Gia Cát Lượng cười: "Ta thả cho tướng quân về. Chuẩn bị đầy đủ xong đánh lại". Trận sau Mạnh Hoạch lại bị bắt. Gia Cát Lượng lại thả "về chuẩn bị đầy đủ xong đánh lại". Trận sau nữa cũng thế. Tất thảy bẩy lần bắt, bẩy lần thả. Cuối cùng Mạnh Hoạch không đi nữa, cung kính nói: "Ngài là uy Trời vậy. Người phương Nam không dám phản nữa đâu". Mục đích chiến lược của Gia Cát Lượng không phải giết Mạnh Hoạch. Giết Mạnh Hoạch ấy sẽ có những Mạnh Hoạch khác nổi lên và làm như thế sẽ càng khoét sâu thù hận với các dân tộc thiểu số khiến họ càng điên cuồng chống đối triều đình. Gia Cát Lượng muốn thu phục nhân tâm Mạnh Hoạch để dùng Mạnh Hoạch và ông đã làm được điều ấy. Mạnh Hoạch "tâm phục, khẩu phục" Gia Cát Lượng và đã rũ bỏ hết ý nghĩ phản bội, thành tâm quy thuận chính quyền Thục Hán. Đồng thời với ảnh hưởng của mình Mạnh Hoạch đã khiến thuộc hạ và các dân tộc thiểu số noi theo.
Bằng Kế lược quyền cao siêu ấy, Gia Cát Lượng đã đặt cơ sở vững chắc cho việc ổn định vùng sơn cước Tây Nam.
Hàn Tín, một tướng tài dụng binh kiệt suất, lập nhiều công lớn được Lưu Bang tin cậy như huynh đệ. Chiếm xong nước Tề được Lưu Bang triệu về triều bàn việc diệt Sở. Là người có chí lớn, nhưng do tầm nhìn hạn hẹp, tư chất lại nôn nóng thiếu kiên nhẫn Hàn Tín nghe kẻ thấp mưu xúi bẩy dâng sớ lên Hoàng đế Lưu Bang xin được phong Tề vương ngay để "danh chính ngôn thuận" ổn định nước Tề rồi sẽ về triều hội kiến. Vì tham vọng lộ liễu quá sớm, quá thô thiển, khiến Lưu Bang vẫn phong chức Tề vương cho Hàn Tín, nhưng sinh nghi và cảnh giác đề phòng. Rồi để tránh hậu họa Lưu Bang và Lữ Hậu lập mưu giết Hàn Tín.
Hàn Tín thất bại bởi không biết dụng Kế lược quyền. Đẳng cấp tư duy về mưu lược như thế ông chỉ làm tướng tài chứ không thể làm vương bá.
3. Kế cơ quyền:
"Kinh dịch" dạy: trong suy có thịnh, trong thịnh có suy. Phật pháp dạy: trong khổ có sướng, trong sướng có khổ. Binh pháp Tôn Tử viết: “Trong điều kiện bất lợi phải nghĩ đến điều có lợi mới giải toả họa hoạn”. Thực tế cuộc sống chứng minh trong may có rủi, trong rủi có may. Cái khó ló cái khôn. Bởi thế người dụng quyền phải có thần kinh thép, bản lĩnh sắt đá, bình tĩnh sáng suốt tổng hợp phân tích mọi yếu tố, lường hết khó khăn, tìm và tạo mọi thuận lợi, nắm thời cơ hoạch định kế sách và mưu lược chính xác nhằm biến hung thành cát, khó thành dễ, nghịch thành thuận, bại thành thắng.
Cuối đời Hán trong trận đối đầu với tướng Ngụy là Tư Mã Ý ở Tân Thành. Khổng minh Gia Cát Lượng chỉ có không đầy hai ngàn quân, trong khi đối phương hơn hai vạn đại binh truy đuổi gắt gao và tìm cách vây thành, khoá chặt mọi đường rút đẩy quân Thục vào tình thế tuyệt vọng. Tướng sĩ vô cùng hoang mang lo lắng, trong khi Gia Cát Lượng vẫn ung dung điềm tĩnh phe phảy chiếc quạt lông trước ngực chăm chú nhìn vào tấm bản đồ. Lát sau ông nói: “Các ngươi hãy nghiêm chỉnh chấp hành lệnh của ta. Quan Hưng và Trương Bào đem một ngàn quân rút lui theo đường mòn ven núi Võ Công, gặp địch không được đánh lớn, giặc thua không được đuổi, chỉ reo hò làm kế nghi binh. Mã Đài và Khương Duy đem năm trăm quân đi sau chặn hậu. Trương Dực đem một đạo binh... Quyết bảo toàn lực lượng.”. Bên cạnh Khổng Minh chỉ còn mấy vị quan văn và vài trăm sĩ tốt. Thám báo về tâu đại binh Tư Mã Ý đang kéo tới. Khổng Minh lên mặt thành quan sát thấy quân địch đông như kiến. Ông ra lệnh: "Hạ tất cả cờ xí xuống. Mọi người im lặng tìm chỗ kín ẩn nấp. Ai lấp ló chém đầu. Ai nói to cắt cổ. Truyền mở toang bốn cửa thành. Mỗi cửa chỉ để hai chục tên lính ăn mặc như dân thường thong thả quét dọn, thấy quân địch không hoảng sợ, Thừa tướng đã có kế". Xong xuôi Khổng Minh khoác áo lông hạc, đội mũ luân cân, tay cầm chiếc đàn ngọc có hai tiểu đồng theo hầu bước lên lầu ngồi xe dây dạo khúc nhạc du dương thánh thót.
Quân Ngụy ào ạt xông đến thấy cảnh tượng lạ liền quay lại bẩm báo với Tư Mỹ Ý. Ông ta không tin, đích thân phi ngựa đến xem xét. Quả nhiên thấy Khổng Minh đang ung dung chơi đàn. Cửa thành mở, chỉ mấy tên lính lèo tèo đang quét dọn. Tất cả im phăng phắc đến kỳ lạ. Tư Mã Ý lòng đầy nghi hoặc. Hắn biết Gia Cát Lượng vốn rất đa mưu, là người cẩn trọng không bao giờ sơ hở, liều lĩnh. Cửa thành mở, quân lính vắng tất có phục binh, phải rút ngay kẻo trúng kế, lập tức thu quân bỏ chạy. Gia Cát Lượng cười lớn: "Binh pháp Tôn Tử có câu "Hư hư, thực thực” làm cho địch không đoán được kế của ta. Người dụng quyền khi bị dồn đến đường cùng, nếu không bình tĩnh tạo thời cơ tìm lối thoát thì sẽ chẳng bao giờ thoát. Nếu không chịu thua để quyết thắng thì sẽ chẳng bao giờ thắng".
Tháng 6 năm 1815 Hoàng đế Napoleon thống soái ba mươi vạn binh sĩ tấn công quân Anh do quận công Wellington chỉ huy với lực lượng chỉ bằng một phần ba trên chiến trường Bruxelles thuộc đất Bỉ. Thế mạnh như vũ bão tưởng đã nắm chắc phần thắng, Napoleon để pháo binh, bộ binh lại huy động toàn bộ kỵ binh tổng công kích hòng đè bẹp đối phương. Dù trong tình thế tuyệt vọng, nhưng Wellington, một vị tướng đã dạn dày trận mạc, đầy bản lĩnh và có tài phân tích xét đoán tình thế vẫn bình tĩnh tìm cách liên lạc với nguyên soái Blucher cầu viện binh, mặt khác cố bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản kích. Và, thời cơ đến: khi quân Pháp tràn tới cánh đồng làng Wateloo bỗng trời đổ mưa như trút nước. Mặt đất biến thành bùn nhão. Kỵ binh Pháp sa lầy. Cùng lúc viện binh do nguyên soái Blucher chỉ huy đến kịp. Lập tức Wellington tổ chức phản công. Vất vả lắm Napoleon mới thoát chết cùng một nhóm tàn quân tháo chạy. Thảm bại Wateloo đã kết thúc cuộc đời binh nghiệp đầy vinh quang của Hoàng đế Napoleon và đã đưa tên tuổi Wellington lên hàng danh tướng.
Đó là Wellington đã thành công Kế cơ quyền.
4. Kế liên quyền:
Khi tương quan quyền lực bất lợi, người dụng quyền phải tổng hợp, phân tích mọi yếu tố về mục đích, quyền lợi, chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế... có liên quan lâu dài, hoặc nhất thời, tổng thể hay cục bộ, cơ bản hay thứ yếu... để có kế sách liên minh với các đối tác khác nhằm tạo sức mạnh quyết định có tính chiến thuật hoặc chiến lược.
Thời Chiến Quốc, để chống Tần, sáu nước Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề nghe nhà mưu lược nổi tiếng Tô Tần liên kết với nhau trong “Kế hợp tung”. Đối phó lại, Tần dùng “Kế liên hòanh” của Trương Nghi phá tan hợp tung thống nhất giang sơn.
Cuối triều Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Tào Tháo lộng quyền khuynh đảo xã tắc. Để chống lại, Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị bàn kế liên minh với Tôn Quyền, cho tướng Bàng Thống trá hàng “hiến kế” xui Tào Tháo dùng xích sắt cột các thuyền chiến lại với nhau. Đồng thời bằng “khổ nhục kế” tướng Hoàng Cái “vờ khuyên” Chu Du đầu hàng Tào Tháo cốt tạo cớ để Chu Du “nổi khùng” làm nhục và hành hạ mình. Nhờ thế đã lừa được Tào Tháo. Hoàng Cái viết thư trút hận lên Chu Du và xin được hàng Tào Tháo. Tháo chấp nhận. Hoàng Cái hẹn giờ dẫn đội thuyền cùng túc hạ của mình sang với Tào. Song thực ra thuyền chở toàn chất cháy. Trong khi đó Gia Cát Lượng lên chòi xem thiên văn biết có gió nồm Nam lớn thổi tới lập tức báo cho Chu Du phóng hoả làm nên trận Xích Bích lừng danh. Liên quân Ngô - Thục đại thắng. Tào Tháo đại bại. Thế chân vạc ba nước Ngụy - Thục - Ngô hình thành từ sau trận Xích Bích nổi tiếng này.
Đó chính là kết quả của Kế liên quyền.
Đầu thế kỷ 19, để chống lại quân đội hùng mạnh của Napoleon, các quốc gia Châu Âu đã liên minh với nhau đoàn kết thành một khối buộc nhà quân sự đại tài đã từng làm mưa làm gió khiến cả thế giới lo sợ ấy phải chịu thảm bại ở chiến trường Nga. Và, năm 1814 cũng do áp lực của “Liên minh Châu Âu” Napoleon buộc phải thoái vị, bị lưu đầy trên đảo Elbe.
Ngày nay trên thế giới ở những nước có nhiều tổ chức chính trị hoặc đảng phái thường liên minh với nhau để giành ưu thế quyền lực trong Nghị viện, hoặc trong Chính phủ.
Những người dụng quyền muốn tạo sức mạnh quyền lực không thể bỏ qua Kế liên quyền.
5. Kế tập quyền:
Quyền lực chỉ phát huy sức mạnh khi đảm bảo sự thống nhất và tập trung trên nền tảng dân chủ thực sự. Dưới phục tùng trên, địa phương phục tùng trung ương. Chủ thể quyền lực quyết định kế sách chiến lược. Chủ thể quyền lực nắm cái chính để chi phối cái phụ. Nắm tổng thể để chi phối tiểu tiết. Nắm khái quát để chi phối cụ thể. Nắm lâu dài để chi phối trước mắt...
Tập quyền nhưng không độc quyền. Tập quyền thịnh. Độc quyền suy. Biên giới giữa tập quyền và độc quyền rất mỏng manh. Bởi thế phải có chế tài định rõ cho việc quản lý, vận hành quyền lực. Tập quyền thu hút sức mạnh cộng đồng và xã hội. Độc quyền ngược lại. Hơn thế còn gây sự phản kháng chống đối mà hậu họa khôn lường. Độc quyền không chỉ phụ thuộc bởi chủ thể quyền lực, mà ở cả những cấp dưới quyền. Khi cấp dưới tự hạ mình xuống, thu nhỏ mình lại, hèn đi, thậm chí tâng bốc nịnh bợ đến không còn liêm xỉ trước cấp trên là điều kiện để cấp trên tự cao tự đại sinh độc quyền. Nhà tư tưởng Marat (người Pháp) có câu nói nổi tiếng: “Người ta lớn bởi vì mình quỳ xuống”.
Võ Tắc Thiên, nữ Hoàng đế duy nhất của lịch sử phong kiến Trung Hoa là bài học về tập quyền và độc quyền. Năm 660, khi Đường Cao Tông chính thức uỷ quyền nhiếp chính, Võ Tắc Thiên đã tiến hành hàng loạt biện pháp tập quyền và phát huy tối đa các yếu tố tích cực của cơ chế ấy. Ở ngôi vị cao nhất bà tỏ rõ trách nhiệm với đất nước, bằng trí thông minh tuyệt vời, sự hiểu biết sâu rộng, đúc kết kinh nghiệm trong lịch sử và các bậc tiền bối, làm việc cần mẫn, bản lĩnh sắt thép và tính quyết đoán bà đã quy tụ được trí tuệ và sức mạnh toàn xã hội đưa quốc gia tới phồn thịnh. Nhưng sau khi đã thâu tóm trọn quyền lực tự xưng Hoàng đế (năm 690), từ tập quyền bà chuyển sang độc quyền, từ minh quân bà trở thành bạo chúa, coi quyền lực thuộc sở hữu, biến nó thành công cụ phục vụ mục đích cá nhân. Bà ta lập ra và trực tiếp nắm “Viện cơ mật”. Thâu tóm và xử lý tất cả đơn từ mật báo không hề có cơ chế giám sát. 21 năm thống trị, 75 lần bà thay Tể tướng (Thủ tướng), trong đó 19 người bị giết, 22 bị lưu đầy, có người chỉ được 9 ngày đã bị truất, bình quân mỗi Tể tướng nhiệm kỳ chỉ được hơn ba tháng. Độc quyền đến mức chức quan Tư thái học sĩ thôi mà muốn xin nghỉ về thăm nhà phải dâng biểu, Nữ hoàng phê chuẩn mới được phép. Bà ta quyết định luật pháp, coi bộ máy quyền lực là của mình, coi tất cả cấp dưới đều là thần quan riêng, là đầy tớ, coi người dân như nô lệ sẵn sàng ra lệnh tàn sát phanh thây mổ xác kể cả người già, trẻ nhỏ. Độc quyền đã khiến triều đình thối nát, quốc gia suy vong, lòng người oán hận. Dương gian đầy kẻ thù, âm gian bao phủ bởi oan hồn. Và tất nhiên gieo gió gặt bão, độc quyền dẫn tới phản quyền. Năm 705, Tể tướng Trương Giản Chi đứng đầu cuộc nổi dậy được mọi người hưởng ứng. Võ Tắc Thiên bị bắt nhốt và chết thê thảm trong ngục tối.
6. Kế phân quyền:
Nếu tập quyền nhằm đảm bảo sự thống nhất, tập trung trong dụng quyền, thì phân quyền nhằm mở rộng, thu hút mọi mặt tài lực, nhân lực, vũ lực thiên hạ tạo sức mạnh tổng hợp. Các quốc gia có bộ máy nhà nước đầu tiên trên thế giới đều hình thành hệ thống chính quyền các cấp. Cấp trung ương đảm trách chức năng tập quyền và phân quyền cho các cấp địa phương. Cấp trên nắm quyền chính, cấp dưới nắm quyền phụ. Chính hay phụ đều rất quan trọng. Bởi tập quyền và phân quyền quan hệ thống nhất nhưng không đồng nhất. Dụng quyền giỏi là phải biết điều hành sao cho tập quyền và phân quyền hỗ trợ nhau, không cản trở, kìm chế nhau, không tổn hại nhau. Làm được việc đó không dễ. Phần lớn các bậc đế vương trong lịch sử chỉ biết lo tập quyền, thậm chí độc quyền mà không giỏi phân quyền vì thế đã kìm hãm xã hội và chuốc lấy hậu họa. Nếu tập quyền phải xác lập cơ chế giám sát để không dẫn tới độc quyền thì phân quyền cũng phải có cơ chế để kiểm soát quyền. Đảm bảo chủ động việc thả quyền và thu quyền, khống chế, phòng ngừa lạm quyền, lộng quyền hoặc tranh chấp quyền. Bài học lịch sử thời tiền Hán còn đó. Sau khi thống nhất được thiên hạ, Hoàng đế Lưu Bang phong rộng rãi cho con cháu họ Lưu làm vua nắm quyền lực các nước chư hầu với mong muốn dùng quan hệ huyết thống để duy trì, bảo vệ nền thống trị của hoàng thất. Nhưng sự việc trái với lòng mong ước, hơn thế còn gây mầm đại họa, nhất là khi đã gạt trừ được phái Lữ Hậu mỗi người thuộc Hoàng tộc họ Lưu cát cứ một địa phương, chia rẽ, đối lập với chính quyền trung ương “tự tiện làm ra pháp luật, không dùng pháp luật nhà Hán”. Thế lực của họ mỗi ngày một lớn mạnh khiến triều đình không thể khống chế nổi, uy hiếp nghiêm trọng nền thống trị của Hoàng đế và cuối cùng họ công khai phát động cuộc nổi loạn khiến nhà Hán ngày một suy yếu rồi sụp đổ. Cho nên phân quyền mà không kiểm soát được quyền thì hậu họa sẽ khôn lường.
Điều quan trọng là phải phân quyền cho đối tượng (tổ chức hoặc cá nhân) đáng tin cậy. Phân quyền gắn liền với dùng người. Dùng đúng người thì thành. Dùng sai người thì bại.
Chiến tranh thời Tam Quốc thực chất là cuộc đấu trí. Gốc của trí là nhân tài. Tranh giành nhân tài là gốc của tranh giành quyền lực. Có nhân tài, biết dùng nhân tài là quyết định thắng lợi và ngược lại. Lưu Bị rất hiểu và đánh giá đúng Gia Cát Lượng, người có tâm sáng lòng rộng, chí lớn. Lấy đại nghiệp, vì xã tắc làm trọng. Đặt sự hưng thịnh quốc gia lên trên vinh nhục bản thân. Đa mưu túc kế mà khiêm nhường, chân thành và cao thượng sẵn sàng hiến thân vì trung nghĩa. Nghiêm khắc với bản thân. Công nhường cấp dưới, lỗi tự nhận về mình. Trận Nhai Đình do Gia Cát Lượng dùng người không chuẩn, cử Mã Tốc đảm trách tiên phong. Mã Tốc còn tự phụ và bảo thủ không chấp hành lệnh của Gia Cát Lượng khiến Nhai Đình thất thủ. Để giữ nghiêm quân lệnh, dù đau đớn cắt ruột Gia Cát Lượng vẫn phải xử chém Mã Tốc, hứa sẽ lo liệu cho gia quyến, vợ con Mã Tốc chu đáo, đồng thời nhận rõ sai lầm của mình, xin Lưu Bị trị tội. Bản tấu ông viết: "Thần đã dựa vào tài năng nông cạn, giữ chức vụ không đủ sức đảm nhiệm, là nguyên soái vẽ ra sách lược chỉ huy toàn quân Bắc phạt Tào - Ngụy. Nhưng do thần không giữ đúng quy chương, quy pháp, vận dụng phép tắc kỷ cương thiếu nghiêm minh, xử lý việc thiếu cẩn thận để Mã Tốc gây sai lầm ở Nhai Đình. Nguyên nhân là do thần dùng người không đúng, chưa hiểu rõ cấp dưới, gặp việc suy nghĩ chưa chu toàn. Căn cứ điều lệnh mọi thất lợi đều do chủ sự, thần phải chịu trách nhiệm. Thần thỉnh cầu Bệ hạ giáng ba cấp để xử tội của thần". Gia Cát Lượng tự nhận mình "dùng người không đúng" là rất thành tâm. Bởi Mã Tốc là tướng tài, nhưng tài tham mưu chứ không phải tài tác chiến. Điều ấy thì Gia Cát Lượng biết rất rõ. Năm 225 chính nhờ dụng mưu của Mã Tốc mà Gia Cát Lượng bắt sống được Mạnh Hoạch. Nay Mã Tốc để Nhai Đình thất thủ một phần do không chấp hành lệnh của Gia Cát Lượng, song phần khác cũng là do Gia Cát Lượng trong "dùng người" lại lấy sở đoản thay sở trường, nên Mã Tốc thua là phải và trách nhiệm phần lớn thuộc Gia Cát Lượng cũng là phải. Nhà vua không thể không chấp thuận thỉnh cầu của ông, cách chức Thừa tướng giáng ông xuống Hữu tướng quân. Bằng phẩm chất ấy ông được Lưu Bị tin cậy giao quyền lớn với tư cách đại quân sư. Đáp lại Gia Cát Lượng đã không phụ, đem tài năng kiệt suất của mình tận tâm phò tá minh chủ dựng nên nghiệp lớn, nhưng luôn giữ đúng đạo vua tôi. Điều hành mọi việc quốc gia đại sự mà không át vua. Đầy quyền lực, đủ điều kiện mà không bao giờ có dã tâm đen tối. Bệnh trọng, biết khó qua khỏi, Thái tử còn quá nhỏ, nhà vua ngỏ ý nhường ngôi cho Gia Cát Lượng, nhưng ông quyết không nhận chỉ xin nguyện làm quân sư phò tá ấu chúa trọn đời.
Lưu Bị là người thành công trong việc vận dụng kế tập quyền và kế phân quyền, kế phân quyền với thuật dùng người. Nhờ thế nước Thục ngày càng mạnh, trụ vững trong thế ba chân thời Tam Quốc.
Triều Đông Hán, Mã Viện là tướng tài xuất chúng. Ông là con cháu đời sau của danh tướng Triệu Xa thời Chiến Quốc. Mồ côi cha từ nhỏ, dựa vào các anh để sống. Còn nhỏ đã có chí lớn, các anh quyết cho Mã Viện đi học thi thư, binh pháp. Đời Vương Mãng bốn phương đại loạn. Mã Viện im lặng nhìn thiên hạ, lạnh lùng nghiên cứu thời cuộc. Cường hào Nguy Hiêu nổi binh cát cứ tự xưng "Tây Châu thượng tướng quân". Công Tôn Thuật xưng đế ở đất Thục. Lưu Tú cũng lên ngôi Hoàng đế ở Nam Hạo. Thiên hạ hình thành bốn tập quyền. Mã Viện trước hết đến với Công Tôn Thuật. Mã Viện với Công Tôn Thuật đồng hương, lại cùng học, chơi với nhau rất thân thiết từ bé. Tiếp bạn cũ mà Công Tôn Thuật bày đặt nghi trượng, hộ vệ nghiêm mật, cung cách đế vương cốt phô trương uy quyền. Gặp nhau Công Tôn Thuật chỉ nói vài ba câu khách sáo, rồi ngự giá quay vào Hoàng cung, không ngừng gật đầu với các quan tả hữu rạp mình cung kính. Công Tôn Thuật muốn phong Mã Viện làm Đại Tư Mã, nhưng Mã Viện từ chối. Bởi ông cho rằng thiên hạ đang hỗn loạn, lòng dân ly tán, lúc này rất cần phải thu phục nhân tài, người đó phải là bậc minh quân, có thiên tính chính trực, nhân từ, đầu óc tỉnh táo, ý chí kiên định, mọi việc đều vì dân chứ không phải vì mình; là người khiêm nhường biết nghe, biết học hỏi, khắc chế dục vọng, hành sự luôn theo luật pháp và nhân nghĩa chứ không theo chủ ý của mình. Nhưng Công Tôn Thuật lại ngông nghênh tự phụ. Loại người này chẳng qua chỉ là ếch ngồi đáy giếng, không phân tích nổi thời thế, không biết dùng lễ nghĩa chiêu hiền đãi sĩ thì làm sao lập nên nghiệp lớn. Không thể cộng sự với ông ta được. Rời Công Tôn Thuật, Mã Viện tìm đến với Lưu Tú. Quang vũ đế Lưu Tú mặc quần áo bình dân nghênh tiếp Mã Viện, nét mặt tươi cười, tâm tình cởi mở hàn huyên cùng ông ngay hành lang cung Tuyên Đức, vẻ khiêm nhường nói: "Biết tiên sinh là bậc trượng phu, lại đã từng chu du khắp thiên hạ, tiếp kiến với các bậc đại vương. Hôm nay được ngài hạ cố tới thăm khiến tôi vô cùng vinh hạnh". Mã Viện bái tạ đáp: "Trong thời thế này, chẳng những vua chọn tôi, mà tôi cũng phải chọn vua". Đàm đạo hồi lâu với Lưu Tú, ông nhận ra rằng tư chất con người này xứng bậc đế vương, biết nhìn xa trông rộng, biết thu phục nhân tài, biết thương dân, lo việc nước, xứng làm minh chủ để phò. Mã Viện quyết định theo Lưu Tú. Lưu Tú coi ông như bậc đại phu. Đáp lại Mã Viện đã đem hết tài năng của mình đền đáp. Trong chiến dịch tiến quân đánh về phía Tây mở rộng lãnh thổ, Lưu Tú triệu Mã Viện tới bàn kế sách. Mã Viện đã dùng lúa gạo, ngô khoai, rêu cỏ xếp thành địa hình vùng đất Lương Châu với đủ rừng, núi, sông, ngòi, đường xá, đèo dốc... để phân tích mưu lược và kế hoạch tác chiến. (Mã Viện là người đầu tiên trong lịch sử chiến tranh lập sa bàn quân sự dùng cả trong chỉ huy, chiến đấu và huấn luyện). Bằng mưu lược siêu phàm của Mã Viện và Lưu Tú là bậc minh chủ biết tôn trọng sử dụng mà triều Đông Hán đã có được những chiến công lừng lẫy.
Quách Gia người Dĩnh Xuyên. Từ nhỏ đã nuôi chí lớn, ẩn dấu thanh danh, bí mật kết thân với những anh hùng hào kiệt, rất ít chơi bời với lớp người phàm tục, do vậy thiên hạ biết đến ông không nhiều. Chỉ những bậc cao minh mới hiểu và quý trọng ông. Đầu tiên ông theo Viên Thiệu. Nhưng sau một thời gian quan sát phân tích, ông thấy Viên Thiệu không có tư chất của một nhân tài nuôi chí lớn, dù quân nhiều tướng lắm, bề ngoài có vẻ hùng mạnh, cũng bắt chước Chu Công ngày xưa chiêu hiền đãi sĩ, nhưng thực ra chỉ vì hư danh thôi chứ không biết dùng người. Nhiều nghi ngờ, ít quyết đoán, mưu hay thì bỏ, kế dở lại theo. Người như thế làm sao lập nên nghiệp bá. Nhân tài trước sau cũng sẽ bỏ ông ta mà đi. Bậc trí giả phải biết chọn lựa minh chủ thì mới có thể bách cử bách toàn và công danh khả lập. Ông quyết định rời bỏ Viên Thiệu. Được Tuân Húc, người cùng quê, mưu thần kiệt suất của Tào Tháo tiến cử. Quách Gia yết kiến Tào Tháo. Lúc này, Tháo đã nghênh đón Hán Hiến Đế về Hứa Đô để "mượn quyền" vua điều khiển chư hầu. Có nghĩa trên mặt trận chính trị Tào Tháo đã giành thế chủ động, đồng thời đang khát khao tìm kiếm nhân tài. Hai người say sưa đàm đạo việc thiên hạ đại sự. Quách Gia nhận thấy Tào Tháo đúng là bậc hùng tài đại lược, sắc sảo quyết đoán xứng đáng minh chủ. Còn Tào Tháo thì kinh ngạc trước sự uyên bác của bậc kỳ tài Quách Gia, đầy tư chất của nhà mưu lược, có năng lực quan sát, phân tích, đánh giá toàn cục và dự kiến tương lai. Dù giả định đặt trong tình thế xấu nhất cũng tìm ra được diệu kế để vượt qua và chiến thắng. Tào Tháo vui mừng thốt lên: "Người giúp ta thành tựu đại nghiệp nhất định phải là ông đó". Và bổ nhiệm Quách Gia làm Tư Không quân. Đáp lại sự tin cậy của chủ Quách Gia đem hết tài năng phục vụ và trở thành mưu thần xuất chúng giúp Tào Tháo làm nên nghiệp lớn.
Mới biết thuật dùng người không chỉ có nghĩa cấp trên chọn cấp dưới, vua chọn tôi, mà ngược lại cả cấp dưới chọn cấp trên, tôi chọn vua.
7. Kế cân quyền:
Phát triển bắt nguồn từ ổn định. Ổn định bắt nguồn từ cân bằng. Tuy nhiên trên thực tế một tổ chức, một cộng đồng, một quốc gia, một xã hội không ngừng biến động, không ngừng phát sinh sự khác nhau, bất đồng thậm chí mâu thuẫn đối lập nhau về chính kiến, về quan điểm, về quyền lợi, về phương pháp... giữa các phe nhóm, các thế lực, các cá nhân tạo ra những xung đột gây tổn hại tới hiệu quả quyền lực. Bởi thế, chủ thể dụng quyền phải biết đầy đủ, hiểu sâu sắc mọi yếu tố để xác định đối sách nhằm giữ cân bằng tạo sự ổn định, phát triển.
Triều nhà Thanh (Trung Hoa), hai thế lực chính luôn luôn xung đột. Một bên là giai cấp đại quý tộc, công thần tham lam và tàn bạo mà tiêu biểu là Hoà Đại Nhân, một tên loạn thần bất chấp mọi thủ đoạn nhằm khuynh đảo triều chính. Một bên là những quan trung thần tâm huyết với quốc gia được nhân dân tin cậy ủng hộ tiêu biểu là Lưu Dung. Hoàng đế Khang Hy là bậc minh chủ. Ông biết rằng hai thế lực đó lúc này không thể diệt một, cũng không thể diệt cả hai, càng không thể để chúng diệt nhau sinh đại loạn. Là Hoàng đế, với tư cách chủ thể quyền lực ông luôn tìm cách duy trì thế cân bằng, hạn chế những tác động tiêu cực nhằm đảm bảo sự ổn định. Nhờ vậy mọi bất hoà đều được kiểm soát và kiềm chế, xã tắc yên bình, quốc gia cường thịnh.
Thời Chiến Quốc, có lần Tề Hoàn Công ra lệnh: "Quả nhân sắp lập Quản Trọng làm trọng phụ. Người nào tán thành thì bước qua bên trái. Người nào không tán thành thì bước qua bên phải". Đông Quách Nha không qua phải cũng không qua trái. Tề Hoàn Công hỏi: "Nhà ngươi đứng ở giữa là nghĩa làm sao?". Quách Nha thưa: "Bệ hạ cho rằng cái khôn của Quản Trọng có thể lo được việc xã tắc chăng?". Hoàn Công đáp: "Lo được». Nha lại thưa: "Bệ hạ cho rằng ông ta dám làm việc lớn sao?". Hoàn Công đáp: "Dám làm". Nha lại thưa: "Bệ hạ biết cái khôn của ông ta có thể lo được mọi việc của xã tắc, cái chí của ông ta dám làm việc lớn vì thế Bệ hạ trao hết quyền vào tay ông ta. Vậy là ông ta có cả thực quyền lớn và thế quyền tối đa. Bệ hạ không lường tới mối hiểm nguy sao?". Suy nghĩ một lát, Tề Hoàn Công gật đầu: "Phải lắm", bèn giao Thập Bằng lo việc bên trong, Quản Trọng lo việc bên ngoài tạo thế cân quyền giám sát nhau và nhà vua cũng kiểm soát được cả hai, tránh lộng quyền át chủ phòng ngừa hậu họa.
Khang Hy và Tề Hoàn Công thật cao tay trong dụng Kế cân quyền.
8. Kế khống chế quyền:
Trong quyền lực có cả thánh lực và ma lực, có chính và tà mà ranh giới rất mỏng manh. Thành bại luôn cận kề nếu không biết hoặc cố tình bỏ qua ranh giới ấy. Bởi thế trong dụng quyền không thể thiếu kế khống chế quyền. Khống chế quyền nhằm đặt quyền lực vào đúng vị trí, phát triển đúng hướng và vận hành đúng quy định bằng hệ thống thể chế nghiêm ngặt được áp dụng cho tất cả mọi chủ thể quyền lực từ cao nhất đến thấp nhất. Kèm với tập quyền và phân quyền phải có khống chế quyền cốt để tập quyền mà không thể độc quyền, phân quyền mà không thể lộng quyền, át quyền, tranh quyền, hoặc cát cứ quyền...
Làm được việc ấy không dễ. Hầu hết các bậc đế vương trong lịch sử, khi khởi nghiệp thì cùng huynh đệ gắn bó ruột thịt, đồng cam cộng khổ chia sẻ hoạn nạn, quy tụ nhân tài thiên hạ, hết lòng tận tâm vì dân vì nước xây dựng quốc gia hưng thịnh. Nhưng khi đã lập nên đại nghiệp lập tức thâu tóm quyền lực, tàn sát công thần, coi xã tắc là của riêng, coi thuộc hạ như tôi tớ, coi thần dân như nô lệ khiến triều chính bất hoà, lòng người phẫn uất, quốc gia suy vong. Gương tiền nhân như Việt vương Câu Tiễn, Tần Thuỷ Hoàng, Lưu Bang, Võ Tắc Thiên, Chu Nguyên Chương, Từ Hy Thái Hậu... Tất nhiên họ đều phảỉ chịu thảm bại. Vì sao? Vì những chủ thể quyền lực ấy hoặc không biết, hoặc không muốn dụng kế khống chế quyền. Thực tế chứng minh chủ thể quyền lực (tổ chức hoặc cá nhân) từ cấp cao nhất tới thấp nhất nếu không xác lập hoặc không tuân thủ những quy định về khống chế quyền tất sẽ dẫn tới độc quyền và nhất định sẽ thất bại. Kết quả bi thảm mà Hít-le và "Đảng Quốc xã" của hắn, Ngô Đình Diệm và "Đảng Cần lao nhân vị» của ông ta phải gánh chịu là bài học cảnh báo cho tất cả mọi chủ thể quyền lực dám coi thường khống chế quyền.
9. Kế củng cố quyền:
Đạt được quyền lực khó, nhưng giữ được còn khó hơn. Lịch sử không thiếu người giỏi thao túng quyền lực nhưng củng cố được quyền lực trọn vẹn đến cùng hầu như chẳng có mấy. Bởi thế củng cố quyền là kế không thể coi nhẹ, không thể thiếu đối với mọi chủ thể dụng quyền. Việc củng cố phải được thực hiện cùng lúc cả thực quyền và thế quyền.
Với thực quyền: không ngừng trao dồi học vấn, đọc thiên kinh vạn quyển, tổng kết các bài học từ sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, tổng kết kinh nghiệm, đặc biệt trang bị khoa học tư duy. Đó là khoa học cực kỳ quan trọng, bởi nó có vai trò định hướng, dẫn dắt cả suy nghĩ và hành động đồng thời tu dưỡng đạo đức nhân cách. Phải thật sự có năng lực để điều hành quyền lực. Học vấn không nhất thiết phải qua trường lớp, hoặc nhiều bằng cấp mà cái chính là tự học và suy ngẫm, là rút ra những bài học quý từ mình, từ đồng nghiệp, từ tiền nhiệm, từ thành công và thất bại, từ quá khứ và hiện tại, từ trong và ngoài đường đời. Trí tuệ siêu phàm, đạo đức thánh nhân như Khổng Tử, hoặc Hồ Chí Minh chủ yếu là kết quả của tự học, tự tu dưỡng. Mặt khác phải biết chiêu hiền đãi sĩ, thu phục và sử dụng nhân tài khắp thiên hạ. Có như thế quyền lực mới được củng cố. Thực thi quyền lực bằng đạo đức và văn hóa thì tồn, bằng thủ đoạn và đàn áp thì vong. Mà muốn có đạo đức phải tu rèn, muốn có văn hóa phải không ngừng học hỏi.
Với thế quyền: cần làm cho các chủ thể quyền lực cả cấp trên và cấp dưới nhận biết, khẳng định đúng thực quyền của mình, qua đó càng tin cậy, giao phó, uỷ thác trọng trách xứng đáng. Không chấp nhận mọi hành vi gian trá, lừa lọc, mỵ dân để có thực quyền. Đó là thực quyền giả. Không chấp nhận mọi hành vi chạy chọt, đút lót, bè cánh lôi kéo để có thế quyền. Đó là thế quyền giả. Chân lý cuộc sống không dung nạp đồ giả dù che đậy tinh vi đến đâu trước sau cũng bị phơi bày và chịu hậu họa. Dùng quyền lực giả quả báo sẽ khôn lường.
Lịch sử chứng minh các triều đại, các tổ chức, cá nhân quyền lực, hoặc không lo củng cố quyền, hoặc không củng cố quyền bằng tâm, nhân, trí, đức và văn hoá, trái lại dùng thủ đoạn để lừa gạt, dùng độc tài để trấn áp, bất chấp luật pháp và đạo lý đều phải chuốc bại vong thê thảm.
Triều nhà Thương, Trụ Vương nổi tiếng xa xỉ, dùng ngà voi làm đũa. Cơ Tử thấy vậy lo lắng than rằng: "Dùng ngà voi làm đũa rồi sẽ dùng sừng tê giác, bảo ngọc làm bát, rồi sẽ đòi ăn bao tử con báo, con sư tử và thịt động vật quý hiếm. Rồi sẽ không chịu ở nhà gỗ, mặc quần áo vải thô mà phải ở lâu đài cung điện, mặc nhung y gấm vóc. Ta sợ kết cục diệt vong của Trụ Vương bắt đầu từ đây". Quả nhiên năm sau Trụ Vương vơ vét quốc khố bắt dân lao dịch xây Nhục Viên (nơi hành lạc), ăn chơi truỵ lạc, cuối cùng bị Thành Thang cùng quần thần nổi lên giết chết.
Khác Trụ Vương, Hán Văn đế Lưu Hằng là nhà vua hiền minh và nổi tiếng sống giản dị, liêm chính. Ông đề xướng và làm gương trăm họ, quần thần. Ngoài triều ngự ra chỉ mặc quần áo bình thường, Hoàng hậu cũng không mặc váy dài quét đất để tránh lãng phí, không đồ trang sức quý, giường tủ, bàn ghế, chăn đệm trong cung cũng không chạm trổ, thêu thùa cầu kỳ. Nhà vua sống giản dị nên quần thần cũng theo gương không dám xa hoa. Cho đến khi qua đời Hán Văn đế vẫn giữ được nếp sống ấy, thậm chí trước đó nhà vua di chúc lại cặn kẽ lễ tang của mình: "Vạn vật trong thiên hạ không tránh khỏi cái chết. Đó là quy luật. Tại thế ta chưa làm được bao nhiêu điều tốt cho trăm họ, nếu chết rồi lại để trăm họ phải phục vụ tang ta tốn kém, vất vả thì càng làm tăng thêm tội của ta. Vì vậy ta ra lệnh cho bá quan, trăm họ sau khi an táng ta ba ngày đều bỏ tang. Khăn tang không quá ba tấc, không dùng linh sa, binh khí, không điều động trăm họ đến dự lễ. Sau khi ta chết, trừ phu nhân, còn tất cả cung nữ đều được trở về quê nhà sinh sống". Nhờ gương sáng của Hoàng đế mà bách nghệ được khôi phục, phát triển, mọi người quan tâm đến lễ nghĩa, sống cần kiệm, cần cù chăm chỉ, đất nước phồn thịnh. Những người kế vị noi theo đức độ của Tiên vương tận tâm với xã tắc, hết lòng thương yêu trăm họ, nhờ thế triều chính ngày càng được củng cố vững vàng.
Ngô Khởi người nước Vệ. Ở nước Vệ không có đất thi thố tài năng liền bỏ sang nước Lỗ theo học Tăng Tử (Tăng Tử là học trò Khổng Tử). Mẹ ở nước Vệ chết, Ngô Khởi không về chịu tang, can tội bất hiếu. Đó là điều tối kỵ của Đạo Nho nên Tăng Tử tức giận đuổi không cho học. Ngô Khởi bỏ văn, học võ. Được Tướng quốc nước Lỗ là Công Nghi Hưu trọng dụng tiến cử làm quan Đại phu. Nước Tề bành chướng cất quân đánh nước Lỗ. Công Nghi Hưu muốn cử Ngô Khởi làm Đại tướng quân song còn e ngại bởi vợ Ngô Khởi là con gái một quan Đại phu nước Tề sợ lâm trận Ngô Khởi không quyết đoán. Ngô Khởi biết, đã đang tâm giết vợ, sẵn sàng can tội bất nghĩa để tỏ lòng trung thành với vua Lỗ. Được làm Đại tướng cầm quân đánh thắng Tề, song việc làm phi đạo của Ngô Khởi khiến mọi người lên án và vua nước Lỗ thấy không thể trọng dụng loại bất nhân bất nghĩa ấy liền thu hết binh quyền, không luận công thăng thưởng. Kết cục Ngô Khởi phải rời nước Lỗ sang nước Ngụy. Ngô Khởi được Ngụy Văn Hầu phong Đại tướng quân, lập nhiều chiến công hiển hách đánh Tề, Tần... Công nhiều lắm kẻ ghét, hơn nữa với nhân cách ấy Ngô Khởi bị quần thần khinh bỉ và vua Ngụy Vũ Hầu (kế vị Ngụy Văn Hầu) cách chức phải rời bỏ nước Ngụy ra đi như kẻ mạt vận. Ngô Khởi tới nước Sở, được Sở Điệu Vương phong làm Tướng quốc. Với tài năng xuất chúng, ông tiến hành những cải cách lớn đưa nước Sở hùng mạnh rất nhanh, song cũng gây biết bao thù oán, nhất là với giới quý tộc. Năm 381 trCN Sở Điệu Vương qua đời. Bọn quý tộc phản công, Ngô Khởi bị giết chết.
Ngô Khởi là người vừa có tài thao lược vừa giỏi quản lý đất nước. Thực quyền và thế quyền đều lớn. Nhưng không biết lo củng cố quyền bằng sự tu dưỡng rèn luyện, sống bất nhân thất đức nên phải nhận kết cục bi thảm.
Một khía cạnh khác của củng cố quyền là đối nội cần ổn định. Muốn ổn định phải đoàn kết. Trong tất cả việc quan trọng thì ổn định và đoàn kết là quan trọng nhất. Mất đoàn kết nội bộ, sự tàn phá gấp nhiều lần hiểm họa từ bên ngoài và tiêu vong sự nghiệp nhanh nhất.Về đối ngoại là mở rộng bang giao thân thiện có nguyên tắc. Đồng thời phải lường tính hết mọi phản quyền để chủ động lập kế hoạch phòng ngừa đối phó sớm nhất.
10. Kế kế quyền:
Quyền lực hữu hạn với bất kỳ chủ thể nào. Có nghĩa mọi chủ thể quyền lực đều phải thoái quyền để chủ thể khác kế quyền. Tuy nhiên thoái quyền thế nào và kế quyền ra sao lại là vấn đề mà khoa dụng quyền phải nghiên cứu vận dụng.
Thoái quyền: người hiểu mình, hiểu đời lắm mới biết thoái quyền đúng mục đích, đúng cách, đúng lúc. Biết bao kẻ vì không nhận rõ điều ấy mà thân bại, danh liệt. Cổ nhân đã dạy: "Khi thượng phong phải nghĩ tới lúc hạ mạt". Biết lên không được, ở lại không được, chờ thời để tiến cũng không được thì phải tìm cách thoái lui. Những kẻ tham quyền cố vị bằng mọi thủ đoạn níu giữ quyền lực chẳng những tổn hại nhân cách bản thân mà còn gây hệ lụy cho quốc gia xã tắc và chắc chắn sẽ bị lịch sử lên án.
Học thuyết Lão Tử (nhà tư tưởng lớn Trung Hoa thế kỷ 6 trCN) lấy Vô vi làm gốc. Cơ sở để đạt được Vô vi là: "Vô dục" (Không để dục vọng và tham vọng chi phối mình). "Vô tranh" (Không tranh giành với ai thì cũng không ai tranh giành với mình), "Tri túc" (Phải biết thế nào là đủ để dừng) và "Thủ thế" (Biết lấy lùi để tiến). "Kế tẩu vi thượng" trong "Binh pháp Tôn Tử" dạy: "Nếu biết không thể thắng sẽ có ba cách: đầu hàng, cầu hoà và lùi. Đầu hàng là thất bại hoàn toàn. Cầu hoà là thất bại một nửa. Lùi là mấu chốt bất bại để tất thắng".
Bởi thế, trước hết phải xác định mục đích thoái: "Lui" hay "Lùi"?
"Lui" là rút để nghỉ. "Lùi" là dừng để tiến. Hãy lựa chọn!
Có hai cách thoái quyền: "Chủ động" và "Bị động". Hãy lựa chọn!
Có ba thời điểm thoái quyền: "Nên thoái", "Cần thoái" và "Phải thoái". Hãy lựa chọn!
Người hiểu mình, hiểu đời thì chọn cách "Chủ động" vào thời điểm "Nên thoái" chứ không để đến khi "Bị thoái" hoặc "Phải thoái".
Ở đời những kẻ cố bám quyền thì nhiều, nhưng tỉnh táo sáng suốt biết thoái quyền rất ít. Mấy ai được như Phạm Lãi thời Xuân Thu biết thoái đúng lúc, đúng cách, đúng mục đích vừa tránh được tai họa vừa lưu danh muôn thuở. Là mưu thần kiệt suất giúp Việt vương Câu Tiễn bình Ngô diệt Phù Sai. Sau khi thắng lợi, nhận rõ bản chất Câu Tiễn thuộc loại tham quyền ích kỷ, chung hoạn nạn chứ không cùng hưởng vinh quang, trước sau cũng thành bạo chúa diệt công thần thâu tóm quyền lực, Phạm Lãi tự nguyện rút khỏi mọi quyền chức, mau chóng rời nước Việt sang nước Tề, thay tên đổi họ, kinh doanh buôn bán, dùng tiền giúp bạn bè và những người nghèo khổ, được đời sau tôn vinh là "Thánh Đào Chu Công". Trái lại Văn Chủng cũng là bậc đại phu vì không nghe lời khuyên của Phạm Lãi vẫn trung thành phò tá Câu Tiễn, rút cuộc bị Câu Tiễn giết hại. Giống Phạm Lãi, Trương Lương giúp Lưu Bang diệt xong Tần lập ra nhà Hán liền bỏ đi ở ẩn. Trần Hưng Đạo dẹp tan giặc Nguyên Mông rời Kinh Đô về Kiếp Bạc làm nghề nông, trồng cây thuốc chữa bệnh cho dân và viết "Binh thư". Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi đánh xong giặc Minh ẩn dật nơi Côn Sơn làm thơ viết sách...
Tuổi trẻ có chí. Trung niên lập công. Cuối đời mắc sai lầm. Dường như đó là quy luật đối với các bậc đế vương. Tần Thuỷ Hoàng, Hán Võ đế Lưu Triệt, Minh Thái tổ Chu Nguyên Chương cũng thế. Còn trẻ vào sống ra chết tạo dựng giang sơn. Nhưng cuối đời chỉ lo củng cố quyền lực giết công thần, sống sa đọa vô độ. Khang Hy khi còn trẻ lập nhiều công lớn, nổi tiếng là bậc minh quân. Cuối đời cũng sa vào hưởng lạc trác táng khiến quốc gia suy vong. Đã từng được thử thách trong binh đao, công trạng hiển hách còn thế huống hồ những kẻ nhàn cư, cống hiến ít, hưởng thụ nhiều thì sự tha hóa suy đồi càng tồi tệ.
Những bài học sâu sắc trong lịch sử cho thấy tuổi già mà vẫn cố nắm quyền lực thường rất dễ sai lầm làm tổn hại đến xã tắc. Bởi thế ở nước ta, triều Trần, mười bốn đời vua kế tiếp nhau đều chủ động nhường ngôi khi tuổi đời còn trẻ để làm Thái Thượng hoàng. Từ lập quốc chỉ đến triều Trần mới có chế độ Thái Thượng hoàng. Tuổi bình quân các vua Trần khi thoái quyền nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng là 38, 5 và tuổi đời bình quân của các vua Trần khi tiếp nhận ngôi báu là 17, 8. Làm Thái Thượng hoàng nhưng vẫn nắm chắc tình hình đất nước và kèm cặp vua trẻ điều hành xã tắc. Một quốc gia, Thái Thượng hoàng tuổi bình quân xấp xỉ 40, vua trực tiếp quản lý giang sơn tuổi bình quân xấp xỉ 18, quốc gia ấy nhất định hùng mạnh và thực tế đúng như vậy.
Năm 1814, Napoleon sau thất bại nặng nề trên chiến trường Nga và trước áp lực của "Liên minh Châu Âu", ông ta nhận ra rằng không thể tiếp tục ngôi Hoàng đế. Cố bám giữ quyền lực tối cao ấy tất sẽ bị tiêu diệt. Mục đích lúc này là tồn tại. Tồn tại được thì còn. Bị tiêu diệt là hết. "Binh pháp Tôn Tử" dạy: «Phải tìm cách không cho địch thắng để đợi thời cơ thắng địch". Tỉnh táo sáng suốt phân tích thời cuộc cả quân sự, chính trị, ngoại giao, cả thực tế và xu thế, Napoleon biết rằng thời cơ còn, bởi thế ông ta quyết định thoái vị và chấp nhận bị lưu đầy tại đảo Elbe cùng với 1.000 lính (6-4-1814). Tuy rời ngai vàng, nhưng ông ta vẫn theo dõi mọi biến động chính trị. Ở Pháp nhân dân luyến tiếc chế độ tự do dân chủ dưới thời Napoleon, phản ứng quyết liệt chế độ tập quyền phong kiến hà khắc của vương triều Bourbon khi quay lại thống trị. Còn các nước trong "Liên minh Châu Âu" thì mâu thuẫn gay gắt với nhau khi phân chia quyền lợi. Thời cơ phục quyền đã tới. Ngày 1-3-1815 Napoleon dẫn hơn 1.000 quân rời đảo Elbe đổ bộ lên Cane và tiến thẳng về Paris. Vốn là một Hoàng đế tài giỏi uy danh lừng lẫy, tới đâu ông cũng được nhân dân và quân đội ủng hộ. Louis XVIII hốt hoảng bỏ thạy sang Anh. Ba tháng sau Napoleon chiếm lại ngai vàng.
Phạm Lãi, Trương Lương, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và các vua Trần đã để lại cho lịch sử những bài học về thoái lui quyền lực. Đó là những người thoái quyền đúng mục đích, đúng cách, đúng thời điểm và mãi mãi được lịch sử tôn vinh. Rất tiếc vẫn có không ít kẻ đầy tham vọng cố bám quyền một cách mù quáng gây tổn hại cho cộng đồng và xã hội để rồi phải nhận kết cục thảm hại, bị lịch sử lên án và hậu thế chê trách.
Cùng với thoái quyền là thực thi kế quyền. Biết bao gia đình tan nát, cơ quan sụp đổ, doanh nghiệp phá sản, quốc gia suy vong bởi không chọn được chủ thể kế quyền xứng đáng. Đây là việc phải làm liên tục, rất quan trọng, rất công phu, rất khoa học, đặc biệt phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, tuyển chọn và sử dụng nhân tài. Mọi cấp, mọi nơi, mọi ngành, mọi nhà, mọi người phải cùng lo việc đào tạo nhân tài mới có nguồn để tuyển chọn cho kế quyền ở mọi cương vị, mọi lĩnh vực. Đào tạo và tuyển chọn nhân tài là việc của toàn dân. Không dựa vào dân, không để dân tham gia thì nhất định thất bại. Cốt lõi của tuyển chọn là dùng người. Cốt lõi của dùng người là hiểu người. Hiểu đúng, đánh giá đúng, chọn kế quyền đúng thì hưng. Hiểu sai, đánh giá sai, chọn kế quyền sai thì vong.
Trung Hoa là quốc gia có nền văn minh lâu đời. Lịch sử kế quyền đã trải qua từng giai đoạn. Thời kỳ mẫu hệ được thực hiện theo chế độ truyền đệ, anh nhường quyền cho em cùng mẹ. Đến thời Nghiêu - Thuấn – Vũ việc kế vị được thực hiện theo chế độ truyền hiền nghĩa là chọn người có đức tài (thật ra Nghiêu - Thuấn – Vũ chỉ là các tù trưởng được các bộ lạc bầu lên). Đến khoảng giữa triều nhà Thương, khi đó là chế độ phụ hệ và quản lý điều hành xã hội đã bước đầu hình thành bộ máy nhà nước thì việc nối ngôi được thực hiện theo chế độ truyền tử, cha nhường cho con. Từ đó thành lệ cho các triều đại sau. Tới khi kết thúc chế độ quân chủ bằng cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) chế độ dân chủ được xác lập thì việc kế quyền thực hiện qua tuyển cử để chọn nhân tài. Chế độ truyền đệ thời kỳ mẫu hệ và truyền hiền thời Nghiêu - Thuấn – Vũ chỉ thích hợp với trình độ xã hội còn quá sơ khai và quy mô dân số ít. Chế độ truyền tử thời phong kiến quân chủ thì chỉ có lợi là đảm bảo tính liên tục, nhưng hại nhiều. Một triều đại mươi lăm đời vua may lắm vài ba ông là có đức tài hết lòng vì nước, thương dân còn đa số ngu dốt, vô trách nhiệm, sống cuồng lạc, tranh gìanh quyền lực khiến quốc gia suy vong. Chế độ tuyển cử tiến bộ hơn nhiều, nhân tài trong thiên hạ được biết đến và được sử dụng, trí tuệ và nhân lực toàn xã hội được phát huy triệt để. Tuy nhiên việc đó chỉ hữu hiệu khi tuyển cử phải thực sự dân chủ, công bằng, minh bạch, không mặc cảm thành phần xuất thân, không gian lận, không chiêu bài giả hiệu, không bị chi phối bởi tình thân thuộc hoặc tiền bạc... Nếu không tuyển cử sẽ biến thành tình cử, tiền cử hoặc chỉ có cử mà không có tuyển và như thế thì đại loạn tất không thể tránh khỏi.
Năm 626, Hoàng đế nhà Đường là Lý Uyên thoái vị, không chọn con cả kế quyền mà chọn con thứ là Lý Thế Dân. Bởi ông hiểu Lý Thế Dân là người có tâm sáng, lòng rộng, chí lớn, văn võ song toàn, biết quản lý điều hành xã tắc. Ông đã chọn đúng. Lý Thế Dân tiếp nhận vương quyền, rút kinh nghiệm hưng vong của các triều trước, vi hành khắp thiên hạ để khảo sát dân tình và tiến hành hàng loạt cải cách lớn xây dựng nhà Đường thành quốc gia hùng mạnh, nước thịnh, dân an, mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài tạo thanh thế.
Thời Tam Quốc, đánh giá đúng bản chất Gia Cát Lượng một người tài đức vẹn toàn Lưu Bị giao toàn quyền cho ông. Có thế quyền lại có thực quyền kiệt xuất Gia Cát Lượng ổn định nội bộ, hoạch định chiến lược cho xã tắc mà không cướp ngôi đoạt quyền như Tào Tháo, Tư Mã Ý. Đó là trao quyền cho người thật xứng đáng và tin cậy. Về kế phân quyền thì Lưu Bị quả là giỏi, kết hợp cả dụng quyền, phân quyền với dùng người. Bí quyết dùng người là phải hiểu người. Hiểu người qua tướng, số (tử vi). Tướng gồm: diện, dáng, ngôn, tự (tỷ mỷ chi tiết từ hành tướng, tọa tướng, ngọa tướng, nhãn tướng, nhĩ tướng, khẩu tướng, nhân trung, lưỡng quyền, môi, trán, tóc... giọng nói, cách nói, nội dung lời nói... kiểu chữ, nét chữ...); Hiểu người qua đối đáp, qua thử thách khi giao những việc cụ thể từ đó biết có trí, có nhẫn, có trung, có dũng, có liêm, có mưu lược, có nham hiểm thủ đoạn, có tận tụy, có đam mê tửu sắc?... Từ đó mà biết có tin được và dùng được hay chỉ dùng mà chưa tin, hoặc không tin, hoặc không thể tin cũng không thể dùng. Hiểu người mới trao việc thì kiểm soát được cả việc, cả người và ngược lại. Khi giao quyền phải xác định rõ quyền và hạn, trách và nhiệm, không chung chung. Khiến người được giao biết mình phải làm gì, phải đạt mục tiêu gì, nếu không làm được phải chịu trách nhiệm thế nào, không thể trốn tránh cũng không thể tranh công đổ lỗi được. Làm sao giữa chủ thể quyền lực với cấp dưới luôn có sự ràng buộc chặt chẽ nhưng không vướng cản nhau, tuyệt đối không được tạo ra khoảng trống mà quyền lực không tới.
Thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công nhờ chọn Quản Trọng làm quân sư mà nước Tề từ yếu trở nên siêu cường. Quản Trọng bị bệnh nặng, Tề Hoàn Công lo lắng hỏi: "Nếu bá phụ mệnh hệ nào thì ai có thể thay thế?". Quản Trọng đáp: "Hiểu con không ai bằng cha. Hiểu bề tôi không ai bằng vua. Vậy theo Bệ hạ thì ai có thể thay?". Tề Hoàn Công hỏi: "Dịch Nha được không?". Dịch Nha là cận thần. Có lần nghe nhà vua than: "Sơn hà hải vị ta trải cả rồi, giờ chỉ thèm thịt trẻ em xem mùi vị ra sao". Dịch Nha về cắt thịt đùi đứa con út của mình dâng vua. Nhà vua cho rằng Dịch Nha lòng trung không ai có, coi vua hơn sự sống con mình. Quản Trọng lắc đầu: "Giết con mình để lấy lòng vua là trái đạo từ, thất nhân tâm, không chỉ ông ta mang tiếng ác mà gieo cả điều ác cho Bệ hạ. Không thể được". Vua lại hỏi: "Khai Phương thế nào?". Khai Phương là người nước Vệ, hầu hạ Tề Hoàn Công suốt mười lăm năm không về thăm cha mẹ. Tề Hoàn Công cho rằng Khai Phương coi vua hơn cả người sinh ra mình, đó là bậc trung thần. Quản Trọng lắc đầu: "Cam tội bất hiếu để được lòng vua là không hợp đạo làm con. Tự mang tiếng xấu còn làm tổn hại đến lòng nhân từ của vua. Người này cũng không được". Vua lại hỏi: "Vậy Thụ Điêu thì sao?". Thụ Điêu biết Tề Hoàn Công háo sắc nên đã tự thiến mình làm quan hoạn (đại nhục như tội hình) để được phục vụ vua với các mỹ nữ. Nhờ thế vua rất tin cậy. Quản Trọng lắc đầu: "Đến bản thân mà hắn còn không thương tự huỷ hoại thì hắn còn biết thương ai. Loại này càng không được. Cả ba người ấy đều không đủ tín, đức, uy để yên lòng dân, để quần thần tâm phục, khẩu phục và để giữ bang giao với các nước". Vua lại hỏi: "Vậy ai được?". Quản Trọng đáp: "Thập Bằng được. Đó là người bên trong thì bản lĩnh, bên ngoài thì liêm khiết, không để tham vọng, dục vọng lôi kéo, là gương sáng để thu phục lòng dân, làm được việc lớn, giữ được hữu hảo với các nước lân bang".
Tiếc thay Quản Trọng chết, vua không dùng Thập Bằng mà chọn Thụ Điêu. Thụ Điêu thâu tóm quyền lực cấu kết với Dịch Nha và Khai Phương làm phản. Tề Hoàn Công bị bắt, bị bỏ đói và chết thê thảm trong ngục tối. Trước khi chết ông ta tự trách mình không nghe lời khuyên của Quản Trọng, dùng người không suy xét kỹ mọi mặt mà chỉ theo ý mình nên phải nhận nỗi nhục này.
Kế quyền nói riêng, quyền lực nói chung là thế. Đúng – Sai liền với Phúc - Họa.