Thượng viện Mỹ hôm thứ ba đã thông qua một dự luật mà họ tin rằng sẽ giúp bảo vệ quyền con người ở Hồng Kông trong bối cảnh chính quyền đặc khu ngày càng cứng rắn với phong trào phản kháng.
Sau cuộc bỏ phiếu của các thượng nghị sĩ, Dự luật Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Kông bây giờ sẽ được gửi ngược lại Hạ viện, nơi trước đó đã phê chuẩn dự luận này. Lưỡng viện sẽ phải giải quyết sự khác biệt của họ trước khi gửi đến Tổng thống Donald Trump để ông xem xét và chọn đồng ý hay bác bỏ.
Thượng viện sau đó cũng đã thông qua dự luật thứ hai sẽ cấm xuất khẩu một số loại đạn cho lực lượng cảnh sát Hồng Kông. Đồng thời, các mặt hàng như hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng gây choáng cũng trong danh sách cấm.
Không có phản hồi ngay lập tức từ Nhà Trắng về sự kiện trên. Chưa có tín hiệu nào cho thấy liệu Tổng thống Trump sẽ ký hay phủ quyết Dự luật liên quan đến nhân quyền tại Hồng Kông. Một quan chức Mỹ cho biết gần đây rằng không có quyết định nào được đưa ra từ Nhà Trắng để đồn đoán ý định về Hồng Kông.
Quan chức giấu tên nói rằng nếu dự luật được đưa lên bàn của ông Trump thì có thể sẽ xảy ra tranh luận gay gắt giữa các trợ lý của Tổng thống. Có những người lo lắng rằng dự luật có thể làm ảnh hưởng tiêu cực các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong khi những người tin rằng đã đến lúc phải cương quyết hơn với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và tương lai của Hồng Kông.
Thái độ của ông Trump với vấn đề Hồng Kông cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống Mỹ hồi tháng 7 nhận xét những người biểu tình xông vào trụ sở Hội đồng lập pháp của đặc khu là vì muốn dân chủ cho Hồng Kông. Đồng thời ông Trump còn cho biết "một số chính phủ không muốn dân chủ cho Hồng Kông". Nhưng đến tháng 8, ông Trump cũng trên twitter đã viết rằng "Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, họ sẽ phải tự giải quyết lấy".
Thời gian gần đây, ông Trump không đề cập bất kỳ chuyện gì liên quan đến Hồng Kông. Thậm chí, lãnh đạo Thượng viện là người của đảng Cộng hòa cũng vừa phải phát biểu rằng ông Trump cần lên tiếng về chuyện ở Hồng Kông.
Đại sứ quán Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận về sự kiện trên trong khi phải đến chiều nay, Bộ ngoại giao Trung Quốc mới tiến hành họp báo.
Cách đây 1 tháng, ngày 15.10, Hạ viện Mỹ đã thảo luận và thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Trong vòng 1 tháng qua, tình trạng căng thẳng ở Hồng Kông không có dấu hiệu hạ nhiệt. Cảnh sát Hồng Kông trong những tuần gần đây đã có những thái độ cứng rắn hơn với người biểu tình, đặc biệt là sự kiện xung quanh trường đại học Bách khoa Hồng Kông.
Đến 14.11, Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Marco Rubio, cũng của đảng Cộng hòa, muốn thượng viện tiến hành bỏ phiếu để sớm thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Và không ngoài dự đoán khi đề xuất của 2 thượng nghị sĩ này được Thượng viện thông qua. Câu hỏi lớn nhất lúc này chính là thái độ của Nhà Trắng với Trung Quốc trong vấn đề Hồng Kông. Thế giới đang nhìn vào Tổng thống Trump.
Một khi Dự luật được thông qua để trở thành Đạo luật thì sẽ có 3 điểm quan trọng tác động tới Hồng Kông: Thứ nhất, sẽ chấm dứt tình trạng giao dịch đặc biệt của Mỹ dành cho Hồng Kông cho tới khi báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao xác nhận rằng chính quyền tôn trọng nhân quyền và luật pháp.
Thứ hai, sẽ cấm xuất khẩu các mặt hàng quân sự và trấn áp đám đông như vòi rồng cho Hồng Kông.
Thứ ba là một nghị quyết không ràng buộc công nhận mối quan hệ của Hồng Kông với Mỹ, lên án "sự can thiệp" của Bắc Kinh trong các vấn đề đối nội và ủng hộ quyền biểu tình của người dân đặc khu.
Anh Tú
nguồn TTO