Trang chủ » Tin văn và...

TÊN TRƯỜNG VÀ NHỮNG THĂNG TRẦM

Văn Giá
Thứ hai ngày 11 tháng 11 năm 2019 2:46 PM

.




Ấy là tôi muốn nói đến cái tên “Trường Viết văn Nguyễn Du”. Nó gắn liền với số phận nổi chìm của nó.

Ban đầu, năm 1976 nó là Khoa Viết văn, nằm trong trường Nghiệp vụ văn hóa, trực thuộc Bộ văn hóa. Tuy vậy, năm 1979, khoa này đã mở Lớp Đại học Viết văn hệ chuyên tu khóa 1, khóa có ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bây giờ theo học.
Năm 1982 “Trường Viết văn Nguyễn Du” mới chính thức được thành lập với cái tên như vậy.

Thầy Hoàng Ngọc Hiến kể: lúc bấy giờ học tập mô hình đào tạo của trường Viết văn mang tên M.Gorki bên Liên xô, thành lập năm 1933. Cái khó là cần đặt cái tên trường. Bên người ta lấy tên ông nhà văn “Cánh chim báo bão” của nền văn học cách mạng Xô viết đặt tên là oách quá rồi. Ông nhà văn này, kể đáng tội, trước khi viết tiểu thuyết “Người mẹ” (1905) cũng là tác giả khá tầm vóc với hàng loạt truyện ngắn, kịch, hồi ký, chân dung nổi tiếng đấy chứ. Nhưng sau, nhiễm cái ý hệ thời Lênin và Xtalin, nên ngòi bút cũng kém đi nhiều. Ông ấy lại còn góp phần đẻ ra cái gọi là Chủ nghĩa hiện thực XHCN (1934) nữa chứ!
Trở lại việc đặt tên cho trường viết văn ở Việt Nam. Một số ý kiến đưa ra, bên kia người ta lấy tên nhà văn cách mạng để đặt thì hà cớ gì Việt Nam mình lại không? Nếu thế thì lấy tên ai? Xét đi xét lại chỉ có một người, người này được mệnh danh là “ngọn cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam”. Mà nghe đâu người này cũng đã đánh tiếng với Bộ Văn hóa, với một số người có trách nhiệm lúc bấy giờ. Vậy thì xem như cũng là trong tầm ngắm…

Nhưng lại có ý kiến đề xuất khác. Ở Việt Nam mình từ xưa tới nay về tài thơ, có ai dám coi là hơn cụ Tố Như? Vậy thì tại sao lại không lấy tên Đại thi hào Nguyễn Du để đặt tên trường. Vừa đích đáng lại vừa yên ổn, khó ai dám cự nự.
Thế là…Giời đã sinh ra Tố Như sao lại còn sinh ra…Tố Hữu?
Cái tên “Trường Viết văn Nguyễn Du” mặc dù ra đời trong một tình thế khá cheo leo như vậy nhưng cuối cùng cũng đã thành.

Vẫn thầy Hiến kể, lần sang thăm trường Viết văn M.Gorki, có một ông nhà văn kiêm Hiệu trưởng bảo: “Tên trường các ông cao hơn tên trường chúng tôi”. Ông ta giải thích: “Bởi vì tên trường các ông lấy tên một nhà văn cổ điển, chứ chúng tôi chỉ là tên của một nhà văn vô sản”.

Trường Viết văn Nguyễn Du. Một cái tên danh giá như thế, cũng là một ngôi trường từng danh giá, thế mà năm 2004, thời ông quan văn nghệ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lúc bấy giờ là Trưởng ban tư tưởng văn hóa TƯ, không hiểu vì lý do gì đã ký quyết định giải thể trường, chuyển xuống thành khoa “Sáng tác và Lý luận, phê bình văn học”.
Và bây giờ là “Khoa Viết văn, Báo chí”…

Vẫn thường nghe nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Nhưng lại nói: Nếu muốn làm thầy tu thì cũng phải có chiếc áo chứ!...
Nhưng mà thôi, đối với người viết văn, dù theo học nơi nào hay không, cuối cùng vẫn phải có TÁC PHẨM. Chỉ có tác phẩm. Nếu không có tác phẩm sẽ không có gì hết.

Nghĩ thế, tên trường/khoa dẫu là gì thì cũng là…chuyện nhỏ.

VG