Rất buồn với cảnh chợ chiều của môn sử trong nhà trường.Cho nên, rất háo hức nghe khi GS.TS.Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển,Đại học Quốc gia Hà Nội, tổng chủ biên môn lịch sử tương lai trong nhà trường nước ta, phát biểu ý kiến chính thức về việc dạy và học sự kiện chiến tranh chống xâm lược giai đoạn những năm 1979 – 1980. Tuy nhiên khi đọc những gì công bố trên vietnam.net và phần "pose ...(poce có lẽ ý GS Tung là post) toàn văn bài tham luận tại một Hội thảo quốc gia, trên trang FB cá nhân của GS. Tung (1), tôi thật sự thấy thất vọng.Xin nêu vài nhận xét:
1- Môn lịch sử không thể khách quan trung thực?
GS Tung đưa ra hai quan điểm có tính chất nguyên tắc trong việc dạy và học lịch sử chiến tranh là: "quan điểm nhân văn, nhân bản"và "quan điểm khách quan trung thực". Thậm chí ông còn hô rất to: “Điểm cốt yếu nhất đối với việc dạy sử, học sử, (...) là: nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, nói rõ và nói đúng về sự thật lịch sử. Sự thật lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ, là khách quan với ý chí của người nghiên cứu lịch sử”.
Nhưng, điều kì lạ là GS cũng rất hùng hồn phủ nhận chuyện "khách quan, trung thực" trong môn lịch sử. Ông đưa ra hai cái lí. Thứ nhất: do người viết sửsống trong một "môi trường và hoàn cảnh cụ thể", như “tôn giáo”, “tổ quốc”, “gia đình”, cho nên, "sử học nói chung và giáo dục lịch sử nói riêng chỉ có thể(LNB nhấn mạnh) đặt mục tiêu là hướng con người, nhất là giới trẻ, từng bước đến với những giá trị nhân văn, nhân bản...". Thứ hai: "có những giới hạn khách quan","họ không bao giờ có thể thu thập được hoàn toàn đầy đủ các thông tin sử liệu", "bị hạn chế bởi trình độ, năng lực của bản thân, các phương tiện và phương pháp nghiên cứu và bởi cả yêu cầu nhận thức lịch sử của thời đại",nhà sử học chỉ có thể(LNB nhấn mạnh) tiệm cận và trình bày những “phiên bản” khác nhau của sự thực lịch sử mà thôi. Vì vậy, dẫu cho nhà sử học có luôn luôn cố gắng khách quan, trung thực thì họ cũng chỉ có thể(LNB nhấn mạnh) khách quan, trung thực trong những giới hạn nhất định. Giáo dục lịch sử chiến tranh trong nhà trường cũng trong điều kiện tương tự như vậy".
Phải đến ba lần GS Tung nhấn mạnh: sử học “chỉ có thể” dạy HS “nhân văn nhân bản”, “chỉ có thể” trình bày những "phiên bản" của lịch sử, “chỉ có thể” khách quan trung thực trong giới hạn”. Đây rõ rànglà sự công khai thừa nhận: những điều giới sử học viết trong sách lịch sử là không đúng sự thật. Quá khen cho GS Tung đã thẳng thắn, dũng cảm.Nhưng, than ôi!Nếu đây là sự thật,thì viết sử để làm gì? Sinh ra các nhà sử học để làm gì? Học sử để làm gì? Người đọc cảm thấy những câu chữ“nhìn thẳng vào sự thật lịch sử, nói rõ và nói đúng về sự thật lịch sử” như là một sự nhạo báng
Tôi thì không tin được đó là quan điểm của những nhà sử học có lương tâm và trách nhiệm. Đành rằng các cứ liệu lịch sử đôi khi rất nghèo nàn, nhưng không thể vì thế mà nhà sử học lấy việc phỏng đoánđể viết lịch sử.Văn chương, tiểu thuyết thì có thể phóng tác các đề tài lịch sử. Khoa học lịch sử cũng có thể đưa ra những giả thiết. Nhưng nội dung chính,hồn cốt của sử học phải là sự thật được minh chứng bằng những cứ liệu khách quan trung thực. Đặc biệt,môn lịch sử trong nhà trường,nhất định phải cung cấp cho HS những sự thật đãđược khoa học khẳng định.Ở đây, môn sử không có quyền, không thế lấy “phiên bản” để thay cho “bản gốc” của sự thật.
Quan điểm của GS Tung rất dễ bị lợi dụng. Người ta có thể lấy cớ, “hạn chế về trình độ”, "yêu cầu nhận thức của thời đại" để bưng bít hay xuyên tạc lịch sử, bao che cho những kẻ xấu có quyền lực, những kẻ bao giờ cũng có xu hướng che cái xấu, tô vẽ cái tốt.Chỉ có một chế độ phản văn minh mới đặt ra yêu cầu, khiến nhà sử học chỉ có thể viết sử “khách quan trung thực trong giới hạn”. Sứ mạng của khoa học lịch sử là ghi nhớ, lưu giữ sự thật,chứ không phải làm nhiệm vụ che cái xấu, vẽ cái tốt cho thế lực nào đấy.
Và cũng xin hỏi, nếu lịch sử không thể cho thấy các sự thật, thì lịch sử lấy cái gì mà dạy "nhân văn nhân bản",lấy cái gì mà giúp học sinh: "hiểu rõ, hiểu đúng về quá khứ, giúp họ nhận thức rõ cái đúng, cái sai, cái chính nghĩa, cái phi nghĩa trong quá khứ", như GS rao giảng?
2- Mục tiêu của việc dạy và học lịch sử chiến tranh chỉ là"nhân bản nhân văn", là "hòa giải lịch sử", "hóa giải những hận thù trong quá khứ", là "khép lại quá khứ"?
Trong khi khẳng định sử họckhông thể "khách quan, trung thực", thì gần hết bài viết GS Tung đặc biệt nhấn mạnh: môn lịch sử "chỉ có thể" hướng đến mục tiêu "nhân bản, nhân văn". Ông hăm hở cảnh báo: “Nếu giảng dạy và học tập không đúng thì việc dạy và học về các cuộc chiến trong quá khứ sẽ làm thức dậy những hận thù”/“bị lợi dụng để khơi sâu thêm những bất đồng, xung đột trong hiện tại”, /“sinh ra hoặc khuếch đại những bất đồng, mâu thuẫn, hận thù trong hiện tại và trong tương lai. Đây thực sự là hiện tượng phản giáo dục, phản nhân văn”.Rồi ông chỉ rõ “nhiệm vụ chính là hóa giải những hận thù trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai”. / “vượt qua những định kiến, kỳ thị, sai lầm và hận thù của quá khứ”. Quả là nghe qua những từ ngữ như vậy rất dễ gật gù đồng ý. Nhưng ngẫm kĩ, coi mục tiêu dạy lịch sử chiến tranh chỉ là “xóa bỏ hận thù” liệu có thật cần thiết với một dân tộc chưa bao giờ xâm lấn một tấc đất của ai?
Xin hỏi GS. Tung: Người Việt nam đã có những “định kiến, kỳ thị, sai lầm và hận thù” nào với Trung Quốc? Rồi từ đó đã gây ra“các cuộc chiến trong quá khứ” nào với người Trung Quốc? Chắc GS Tung biết thừa 19 cuộc chiến tranh trong hơn hai nghìn năm qua, dân Việt phải chịu đựng thì 16 cuộc ngòi nổ từ phía bắc. 16 cuộc chiến tranh đó ngòi phát nổ từ lòng hận thù của ai?GS sợ HS ta học sử rồi hận thù mang quân đánh Trung Quốc chăng? Hay người Trung Quốc bây giờ họ đã nhân văn rồi? Chỉ còn Người Việt là quá hận thù nên phải hãm bớt? Chắc GS cũng biết biết hơn 500 trước, cha ông ta đã chủ trương:“Đem đại nghĩa để thắng hung tàn / Lấy trí nhân để thay cường bạo “ (Nguyễn Trãi). Cha ông ta đã từng cấp cơm áo gạo tiền, thuyền ngự cho bọn giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Thanh về quê hương bản quán. Nhưng thế lực nào mà hễ khi nào Việt Nam bị yếu kém là y như rằng muốn “dạy cho Việt Nam bài học”? Ai vẫn đang cướp biển đảo của người Việt? Ai luôn thù địch ai? Ai bất nhân, bất nghĩa với ai? Ai luôn làm “thức dậy”, “khơi thêm” hận thù với người Việt? GS nên đọc lại những câu văn của cụ Hồ viết 1946, “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới”rồi soi vào hoàn cảnh hiện tại mà suy ngẫm.Cách hiểu về “hận thù, định kiến” như thế này rõ ràng thiếu cơ sở, rất xa với tư duy người Việt.
Trong bài viết của GS,những tiếng “chung tay”, “hòa bình”, “hữu nghị”, “hợp tác” vang lên như một điệp khúc dồn dập, thúc giục. Theo GSdạy lịch sử lịch sử chiến tranh trong nhà trường là: “để chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững”./“hướng đến tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác”.“chung tay xây dựng và củng cố nền hòa bình, tình đoàn kết, hữu nghị, tin cậy và hợp tác”. Xin GS hiểu rằng đó là những ngôn từ rất êm tai, nhưng rất mơ hồ, rất dễ làm cho người ta “chung tay” một cách lạc lối, dại khờ. GS Tung quên mất, lâu nay chữ “hợp tác” luôn được đi kèm với cụm từ “cùng có lợi”. Còn hòa bìnhcòn có một loại, rất vô ích, thậm chí nguy hại đó là “hòa bình viễn vông”. Liệu có thể “chung tay” với kẻ lớn tiếng kêu gọi “hòa bình và “hợp tác”, nhưng chỉ muốn chiếm đất, chiếm biển của người khác? GS Tung không nhớ rằng, ta luôn coi họ và ta như môi với răng, “níu liền núi, sông liền sông, mối tình cách mạnh sáng như biển đông”. Ta sẵn sàng kí “16 chữ vàng”, “ nhưng liệu họ có coi là vàng? 1974, ta đang bận ở miền nam, họ chiếm Hoàng Sa. 1979, họ bất ngờ tấn công, rồi 10 năm tiếp theo họ đánh phá hàng nghìn km biên giới phía bắc, 1988, họ chiếm Gạc Ma, 2010 họ bồ đắp trái phép biển đông. Không biết tiếp theo sẽ là gì nữa?
Nhà trường không nên dạy học sinh gây thù, tạo oán với Trung Quốc, và cũng không được quên việc bồi dưỡng vun đắp tình hữu nghị đối với láng giềng.Và sự thật hàng nghìn năm qua, và chắc chắn mãi mãi về sau này, nền giáo dục của ta không bao giờ như vậy. Nhưng không thể dạy HS, thế hệ người Việt tương lai, chăm chăm vào chuyện “hợp tác” vô nguyên tắc, để một ngày nào đó, ta chỉ còn thân phận nô lệ. “Chiến tranh có bản chất chính trị”. Sống trong những cơn mơ hòa bình, ngây thơ về chính trị là mất nước.
3- Có thể " hòa giải lịch sử" bằng cách “khép lại quá khứ”, bỏ các ngôn từ “miệt thị", và tổ chức bàn bạc với các nhà khoa học Trung Quốc?
Theo GS Tung dạy lịch sử chiến tranh biên giới để “nhân dân và chính phủ hai nước cùng cố gắng khép lại quá khứ”. Ông chỉ ra nhiệm vụ của các thày dạy lịch sử: “nói rõ cho người học, rằng đó là những sự thật của quá khứ, chúng đã thuộc về quá khứ”.Cách “hòa giải” của GS là đúng, nhưng chỉ đúng với người Trung Quốc. Các thế lực xấu xa ở Trung Quốc chắc muốn quên chuyện “Thoát Hoan chui ống đồng” trốn về về nước; họ cũng rất muốn quên chuyện “Tôn Sĩ Nghị thắt cổ”; càng muốn quên chuyện 17.2.1979 nả súng vào nhà “láng giềng”!... Họ muốn xóa hết những chuyện xâm lược nhục nhã của họ và chắc chắn họ cũng đang muốn người Việt Nam xóa hết những ký ước đau thương của tình cảnh đất nước bị xâm lược?.
Chao ôi! Học lịch sử để “gác lại quá khứ” thì học sử làm gì nhỉ? Thế thì bỏ quách môn lịch sử cho khỏi phải uốn éo, quanh co về sự thật, để cho HS không biết hẳn cho rồi. Hóa ra sự kiện chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979, sử nước ta đã cố tình lãng quên, chính xuất phát từ tư tưởng “vĩ đại” này.Thưa GS Tung, con người không nhớ những tủi nhục bất hạnh trong quá khứ thì làm sao biết trân trọng, biết bảo vệ cuộc sống hòa bình hạnh phúc hiện tại? Không thấm nỗi đau nô lệ thì cũng chẳng cảm nhận được cuộc sống hạnh phúc, tự do!Lịch sử cho thấy, đối với kẻ xâm lược, Việt Nam ta lúc nào cũng thiện chí. Chỉ cần chúng bỏ ý đồ xâm lược, là ta bắt tay, coi là bạn, thậm chí còn tôn trọng coi như bậc đàn anh. Ta rất muốn và cũng rất tích cực khép lại quá khứ nhưng liệu có khép nổi?
GS Tung yêu cầu: "cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Trong trình bày lịch sử nói chung, giảng dạy lịch sử nói riêng, các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” vv… không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại, nó làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó, thiếu tính thuyết phục".
Đúng là trong khoa học từ ngữ “biểu cảm, miệt thị, gây hấn” cần lưu ý khi dùng.Nhưng, không nên dùng “một cách tùy tiện, vô căn cứ”, thì được .Còn nói“cần tuyệt đối tránh” lại là một cực đoan cần tránh. Từ ngữ vốn trung tính.“Gây hấn, miệt thị” là do người dùng, chứ không phải bản thân từ ngữ. Nếu kẻ xâm lược mà không gọi là "giặc", là " quân địch" thì gọi là gì nhỉ? Chẳng nhẽ gọi là "các bạn", "các đồng chí",...!? Rồi khi đưa ra các số liệu về "các bạn" xâm lược giết trẻ cọn, phụ nữ, đốt nhà cửa,...mà không được nhận xét là "tàn bạo", "dã man" thì đánh giá đó là hành động "các bạn""vung quá tay", "bắn đạn quá nhanh", "đốt quá lửa" ư...!? Rồi nếu học sinh viết trong bài thi nhưng từ ấy thì có trừ điểm "không nhân văn", "quá khích" không?! Cơ chừng lại phải viết lại cả hàng nghàn trang lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm hàng ngàn năm của Việt Nam ta. Như vậy trong khi đang yêu cầu viết sử "khách quan trung thực", thì có vẻ như GS Tung lại yêu cầu ngược lại: cần nói giảm nói tránh, không gọi đúng tên sự vật, không mô tả đúng với sự thật lịch sử. Vô hình chung, GS đang khuyến khích viết sử kiểu "thiếu khách quan", không trung thực!?
Và cứ cho là các thầy dạy sử có tinh thần nhân văn, “tuyệt đối tránh” “miệt thị” kẻ xâm lược, thì liệu nhà trường có bỏ luôn trong môn văn những tác phẩm đầy những ngôn từ, hình ảnh "gây hấn, biểu cảm, miệt thị” như: “Chỉ căm tức chưa xả thịt lột da uống máu quân thù” (“Hịch tướng sĩ văn”)/ “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”, “độc ác thay”, “nhơ bẩn thay” (“Bình Ngô đại cáo”) / “Đau đớn mấy mẹ già ngồi khóc trẻ” (“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giộc”) , rồi “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu” (“Tuyên ngôn độc lập”),...?
Với hàng xóm tồi, thì cần khéo léo, không nên trực diện hằm hè nặng nhẹvới họ. Nhưng với con cháu trong nhà thì phải luôn nhắc nhở chúng nhớ về những lần nhà bị mất trộm, bị đánh, bị cướp, mà thủ phạm làhàng xóm.Nếu không thể chuyển nhà đi nơi khác, thì luôn dạy chúng cảnh giác, tự bảo vệ, mới là cách giáo dục khôn ngoan, nhân văn nhất.
GS Tung đề xuất: Lấy bài học của các nhà khoa học Pháp và Đức để đề nghị các nhà sử học Việt Nam bàn bạc thống nhất với các nhà sử học Trung Quốc về cách dạy chiến tranh biên giới. Tôi cho đây là một ý tưởng không tồi. Nhưng liệu đề xuất ấy có thể hiện thực hóa hay chỉ là những mong ước lãng mạn? Chẳng cần là một chuyên gia, cũng có thể thấy, ở phương tây, các nước có chiến tranh với nhau, nhưng không thấy họ chiếm đất đai của nhau. Nếu có, thì Châu Âu ngày nay không còn những nước nhỏ tí tẹo mà vẫn yên ổn tồn lại độc lâp cạnh những nước to lớn. Còn với Trung Quốc thì khác hẳn. Từ một diện tích nhỏ bé, đến nay người Hán đã phình ra thành một quốc gia rộng gấp hàng nghìn lần cha ông họ. Biết bao nhiêu dân tộc đã bị nuốt chửng không thương tiếc. Nếu chỉ trông đợi vào sự bàn bạc của các nhà sử học, thì Việt Nam đã thành châu quận của người Trung Quốc từ lâu rồi.Vừa đây thôi, chỉ chín nét bút bâng quơ, nhưng họ đã đang hiện thực biển Đông rộng lớn của người Việt và của thế giới thành ao nhà. GS. Tung cứ việc tổ chức cho các nhà khoa học hai nước họp bàn về việc xây dựng “lòng tin”, “tình hữu nghị”. Nhưng sử học và việc giáo dục lịch sử nước Việt chẳng phải chờ xin ý kiến ai để làm. Cụ thể là viết về cuộc chiến biên giới thì cứ để các thầyViệt Nam làm. Chỉ cần có lương tâm, có trách nhiệm và dũng cảm, chắc chắn các thầy môn sử sẽ viết sách và dạy rất tốt.
4- Kết luận:
a- Giáo dục nhân văn, nhân bản là mục tiêu cuối cùng của mọi môn học trong nhà trường, không phải riêng gì lịch sử. Trong đó, mỗi môn học có cách thức khác nhau. Riêng môn lịch sử, để đạt mục tiêu cao cả nói trên,không thể lấy bất cứ cái gì, để thay thế cho việc là trình bày, phát hiện, chứng minh,cung cấp cho người học những hiểu biết về sự thật. Nóicác nhà sử học không có khả năng tìm được sự thật khách quan, trung thực thì chẳng khác nào tuyên bố xóa bỏ ngành khoa học lịch sử.
b- Dạy về chiến tranh rất cần hướng tới “sự hòa giải”. Nhưng, dứt khoát, dạy“hòa giải lịch sử chiến tranh” không có nghĩa là dạy “xếp lại quá khứ”đau thương của dân tộc.Lịch sửphải có trách nhiệm làm sống lại sự thật, đánh thức trí nhớ, để người học không quên và không được quên những kinh nghiệm, những bài học vừa đau thương vừa quý giá chống giặc giữ nước của người xưa, để hiện tại và tương lai đất nước không bị rơi vào tình thế bất ngờ, thua thiệt.
c- Giáo dục tinh thần“hòa giải lịch sử” cũng không có nghĩa là hát ru vỗ về người Việt Nam trong làn điệu “hòa bình viễn vông”, không có nghĩa là xúi họ chấp nhận “chung tay” “hợp tác”, “hữu nghị” vô điều kiện. Dạy “hòa giải chiến tranh” là để con người ngày nay thông minh hơn, biết cảnh giác với kẻ thù, biết ngăn chặn chiến tranh, cũng như sẵn sàng ứng phó với chiến tranh,biết cách xây dựng quan hệ “hữu nghị, hợp tác” trên nguyên tắc tối thượng làlợi ích quốc gia.Đó mới là cách dạy sử nhân bản và nhân văn nhất.
d- Chúng ta đánh giá lịch sử bằng nhu cầu của thời hiện tại. Nhiệm vụ của hiện tại không chỉ là chuyện “hòa giải” và còn phải đề cao cảnh giác bảo vệ độc lập chủ quyền. Dạy lịch sử chiến tranh mà chỉ chúi vào “hòa giải”, thì có ngày biển cũng không có để được tự tử như cha con An Dương Vương thủa xưa.
Với tâm trạng vô cùng lo lắng, xin có vài lời thưa với GS.Phạm Hồng Tung!
Thanh Hóa, 17/2/2019
.....................
(1)(https://www.facebook.com/tuky.pham.18/posts/371451366981891),