Trong một ngôi chùa ở ngoại ô Sài Gòn, có lần tôi gặp một nữ tu lặng lẽ, trang nhã, bà mù một mắt, nhưng tôi không nhớ mắt nào, sau này nhiều năm, đôi khi tôi nhớ mắt phải, đôi khi nhớ mắt trái, điều kỳ lạ là nhiều người khác có dịp gặp bà cũng có cảm giác ấy: khi họ nhớ bên phải, khi nhớ bên trái, mấy chục năm trước bà liên quan đến một vụ án, bị xử tù, sau đó được trả tự do theo điều khoản của một hiệp định hòa bình về việc thả tù nhân chính trị, tôi kín đáo nhìn kỹ hai bàn tay của bà, mảnh khảnh mềm mại, nhiều gân xanh của phụ nữ lớn tuổi, không có gì khác thường, người ta kể rằng, khi ra tòa, để phản đối bản án bất công và hiểm độc, bà đã tự chọc mù một mắt của mình, bằng cách nào? bằng dao? bằng que nhọn? hay bằng kim đan? hay đũa? hay muỗng? một người nói với tôi bà dùng một ngón tay, nhưng ngón tay nào? khuôn mặt bà làm tôi nghĩ đến cô Loan trong Đoạn Tuyệt, bà đã đánh mất một nửa thị lực của mình, và có lẽ nếu không bị ngăn lại, bà đã sẵn sàng đánh mất toàn bộ ánh sáng, can đảm từ bỏ cuộc đời này, từ chối con đường đi tới ngày mai, từ chối tham dự vào những diễn tiến hoại tử hoại thư của tương lai, bà chống lại sự suy đồi của dân tộc bằng chính khả năng tự hủy, vì cố gắng cao nhất của lòng can đảm là giành lấy vai trò của thời gian, sự im lặng không mô tả được thái độ của bà: chỉ có bóng tối mới làm được điều ấy, đó là một cố gắng kỳ lạ chống lại sự dung tục, hơn mấy chục năm sau lần gặp gỡ ấy, tức là lúc tôi viết những dòng này, bà vẫn không được nhiều người biết đến, ba mươi năm sau nữa, cũng sẽ không có nhiều người biết đến, và đó là sự chọn lựa của bà, đó chính là người phụ nữ duy nhất đã nhìn ra ánh sáng của chính mình, của sự thật, và không cần đến bất kỳ thứ ánh sáng nào khác của mặt trời, khi bà đi qua những trò hèn hạ của xã hội ấy nền chính trị ấy và của nền văn học nô lệ ấy, và của bọn trí thức a dua ấy, cùng thời, để không phải chứng kiến những nhà văn đồng nghiệp mà bà thương hại nhiều hơn là khinh miệt, và những kẻ thù độc ác mà bà khinh miệt nhiều hơn căm hận, và trong bóng tối và trong im lặng mà bà đã chọn lựa, không có chỗ cho thói thỏa hiệp tầm thường, dù nhân danh bất cứ một lý do nào, hợp lý đến đâu, dưới bóng hai cây hoàng lan cao lớn, dịu dàng nhưng cô độc, người nữ tu ngồi đó, một nhà văn dũng cảm, một kẻ tàn tật tự nguyện, người làm chứng cuối cùng của tất cả thương tích của trí thức, ngước nhìn lên vòm lá cây xanh rợp nắng chói lóa, một buổi trưa mùa hạ, giấu một loài hoa thơm hương ngào ngạt mà lại thu kín mình sau lá, sau oi bức, bằng con mắt còn lại, bà phụ trách một quầy sách nhỏ, trong sân chùa, chuyên bán kinh kệ, nhưng lẫn với vài cuốn thơ văn hồi ấy rất hiếm, tôi chọn mua một tuyển tập thơ, bọc trong giấy ni lông, bà trả lại tôi tiền thối, những tờ giấy bạc cũ nhưng xếp ngay ngắn, tôi xin phép tặng lại bà số tiền lẻ, bà không lấy nhưng mỉm cười với tôi, vẻ biết ơn, đó là nụ cười rất đẹp, duy nhất của bà, khi về nhà, đọc trong cuốn sách bìa màu tím than, tôi tìm thấy bài thơ Mắt buồn, ‘‘còn hai con mắt khóc người một con’’, của trung niên Bùi thi sĩ.
Nguyễn Đức Tùng