Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRUYỆN NGẮN CHỌN LỌC CỦA NHÀ VĂN TRẦN DŨNG

Phạm Ngọc Chiểu
Thứ sáu ngày 26 tháng 4 năm 2019 3:49 PM





(Đã in Thời báo kinh tế số đặc biệt ngày 14/2/2019 và trang Web của Hội Nhà văn Hà Nội )

Cách nay 10 năm , tôi đã viết một bài theo dạng chân dung tác giả về Nhà văn Trần Dũng – Người biết giới hạn của biển - in ở Báo Người Hà Nội và Báo Văn nghệ . Nay nhân đọc “Những người đàn ông”, tập truyện ngắn chọn lọc mới ấn hành của Trần Dũng, Nhà xuất bản Hồng Đức - 2018, tôi thấy sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc lại một số điều trong bài viết trước để giới thiệu cùng bạn đọc.

Tôi gặp nhà văn Trần Dũng lần đầu từ 45 năm trước, vào mùa hè 1974. Gặp qua “Giới hạn của biển”. Một cách gặp xa lạ với thời bây giờ , nhưng lại rất quen thuộc của những người cầm bút trẻ tuổi hồi đó: “gặp” qua đọc tác phẩm của nhau trên sách, báo. Những năm 70 thế kỷ XX ấy, trong mịt mùng bom đạn , cùng với sự xuất hiện hàng loạt tên tuổi cầm bút mặc áo lính trên các chiến trường, thì ở miền Bắc, đặc biệt là ở các vùng công nghiệp trọng điểm, cũng đồng loạt xuất hiện những cây bút mặc áo thợ. Trong số này, tôi chú ý nhiều đến Trần Dũng. Không chỉ vì Dũng có “Những người xung quanh tôi” được nhiều người tấm tắc, nghe nói được dịch ở Liên Xô, được in đi in lại nhiều lần, lại có “Giới hạn của biển” gây xôn xao, và tôi rất thích, mà còn vì, qua lời bạn bè, tôi thấy xuất phát điểm con đường văn chương và cả hoàn cảnh vào đời của Dũng na ná như tôi, nhưng ở thời điểm có “Giới hạn của biển”, anh đã vượt lên trước tôi khá xa rồi .

Đến bây giờ, vào những ngày giáp tết Kỷ Hợi – 2019, đọc lại “Giới hạn của biển” Trần Dũng vừa đưa in trong tập Truyện ngắn chọn lọc “Những người đàn ông”, trong tôi bừng thức lại cảm xúc lần đầu được đọc tác phẩm này vào mùa hè năm 1974 trên con đường lâm nghiệp đang mở giữa rừng Đà Bắc tỉnh Hòa Bình. Hồi ấy, tôi đang buồn vì việc chuyển về Ty Văn hóa Hòa Bình bị trục trặc, bỗng vớ được của quý “Giới hạn của biển”, thế là đọc hào hứng, đọc say mê. Một hơi thôi, một hơi hết truyện. Có lúc nào đó dừng đọc, là để nhìn soi vào trang chữ mà thầm thốt lên: sao lão này nó viết ghê thế nhỉ? Một truyện tình yêu, thứ tình yêu một phía.Cốt truyện không có gì rắc rối.Cô gái say mê văn học, muốn viết văn, mơ ước thành nhà văn, nhưng thi trượt đại học, nay được nhận vào làm nhân viên của một nhà xuất bản. Tại đây, cô cảm mến anh lái xe của cơ quan, và thứ tình cảm lạ trong cô hiện dần, dù cô biết anh đã có vợ và một con gái nhỏ. Đến một ngày, bên bờ vịnh Hạ Long, nơi nhưng quả núi đá vươn dậy từ đáy biển , tạo thành giới hạn của tầm mắt và tạo thành những bức bình phong khổng lồ, giữ cho mặt biển và cuộc sống ở đó thanh bình, hạnh phúc; cô đươc anh kể cho nghe chuyện riêng tư giữa anh và một cô thợ máy ở đoàn xe cũ của anh. Cũng thứ tình cảm tương tự đã xuất hiện trong cô lâu nay, nhưng mãnh liệt hơn. Cuối cùng, anh và cô thợ máy đã vượt qua được “nỗi riêng” đó.Kỷ niệm ấy của anh khiến cô “mê văn chương” bừng tỉnh.Chuyện chỉ thế - truyện tình yêu chồng lên truyện tình yêu, nhưng không chỉ nói về chuyện tình yêu.Mà hấp dẫn, lôi cuốn người đọc một mạch hết truyện. Bốn mươi lăm năm trước tôi đã đọc như thế, những ngày giáp tết Kỷ Hợi này , đọc lại “Giới hạn của biển”, gần như vẫn nguyên cảm xúc ấy !

Dừng đọc ít phút để ngẫm nghĩ thêm , tôi lật trở lại đầu sách , đọc “Những người đàn ông”, và hiểu vì sao Trần Dũng không chỉ đặt truyện này lên trước “Giới hạn của biển”, mà còn lấy tên truyện làm tên sách. Phải nói ngay rằng, “Những người đàn ông “ là một truyện hay, nếu không muốn nói là một truyện đặc sắc. Với độ dài 30 trang in khổ 13x19 cm, “Những người đàn ông” có tầm vóc cả một truyện dài, thậm chí một tiểu thuyết, gồm ba chủ đề lớn quyện xoắn nhau. Đó là di họa chất độc da cam của Mỹ. Đó là hoàn cảnh cơ cực của không ít người lao động Việt Nam ở Đức, ở Đông Âu, những năm 89, 90. Và, đó là tình đồng chí, đồng đội, là tình của con người Việt Nam đối với nhau. Ba chủ đề ấy ẩn hiện qua lời nói, hành xử, và thân phận của bốn người đàn ông từng trải khiến người đọc bồi hồi với những âu lo, thương cảm, kính trọng, phẫn uất, xót xa… Truyện được viết bằng bút pháp cổ điển vững vàng: truyện có cốt, có nhân vật, kể và tả đan xen nhuần nhuyễn, hơi văn điềm tĩnh, mực thước, dẫn dụ người đọc một cách đầy ma mị. Cũng bút pháp này, nhà văn còn thành công ở các truyện “Nữ hoàng trên sa mạc”, “Đấu mệnh”, “Cô gái tế thần”, “Nam”, “Dòng suối”… Rõ nhất là ở “Nữ hoàng trên sa mạc” và “Đấu mệnh”. Hai truyện này cuốn hút người đọc còn bởi hai yếu tố “Lạ” và “Độc”, trước nay chưa thấy có trong truyện của Trần Dũng. Một người lính bị thương nặng trên chiến địa do đối phương kiểm soát rồi ngất đi. Khi tỉnh lại, người lính thấy mình nằm trong một hang đá mát lạnh, gần một con báo cái lớn. Những ngày tiếp theo, người lính sống và khỏe dần trong sự chăm nuôi tận tình của con báo. Rồi một hôm, con báo bất chợt chạy về hang, tiến đến trước mặt anh với vẻ hốt hoảng, dữ dằn. Ngỡ con báo trở lại tính hoang dã, người lính vồ lấy thanh kiếm và hành động theo bản năng tự vệ : đâm chết con báo, đúng lúc ngoài cửa hang hiện ra tốp lính của phía anh ta. Người lính thất thần vì biết mình vừa làm một việc vô đạo – giết chết ân nhân của mình! Truyện có hơi hướng của phim “Tác giăng”, nhưng độ hấp dẫn ,nhất là cái kết bất ngờ và sâu sắc vượt thoát lên trên cái chất giải trí của các phim về “người rừng” của Hôlyút . Còn “Đấu mệnh” thì quả là đạt đến độ ám ảnh người đọc bởi trò thử thách khốc liệt mà sự ăn thua tính bằng sinh mạng con người. Hai người dấn thân phải lần lượt cầm khẩu súng côn của nhà cái tự bắn vào đầu mình.Súng lắp 6 viên đạn nhưng chỉ 1 viên có thuốc đạn, còn 5 viên rỗng…Đọc mà thấy ghê người. Và dư vang của truyện cứ ám ảnh mãi, khi biết một trong những con bạc bất đắc dĩ ấy là một người Việt di tản cùng đường !

Đọc hết ba truyện : “Những người đàn ông”, “Nữ hoàng trên sa mạc” và “Đấu mệnh”, tôi ngồi ngẫm nghĩ về cái hay, cái mới của các truyện này mà mừng cho bạn. Những truyện này khác với những truyên trước nay tôi đọc của anh. Ngay trong tập truyện chọn lọc trên mặt bàn tôi đang đọc đây, ba truyện đó cũng khác các truyện “Dòng suối”, “Anh Sĩ”, “Hạnh phúc vốn đơn sơ”, “Vấn đề đặc biệt quan trọng”, “Hai ông già vui quá”. Kể cả truyện “Nam” tôi vừa đọc xong. “Nam” kể về một thân phận di tản khác trên đất Anh, nhờ giỏi võ và sự quyết chí mà nên người, trước sự thán phục của những người Anh trẻ tuổi vốn nổi tiếng với tính cách “phớt Ăng-lê”và không dễ chịu thua kém. Truyện cũng có sức lôi cuốn lắm, nhưng vẫn không cùng cái tạng ba truyện kia. Mà lạ, chùm ba truyện đó Trần Dũng đều viết vào những năm 90 thế kỷ trước. Nghĩa là, ngay từ những năm ở tuổi 40, nhà văn “thợ thuyền” này (chữ Trần Dũng thường dùng để nói về mình và những nhà văn xuất thân công nhân) đã có ý thức làm mới mình, chạm đến một mạch vỉa văn chương khác với mạch văn chương anh đã viết về những người thợ đáng yêu đáng quý , trong đó tác giả chính là một thành viên, mạch truyện đã ghi tên Trần Dũng trên văn đàn. Mừng cho Trần Dũng và cũng tiếc cho Trần Dũng, vì sau ba truyện rất đáng trân trọng ấy, anh lại quay về với cách viết quen thuộc của riêng anh. Quả là như vậy, bởi nếu tiếp tục khai thác vỉa văn chương mới kia, ta sẽ có một nhà văn Trần Dũng vạm vỡ, đa phong cách hơn. Văn học Việt Nam sau năm 1975 đã có một trường hợp như thế. Đó là nhà văn Dương Duy Ngữ. Vị Đại tá – Nhà văn này trưởng thành từ chàng pháo thủ số 5 của binh chủng pháo cao xạ, suốt bao năm cầm bút miệt mài viết về chiến trận, nhưng không để lại mấy dư vang như nhiều nhà văn áo lính khác. Sau nhiều trăn trở, ông liền thử bút viết về những chuyện làng quê – nơi ông sinh ra, lớn lên, trước ngày mặc áo lính. Và ông đã thành công, đem đến cho người đọc nhiều tập truyện ngắn và tiểu thuyết hấp dẫn thấm đẫm phong vị làng quê đồng bằng Bắc bộ với những người nông dân đủ diện mạo sống trong đời sống văn hóa làng xã Việt Nam, hay có, dở có. Những tác phẩm ấy đã tạo cho vị Đại tá – Nhà văn này một chỗ đứng riêng, không còn bị nhòe mờ, không trộn lẫn với ai trong giới cầm bút như trước nữa.

Trở lại tập truyện “Những người đàn ông” của Nhà văn Trần Dũng. Sách chọn in 14 truyện. Đã viết và in đến 9 tập truyện ngắn mà khi in chọn lọc, chỉ lấy ra có 14 truyện, vậy là Nhà văn khá kỹ tính, hay chỗ nhận xuất bản chỉ muốn làm tập truyện từng ấy trang chữ ? Dù lý do gì, thì vấn đề chất lượng tác phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đọc đến hết trang truyện cuối sách, theo cảm nhận của tôi, đây là tập truyện ngắn có sức níu kéo cả bạn đọc và bạn viết. Ngoài mảng truyện đặc biệt hấp dẫn viết về những người Việt ở nước ngoài, các truyện còn lại viết về nhiều vấn đề xã hội suốt một thời gian dài từ chống Mỹ cho đến tận năm 2019 này. Một “Anh Sĩ” vốn là người thợ sống nhiệt thành, rất có tâm trong công việc và trong cuộc sống .Một cô giáo (trong truyện”Dòng suối”) đã gắng vươn lên trên hoàn cảnh xuất thân không thuận (Ở cái thời rất coi trọng lý lịch) để trở thành một giáo viên nổi tiếng, một hiệu trưởng tư thục giỏi giang, uy tín, sống nhân hậu. Một vấn đề xã hội tồn tại lâu nay: lo lắng, nghi ngại về lớp trẻ, được giải quyết rất hay trong truyện “Vấn đề đặc biệt quan trọng”, với triết lý thú vị : “Trăng đến rằm trăng tròn !”, cùng một danh ngôn:”Cách tốt nhất để giáo dục con trẻ, là chúng ta tự giáo dục mình!” .Cũng nói về vấn đề này nhưng nhà văn tiếp cận ở góc độ khác trong “Hai ông già vui quá”. Khép lại tập sách là truyện ngắn “Dường như vĩnh cửu” ngợi ca một cô giáo tận tụy với nghề cao quý của mình , hết lòng vì học sinh thân yêu,và đó là một bản tính, một thiên tính của cô, không vì một động cơ nào khác. Qua 8 truyện viết rải trong nhiều năm, với nhiều vấn đề xã hội được biểu hiện, nhiều mẫu nhân vật được chăm chút, nói lên cái tâm của Nhà văn. Thấy rõ ông vui, buồn, lo lắng cùng cộng đồng; ông để mắt mọi diễn biến của xã hội để đưa vào tác phẩm và bộc bạch suy nghĩ của ông về các vấn đề đó. Cũng thấy rõ hướng sáng tác của Nhà văn : Ủng hộ, chăm chút, nhiệt thành viết về những con người , những việc tốt đẹp giúp ích cho xã hội để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Cũng dễ hiểu thôi, chính Nhà văn là người sống theo quan niệm sống ấy.

Năm 1965, 16 tuổi, đang học lớp 9 hệ phổ thông 10 năm, từng đoạt giải cao nhất kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp 2 toàn miền Bắc, niên học 1963-1964, vì chiến tranh và hoàn cảnh gia đình mà Trần Dũng phải rẽ ngang, làm công nhân lái máy kéo, rồi lái ô tô,suốt 13 năm, trở thành Dũng sĩ lái máy, Trạm máy kéo Từ Liêm, rồi sớm thành một công nhân lái xe tột bậc, một cây bút công nhân, Ủy viên BCH Hội Văn nghệ Hà Nội 2 khóa liền…Ngày trước, với dáng hơi ngang tàng, Trần Dũng khiến không ít người mới gặp phải e ngại.Cũng không ít người đọc xong “Giới hạn của biển” vẫn không tin rằng Trần Dũng là người luôn biết các giới hạn. Nhà văn Nguyễn Hiếu từng viết trong một bài báo:”Chơi với Trần Dũng hơn 40 năm từ lúc gã lái “tắc-tơ”, đến Tổng biên tập, Q. Giám đốc NXB Lao Động, tôi biết chắc gã là một người Hà Nộicổ điển và quan phương”. Đúng vậy, sinh trưởng trong một gia đình mà bố mẹ đều nhiều năm là Nhà giáo, Nhà văn Trần Dũng ngay từ ấu thơ đã hằng ngày có gương soi từ trong gia đình về cách sống và học hành. Cụ thân sinh của Nhà văn còn là người dịch những tác phẩm xuất sắc cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng: “Bí mật lâu đài Rắn Lông Chim”, “Con thuyền Nive đẹp”…và cùng Nhạc phụ của Nhà văn Tùng Điển dịch cuốn “Lâu đài Malêvin” gần nghìn trang in năm 1988 ở NXB Lao Động. Thân mẫu của Nhà văn , một giáo viên cấp 1 mẫu mực . Cụ mất đã 10 năm nhưng ngày giỗ của cụ bao giờ cũng có học sinh cũ đến thắp hương. Người đến đều đặn nhất là Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Như Vũ, Giám đốc Hãng phim Tài liệu & Khoa học Việt Nam ,học cụ từ hồi sơ tán. Năm 2016, tôi và Trần Dũng đi trại sáng tác Tam Đảo, tình cờ gặp Nguyễn Như Vũ đưa “quân” lên đấy, mấy anh em cùng trò chuyện nên biết rõ vậy.

Có điều gì cần nói thêm về “Những người đàn ông” ? À, có chút lương vương này: Ở một vài truyện, như “Hạnh phúc vốn đơn sơ”, “Hai ông già vui quá”, vấn đề của truyện tốt nhưng kết cấu truyện có phần giản lược. Hai truyện này Nhà văn viết đã lâu, có thể ngày ấy đọc không có gì gợn. Tuy nhiên, giờ đọc lại, nhất lại đọc với cái nhìn mang tính tuyển chọn, mới thấy cộm lên một chút về nghề.

Nhưng, ở tuổi “thất thập” mà vẫn làm một việc gắn bó với nghiệp Văn để có quà văn chương gửi tặng người thân và bạn viết, bạn đọc gần xa, là điều rất đáng trân trọng, có cộm lên đôi chút cũng chẳng sao.Mà có thể đó là chủ ý của tác giả. Xin chia vui và chúc mừng Nhà văn Trần Dũng cùng tập truyện “Những người đàn ông” của ông.

Khương Đình, những ngày giáp Tết Kỷ Hợi-2019