Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI VIẾT “TÔI VÀ LÀNG TÔI”

Lê Bá Thự
Thứ sáu ngày 26 tháng 4 năm 2019 3:03 PM







Cuốn sách “Tôi và làng tôi” trình làng quý II năm 2018 và vừa mới tái bản quý I năm 2019 là cuốn sách đã được tôi ấp ủ từ hàng chục năm nay. Câu cuối cùng của cuốn sách này tôi viết: “Giã biệt làng Nguyệt Lãng yêu thương, ngày 4 tháng 8 năm 1964, trong một ngày đẹp trời, tại Ga Hàng Cỏ Hà Nội, tôi lên tàu liên vận sang Ba Lan du học”. Tôi xa làng kể từ ngày ấy. Tuy nhiên, đó chỉ là xa về khoảng cách địa lý. Tôi xa làng, nhưng ngày nào làng cũng ở trong tôi. Làng ở trong tôi khi tôi thức, làng ở trong tôi ngay cả khi tôi ngủ. Nhiều đêm tôi chiêm bao thấy mình đang ở làng, đang chơi bời nhảy múa với các bạn cùng trang lứa, đang làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp, đang gánh phân, nhổ mạ, đang bắt cua, bắt ốc, bắt ếch, kiếm cá, đang chăn bò trên cánh đồng làng, đang cắp sách cuốc bộ đến trường, đang xem phim “Bạch Mao Nữ” tại bãi chiếu bóng ngoài trời… Những ký ức về làng chất chồng trong tôi năm này qua năm khác. Tôi đã ấp ủ, tôi đã tự nhủ, tự hứa với làng và với cả chính tôi là nhất định tôi sẽ viết về làng. Nhà văn Đỗ Ngọc Yên đã có lý khi anh bảo rằng: “Lê Bá Thự vừa mới xuất bản cuốn “Tôi và làng tôi”, dưới dạng tản văn, như một khế ước văn hóa làng mà ông từng mang theo hai phần ba thế kỷ”. Bản “giao kèo không văn bản” này đã được tôi thực thi một cách nghiêm túc mà cuốn “Tôi và làng tôi” là một minh chứng.

Đọc cuốn “Tôi và làng tôi” bạn đọc nhận ra, tôi và làng tôi những năm 50 và 60 diện mạo ra sao, sướng khổ như thế nào. Khi viết cuốn sách này tôi luôn luôn ý thức một điều rằng, làng Nguyệt Lãng trong sách của tôi phải y chang làng Nguyệt Lãng năm xưa, Lê Bá Thự trong cuốn sách này phải y chang Lê Bá Thự năm xưa. Trung thực là bút pháp của tôi. Không tô son, không trát phấn. Lẽ dĩ nhiên trung thực nhưng phải sinh động và hấp dẫn. Có lẽ bạn đọc không khó nhận ra giọng điệu Lê Bá Thự, “cái tôi” Lê Bá Thự trong cuốn sách này. Bản sắc, tính cách xứ Thanh trong tác phẩm của tôi cũng được biểu đạt rất rõ nét từ đầu đến cuối, mà phương ngữ, thổ ngữ, tiếng địa phương hay giọng Thanh Hóa sử dụng trong sách là một minh chứng. Trung thực giúp tôi chuyển tải thông điệp của tôi một cách hữu hiệu, dễ đi vào lòng người. Tôi chủ trương, tác phẩm tôi viết phải hóm hỉnh, dí dỏm, trào lộng để người đọc được thoải mái, vui vẻ cùng tôi thực hiện cuộc du ngoạn qua từng trang sách. Đọc “Tôi và làng tôi” bạn cũng dễ nhận ra, kể chuyện ngày xưa nhưng tôi thường liên hệ với những chuyện bây giờ, chuyện ngày nay. Cho nên lắm khi cái cũ và cái mới hòa quện, đan xen với nhau, bổ sung cho nhau, làm cho câu chuyện thêm súc tích, thú vị, chuyện cũ mà không cũ. Điều này được thể hiện rõ nét trong các câu chuyện “Xem phim Bạch Mao Nữ”, “Bụi tre trước nhà và đôi chim chào mào”, “Tôi làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp”, “Chợ Tết cầu may”, “Trường làng”, “Trường huyện”, “Trường tỉnh”…

Có thể nói “Tôi” là một nhân vật xuyên suốt tác phẩm này, cho dù đây không phải là một cuốn tiểu thuyết. Tôi là người trong cuộc, Tôi hiểu làng mình đến từng chân tơ kẽ tóc, Tôi thuộc làng mình như lòng bàn tay. Hồi sống ở làng tôi lam lũ thật sự, tôi khổ thật sự, khổ đến mức không còn chỗ cho khổ hơn được nữa. Dẫu vậy, hồi đó tôi vui, tôi sướng thật lòng và tôi tin thật lòng, lắm khi tin như điếu đổ, dẫu “có phần bồng bột và nhuốm mầu ảo tưởng”, như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có nói. Tôi và các bạn cùng thế hệ thời đó là như vậy. Về cuốn sách này nhà thơ Trần Đăng Khoa nói:“Cuốn “Tôi và làng tôi” của Lê Bá Thự tái dựng, tạo dựng một bảo tàng về văn hóa làng quê Việt Nam, đặc biệt là văn hóa của vùng quê Bắc Bộ và bắc miền Trung. Đây là một ký ức gần như còn nguyên vẹn. Tôi có thể gọi, gọi đùa anh ấy, mà cũng là nghiêm túc đấy, đây là một người “hú gọi” hồn làng. Và rồi nhờ tiếng gọi của anh, cụ thể là cuốn sách của anh, cũng chính là tiếng gọi hồn làng quê ấy, làng quê Bắc Bộ và bắc miền Trung xuất hiện trở lại. Thấp thoáng ở đó không chỉ có làng Nguyệt Lãng của Lê Bá Thự, mà có cả làng quê của tôi, làng Điền Trì của khu vực Bắc Bộ, hay nhiều làng quê khác nữa. Tôi đã thấy, làng của tôi, làng của các bạn bè tôi và nhiều làng quê Bắc Bộ nữa đã hiện về trong cuốn sách này. Tôi đánh giá rất cao cuốn sách là vì như vậy. Nó bảo tồn, nó gìn giữ một di sản văn hóa mà bây giờ đang mất đi, đang cứ lặng lẽ tan biến đi, có cách nào giữ được nó không? Phải nhờ vào văn học thôi, và không phải cuốn sách văn học nào cũng làm được điều đó. Lê Bá Thự làm được điều đó một cách rất trọn vẹn. Nhiều người thích cuốn sách này là vì như vậy. Họ gặp lại làng quê của mình, đồng thời họ cũng gặp lại chính tuổi ấu thơ của mình, cái tuổi, có thể nói, một đi không bao giờ quay trở lại nữa. Cái quý là ở đó. Đây là một bảo tàng rất đặc biệt. Không phải là bảo tàng của những hiện vật đã đóng băng, mà là hiện vật sống, cùng với nó là việc thả hơi thở làm tái hiện lại cả một thời kỳ. Tôi cho đây là một cuốn sách có gía trị, một cuốn sách rất đáng quý. Tôi đánh giá cao cuốn sách là vì thế”.

Thời kỳ tôi ở làng là thời kỳ tôi sống lam lũ, rất hồn nhiên, rất “tự nhiên” và rất “làng”. Sau này, mỗi lần về thăm quê, tôi thường thích kể lại với bố mẹ tôi, với các em tôi và các cháu tôi, những câu chuyện cũ mà tôi là người trong cuộc, những câu chuyện cũ không bao giờ cũ đối với tôi”. Bây giờ, lắm lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy nhớ cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa. Và tôi thấy mình càng yêu làng, càng đa tạ làng đã cho tuổi thơ tôi đong đầy những “cảm xúc làng”...

Tôi đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều về việc chọn tựa sách. Sau nhiều nghĩ suy, cân nhắc và tham khảo ý kiến của bạn bè, rốt cuộc tôi đã quyết định chọn tựa sách là “Tôi và làng tôi”. Đối với tôi “Tôi và làng tôi” là tựa sách vừa hợp tình cảm vừa hợp lý trí. Tôi ở trong làng và làng ở trong tôi. Tôi là chủ ngữ, tôi là nhân vật chính xuyên suốt tác phẩm, “làng” là đối tượng của “tôi” trong trường hợp này. Tôi chia sẻ phát biểu của nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Minh Tâm khi anh viết: “Tên của tập hồi ức là Tôi và làng tôi. Điều đó mặc nhiên hình thành hai mạch tự sự, hai dòng hoài niệm: Tôi – Làng tôi. Nhưng hai mạch hồi ức này không tách rời, mà đan bện, xoắn luyến vào nhau, đúng hơn là nhập vào nhau trong không khí, quang cảnh, lịch sử của làng”.

Cho đến nay, đã có trên 40 tờ báo và tạp chí in bài giới thiệu và bình luận hồi ức “Tôi và làng tôi”: Báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân, báo Thanh Hóa hàng tháng, báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Nhà văn và & Tác phẩm, VanVn.net, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Văn nghệ công an, Vnexpress, báo Người Hà Nội, Tiền phong chủ nhật, báo Sức khỏe & Đời sống, tạp chí “Xứ Thanh”, báo Thái Nguyên, báo Dân Việt (Hội Nông dân Việt nam), báo “Quê Việt” (Ba Lan), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội mới cuối tuần, tạp chí Sông Hương, KINHTEDOTHI.VN, Báo sở hữu trí tuệ, báo VĂN HÓA, báo Đại đoàn kết, NXB Công an Nhân dân vv…

Các nhà văn, nhà thơ, các nhà lí luận phê bình văn học Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Văn Đắc, Hoàng Quốc Hải, Vũ Nho, Nguyên An, Lê Tuấn Lộc, Đỗ Ngọc Yên, Hỏa Diệu Thúy, Bùi Việt Thắng, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thanh Tâm, Viên Lan Anh, Nguyễn Ngọc Quế, Hàm Đan đã viết bài giàu tâm huyết về “Tôi và làng tôi”. Qua các bài giới thiệu và bình luận của họ, người đọc cảm thấy hứng thú khi đến với tác phẩm. Đó thực sự là những bài bình luận sâu sắc, giàu tính học thuật, những cảm xúcvà tình cảm chân thành đối với tác giả. Lê Bá Thự xin chân thành cảm các anh, các chị nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình văn học nói trên.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Cuốn sách này cần cho những đứa trẻ để đọc, cần cho những người giảng dạy, cho nhà văn, cho những người nghiên cứu về văn hóa làng. Và đương nhiên cả những người lớn nữa. Tôi cũng có ngôi làng riêng, nhưng khi đọc cuốn sách này tôi thấy hình như tôi đã sống ở ngôi làng đó. Nghĩa là tác giả đã tìm ra một mẫu số chung về đời sống, phong tục tập quán, tâm hồn và cuộc sống lao động của những người nông dân trên khắp các làng quê Bắc bộ nước ta”.

Theo nhà văn Hoàng Quốc hải, “tác giả cho ta hiểu biết nhiều thứ về làng quê như ta đã từng biết, nhưng không thể nhớ và mô tả lại một cách sinh động như “Tôi và làng tôi”. Đến nỗi, tôi có cảm giác, nếu ai muốn nghiên cứu về văn hóa làng quê Việt Nam xưa cũ, không thể không tham khảo “Tôi và làng tôi”. Bởi trong đó nó có đủ cả dân tộc học, xã hội học, phong tục học, tín ngưỡng và cả văn hóa dân gian”.

Còn nhà văn Bùi Việt Thắng thì cho rằng: “Trong văn chương Việt hiện đại, đã có những tác phẩm hay về làng quê như Làng của Kim Lân, Vụ mùa chưa gặt của Nguyễn Kiên, Đất làng của Nguyễn Thị Ngọc Tú, Gia phả của đất của Hoàng Minh Tường, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư,... Nay bộ sưu tập (collection) lại được bổ sung thêm TÔI VÀ LÀNG TÔI của Lê Bá Thự. Tôi nghĩ, nhiều người sau khi đọc cũng nghĩ như tôi”.

Nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, người xứ Thanh, đã thổ lộ nỗi lòng mình khi đọc tác phẩm này: “Đọc Tôi và làng tôi, phần thú vị nhất và cũng là máu thịt nhất (với tôi) chính là được nghe lại giọng quê trong ký ức... Lê Bá Thự với tất cả sự thành thật đã đem vào những câu chuyện chất giọng quê Thanh không hề pha tạp. Vẫn đó thôi, phương ngữ của miền Trung khó nghèo, gai góc, riết róng và thô mộc: Chi (Gì) – Mô (Đâu) – Răng (Sao) – Ri (Thế này) – Rứa (Thế) – Mi (Mày) – Tau (Tao) – Hấn (Hắn) – Nhà va (Nhà họ) – Đau bộng (Đau bụng) – Cấy chi (Cái gì) – Trốc (Đầu) – Cẳng (Chân) – Viền (Về),… Ai đi xa về gần, ai phiêu bạt đằng đẵng, chỉ cần nghe giọng là biết người quê mình. Lắm khi, cái giọng quê không đổi ấy đã gắn kết những kẻ đồng hương xa lạ nơi đất khách quê người”.

Đọc “Tôi và làng tôi” những người lớn tuổi rất dễ tìm thấy hình ảnh của làng mình và của bản thân mình trong đó. Còn đối với bạn đọc trẻ tuổi, mỗi người có cách riêng để tiếp cận tác phẩm này. Bạn Trần Hùng Cường, hiện sinh sống tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12 tp. Hồ Chí Minh, trong thư gửi cho tôi đã viết: “Cháu đang đọc sách của chú ngấu nghiến. Rất hay và giống tuổi thơ của bọn cháu, chỉ khác là cháu là thế hệ thứ 3 của chú. Cháu rất thích cách viết của chú. Cảm ơn chú đã dày công viết một cuốn sách thật ý nghĩa như vậy để bọn cháu được đọc và hiểu thêm về quê hương mình những năm tháng xưa”. Tôi cảm thấy ấm lòng khi đọc những dòng chữ như trên của bạn đọc trẻ.

Đánh giá tác phẩm “Tôi và làng tôi” nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Cuốn sách “Tôi và làng tôi” tuy mang tính tự truyện, nhưng nó không chỉ là tuổi thơ, những cảm quan văn hóa đầu tiên của Lê Bá Thự, mà nó còn bắt gặp sự đồng vọng, đồng tình, đồng điệu của rất nhiều bạn bè, rất nhiều người cùng thế hệ với Lê Bá Thự, trong đó có tôi. Người ta cảm thấy như Lê Bá Thự nói thay cho mình, cảm nhận thay cho mình, từ những chi tiết rất là nhỏ bé. Bởi vậy, những ai đã đồng hành cùng với thế hệ Lê Bá Thự thì người ta cảm thấy rất đồng điệu với tác phẩm này. Cuốn tự truyện của Lê Bá Thự mang đậm hồn cốt quê hương, mang đậm những giá trị văn hóa Việt Nam, cho nên nó có giá trị định hướng và giáo dục cho thế hệ trẻ, là phải giữ lấy cái gốc văn hóa, cái hồn cốt của quê hương, trong lúc chúng ta mở rộng và sẵn sàng đón nhận những tinh hoa văn hóa của thế giới. Như vậy, Lê Bá Thự, trong bản thân, trong tâm hồn của anh ấy, đã có sự kết hợp bền vững giữa các yếu tố dân tộc và nhân loại. Chính vì thế cho nên nó thể hiện trong sự nghiệp của anh ấy, là một dịch giả văn học Ba Lan nổi tiếng, đồng thời là một người viết về quê hương rất xúc động, rất sâu sắc.

Tôi và làng tôi là một tác phẩm văn chương tư liệu, cũng là một dòng văn học chính thống. Cuốn sách đã chứa đựng và chuyển tải được hồn quê Việt Nam đến với bạn đọc. Cuốn sách đã cho ta cảm nhận, chỉ có hồn quê mới lưu giữ và bảo tồn được cốt lõi, giá trị văn hóa Việt một cách bền vững và sâu sắc nhất. Đánh mất hồn quê ta sẽ mất tất cả”.

LBT.

Hà Nội, chiều 25 tháng 4 năm 2019.