Thông tin và tư liệu về Doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh và thảm họa môi trường biển tôi cũng đã liên tục cập nhật, nhưng bài “ Trải nghiệm Hà Tĩnh- Formosa” tuy chỉ vài trang viết nhưng đã phản ánh, chứng minh, tổng hợp, giúp tôi nhận diện và xác quyết rõ ràng đầy đủ hơn những gì đã biết. Nhà văn Hoàng Quốc Hải viết về trải nghiệm của mình ở Hà Tĩnh nhưng đó cũng là trải nghiệm của cả quá trình một nhà văn đã dành nhiều tâm huyết và nỗ lực để mô tả, kiến giải thấm thía những bài học lịch sử bi hùng của dân tộc qua những công trình sáng tác đồ sộ và xuất sắc của ông.
Không còn nghi ngờ gì nữa, thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra “ là một vụ đầu độc khổng lồ có dự mưu chứ không phải vô tình. Một thảm họa môi trường do con người gây ra với quy mô lớn như thế này chưa từng một lần xảy ra trên trái đất!”. Thủ phạm chính là Formosa, một doanh nghiệp của Đài Loan nhưng còn là những người tiếp tay cho họ. Tuy mới chạy thử nhà máy luyện thép, mới xúc rửa đường ống mà đã gây thảm họa khủng khiếp cho môi trường biển ( sau đó còn được biết rác thải của doanh nghiệp này còn được chôn lấp một số nơi khác ở Hà Tĩnh và tỉnh ngoài). Tới đây khu công nghiệp này vận hành thì… “ từ bầu trời, mặt đất, nguồn nước ngầm, dưới đáy biển sẽ đồng bộ nhận chất thải độc…” . Cùng với chất thải độc là nguy cơ về an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia không lường trước được. Người đọc hiểu và đồng cảm với tác giả khi đi trên những nẻo đường của khu công nghiệp rộng bằng 1/3 huyện Kỳ Anh này có cảm giác “y hệt như đang đi trong vùng địch tạm chiếm hồi những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX”.
Qua cuộc gặp gỡ bất chợt của tác giả cùng với các bạn văn với nhân dân tại khu tái định cư ven đường, ta không khỏi xót xa về sự vất vả cùng cực của bà con khi thuyền phải úp bên cạnh biển như những nấm mồ, nhưng cũng vô cùng cảm phục về nghĩa khí và tình yêu quê hương, yêu biển với câu trả lời chắc nịch sẵn sàng không nhận tiền đền bù: “ Tiền ấy đem làm sạch biển cho nhân dân… Đời đời dân tôi bám biển là để giữ biển. Giữ biển là giữ nước đấy”.
Không chỉ khảng định qua quan sát trải nghiệm của bản thân tai nghe mắt thấy tác giả ghi lại ý kiến của người dân, rồi nêu ý kiến của một số đại biểu Quốc hội. Nhất là bài viết đã hai lần dẫn ra ý kiến cảnh báo không thể xem thường của một cựu nghị sĩ Đài Loan và bà Tổng thư ký Hội thẩm phán môi trường của Quốc đảo này…
“… Không bao giờ loại trừ được khả năng Formosa có thể tạo ra một thảm họa mới khiến cá chết trắng 3000 km bờ biển chạy dọc Việt Nam”.
“… Formosa là con quái vật khổng lồ, phải cẩn trọng và cứng rắn khi hợp tác với tập đoàn này”.
Nguy cơ đã rõ ràng như vậy thì còn lý do gì nữa để mà mượn cớ vị tình của người Việt Nam “ đánh kẻ chạy đi chứ không nỡ đánh kẻ chạy lại” để có thể chỉ chấp nhận lời xin lỗi cùng 500 triệu đô la tiền đền bù thiệt hại? mà không thật sự cứng rắn, thẳng tay truy tố rồi trục xuất Formosa ra khỏi nước ta! Đồng thời không còn lý do gì nữa để nể nang không truy cứu trách nhiệm những người do tối mắt vì lòng tham hay ngu ngơ về sự hiểu, để họ phải trả lời câu hỏi: “ Bằng cách nào mà Formosa lại chui được vào tử huyệt của nước ta? ( với thời gian kéo dài tới 70 năm). Lại nữa nó được xây dựng nhanh với tốc độ chóng mặt do 8 nhà thầu của Trung Hoa đại lục với cả vạn người kéo sang làm việc hối hả một cách đáng ngờ”.
Xin hoan nghênh và cám ơn báo Văn nghệ đã đăng bài viết của Hoàng Quốc Hải ngay trên trang nhất. Tôi nghĩ chắc các nhà văn và bạn đọc đều đồng tình với thái độ và chủ kiến của tác giả. Thiết nghĩ cần coi đây như một bản kiến nghị- lời tuyên bố của các nhà văn Việt Nam gửi tới Chính phủ, Quốc hội, yêu cầu “cứng rắn” giải quyết vấn đề về tội phạm và sự tồn tại của Formosa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Đề nghị đồng chí Chủ tịch Hội và Ban chấp hành tiếp thu đề xuất này, in sao hoặc gửi toàn bộ báo Văn nghệ số 32 ( 2946) ra ngày 6/8 vừa qua đến Chính phủ, đến tất cả các đại biểu Quốc hội và các cơ quan đoàn thể của Đảng và Nhà nước cùng văn bản kiến nghị của Hội Nhà văn.