LTS: Vụ việc ông Võ Thành Long, cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị vợ mình làm “Phó cục trưởng” đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận.
Cách đó không lâu báo chí cũng phát hiện nhiều thông tin thú vị trong vụ “cả họ làm quan” ở Mỹ Đức.
Tiếp đó, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cũng có kết luận xác minh đơn tố cáo liên quan tới 30 người được cho là có quan hệ họ hàng với Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm an toàn hàng hải miền Nam (VMS – South).
Từ nhũng vụ việc điển hình nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác cán bộ còn nhiều điểm lỏng lẻo và có chiều hướng theo vây cánh, mối quan hệ, nhóm lợi ích.
Để làm rõ hơn vấn đề này, hôm 8/9, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Phóng viên: Từ những vụ việc điển hình nêu trên, ông suy nghĩ gì về công tác cán bộ hiện nay?
Ông Lê Văn Cuông: Vấn nạn chạy chức, chạy quyền đang vẫn tồn tại theo mẫu số chung "thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ".
Trong cơ chế thị trường hiện nay, người ta có điều kiện để tham nhũng, mưu cầu lợi ích cá nhân từ vị trí của họ có được.
|
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (ảnh: Vietnamnet.vn). |
Thực tế thì tiền lương của cán bộ công chức, viên chức chỉ là khoản nhỏ, bổng lộc thu được từ vị trí, lợi ích nhóm và mối quan hệ khác mới là nhiều.
Cho nên, không ít người đầu tư vào chạy chức, chạy quyền. Và để có một vị trí "đẹp" có khi phải “bỏ thầu”. Ai “bỏ thầu” cao thì người đó sẽ trúng.
Hay nói cách khác đầu tư cho chạy chức, chạy quyền là đầu tư siêu lợi nhuận - điều mà tôi thường nói tại nhiều diễn đàn.
Chức vụ cũng là điều kiện để người ta thực hiện ‘chuyến tàu vét” trước khi về hưu.
Cho nên những người có chức vị trong xã hội không chỉ được cái tiếng mà còn được cả “miếng”.
Trong khi đó, thực tế cho thấy, công tác quản lý, giám sát cán bộ của chúng ta còn lỏng lẻo. Việc xử lý cán bộ chủ yếu mang tính chất… rút kinh nghiệm là chính chứ chưa xử lý nghiêm khắc.
Như ông nói, phải chăng công tác cán bộ hiện nay được thực hiện theo mẫu số chung, "thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ" mà người ta đồn thổi lại là thật?. Vụ việc ông Võ Thành Long, cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị vợ mình làm “Phó cục trưởng” có phải là ví dụ điển hình?
Ông Lê Văn Cuông: Câu nói trên hoàn toàn đúng với công tác cán bộ trong xã hội Việt Nam hiện nay. Sự tiêu cực trong công tác cán bộ đi từ thấp tới cao và có tính phổ biến...
Đối với những người có chức vụ, trước khi về hưu họ sẽ cài cắm người thân, quen... giữ các vị trí quan trọng để sau này "phụng sự" cho gia đình, con cháu họ. Do đó, tình trạng "cả họ làm quan", hay tổng công ty gia đình trị không phải là chuyện lạ.
Điều này cũng nói lên tính chưa gương mẫu của người
đứng đầu. Một khi người lãnh đạo có ý định không trong sáng thì họ tìm cách (dùng tập thể) để hợp thức hóa ý đồ cá nhân của mình.
Thành ra những người trong tập thể đó cũng được hưởng quyền lợi khi đồng thuận với quan điểm của người đứng đầu.
Điều sẽ tạo ra nhóm lợi ích, thao túng, thực hiện ý đồ cá nhân, chứ không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Người ta nhìn bề ngoài thì thấy tập thể đoàn kết, nhưng bên trong có thể là đoàn kết theo kiểu nhóm lợi ích.
Do đó, có những trường hợp quy hoạch cán bộ theo vây cánh, mối quan hệ, nhóm lợi ích. Hay nói cách khác, đó là những người cùng hội, cùng thuyền, cùng chung lợi ích.
Còn những người không đồng quan điểm sẽ bị loại, hoặc sẽ bị luân chuyển, hoặc bị thay thế.
Hầu hết việc bổ nhiệm nói trên đều được cho là "đúng quy trình", nhưng tại sao dư luận lại phản ứng gay gắt như vậy, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Như tôi đã phân tích, công tác quản lý, giám sát cán bộ còn nhiều lỏng lẻo, chưa chặt chẽ về mặt chế tài. Trong khi đó, công tác cán bộ phụ thuộc chủ yếu vào người đứng đầu.
Chúng ta cũng chưa có chuẩn mực về mặt pháp luật nào để tạo nên rào cản, ngăn chặn tình trạng trên.
Do đó, cái quy trình về công tác cán bộ nhiều khi chưa chắc đã đúng. Hoặc có thể đúng quy trình nhưng không đủ tiêu chuẩn thì quy trình không có tác dụng.
(GDVN) - Ngôn ngữ “Tà Lưa” vốn là một ngôn ngữ “cổ”, tuy chưa thất truyền nhưng dân gian ít người sử dụng, ngược lại nó rất thông dụng ở những chốn cao sang, quyền quý. |
Ví dụ, khi nhận xét vợ mình trước toàn thể cơ quan, thì sự đánh giá đó khi nào chả phải tốt.
Ngược lại, nếu người ta có năng lực thực sự, qua thi thố thì không bao giờ xuất hiện dư luận tiêu cực như vậy.
Trong khi đó, việc đánh giá năng lực cán bộ mới chỉ là hình thức, "duy tình" và không nói lên được điều gì.
Do đó, không thể lấy cái đánh giá cảm tính ấy làm chuẩn mực để bổ nhiệm, đề bạt cán bộ được. Cho nên một số người nói tuyển người nhà vì họ có tài hoặc đúng quy trình là chưa thuyết phục.
Theo ông, làm sao để quy hoạch đúng và trúng những người có tài, có tâm để họ có điều kiện cống hiến cho sự phát triển của đất nước?
Ông Lê Văn Cuông: Công tác cán bộ của chúng ta hiện nay dựa trên ba nguồn gồm: Bầu cử, bổ nhiệm, thi tuyển.
Trong đó, việc thi tuyển cán bộ phải dựa trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, công bằng, khách quan.
Việc tuyển chọn cán bộ thông qua bầu cử phải được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Theo đó, tại mỗi vị trí bầu cử phải, có nhiều ứng cử có viên "ngang tài, ngang sức", cạnh tranh, để người dân có quyền chọn lựa.
Việc bổ nhiệm con người phải chú ý tới việc công khai, minh bạch các thành tích của người được đề bạt, bổ nhiệm.
Sự đóng góp của họ chỉ nên được ghi nhận trên cơ sở sự tác động hành vi của người đó tới sự phát triển của cơ quan, cộng đồng và được tập thể công nhận...
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!