Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HẮT HIU LÊ LỰU

Trần Hoàng Thiên Kim
Thứ hai ngày 12 tháng 9 năm 2016 9:18 PM



Đã lâu rồi, nhà văn Lê Lựu không được ra khỏi khuôn cửa căn nhà này. Thậm chí thói quen ngồi ở cửa nhìn ra đời sống ngoài kia cũng mất dần trong tâm thức của ông.

Đã lâu rồi, nhà văn Lê Lựu không được ra khỏi khuôn cửa căn nhà này. Thậm chí thói quen ngồi ở cửa nhìn ra đời sống ngoài kia cũng mất dần trong tâm thức của ông.

Tết năm Bính Thân này, nhà văn Lê Lựu bị một trận ốm thập tử nhất sinh, bị viêm phổi cấp, phải vào viện cấp cứu. Về nhà thì phải truyền thuốc ngót cả tháng trời chứ không ăn uống được gì.Chỉ đơn giản, trí não của ông đã dần ì ạch, ông mất nhiều phản xạ như nói, cười, trò chuyện, thậm chí cả nuốt nước bọt cũng phải nhắc nhở mới chịu nghe để nuốt, chứ nói gì đến thói quen thưởng thức những va đập của đời sống. Ông không thể đi lại được mà chỉ ngồi trên chiếc xe lăn, tất cả tùy thuộc vào những người giúp việc. Tuổi càng cao, dĩ nhiên, ông càng già hơn, yếu hơn, vốn dĩ như quy luật của tạo hóa.

Nói dại, cứ tưởng ông khó qua khỏi khi chạm ngưỡng cái tết con khỉ, nhưng phúc lớn, ông phục hồi được, lại ngồi trên chiếc xe lăn quen thuộc, lại hằng ngày ngồi bên cạnh chiếc bàn để ăn những bữa cơm đạm bạc theo tiêu chuẩn của người bị nhiều căn bệnh như: tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Nhưng sau mỗi trận ốm, cơ thể ông yếu đi nhiều.

Lần này đến thăm ông, phải giục giã, thậm chí là năn nỉ rồi… mắng, thì ông mới nói chuyện thành tiếng. Ông cứ lý nhí nói thầm trong miệng, phải ghé tai sát và đoán mới biết ông nói gì.

Tôi kể cho ông nghe một vài câu chuyện về những người bạn một thời của ông, nghe đến những người còn sống thì ông gật gật cái đầu, khi nghe đến những người bạn xấu số đã về thiên cổ, thì ông nấc nghẹn, mặt đỏ au khóc những tiếng khùng khục trong cổ họng.

Rồi nước mắt ông rơi lã chã trên khuôn mặt khắc khổ, già nua và nhiều bất hạnh của người đàn ông một thời khỏe mạnh, tài hoa, năng động. Dường như cơ thể không chịu sự chi phối của trí não ông nữa. Bởi vậy mà nếu vãn câu chuyện, ông sẽ lại mơ màng đến một phương trời nào đó, ngáp vặt và thiêm thiếp vào giấc ngủ…

Tôi vẫn thường đến thăm ông. Cách đây không lâu, Trung tâm Văn hóa doanh nhân vừa sơ kết cuộc thi truyện ngắn, bút ký mang tên “Giải thường nhà văn Lê Lựu”, đã có những tặng thưởng được trao, nhưng tác phẩm hay vẫn đang chờ ở phía trước. Ông đã từng ấp ủ nhiều cho giải thưởng này với kỳ vọng sẽ tìm được những người tài.

Hồi minh mẫn, ông đã chia sẻ: “Tôi từng ấp ủ được trao tặng giải thưởng văn chương đã lâu, nay mới thực hiện được, dù muộn cũng là nỗi vui mừng khôn xiết. Tôi là người từng được giải thưởng văn chương thông qua các cuộc thi và thực sự tôi trưởng thành được, sống được và vượt qua được chặng đường chông gai, vất vả và nhiều gian truân của cuộc đời bằng niềm đam mê văn chương ấy.

Tôi mong rằng giải thưởng Quỹ Nhà văn Lê Lựu sẽ thu hút được nhiều nhà văn, nhà thơ, đặc biệt là các nhà văn trẻ cũng như nhiều cây bút tài năng cùng tham gia, để góp phần nhỏ bé của mình vào những đổi mới của nền văn học đương đại cũng như đồng hành cùng những đổi thay về kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước…”.

Giờ đây, nói đến giải thưởng, đôi mắt ông cũng ánh lên những nét lạc quan, nhưng nó như một sự đã rồi chứ không còn hối thúc và bừng sáng như thuở ông còn khỏe mạnh.

Thuở còn sung mãn, ông đi khắp đất nước, đi viết văn, kiếm tiền, đi tìm những vinh quang của một người đàn ông xuất thân từ vùng quê lam lũ nhưng đầy sức phấn đấu, đầy tham vọng và dư thừa sự khôn khéo để đương đầu với cuộc đời đầy rẫy biến cố, va đập khiến bất cứ ai cũng có thể gục ngã.

Ông xin được nhiều dự án, nhiều tài trợ của các doanh nhân, nhiều đất cát. Ông xuất hiện ở đâu là tay bắt mặt mừng, là trang trọng comple, cà vạt, là những hợp đồng ký tá, là một loạt các dự định, dự toán, điện thoại liên hồi… Những tưởng con đường ông đi sẽ mở ra một chân trời mới cho nền văn chương cũng như nền văn hóa – doanh nhân nước nhà, thì bỗng chốc ông đổ bệnh, tai biến, rồi liên tiếp những biến cố cứ thế kéo đến vây bọc lấy cuộc đời ông. Khổ nhất là câu chuyện vợ con. Rõ ràng, thuở còn khỏe mạnh, minh mẫn, mấy ai sánh được với “cái đầu” văn hóa – doanh nhân của nhà văn Lê Lựu, nhiều người ngưỡng mộ ông không chỉ bởi tài viết văn, mà còn ngưỡng mộ ông bởi ông quan hệ rộng, đi khắp đất nước và “muốn gì được nấy”.

Đến giờ nhắc lại, ông vẫn thổn thức khóc nấc trong sự xót xa không nói được thành lời. Tôi chỉ sợ ông xúc động quá lại đổ bệnh nên xua tay nói vài điều vui vẻ để ông cười, nhưng thực sự nỗi đau quá lớn ấy không có gì bù đắp nổi khiến trái tim ông tan nát, nhỏ lệ.

Nhà văn Lê Lựu đã sáng tạo ra nhiều nhân vật đau khổ, bất hạnh trên con đường kiếm tìm hạnh phúc và trong cuộc đời. Họ chủ yếu là những người đàn ông. Thời còn khỏe mạnh, minh mẫn, ông đã chia sẻ: Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng, nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi.

Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát. Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh giậm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi. Ông cũng tâm niệm rằng, toàn bộ những trang viết của ông chỉ đi theo một nguyên tắc là THẬT. Ông không thể viết được nếu không bám vào sự thật. Ông chỉ là người kể chuyện, có gì viết nấy.

Cũng bởi đau đáu với làng quê, nên sau những chặng đường văn chương, kinh doanh, làm văn hóa…, cuối đời, nhà văn Lê Lựu chỉ có một mong ước: “Tôi chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, ăn rau cỏ ở mảnh đất của tôi, trồng rau, cuốc đất, sống như người nông dân”.

Đối với nhà văn Lê Lựu, cái mong ước nhỏ nhoi này, bây giờ thực sự là điều không thể đối với ông. Ông trời thật khéo trêu ngươi, bây giờ, mọi thứ của ông đều phụ thuộc vào chiếc xe lăn, hai người giúp việc và Hoài, một cô phóng viên kiêm biên tập viên phụ trách mảng nội dung của tờ Văn hóa doanh nhân.

Mọi việc đôn đáo trong ngoài đều do Hoài lo liệu. Mỗi bữa thường ngày, nhà văn Lê Lựu ăn được lưng cơm. Giữa bữa thì uống sinh tố hoa quả và sữa dành cho người tiểu đường.

Cũng tự tay Hoài tiêm từng mũi insulin để cân bằng đường huyết cho ông. Cô gái có dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn ấy đã là người chăm sóc ông từ những ngày chớm bệnh cho đến nay, đã chục năm có lẻ.

Có lẽ còn hơn cả một người thân thiết nhất. Càng ngày, sự đi lại của ông càng khó khăn hơn, đi vào toilet phải vài người đỡ. Thỉnh thoảng bị cháu Hoài trách khéo, nhà văn Lê Lựu chỉ cười, nụ cười hiền mà đẫm những giọt buồn.

Ông có lẽ không tưởng tượng được một ngày tuổi già của mình lại trở nên khổ ải đến thế. Ông, một nhà văn chân chất của làng quê Hưng Yên đã có những tháng ngày sống trong vinh quang của văn chương, nghệ thuật, của sự thành danh và thành công trên mọi lãnh địa của đời sống. Ông đã có nhiều vấp váp nhưng rõ ràng, khi hoạch định những chiến lược dành cho kinh doanh văn hóa, nhà văn Lê Lựu là người thành công.

Nhờ ông, bao số phận đổi đời, nhiều người nương nhờ vào Trung tâm Văn hóa doanh nhân của ông để thay đổi cuộc sống tốt lên, nhiều cháu mới ra trường được ông giúp đỡ…

Nhưng rồi cuộc đời không cho ai tất cả, ngay trên đỉnh cao của danh vọng, ông đã gặp những biến cố về sức khỏe, những trận tai biến liên tục xảy ra khiến ông không trụ vững và không thể kham nổi để duy trì một trung tâm hùng mạnh, làm dậy sóng văn đàn.

Nhiều người đã ra đi, nhưng ông vẫn tiếp tục duy trì tờ tạp chí, cho đến ngày hôm nay, như đúng tâm nguyện của ông từ thời kỳ đầu thành lập. Dù bây giờ ông ở trong bốn bức tường, không sát sao với thời cuộc, không biết những biến động từng giây phút ngoài kia, nhưng hằng ngày, Hoài vẫn đọc báo cho ông dõi theo tình hình thời sự và đời sống.

Ông vẫn theo dõi tin tức dù chẳng bình luận được gì, vì ông đang mất dần những phản xạ, nhưng hỏi ông đánh giá thế nào, ông vẫn có những suy nghĩ rất riêng của mình để góp một phần vào câu chuyện.

Trước khi căn bệnh trở nặng, nhà văn Lê Lựu đang viết dở cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời mình, cuốn sách có tên Kẻ chạy trốn. Đây là cuốn sách ông dành nhiều tâm huyết, nó đánh dấu giai đoạn cuối cuộc đời ông với những va đập của gia đình, con cái, công việc.

Đó là cuốn sách ông viết trên giường bệnh, giữa những cơn tỉnh mê của trí não, nhưng theo như ông nói, đó là một cuốn tiểu thuyết đầy nỗi buồn và đau đớn của một kiếp người là ông. Nó xót xa bởi nhân tình thế thái, nó có hình bóng của ông với đầy những nỗi khổ của sự đơn độc trong chặng cuối cuộc hành trình làm người.

Bởi ông, giờ mong manh như ngọn đèn trước gió, đầy tật bệnh, trái tim quá nhiều tổn thương, mất mát. Ông sống giữa Hà Nội phồn hoa nhưng lại quẩn quanh bên chiếc xe lăn ngày ngày đối diện với lịch ăn, uống thuốc dày đặc.

Ông không viết nữa, có nghĩa là cuốn tiểu thuyết còn dang dở, dù đọc cho người khác đánh máy thì cũng không thể dịch nổi những gì ông nói. Bởi bây giờ, đối với ông, mọi thứ đều ngoài tầm kiểm soát.

Ông nói đấy, nhưng lại không phải là ông nói. Chẳng điều gì khiến ông vui được. Chỉ khi nhắc đến những người bạn cố tri một thời, những người bạn già đã khuất bóng, những người bạn đang ốm đau bệnh tật như ông nhưng một thời làm mưa làm gió trên văn đàn, thì ông khóc khùng khục, nấc nghẹn từng tiếng, nước mắt thấm dần trên má nhưng ông cũng chẳng buồn lau.

Hỏi ông đang khao khát điều gì bây giờ? Ông nói thầm trong miệng, bảo rằng khao khát đươc trẻ lại 50 tuổi, khỏe mạnh để được đi khắp đất nước, đi viết báo, viết văn. Ông sẽ lại được sống thời tuổi trẻ, được yêu thương trọn vẹn một ai đó, để trái tim ông không bị tổn thương và để tâm hồn được bay bổng như thể không bao giờ phải chịu đựng những năm tháng đắng cay và cô đơn ở kiếp sống này…

Theo Trần Hoàng Thiên Kim/ANTGCT