Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HỌC VIỆT NAM CẦN KÍP MỞ RỘNG ĐƯỜNG BIÊN

Hữu Phương
Thứ bẩy ngày 9 tháng 7 năm 2016 5:51 AM




Sau 30 năm đất nước đổi mới, nhìn lại, ta thấy văn học Việt Nam, dù đã có những thành tựu nhất định, nhưng cơ bản vẫn là mạch văn học chiến tranh kéo dài. Các nhà văn đã bình tĩnh hơn sau độ lùi thời gian. Một số tác phẩm viết về chiến tranh đã có cái nhìn sâu sắc đa chiều. Khách quan và biện chứng hơn. Không né tránh những đau thương mất mát, những sai lầm ấu trĩ.

Tuy nhiên, ta thấy văn học Việt Nam vẫn như người mặc chiếc áo quá chật, gò bó đến thương hại. Đã có một số tác phẩm hay, nhưng là cái hay kiểu cũ, hình dáng cũ và tư tưởng cũ. Người đọc đã kiểm chứng chuyện này. Thực tiễn không mấy tác phẩm in được số lượng quá một nghìn cuốn. Người dân không vồ vập kiếm tìm...

Nguyên do có thể là: Một, lớp các nhà văn đang sung sức hiện nay, đã trọn nửa phần đời mạnh mẽ nhất của họ, trong môi trường quản lý cũ. Giờ đây, trước trang viết, họ quen tự gò mình vào đường biên chật hẹp cũ, sợ bị tuýt còi, như sợ phạm húy. Con chim sợ làn cây cong. Gương “Nhân văn - Giai phẩm” tày liếp vẫn còn đó...

Hai, cách quản lý, đánh giá về nhà văn, về văn học, của hệ thống chính trị, vẫn như cũ. Dù các nghị quyết, chỉ thị về văn học nghệ thuật của đảng, như NQW5 (khóaVIII), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa IX) rất hay, nhưng thực tiễn vẫn không mấy thay đổi. Từ Bộ chủ quản, Ban tuyên giáo Trung ương, đến Ban tuyên giáo và Ban bảo về văn hóa (công an) các tỉnh, thành, đều nhảy sâu vào sáng tác văn học. Họ, với chủ quan hạn hẹp của mình, đã phân tích, đánh giá, quy chụp vô tội vạ, ở các hội nghị giao ban báo chí địa phương. Khiến cho một số tờ báo, tạp chí văn nghệ, một số nhà xuất bản, khi đứng trước những tác phẩm hay, vẫn phải lắc đầu. Vì nó nhạy cảm quá. Thôi, chọn giải pháp an lành, yên thân là hơn.

Nhìn nhanh những vụ lình xình văn chương ở ta mấy năm qua, đã thấy rõ điều đó. Từ Cây dầu trước cửa ủy ban (Đàm Chu Văn), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), các đầu sách bị xay trước đó, đến Đại gia (Thiên Sơn) đình chỉ phát hành, khiến ta suy nghĩ rất nhiều. Chợt nhớ, cách đây mấy tháng, trên phây búc, một nhà văn trẻ lên tiếng khen cuốn Trại súc vật (của George Orwell - NXB Hội nhà văn), bảo không khác xã hội ta bây giờ. Tôi comment lại, nó xuất bản từ năm 1947 kia đấy, nếu viết ở ta bây giờ, chắc bị xay rồi. Nhà văn trẻ kia lại nói, không những tác phẩm bị xay, mà tác giả cũng bị xay!

Cứ nghĩ, thôi, mọi chuyện đã qua. Nhưng hóa ra, nó vẫn còn đó. Khá nghiệt ngã. Mới đây, trong Ngày thơ Việt Nam năm 2016, Hội văn nghệ Quảng Bình đưa về tổ chức ở một thị xã. Rất long trọng. Các bài thơ của các tác giả được in đẹp, treo trong khuôn viên Nhà văn hóa trung tâm. Trong đó, một bài có câu: Tôi lận đận kiếm tìm trong đời thực / Một mẫu hình chân, thiện, mỹ để mình yêu. Lập tức, từ Ban tuyên giáo thị ủy, dồn dập các câu hỏi chất vấn ban tổ chức: Dưới sự lãnh đạo của đảng, xã hội ta cái gì cũng tốt đẹp, sao anh phải đi tìm? Nói như vậy, là ám chỉ xã hội ta do đảng lãnh đạo, không có chân, thiện, mỹ? Om sòm và điêu đứng một thời gian, đủ để răn đe các nhà làm thơ, mới dừng lại...

Hôm nay, ta bàn về quảng bá và hội nhập văn học Việt Nam sâu rộng ra thế giới, tôi chợt nghĩ hai điều: Một, các nước sống trong nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Nghĩa là, các nhà xuất bản chỉ in những tác phẩm bán chạy, có lãi. Vì thế, họ không chọn tác phẩm văn học Việt Nam, bởi họ cho rằng, phần lớn văn học viết theo sự chỉ đạo, không bán được. Ta có khá nhiều hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, nhưng vẫn chưa hiệu quả, có lẽ một phần là vì thế.

Hai, từ những điều dễ thấy trên đây, buộc văn học Việt Nam cần kíp phải mở rộng đường biên. Đường biên càng rộng, thị trường sách trong nước càng sôi động. Bởi người đọc dễ tìm được những kênh sách mình đồng cảm, tâm đắc, khi mà đường biên chật hẹp, gần như không có chỗ cho nó. Thực tiễn đất nước đang đứng trước những vận hội lớn, nhưng cũng đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Công nhân ở các khu công nghiệp vẫn bần hàn, sau một năm làm lụng, dành dụm vẫn không mua nổi một chiếc vé tàu về quê ăn tết. Con cái sinh ra đành gửi về quê nhờ ông bà. Nông dân đang dở khóc dở mếu. Bỏ ruộng, biết làm gì để sống? Ôm ruộng, càng làm càng lỗ. Rừng đang bị tàn phá, cạn kiệt từng ngày. Sông biển ngày càng ô nhiễm nặng. Môi trường sống đang bị đầu độc hàng ngày. Biển, trời, và sự toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, đang bị đe dọa nghiêm trọng. Tham nhũng, cướp giật, chém giết, đang thịnh hành. Khoảng cách giàu - nghèo, khoảng cách đời sống cán bộ có chức quyền với người dân, ngày càng xa vời. Văn học muốn bóc trần tất thảy. Chỉ ra tận gốc rễ vấn đề. Như vị bác sĩ, mổ banh vết thương, mới mong trị lành căn bệnh. Chứ không phải để nguyên ung nhọt bên trong, rồi dán lên mảnh salonpas bên ngoài. Bao năm, đường biên văn học Việt Nam, vẫn như cái vòng kim cô, mà câu thần chú không thuộc các nhà văn, không thuộc tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam...

Như vậy, đường biên văn học phải mở đến đâu? Tôi nghĩ chí ít, những cuốn như Báu vật của đời, Rừng xanh lá đỏ (Mạc Ngôn), Trại súc vật (George Orwell) và những cuốn hay khác của thế giới, được viết tại Việt Nam, mà không phải sợ sệt bị thổi còi.

Mở rộng được đường biên thông thoáng, văn học Việt Nam sẽ có nhiều tác phẩm được người đọc thích thú đón nhận. Và hẳn nhiên, thu hẹp sự dị biệt giữa văn học Việt Nam, với văn học các nước, mở ra con đường cho văn học nước ta, đi vào đại lộ văn học thế giới...

Đồng Hới, 21.6.2016

H.P