Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"TẠI HẠ ĐÁNG CHẾT ! TẠI HẠ ĐÁNG CHẾT !"

Nguyễn Duy Xuân
Thứ hai ngày 11 tháng 7 năm 2016 3:11 PM


Chiều 30/6, tại buổi họp báo chuyên đề sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2016, nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung đã được chính thức công bố.

Vậy là 84 ngày thấp thỏm chờ đợi - cháy ruột cháy gan trước một thảm họa môi trường chưa từng có ở đất nước Việt Nam thân yêu - đã khép lại.

Thủ phạm đã được gọi tên, như chính những ngày đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, trắng bờ biển một dải miền Trung, nhân dân cũng đã chỉ đích danh: Formosa Hà Tĩnh.

Và họ, những kẻ gây ra thảm họa đó, ngày hôm qua đã phải cúi đầu nhận lỗi trước nhân dân Việt Nam. Một hành động hối cải muộn mằn khi tội lỗi đã không còn cách nào che đậy.

Nhìn hình ảnh bộ sậu Formosa cúi đầu xin lỗi, bất chợt nhớ đến câu nói cửa miệng của các nhân vật trong phim ảnh Trung Quốc vốn được chiếu nhan nhản hằng ngày trên các kênh truyền hình từ trung ương cho đến các địa phương: "Tại hạ đáng chết! Tại hạ đáng chết!". Các ngài lãnh đạo Formosa chỉ khác nhân vật trong phim là chưa tự vả vào má mình mà thôi!

Một sự nhận lỗi có thể nói đậm chất… diễn, dù người đứng đầu Formosa khẳng định đó là "sự chân thành từ trái tim".

Xin thưa với ngài Chủ tịch Hội đồng quản trị Formosa, sự chân thành nhất từ con tim phải là khi bắt tay thực hiện dự án, các ngài tuân thủ một cách nghiêm ngặt luật pháp Việt Nam về bảo vệ môi trường chứ không phải đợi đến khi thảm họa xảy ra rồi bị buộc tội đến tâm phục, khẩu phục mới nói chuyện "chân thành từ trái tim". Đấy là chưa nói đến việc các ngài thừa biết xây nhà máy thép sẽ hủy hoại môi trường khủng khiếp như thế nào. Chính đồng nghiệp của các ngài, Phó phòng đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm đã thừa nhận điều đó.

Có một chi tiết xin nêu ra đây để các ngài hiểu: Lấy lại lòng tin của người dân khó lắm bởi chưa nói đến hành động cụ thể mà ngay cả lời nhận lỗi cũng chưa chân thành thì sao có được niềm tin. Trong lời xin lỗi, các ngài vẫn một mực cho rằng: Sự cố đã xảy ra vừa qua là "do các nhà thầu phụ được công ty chúng tôi tuyển chọn và ký hợp đồng thực hiện". Chân thành từ trái tim sao vẫn đổ lỗi cho người khác?

Ngược dòng thời gian một chút, chưa xa xôi gì, các ngài đã từng hai lần cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam.

Lần thứ nhất là sự cố sập giàn giáo Vũng Áng khiến 13 người chết; lần thứ hai về phát ngôn gây sốc của ông Chu Xuân Phàm mà các ngài tự cho là sai trái, "làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa Formosa, chính quyền Hà Tĩnh và Chính phủ Việt Nam". Và bây giờ, khi Formosa được xác định là thủ phạm gây ra thảm họa môi trường chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, các ngài lại cúi đầu lần nữa.

Người Việt có câu: "quá tam ba bận". Liệu có thể tin rằng đó là sự "sự chân thành từ trái tim" như các ngài khẳng định?

Về 500 triệu USD mà các ngài hứa sẽ đền bù. Thoạt nghe, cứ nghĩ đấy là một con số khủng. Nhưng ngẫm lại một chút, so với bao nhiêu thiệt hại mà hàng triệu người dân miền Trung Việt Nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế phải gánh chịu từ khi thảm họa xảy ra cho đến nay và cả mai sau thì chẳng nhằm nhò gì, chỉ là một con số rất nhỏ, như muối bỏ biển mà thôi.

500 triệu USD ấy, nếu chia theo đầu người dân vùng thiệt hại thì được bao nhiêu?

Mất mát lớn nhất mà các ông dù có tiền núi cũng không đền bù nổi đấy là môi trường biển bị hủy hoại, hàng triệu người dân mất kế sinh nhai.

Biết bao giờ biển miền Trung lại trong sạch và đầy tôm cá như xưa? Ai sẽ trả lời câu hỏi này?

Trong cuộc họp báo chiều 30/6, khi phóng viên hãng tin AP hỏi: Với vụ việc này có khởi tố vụ án để điều tra hình sự không?, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trong phần trả lời của mình có dẫn câu tục ngữ: "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại".

Vâng, đúng thế thưa Bộ trưởng. Nhưng câu nói ấy còn tùy thuộc vào hoàn cảnh. Hoàn cảnh ở đây là sự thành thật của Formosa phải được minh chứng bằng hành động sửa sai, khắc phục mọi hậu quả của thảm họa, trả lại sự bình yên cho biển miền Trung trong thời gian ngắn nhất có thể. Còn nếu không, chúng ta sẽ hối tiếc bởi sự phung phí lòng bao dung của dân tộc mình.

Việc Formosa cúi đầu nhận lỗi và chấp nhận đền bù, khắc phục hậu quả chỉ mới là thắng lợi bước đầu. Còn một núi vấn đề cần giải quyết trước mắt đòi hỏi sự minh bạch, kiên quyết và nghiêm khắc, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì cuộc sống của hàng triệu người dân và tương lai con em chúng ta.

Sau cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết, thông tin trên báo chí, truyền hình đều cho hay: Lòng dân đồng thuận và hoan nghênh thái độ kiên quyết xử lí vụ việc của Chính phủ đồng thời cũng bày tỏ nguyện vọng duy nhất: Biển phải sạch trở lại để hàng triệu ngư dân lại tiếp tục với nghề truyền thống của ông cha, để biển quê hương xứ sở không còn cảnh trống vắng như thời gian vừa qua.

Một triệu ngư dân miền Trung từ Hà Tĩnh đến Nghệ An là một triệu người lính, ngày đêm bám trụ trên hàng vạn con thuyền - những cột mốc chủ quyền di động của Tổ quốc trên vùng biển quê hương.

Nếu bây giờ được phép làm một cuộc thăm dò ý kiến của ngư dân miền Trung thì sao nhỉ? Chắc chắn không ai không bảo "Formosa phải đóng cửa vĩnh viễn". Chấp nhận một lần đau để không còn phải chịu đựng theo năm tháng (những 70 năm cơ đấy) bởi những nỗi lo thảm họa lơ lửng trên đầu.

Nguyễn Duy Xuân