Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƯ NGỎ (khẩn) GỬI BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Nhà văn Minh Chuyên
Thứ sáu ngày 8 tháng 7 năm 2016 8:25 PM



  • Nhân sự kiện FORMOSA thải chất độc ra 4 tỉnh Miền Trung.

  • Nhân Kỷ niệm 55 năm thảm họa chất độc Da cam Việt Nam (1961- 2016).


THƯ NGỎ (khẩn)

GỬI BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ NGUYỄN THỊ KIM TIẾN


Kính gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tại cuộc họp của Chính phủ ngày 01 tháng 5 năm 2016 có mặt cả Thủ tướng và Phó thủ tướng, Bà đã phát biểu tuyên bố: “Hải sản tươi sống ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đều an toàn”. Vì chưa có đủ thời gian nghiên cứu khoa học đầy đủ nên có thể trước mắt theo Bà cá an toàn, nước biển an toàn. Nhưng về lâu dài ai dám khẳng định là chúng đều an toàn. Cũng như Bộ đội ta sống dưới những cánh rừng, ăn cá, tắm trên những con sông con suối do người Mỹ rải thảm chất độc diệt cỏ tại chiến trường Miền nam Việt Nam (từ 1961 đến 1971). Ban đầu hầu như đều an toàn và bình thường, nhưng 5 năm sau, 10 năm sau, chất độc diệt cỏ mới phát tán gây nên thảm họa làm hơn 4,8 triệu người di nhiễm chất độc Da cam. Hơn 1 triệu người đã chết, hơn 3 triệu người đang chết dần, chết mòn và sống trong đau đớn quằn quại suốt hơn 40 năm qua. Điều Bà Bộ trưởng khẳng định đã làm dấy lên làn sóng phản biện ngược lại khá mạnh mẽ trong xã hội.

Chúng tôi có đọc 3 tài liệu nghiên cứu như sau:

1. Của Đô đốc Hoa Kỳ E.JunWalt người trực tiếp ra lệnh rải chất độc xuống Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà đã thú nhận về hậu quả di truyền lâu dài của chất độc Diệt cỏ Da cam và thảm họa của chính gia đình ông do NXB Chính trị Quốc gia in trong cuốn sách “Cha con tôi” năm 2005.

2. Đọc cuốn “Hậu quả chất độc Da cam” hơn 200 trang của GS-BS Lê Cao Đài nguyên Giám đốc quỹ nạn nhân chất độc Da cam, có phần ông nói về sự tồn lưu của chất Da cam trong nước di nhiễm cho cá, sau đó di nhiễm cho con người thảm khốc như thế nào.

3. Tài liệu của PGS- Viện sỹ Trần Xuân Thu nguyên Phó chủ tịch, Tổng thư ký hội nạn nhân chất độc Da cam Việt nam, phát biểu trong bộ phim tài liệu “Nỗi đau và trách nhiệm” trên VTV1 nói về sự tồn lưu của chất độc Diệt cỏ trong đất và nước và thảm họa của nó đối với môi trường sinh thái, sức khỏe con người.

Vậy mà lượng tôm cá 4 tỉnh Miền trung Hà Tĩnh, Quảng Bình…. Chết rất nhiều do FORMOSA thải chất độc ra biển, mới qua thời gian ngắn và biển chưa được tẩy độc mà bà Bộ trưởng Bộ Y tế đã tuyên bố: “Hải sản tươi sống ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đều an toàn” thì quả là rất chủ quan, thiếu căn cứ khoa học nghiên cứu đầy đủ.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc cải cách ngành Y tế để lại một số dấu ấn tốt đẹp. Nhưng khi Bà công bố sau vụ FORMOSA - cá an toàn thì dư luận xã hội hầu hết không đồng thuận. Nhân dân tin tưởng lời Bộ trưởng Bộ Y tế nói sẽ chủ quan trong việc sinh hoạt và sử dụng hải sản trên vùng biển chưa được tẩy độc, có thể hậu quả sau này sẽ khôn lường. Số phận sức khỏe và tính mạng người dân sẽ ra sao?. Lẽ ra là một thầy thuốc (người mẹ hiền), một thành viên của Chính phủ, Bà phải khuyên Chính phủ đầu tư kinh phí để khẩn cấp tẩy độc vùng biển nhiễm độc và cho dừng hoạt động của FORMOSA để cứu lấy nòi giống, sức khỏe, tính mạng của người dân Việt Nam. Mục tiêu của xã hội ta là tất cả vì con người.

Là một nạn nhân, tôi đang mang căn bệnh hiểm nghèo do di họa chất độc Da cam (61% hội đồng Trung ương giám định) cùng 4,8 triệu nạn nhân bị di họa chất độc, người đã chết, người đang sống vật vã đau thương, tôi thay mặt họ viết lá thư ngỏ này gửi lên Bà Bộ trưởng Bộ Y tế, xin Bà rút lại lời nói của Bà trước cuộc họp của chính phủ “Hải sản tươi sống ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đều an toàn”. Đời người ai cũng có lúc có thể nói sai, nói đúng đó là chuyện bình thường. Mong Bà hãy dũng cảm. Rút đi lời nói trên Bà đã làm đúng nghĩa của người làm việc trên lĩnh vực nhân đạo. Cứu được bao người dân vì tin lời Bộ trưởng mà có thể sau này họ sẽ phải gánh chịu hậu quả chất độc diệt cá do FORMOSA thải ra như thảm họa chất độc Diệt cỏ do người Mỹ rải thảm. Rút được lời nói trên Bà sẽ tránh được một tội ác. Những ai đang mang hiểm họa chất độc, thấm đẫm nỗi đau vô cùng, thảm hại vô cùng Bà Bộ trưởng ơi.

Dưới lá thư này chúng tôi đăng kèm theo bài ký: “Nỗi Kinh Hoàng” nói về sự tồn lưu của chất độc trong đất, trong nước giết hại con người thảm khốc như thế nào. Mong Bà Bộ trưởng đọc tham khảo, kính chúc Bà thành công.

Nhà văn - Đạo diễn - NSƯT Minh Chuyên.



* *


*


NỖI KINH HOÀNG

Bút ký


Sau cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhân dân Việt Nam phải vượt qua bao khó khăn để xây dựng lại đất nước. Những đổi thay đang xoá dần đi sự đổ nát một thời bom đạn tàn phá, hàn gắn lại vết thương do chiến tranh gây ra. Nhưng có những vết thương hơn 30 năm rồi vẫn không hàn gắn được. Không biết nó còn âm ỉ “bòn rút linh hồn, thể xác” con người đến bao giờ? Đó là vết thương chất độc da cam. Nó đang là nỗi kinh hoàng đối với hàng triệu người dân Việt Nam.

Hơn 50 năm trước, quân đội Mỹ kéo vào xâm lược Việt Nam. Mỹ đã dùng những vũ khí tối tân nhất để huỷ diệt con người nơi đây. Quân đội Mỹ càn quét, bắn giết nhiều người dân vô tội, trút xuống đồng ruộng, làng quê Việt Nam hàng triệu triệu tấn bom, đạn, cùng hoá chất các loại, gây nên bao cảnh tàn sát đẫm máu.

Theo số liệu Bộ Quốc phòng Hoa kỳ, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã rải xuống các vùng rừng và vùng dân cư miền Nam Việt Nam 90 triệu lít hoá chất diệt cỏ, làm rụng lá cây. Trong đó có 44 triệu lít chất da cam chứa Đi-ô-xin cực kỳ độc hại. Ngoài hoá chất diệt cỏ, cây, để phát hiện tiêu diệt quân giải phóng, Mỹ còn giải 15 loại hoá chất khác như chất gây cháy Phốt pho, chất làm ngạt thở CS, chất đầu độc thần kinh VX, chất diệt côn trùng DDT.v.v… Thảm hoạ nhiễm độc Đi-ô-xin ở Việt Nam bắt đầu từ đây.

Kể từ khi Mỹ ngừng giải chất độc, đã hơn 50 năm, nhưng hậu quả của nó còn rất nặng nề. Cả nước hiện có trên 4.8 triệu người gồm trẻ em và người lớn bị di chứng chất độc da cam. Hàng chục vạn người đã chết. Trên 194.000 em bé dưới 15 tuổi hiện đang phải gánh chịu nỗi bất hạnh, từng ngày, từng ngày quằn quại, đau đớn.

Giáo sư bác sỹ Lê Cao Đài, nguyên giám đốc Quỹ nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam, 10 năm sống, làm việc ở vùng A Sầu, A Lưới và Tây Nguyên. Ông cho biết:

- Tôi đã trực tiếp “chịu trận” hàng chục lần máy bay Mỹ rải chất độc Đi-ô-xin xuống nơi chúng tôi trú quân. Biết chắc hậu quả của nó là khôn lường. Nhưng cả Trường Sơn mênh mông, nhiều vùng chìm trong màn sương màu da cam, trơ trụi lá cành, anh em chúng tôi không tránh đâu thoát, đành chấp nhận, coi như mình đã hy sinh.

Ông nói tiếp:

- Sau ngày giải phóng trở về, coi như mình đã hy sinh. Nhưng khốn nỗi phải hy sinh thật thì còn đỡ khổ hơn là sống. Phải sống lay lắt, nửa sống, nửa chết, bởi một vết thương vô hình của chất độc. Đau đớn lắm, nó dày vò, hành hạ mình, hành hạ vợ con mình khổ sở vô cùng các đồng chí ạ. Vợ tôi 3 lần sinh nở, nhưng chẳng được đứa con nào ra người. Chất Đi-ô-xin trong người tôi đã lần lượt giết chết các con tôi.

Với bản thân mình, bác sỹ, giáo sư Lê Cao Đài coi như mình đã chết. Nhưng ông vẫn sống. Ông sống cho mọi người, sống để chứng minh chân lý cho những cái chết vô tội.

Suốt hơn 40 năm qua, kể từ mùa xuân giải phóng 1975, giáo sư Lê Cao Đài đã dấn thân vào công việc nghiên cứu chất độc da cam và chất độc Đi-ô-xin. Ông đi gặp hàng nghìn cựu binh và thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt do bị nhiễm chất độc hoá học từ cuộc chiến tranh. Và đi tới rất nhiều vùng đất ở Nam Bộ, ở Tây Nguyên, các vùng bị nhiễm nặng chất Đi-ô-xin để nghiên cứu. Người khoẻ mạnh làm việc này cũng cực nhọc. Giáo sư Lê Cao Đài suốt 30 năm “cõng vết thương” trên mình đi khắp “thiên hạ”. Có đợt ông nằm ở A Sầu, A Lưới và Tây Nguyên suốt 3 tháng liền để thu thập tài liệu, chứng cứ. Nhiều khi ông phải gồng sức, nén chịu cơn đau do di chứng của chất độc da cam hành hạ. Vừa đi ông vừa ghi chép, quan sát, phát hiện và lấy mẫu vật phẩm từ đất, nước và những người nhiễm độc để mang về làm thí nghiệm. Ông đã làm được một khối lượng công việc khá lớn. Công trình khoa học nghiên cứu về thực trạng chất Đi-ô-xin ở Việt Nam của ông đã làm một số nhà khoa học trên thế giới phải “bàng hoàng”. Ông cho chúng tôi biết:

- Tác động của công trình này đã “buộc” các nhà khoa học của Mỹ phải vào cuộc. Và đến nay những cơ quan khoa học có uy tín nhất trên thế giới như Viện hàn lâm khoa học Mỹ, Tổ chức y tế thế giới đã thừa nhận có 11 loại bệnh do di chứng chất Đi-ô-xin như ung thư, bại não, run tay chân, dị tật.v.v… Qua thực tế chúng tôi đã lập được một bản đồ những vùng bị rải chất độc nặng. Dựa vào bản đồ thấy có 15 điểm nồng độ Đi-ô-xin rất cao là A Sầu, A Lưới, A So, Biên Hoà.v.v… Chúng tôi đã gửi đi làm xét nghiệm Đi-ô-xin trong đất vùng sân bay Biên Hoà, phát hiện nồng độ Đi-ô-xin cao gấp 1000 lần so với mức thế giới quy định phải tẩy độc.

Chúng tôi cùng giáo sư Lê Cao Đài rong ruổi hơn một tháng trời đến thăm các gia đình bị nhiễm nặng chất độc da cam và Đi-ô-xin ở A Sầu, A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nơi ông đã giành cả chục năm trời theo dõi, nghiên cứu về họ.

Tới hồ Biên Hùng, một hồ nước xanh thẫm. Chung quanh hồ, chất bẩn, bụi và rêu tạo nên một lớp váng lầy nhầy nổi đầy mặt nước. Hồ Biên Hùng cách sân bay Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai chừng 1km. Những năm chiến tranh, quân đội Mỹ đặt một kho chất độc Đi-ô-xin ở đây. Và ngày ngày đưa máy bay tới chở chất độc đi rải xuống khắp các vùng chiến trường miền Nam Việt Nam. Khi chiến tranh kết thúc, quân đội Mỹ bại trận về nước, kho chất độc còn lại rất nhiều. Ngày hoà bình, một đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ xây tường bao quanh kho chất độc, ngăn không cho người đi lại qua khu độc hại này. Ngăn được người, nhưng không ngăn được trời. Mỗi khi trời mưa to, nước từ trong sân bay, từ vùng kho lẫn Đi-ô-xin lan chảy ra các vùng chung quanh, chảy vào hồ Biên Hùng, gây nhiễm độc cho cá. Từ cá và nước nhiễm độc sang người.

Giáo sư Lê Cao Đài mở tờ phiếu ghi kết quả xét nghiệm, cho chúng tôi biết: Nồng độ Đi-ô-xin trong đất vùng sân bay Biên Hoà gấp gần 1000 lần mức quy định cần phải tẩy độc (theo tiêu chuẩn bảo vệ môi sinh Hoa kỳ). Nhiều người sống ở quanh vùng sân bay và vùng hồ Biên Hùng đã chết và mắc các chứng bệnh hiểm nghèo. Chúng tôi vừa gửi 159 mẫu đi xét nghiệm thì có tới 142 mẫu nồng độ Đi-ô-xin trong máu rất cao. Nhiều người tới 275 đến 285 PPT, gấp gần 135 đến 140 lần so với người bình thường.

Gia đình ông Vũ Hữu Đăng nằm sát bờ hồ Biên Hùng. Chúng tôi tới, cả nhà ông đang ngồi dưới bóng cây xoài ven hồ. Giáo sư Lê Cao Đài nhiều lần tới đây nên cả nhà đều quen và rất quý mến. Được tin giáo sư đưa đoàn nhà báo tới thăm, vợ chồng ông Vũ Hữu Đăng đã sắp sẵn chè, thuốc đón khách ngay dưới bóng cây xoài.

Trước mặt chúng tôi 3 con người, ông Đăng, bà Hoa – vợ ông Đăng và người con trai của ông bà chừng ngoài hai mươi tuổi. Ông Đăng mặt vàng bệch, phù thũng, tay chân sùi đầy sẩn cục và rộp lên những mảng da trắng nhợt. Bà Hoa hõm mắt thụt sâu, da xanh, ngơ ngơ như người mất hồn. Còn người con trai vẻ mặt u buồn, mệt mỏi, thân hình rất tiều tuỵ. Ba con người, ba số phận đang đeo đẳng mỗi người một căn bệnh nan y, nguồn gốc của bệnh đều do bị nhiễm độc Đi-ô-xin. Giơ tay giới thiệu từng người, giáo sư Lê Cao Đài cho biết:

- Gia đình ông Đăng đây, một trong những gia đình nhiễm nồng độ Đi-ô-xin cao nhất mà qua xét nghiệm chúng tôi đo được trong mấy năm nay. Bà Hoa vợ ông có tới 271 PPT gấp 130 lần so với người bình thường. Còn ông Đăng 168 PPT gấp 80 lần người bình thường. Hơn 10 năm sau, chiến tranh hoá học kết thúc, đứa con trai của ông ra đời. Năm nay cháu ngoài hai mươi tuổi, cũng có nồng độ Đi-ô-xin trong cơ thể 95 PPT gấp hơn 40 lần người bình thường. Đó là một thực tế rất đáng lo ngại. Và chính nó là nguyên nhân gây ra những căn bệnh hiểm nghèo, cả nhà ông Đăng đang phải gắng gượng chịu đựng.

Trước lúc tới thăm gia đình bà Hoàng Thị Thuỷ ở ấp 3 xã Phước Hiệp, Phước Long, giáo sư Lê Cao Đài kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện rất lạ. Câu chuyện giáo sư được nghe 3 năm trước, khi ông đưa các nhà khoa học người Hà Lan tới làm xét nghiệm cho bà Thuỷ. Bà là một trong số những người nằm trong đề tài nghiên cứu Đi-ô-xin của giáo sư. Bà kể:

- Năm hoà bình đầu tiên, vào khoảng tháng 7 năm 1975, bà mang thai đứa con đầu lòng. Nghe người ta nói, những người dân sống ở vùng Mỹ rải chất độc hoá học, sinh nở thường hay bị quái thai, hoặc đẻ ra những đứa con dị tật. Bà thấp thỏm lo sợ. Một hôm bà tìm đến ông thầy đoán tướng số ở thị trấn Phước Long để xem mình có bị quái gở gì không? Sau khi làm các thủ tục của nhà nghề, ông thày tướng số cứ trừng trừng nhìn bụng bà. Thấy ông chẳng nói, chẳng cười, hai mắt cứ như dính chặt vào chỗ ông đang nhìn, bà Thuỷ vừa ngượng vừa lo. Bà trấn tĩnh hỏi: “Em có làm sao không hả thày?” .

Ông thày tướng số không nói gì. Mãi sau, ông mới hất hàm, bảo: Trong bụng cô có một đứa trẻ lạ lắm!

Nghe ông nói có đứa trẻ lạ trong bụng, bà Thuỷ hoảng sợ, người bà run lên. Bà khẽ hỏi: Lạ thế nào ạ?

Ông thầy tướng số không trả lời ngay, hai mắt ông tiếp tục hướng vào bụng bà. Một lát, ông nói: Mặt đứa trẻ dữ tợn trông như quỷ thần ấy.

Bà Thuỷ không còn bình tĩnh được, kêu lên: Trời ơi! thật vậy hả thầy?! Bây giờ em phải làm gì? Ông thầy tướng số nói: Cô về phải cúng lễ ngay đi. May ra biến được dữ thành lành. Nếu đẻ được ra người thần là phúc lớn, còn đẻ ra người quỷ thì hoạ đấy cô ạ.

Từ đó, bà Thuỷ luôn luôn bị ám ảnh bởi những lời tiên đoán kỳ quái của ông thầy tướng số. Nhưng bình tĩnh lại, nhiều lúc bà vẫn không tin, vợ chồng bà ở lành, gặp hiền, không thể như thế được. Trong bụng bà không thể có một đứa trẻ mặt mày dữ tợn như quỷ thần. Rồi thời gian qua đi, cái gì phải đến vẫn cứ đến. Bà Thuỷ trở dạ và sinh con. Cho dù không tin ông thầy tướng số, nhưng hôm đau đẻ, kể cả lúc đau quặn bụng, bà vẫn cố nhìn cho được mặt con. Khi đứa con ra đời, bà bỗng rú lên rồi ngất lịm…

Ba mươi năm sau, đứa trẻ bà Thuỷ sinh năm ấy, nay vừa 30 tuổi. Được nghe giáo sư Lê Cao Đài miêu tả tỉ mỉ, nhưng khi gặp tôi vẫn không tin ở mắt mình, không thể tưởng tượng sao lại có người con gái hình thể kì dị như thế. Tên cô là Nguyễn Thị Hoan mặt mũi gồ ghề, phía mặt bên trái thồi ra một mảng thịt lớn, lùng bùng che lấp quá nửa khuôn mặt. Phần bên thồi ra gồm những mảng thịt chồng xếp lên nhau. Phía trên giáp vầng trán khuyết lại, trông như một cái mắt sâu hoắm. Bên dưới miếng thịt thồi lồi, một lỗ thủng hình bán nguyệt gấp khúc tựa như mồm người móm. Nhìn nghiêng, khuôn mặt của Hoan giống như người có ba con mắt. Suốt đời phải đeo cái “mặt phụ” to lớn như vậy Hoan có thể vẫn chịu được. Nhưng khốn nỗi miếng thịt lồi ra vẫn là một phần của cơ thể cô. Nó lở loét đỏ ỏn, máu mủ rò rỉ, đau xót triền miên.

Bà Thuỷ nói:

- Suốt 30 năm qua, mảng thịt thừa ở mặt cháu, nước dịch và mủ như các bác nhìn đấy. Bôi thuốc khô mấy ngày, thịt thối vỡ ra lại rỉ máu. Nuôi cháu sống đến ngày hôm nay, cơ cực lắm các bác ạ!

Bà Thuỷ tâm sự tiếp:

Thời Mỹ Nguỵ, gia đình tôi sống ở Bình Phước. Ngày ấy, máy bay của Mỹ thường xuyên thả bom, có lần chúng rải cả chất độc xuống làng. Sau cái lần chúng rải chất độc, nhiều người mắc bệnh, ốm rồi chết. Vợ chồng tôi sống được, tưởng là may mắn. Ai ngờ cái chất độc nó giết hại con người dai dẳng quá. Giá vợ chồng tôi cũng chết như nhiều người trong làng, thì tôi đâu có sinh đứa con bất hạnh như thế này.

Từ gia đình bà Thuỷ theo chân giáo sư Lê Cao Đài chúng tôi tới thăm gia đình nạn nhân Lê Thanh Cần ở Phước Thiệp, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh, ông Cần vừa bị thương do đạn pháo, vừa bị chất độc làm mù cả hai mắt và giết chết ba đứa con.

Có khách đến nhà, ông Cần từ vườn chanh trước cửa, dò dẫm vào sân. Một tay vịn vai vợ, một tay ông giơ ra quơ quơ tìm đường. Khi bước tới hiên nhà, nơi có kê chiếc chõng tre, bà vợ đỡ ông từ từ ngồi xuống. Khách mỗi người xách một chiếc ghế trong nhà ra ngồi tụm bên chiếc chõng. Giáo sư Lê Cao Đài chúc sức khoẻ ông bà Cần rồi hỏi thăm người con trai của ông bà bị nhiễm chất độc mà giáo sư đã có lần tới thăm.

- Cháu vẫn như khúc gỗ lăn lóc trên giường, nó có biết gì đâu. Ông Cần nói. Tôi hỏi ông:

Cái ngày ông mới bị nhiễm độc, ông thấy trong người thế nào?

Ông Cần ngẩng mặt về phía người nói, mắt chớp chớp như thể cố mở để nhìn khách. Nhưng hai mắt ông vẫn khép chặt, thỉnh thoảng khẽ hấp háy. Ông kể:

- Hôm ấy máy bay địch quần đảo, bắn phá liên tục khu vực đóng quân của đơn vị tôi. Khi nhận được lệnh của chỉ huy thông báo: máy bay Mỹ rải chất độc hoá học. Theo cách phòng chống đã được hướng dẫn trước đó, chúng tôi mỗi người trùm một tấm nilông rồi nằm ẹp xuống đất. Khi máy bay đi khỏi, anh em ngồi dậy, lột tấm nilông ra, phát hiện trên mặt tấm nilông chi chít những lỗ thủng li ti do chất độc ăn mòn. Qua các lỗ thủng, chất độc lọt xuống đầy cổ, đầy đầu. Có người dùng tay phủi phủi, bụi thuốc bắn vào mắt, phải gục xuống đất, cay xót không chịu được. Lần ấy, hai mắt tôi sưng húp, về sau cứ mờ dần, mờ dần rồi không nhìn thấy gì nữa.

Ngừng nghỉ một lát, ông Cần kể tiếp:

- Cái chất độc của người Mỹ nó rất tàn ác đối với con người, đối với anh em bộ đội. Sau lần máy bay Mỹ rải thảm chất độc xuống khu vực đóng quân của đơn vị tôi, nhiều anh em còn rất trẻ, tự dưng lăn ra ốm rồi chết. Còn tôi cứ tưởng mình hỏng hai con mắt, biết đâu là lại hỏng cả tương lai con cái nữa!

Ông ngồi im lặng, kìm nén sự đau đớn mất mát đang trào dậy trong lòng. Một lúc lâu, bình tĩnh lại, ông Cần nói tiếp:

- Sau ngày giải phóng tôi phục viên về quên lập gia đình. Bà ấy nhà tôi đây đã sinh nở tới bốn lần. Nhưng có được lần nào sinh ra đứa con tử tế đâu. Ba đứa đầu, toàn thân các cháu, tự dưng u cục nổi lổn nhổn, lông mọc đầy người, chết hết cả rồi. Còn thằng cháu Kiệm nằm kia, các ông thấy đấy, cháu vừa liệt, lại vừa mắc bệnh tâm thần. Cháu liệt mà có được nằm liệt yên thân đâu. Lăn lóc như khúc gỗ trên giường, có lúc gào khóc, cười mếu, vật vã suốt ngày. Tôi mù mà vẫn phải chăm sóc con. Chăm sóc một người điên, một người liệt, đái ỉa, dầm dìa, cơ cực lắm.

- Theo tài liệu xét nghiệm của giáo sư Lê Cao Đài đây. Tôi nói. Nồng độ Đi-ô-xin trong cơ thể bác gấp 125 lần người bình thường. Đúng, bác bị nhiễm chất độc Đi-ô-xin rất nặng. Bác có kiến nghị gì không?

Ông Cần trả lời:

- Nhà nước đã biết chúng tôi bị nhiễm chất độc da cam do chiến tranh, đã có chế độ chính sách, dù là chế độ chỉ mới đủ một phần rất nhỏ cho việc thuốc men, nhưng chúng tôi không có ý kiến gì. Vì nhà nước mình còn khó khăn mà. Tôi chỉ có ý kiến với người Mỹ thôi. Họ phải bồi thường chúng tôi, bồi thường cho các nạn nhân nhiễm chất độc do họ gây ra.

Ông Cần nói tiếp vẻ phẫn nộ:

- Tôi đã gửi thư cho chính phủ Mỹ nhiều lần, yêu cầu những người Mỹ sản xuất ra thứ chất độc giết hại chúng tôi phải sang Việt Nam, họ phải nhìn thấy cảnh tượng đau đớn của bố con tôi đây, của bao gia đình khác nữa. Họ không thể tránh mặt như họ đã tránh. Họ không thể làm ngơ như họ đã làm ngơ. Nhân chứng chúng tôi còn đây, buộc họ phải có trách nhiệm với chúng tôi.

Hơn một tháng trời, giáo sư Lê Cao Đài đưa chúng tôi lần lượt tới thăm 42 gia đình nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh.v.v… Họ nằm trong đề tài nhiễm chất độc Đi-ô-xin mà ông đang nghiên cứu. Bốn mươi hai gia đình, bốn mươi hai số phận, mà mỗi thành viên trong gia đình của họ đang bị tử thần của chất da cam giành giật từng ngày, dày vò từng ngày. Cảnh tượng họ cũng không khác gì những đứa con bất hạnh của gia đình bà Thuỷ ở Phước Long, gia đình ông Cần ở Củ Chi.

*

* *

Trở ra Hà Nội chúng tôi được hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam giới thiệu gặp một người Mỹ tên là James JunWalt con trai của đô đốc hải quân Hoa kỳ E. JunWalt người từng ra lệnh rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam. Đô đốc E. JunWalt không lường được hậu quả. Trong lúc ông ta đang rải chất độc da cam thì người con trai của ông ta là Trung uý Elmo đang làm nhiệm vụ tuần tiễu chống Việt Cộng dưới những cánh rừng và dòng sông miền Nam Việt Nam. Elmo là người anh ruột của James JunWalt, người đang ngồi trước mặt chúng tôi.

Ác giả, ác báo! Chất độc da cam do đô đốc E. JunWalt rải xuống không chỉ gây hậu quả rất nặng nề cho nhân dân Việt Nam, cho các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam mà còn làm cho chính anh con trai ông ta và đứa cháu nội của ông ta cũng bị di chứng nhiễm độc Đi-ô-xin một cách thảm hại.

Trong cuốn hồi ký “Cha con tôi” – Nhà xuât bản Chính trị quốc gia Hà Nội dịch in năm 1998, đô đốc E. JunWalt đã thú nhận nỗi bi thảm của gia đình mình. Một đoạn ông ta viết: “Do những mệnh lệnh mà tôi đã đưa ra để tăng cường rải chất độc da cam huỷ diệt lá cây ở miền Nam Việt Nam. Lúc đó trong ý thức tôi không hề nghi ngờ rằng, cuối cùng bằng cách gián tiếp, tôi đã phải chịu trách nhiệm trước việc Elmo con trai tôi và đứa cháu nội của tôi bị nhiễm nặng chất da cam. Điều đó đã biến tôi thành một công cụ trong tấn thảm kịch của gia đình mình.

Những gì đã xảy ra đối với Elmo con tôi và Russell cháu tôi đã hằn sâu thêm cảm xúc cá nhân tôi về sự phù phiếm của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nó là bài học đau đớn nhất của cuộc đời tôi…”.

Trung uý Elmo vừa gây tội ác, vừa là nạn nhân tội ác của cha ông, ông nói gì? Cũng trong cuốn sách “Cha con tôi” Elmo viết: “Không lâu sau khi tôi bị bệnh ung thư thứ 2, cha tôi và tôi đến lầu Năm góc xem xét một bản đồ các vùng bị rải nặng nề nhất ở miền Nam Việt Nam. Vùng này chiếm khoảng 10 đến 15% diện tích bị rải thảm chất da cam. Và tôi đã sống khá lâu ở hai nơi trong số đó là Đà Nẵng và Phao biển (Căn cứ hải quân nổi giữa sông Cửa Lớn và bán đảo Cà Mau). Mỗi vùng chiến sự tôi đã đi tuần tiễu ở miền Nam Việt Nam thì đều có mang dấu ấn của sự huỷ diệt lá cây. Và sau này, chính nó đã huỷ diệt thể xác tôi, huỷ diệt cả đứa con của tôi…”.

Sự thật như thế đấy. Cho đến thời điểm này, hàng vạn nạn nhân nhiễm chất da cam đã lìa khỏi cõi đời. Hàng triệu người khác đang chới với bên bờ vực tử thần. Vậy mà chính phủ Mỹ, các công ty của Mỹ sản xuất ra thứ hoá chất diệt cỏ, giết người ấy vẫn chưa hề có một động thái nào về trách nhiệm của mình với nạn nhân Việt Nam. Duy nhất chỉ có ông đô đốc Hải quân Mỹ E. JunWalt là biết tội lỗi của mình. Già yếu không đi xa được, ông đã cho người con trai út của mình sang Việt Nam làm việc từ thiện để mong tạ tội và chuộc lại lỗi lầm quá khứ của mình.

Ngồi trao đổi với giáo sư Lê Cao Đài – Giám đốc quỹ nạn nhân chất độc da cam James JunWalt nói:

- Tôi và các bạn tôi đã làm được nhiều việc để nhân dân Mỹ hiểu rõ tác hại cực kỳ nguy hiểm của chất độc da cam do người Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam, mà người dân Việt Nam đang phải gánh chịu. Cha tôi đã già yếu, ông muốn đi mà không đi nổi. Sau thảm hoạ của gia đình tôi và các gia đình cựu binh Mỹ, cha tôi và các bạn Mỹ rất ân hận. Cha tôi cho rằng: sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông là đã ra lệnh rải thảm chất độc da cam xuống chiến trường miền Nam Việt Nam. Đau xót lớn nhất của đời ông là đã “giết chết” người con trai và đứa cháu nội của mình bằng chính thứ vũ khí mà ông đã ra lệnh rải thảm. (Trung uý Elmo con trai ông E. JunWalt mắc bệnh ung thư do nhiễm độc Đi-ô-xin mới qua đời).

James JunWalt nói tiếp:

- Tới Việt Nam lần này là theo nguyện ước của cha tôi, thăm một số gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam và xin lỗi họ. Cha tôi và chúng tôi tiếp tục làm mọi việc có thể làm được để phần nào hàn gắn lại vết thương nhiễm độc da cam do người Mỹ gây nên đối với các nạn nhân Việt Nam.

*

* *

Sau chuyến đi dài thăm các nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở các tỉnh Nam Bộ, chúng tôi nhận được tin giáo sư Lê Cao Đài đang phải cấp cứu ở bệnh viện Quân đội. Hậu quả của di chứng chất độc trong cơ thể ông đã biến thành một con bệnh hiểm nghèo. Ngày ngày ông phải nén chịu những cơn đau dày vò từ căn bệnh hiểm nghèo ấy. Vào bệnh viện thăm giáo sư Lê Cao Đài, chúng tôi được biết nồng độ Đi-ô-xin trong cơ thể ông là 215 PPT gấp gần 100 lần người bình thường. Những ngày sau đó, ông không còn đủ sức chống chọi với “tử thần” Đi-ô-xin và ông đã lặng lẽ ra đi…

Giáo sư Lê Cao Đài suốt 30 năm gắn bó với các nạn nhân chất độc da cam, quả là một sự hiếm có. Khi công tác ở uỷ ban 10-80. Khi là giám đốc quỹ nạn nhân chất độc da cam. Khi với tư cách là nhà khoa học. Ông đã để lại hàng chục công trình khoa học có giá trị nghiên cứu về chất độc da cam Đi-ô-xin. Trong đó có công trình đã in thành sách: “Hậu quả chất da cam trong chiến tranh Việt Nam” gồm hơn 200 trang in. Trong công trình này, bằng cả cuộc đời đi và tới những vùng đất nhiễm độc, những gia đình nạn nhân trên khắp đất nước. Bằng cứ liệu khoa học thực tế, ông đã nghiên cứu và chứng minh cho các nhà khoa học trên thế giới và những người có lương tri biết rằng: chất độc da cam mà người Mỹ rải thảm ở Việt Nam là hiện thực, người Mỹ không thể từ chối và hậu quả của nó đã, đang và sẽ diễn ra vô cùng thảm khốc.

Là một bác sỹ, đi tới đâu, giáo sư Lê Cao Đài cũng lo lắng, tận tình cứu chữa, giúp đỡ các nạn nhân. Ông luôn dốc bầu tâm huyết của mình vì mọi người. Ông làm việc hết mình chỉ mong sao các nạn nhân nhiễm độc Đi-ô-xin bớt được đau đớn, bớt được khó khăn. Suốt 30 năm đi lo cho mọi người, đi cứu giúp các nạn nhân, nhưng ông lại không cứu được người nạn nhân của chính mình.

Minh Chuyên.









Bộ sách truyện ký “Hậu chiến Việt Nam” của tác giả Minh Chuyên có phần nói về hành trình của GS-BS Lê Cao Đài 30 năm nghiên cứu thực nghiệm khoa học để cứu chữa các nạn nhân chất độc và 52 câu chuyện khác viết về hơn 100 nhân vật gánh chịu hậu quả chất độc Diệt cỏ, đang sống đau thương quằn quại giữa thời bình.


Sách do nhà xuất bản Văn học và NXB Hội Nhà văn Việt Nam Ấn hành.