Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HẬU SAN HÔ ĐỎ

Nguyễn Sỹ Chung
Thứ bẩy ngày 9 tháng 7 năm 2016 5:38 AM






Kết thúc truyện ngắn của mình nhà văn Mai Vũ buông câu cảm thán “San Hô Đỏ, ngươi ở đâu!?”

San Hô Đỏ, ngươi ở đâu!? Cũng là câu hỏi của các nhân vật trong truyện, một câu truyện hoàn toàn không hư cấu, tất cả đều có thật. May mắn, tôi là một trong những nhân vật của truyện lại là chiếc cầu để nối lại “San Hô Đỏ, ngươi ở đâu” và “Hậu san hô đỏ”

Cuối năm ngoái tôi cùng nhà văn Mai Vũ vào thăm nhà văn Nguyễn Khắc Phục, đúng lúc anh vừa từ bệnh viện 103 truyền hóa chất về.

Nhà thơ Trang Thanh vợ Phục niềm nở đón chúng tôi:

- May quá! Bố Gạo hôm nay khá hơn (Trang Thanh thường gọi chồng như vậy)

Tôi nhìn Phục, có đến 3, 4 năm mới lại gặp anh, anh vẫn vậy có điều đầu trọc lốc do truyền hóa chất. Vừa nói, anh vừa thở như huýt sáo. Đã từng chăm vợ bị ung thư phổi, tôi biết sau mỗi đợt truyền hóa chất người bệnh thường hồng hào khỏe hơn và khi nói thỉnh thoảng lại đầu môi thở ra như vậy.

Nhìn cây đào và cây quất thế để trong phòng khách dưới mấy bức tranh Phục vẽ, tôi nói:

  • Cây đào thế Phúc - Lộc - Thọ và cây quất nhỏ thế thác đổ, ông đặt dưới hai bức tranh “Trống đồng” và “Lễ hội đầu năm” quá tuyệt!

  • Mình và Trang Thanh đón xuân sớm! Biết đâu... Phục nhỏ nhẹ nói

Tôi nắm tay Phục

  • Còn phải sắm đào và quất nhiều năm nữa Phục ơi!.

Tôi kể với Phục và Trang Thanh về những bài thuốc và cách chăm sóc điều trị bệnh ung thư phổi mà tôi và các con đã áp dụng chữa trị cho vợ tôi mấy năm trước. Chuyện từ đó lan man đến san hô đỏ, mà nhà văn Mai Vũ đã kể trong truyện ngắn của mình

Tôi hỏi Phục:

  • Vậy người, ông đưa san hô đỏ nay ở đâu!.

  • Ở Sơn Tây, cậu ấy là nhà thơ – Phục đáp giọng thoảng nhẹ!

  • Tên gì vậy – hỏi câu đó bởi ở Sơn Tây tôi và Mai Vũ có nhiều bạn văn

  • Trung Sơn, Nguyễn Trung Sơn

Tôi kêu lên! – Trời! Trái đất thật bé nhỏ, để mình gọi cho ông ta nhé.

Tôi định bấm điện thoại thì Phục giơ tay – Đừng nói là ông và Mai Vũ đang ở chổ tôi, kéo cậu ấy lại nghĩ ngợi.

Cách đây hơn một năm, tháng 10/2014, hội Văn nghệ Hà Nội tổ chức trại viết ở Vũng Tàu, gồm các họa sỹ, nhạc sỹ, nhà văn, nhà thơ, biên đạo múa, đạo diễn, biên kịch điện ảnh... do có việc ở Cần Thơ tôi đến trại viết muộn một ngày.

Khi tôi “trình diện” họa sỹ Nguyễn Thị Bình phó chủ tịch hội văn nghệ Hà Nội, lãnh đạo trại viết, xếp tôi vào phòng còn thừa một giường.

Đón tôi, là một người cao gầy tóc dài nom rất nghệ sĩ, chúng tôi bắt tay nhau.

  • Mình xin lỗi đến muộn – mình là Chung – Sỹ Chung – đạo diện phim tài liệu.

  • Còn em là Sơn – Trung Sơn, mọi người vẫn gọi em là Nguyễn Trung. Vậy là hai anh em mình, cùng tên, có điều anh thì chung thủy với đàn bà còn em thì trung trực với phụ nữ.

Tôi cười - Thì chúng mình là Chung Trung!

Ở với nhau mấy ngày chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều sáng tác và những chuyện đời của tuổi tráng niên. Thơ của Sơn lạ thâm thúy và bạo liệt...

Tôi nói với Phục – Trang Thanh và Mai Vũ...

  • Cho mình nói chuyện với Trung Sơn nhé

Tôi bấm máy. Đầu dây có tiếng Trung Sơn – A lô! Em nghe anh Sỹ Chung ơi!

Rồi chúng tôi hỏi thăm nhau về sáng tác về bạn bè. Gần kết thúc câu chuyện tôi nói: Trung Sơn à, Mai Vũ vừa kể với mình về San hô đỏ...

  • Ôi! chuyện ấy thì nhiều người biết mà anh, nó như là định mệnh ấy. Nếu hôm đó em không đến gặp anh Phục thì chắc không có kỷ niệm Vũng Tàu với anh đâu. Cứu tinh của em đấy!

  • Mình nghe Mai Vũ nói chuyện Phục tìm được san hô đỏ cũng lạ, như có sự sắp đặt của thượng đế ấy.

  • Cực kỳ hiếm anh ạ! Phải hàng trăm bãi san hô mới có một nhánh san hô đỏ, mà phải ở vùng biển sâu và mặn. Từ khi biết tin anh Phục, em cũng đang đi kiếm.

  • Đúng là đáy biển mò kim. Tôi nói

  • Trung Sơn đáp giọng chắc khỏe: Nhưng em tin là em sẽ tìm được anh ạ. Em bấm rồi. Sẽ có. Sớm muộn rồi sẽ có.

Trung Sơn là người khá giỏi về bấm độn và xem tử vi, nhiều người, anh chỉ nghe tên và biết ngày tháng năm sinh là gọi ra cả tiền vận, hậu vận, tính cách, thói quen...

Tôi đã nhờ Sơn xem cho một người bạn, anh ngồi một lát rồi lấy giấy ghi lại... Khi gặp người bạn, tôi đưa tờ giấy Sơn viết, xem xong bạn tôi nói, đúng 80 – 90 % ông ạ!

Trước khi cầm bút ghi tặng Mai Vũ và tôi cuốn tiểu thuyết mới xuất bản. Phục cười, nét cười cũ rất gần gủi mà tôi đã thấy khi gặp anh ở liên hoan phim Việt Nam năm 1999 tổ chức tại Đà Nẵng, Phục bảo:

  • Đừng nhắc với Trung Sơn về chuyện ấy nữa, mình cũng đã quên, nếu hôm nay Mai Vũ không kể lại

  • Cầm cuốn tiểu thuyết “Hỗn độn” nặng chịch, tôi nắm tay Phục...

  • Mong sau “hỗn độn” sẽ còn có “Hoang Sơ” nữa Phục nhé!

Chia tay, tôi hứa sau Tết sẽ cùng Mai Vũ vào thăm Phục và tặng anh bộ đĩa gồm 3 tập phim ca nhạc có tựa về “Vọng khúc ngàn năm” tôi cùng Trần Văn Thủy làm, nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long. Trong phim chúng tôi đã dùng câu dịch thơ Lý Công Uẩn của Nguyễn Khắc Phục cho đoạn câu lời bình vào phim.

“Cách đây cả ngàn năm Đức Thái tổ Lý Công Uẩn có hai câu thơ rất lạ. Lạ vì nó tựa như lời của người đời nay. Thơ rằng:

“Hôm nay xem truyện ngàn xưa

Vụt trông cánh hạc nhấp nhô chân trời...”

Rồi tết, rồi công việc, tôi chỉ gọi điện cho Trang Thanh hỏi thăm sức khỏe của Phục... rồi nhà văn Mai Vũ bị cảm, lần nữa, mãi chưa vào thăm Phục được.

Một lần điện thoại cho tôi Mai Vũ nói “Tao đã viết về chuyện san hô đỏ, báo “Người cao tuổi” đã in, nhưng ốm quá không đi lấy báo được, hôm nào khỏi chúng mình vào với Phục.

Tôi đến thăm, Mai Vũ đưa cho bản viết truyện “San hô đỏ người ở đâu”

Nằm trên giường, gương mặt võ vàng vì mất ngủ, giọng Mai Vũ mệt mỏi:

Viết xong tao thấy nhẹ người, ghi được chân dung một thằng bạn, quá hay!

Tôi đọc cho Mai Vũ nghe thỉnh thoảng dừng lại để ngấm những chi tiết, những ngôn từ của bạn...

Đến dòng cuối cùng “San hô đỏ, ngươi ở đâu”. Giọng tôi nghẹn lại. Tôi nắm chặt tay Mai Vũ. Cố nín khỏi tiếng nấc:

  • Được quá mày ạ!

Mắt Mai Vũ trũng sâu trong cơn sốt, ngấn lệ.

Căn phòng hẹp chỉ có hai chúng tôi bỗng im ắng đến lạ lùng, tôi dấu giọt nước mắt của mình, đứng dậy đi về phía cửa sổ đẩy nhẹ một cánh. Thoảng có mùi hương hoa bưởi trước hiên nhà và tiếng lá khe khẻ rung...

Chúng tôi, những người bạn của Phục, cả độc giả và khán giả của những tập thơ, những tiểu thuyết, vở kịch, bộ phim... tất cả cùng mong một sự huyền diệu nào đó, để lại có san hô đỏ, như anh đã có cơ duyên gặp được, rồi bọc, gói nhiều lớp ny lông ôm trong vòng tay, ngược tàu từ Nha Trang ra Hà Nội, rồi bắt xe ôm chạy thẳng đến phố Lê Lợi – Sơn Tây đưa cho Trung Sơn - một bạn văn trẻ mới quen, đang bị căn bệnh ung thư phổi hành hạ.

Một chiều ngồi đọc “Hỗn Độn”. Thật khó mà đọc hết một chương trong tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phục, được vài trang, tôi gấp sách. Không hiểu Phục viết thế nào, từ đâu mà anh có được phương pháp diễn đạt đa chiều, nhiều tầng ẩn hiện, ảo thực lẫn lộn như vậy. Đúng là hỗn độn trong cảm hứng, suy tưởng của một cây bút hiếm hoi.

Định lấy cuốn thơ “Mây trắng” của Trang Thanh đọc cho nhẹ lòng thì có chuông điện thoại. Trung Sơn gọi cho tôi. Cầm máy, tôi đã linh cảm...

Trung Sơn hỏi tôi địa chỉ của Phục và báo tin “San hô đỏ” đã có!

Tôi nghe, người nổi da gà! – Thật ư Sơn ơi! Ông kiếm được ở đâu vậy?

  • Truyện dài lắm, khi nào gặp anh em sẽ kể, phải vượt biên vượt biển đấy, khá ly kỳ. Cũng lạ như là định mệnh ấy anh ạ!

Tôi đọc cho Trung Sơn số điện thoại của Trang Thanh để anh hẹn ngày đến với Phục và nói thêm – Đến sớm đi Sơn ạ! Thường người ta hay nói, giá như có được thuốc này trước một hai ngày thì bệnh tình đã khác!

Gọi điện cho Trang Thanh tôi bảo – Có thể đây là phút 89 của trận đấu Trang Thanh ạ! Trận đấu kết thúc bằng một bàn thắng cả tinh thần, tỉnh cảm, cả dược tính và tâm linh nữa. Trang Thanh đáp lại giọng thoảng như gió, rồi im lặng.

Tôi nhớ đó buổi sớm ngày đầu tháng 2 xuân Bính Thân. Vừa thức giấc, tôi đã cầm máy gọi cho Mai Vũ và nói: - Hôm nay, tao muốn đến với Phục quá mày ạ!

Giọng Mai Vũ đã khỏe hơn mọi hôm – Tao cũng đang nghĩ đến điều đó. Lạ thật! Lát nữa ông Bảo sẽ qua báo “Người cao tuổi” lấy báo có in truyện “San hô đỏ, ngươi ở đâu” và tiền nhuận bút, qua nhà tao, rồi chúng mình cùng đến với Phục.

Phục ngồi tựa lưng vào đầu giường. Chai hóa chất chậm chạp nhỏ từng giọt chạy qua ống truyền đi vào cơ thể anh. Trang Thanh đang ngồi bóp chân cho chồng. Thấy chúng tôi, Phục và Trang Thanh vui lắm, vui nhưng giọng Phục vẫn nhỏ nhẹ, chậm dãi như thường có. Trang Thanh nhường chỗ cho các bạn ngồi bên mép giường cạnh Phục, Mai vũ đưa cho Phục tờ báo và chiếc phong bì nhuận bút chuyện “San hô đỏ, ngươi ở đâu”...nói:

  • Đây ông đọc! Ông là nhân vật chính. Có ông mới có tất cả cái này... Phục cười, anh có nét cười rất riêng dễ đồng cảm.

Mai Vũ định giới thiệu với Phục nhà báo Ngọc Bảo thì Phục đã nắm tay Ngọc Bảo, nheo mắt cười và nói! Đây là ông anh tôi, ông khỏi phải giới thiệu, chúng tôi biết nhau cách đây đã mấy chục năm. Từ lúc anh còn ở Đảo Hòn Dấu Hải Phòng.

Ngọc Bảo cười, đưa quà cho Phục và nói – Tôi chịu trí nhớ của ông!

Phục nheo mắt – Nhớ chứ, hồi ấy cả Hải Phòng chỉ có ông là phó giám đốc đảo mà không phải là Đảng viên, đúng không?

Tôi trao cho Phục ba đĩa phim ca nhạc “Vọng phúc ngàn năm” – Ông xem để nhớ lại văn hóa Thăng Long và câu thơ ông dịch của Đức Lý Thái Tổ.

Phục đỡ tay tôi rồi đưa cho Trang Thanh - Tất cả mọi thứ bây giờ là của Gạo và Trang Thanh, nếu không có bà ấy, tôi không còn để ngồi với các ông hôm nay.

Như có một tia chớp lóe sáng trong tôi, tôi bảo: Trang Thanh dừng tay chụp ảnh, đến bên Phục, mình đọc mấy câu này. Tôi đọc đủ cho mấy người cùng nghe:

“Em cứ bảo đó là định mệnh

Là tiền duyên tự mãi mãi kiếp nào

Anh chỉ biết là chúng mình đã có

Một tình yêu Trời Phật đã ban trao”

  • Hay quá, đúng quá! - Phục nắm tay tôi. Đúng là định mệnh Trời Phật đã ban trao cho tôi Trang Thanh và cu Gạo các ông ạ

Rồi anh cho chúng tôi xem ảnh cậu con trai 4 tuổi đang ôm bố, một tay để trên đỉnh đầu, một tay để dưới cằm Phục

Trang Thanh bảo: - cu Gạo nói, để con truyền năng lượng cho bố...

Ba chúng tôi cùng ồ lên.

Trong lúc Phục gạt tay trên Ipad tìm những tấm hình chụp với con trai. Trang Thanh mở tủ, mang ra một thanh màu đỏ hồng xốp nhỏ như chiếc bút bi...

Mai Vũ thốt lên –San hô đỏ!
           Vâng – Anh Trung Sơn mang đến. Trang Thanh đáp.

  • Phục bảo: - Rất giống màu sắc cái mà mình đã được ông thuyền trưởng ở Nha Trang cho rồi mang đến Trung Sơn

Mai Vũ, Huy Bảo và tôi cùng đón nhánh san hô đỏ từ tay Trang Thanh

Giữa lòng bàn tay tôi, nhánh san hô đỏ như có một nguồn năng lượng từ biển, nồng ấm, mặn mòi cứ lan dần, lan dần trong các mao mạch của cơ thể.

Trên Facebook của Phục ngày 06/04/2016 có mấy bức hình chụp hoa Tường vi rất đẹp, cây quất thế vẫn xanh mướt lá, quả chín vàng mọng. Trang Thanh viết: “Hồng Tường vi rực rỡ trên ban công. Qua Xuân cây quất vẫn còn duyên dáng. Bố Gạo chắc sắp được về nhà rồi đấy”.

Phục sẽ về và khỏe mạnh, bởi cuộc sống, người đọc, người xem đang cần anh, đang chở những trang viết, những truyện phim, vở kịch đầy chất suy tư, phán định về những phức tạp, rối ren, hỗn độn của kiếp người. Anh đang sung sức bơi lặn trên mênh mông biển chữ và tìm đến những hoang đảo chưa có dấu chân người, cày sới tới tận cùng cái mình có và cái nhân thế đang cần với một hướng đi riêng, một bút pháp riêng mà chỉ có ở Nguyễn Khắc Phục.

Cũng như tôi, Mai Vũ, nhà báo, họa sỹ Ngọc Bảo, Trung Sơn và biết bao bạn bè, tin là như vậy, như “San hô đỏ” đã giữ lại để chúng ta còn một Trung Sơn - Nhà thơ tài hoa đang độ chín.

Và San hô đỏ sẽ mang đến cho Phục một năng lượng tinh thần được kết tinh từ hàng triệu triệu năm trong bao la thăm thẳm của thiên nhiên dưới đáy đại dương. Sự gặp gỡ tương sinh với mệnh Thủy của Phục

Có lần tôi hỏi Trung Sơn: - Mà sao ông biết đến San hô đỏ?!.

  • Cũng lại rất khó nói anh ạ, nó huyền bí đến kỳ lạ - Sơn nói giọng như từ đâu đó xa lắm, mơ hồ - Em biết được từ trong giấc mơ. Có một cô gái bước thang mây xuống và nói bên tai em “San hô đỏ, San hô đỏ” Sáng dậy nghe tin anh Phục từ Nha Trang ra Hà Nội rồi lên Sơn Tây. Em tìm đến gặp anh ấy...

Vậy là, câu kết cảm thán của nhà văn Mai Vũ “San hô đỏ, ngươi ở đâu!?” như đã có lời giải từ lâu. Từ chính nhân cách con người, nhân cách nhà văn của Nguyễn Khắc Phục.


Vũng Tàu

Tháng 4.2016

Ảnh: Trái sang: Nhà văn Mai Vũ (tác giả San hô đỏ, ngươi ở đâu), Sỹ Chung (Tác giả Hậu san hô đỏ), Trần Nhương, Trung Sơn (Người được Nguyễn Khắc Phục tặng san hô đỏ và khi NKP bị bệnh Trung Sơn tìm san hô đỏ mang đến cho NKP)