Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"DÂN CỨ YÊN TÂM ĂN CÁ" VÀ SỰ IM LẶNG CỦA CÁN BỘ

Châu Phú
Thứ ba ngày 26 tháng 4 năm 2016 9:25 PM




Họ sẽ là “công bộc” thực sự của dân hay sẽ lại là những vị đại biểu dễ dàng “biểu quyết” thông qua những dự án khủng rồi bị tuýt còi mà không chịu bất cứ trách nhiệm nào, những người bị tạm đình chỉ, kiểm điểm, điều chuyển lấy lệ hay sẽ nhận hình thức kỷ luật tương xứng với quy định của pháp luật?

Để thấy, câu chuyện cán bộ địa phương, cơ sở gần dân mà lại đang xa dân, thiếu tôn trọng dân đang “nóng” hơn bao giờ hết!


Rõ ràng trước sự việc vừa “dân sinh” vừa “quốc kế” như vụ cá chết hàng loạt cả hai tuần nay mà không hề thấy bóng dáng cán bộ cơ sở, địa phương; hoặc khi hỏi đến thì tìm cách lảng tránh vô trách nhiệm…

Dân cứ ăn cá, cứ tắm biển

Gần đây, báo chí và dư luận lại “nóng” chuyện cán bộ ở địa phương, cơ sở có nhiều việc làm xa dân, thờ ơ với cuộc sống khó khăn, vất vả của người dân, nhất là trước những biến động bất thường liên quan đến sản xuất và đời sống hàng ngày của dân.

Ví như sự việc cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế từ những ngày đầu tháng 4/2016 tới nay gây ra bao lo lắng, bức xúc trong dân trong khi một số cán bộ cơ sở, cán bộ ngành chức năng và lãnh đạo địa phương vẫn cứ “bình chân như vại”.

Ông chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, biết chuyện cá chết hàng loạt cả tuần mà vẫn chỉ “chờ cơ quan chức năng và công văn chỉ đạo”; ông phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh thì “hứa chỉ đạo dân thu dọn nhưng đến hôm sau vẫn y nguyên”; ông chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh không có động tĩnh gì; ông giám đốc sở Tài nguyên – Môi trường im lặng; ông chánh văn phòng UBND tỉnh khi được hỏi lãnh đạo tỉnh có những ai xuống chỉ đạo vụ việc nghiêm trọng này thì… bảo bận rồi tắt máy!

Đến ông chủ tịch tỉnh trẻ nhất nước, khi phóng viên bắt buộc phải nhắn tin, gọi điện hàng chục cuộc cũng chỉ nhận được cái… mần thinh! Sự việc đến hồi phức tạp mà ông phó chủ tịch tỉnh lại hồn nhiên mời dân cứ ăn cá và tắm Vũng Áng…[1]

Cá chết hàng loạt, biển miền Trung, ô nhiễm, Vũng Áng, Formosa

Cá chết ở cửa Lạch Giang, thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đình Thành

Cũng trong dịp này, báo chí và dư luận còn tập trung phản ánh câu chuyện những cán bộ, công chức làm việc thiếu tôn trọng dân, thực thi bổn phận nhiệm vụ một cách máy móc, thiếu tình nghĩa với dân.

Đó là sự việc ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Theo thông tin mới nhất, những người “thi hành công vụ” trực tiếp và liên quan đang bị tạm đình chỉ công tác, sẽ tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, sẽ phải công khai xin lỗi dân và bồi thường (nếu có)…

Lại nhớ dịp đầu tháng 8/2015, báo chí và dư luận được dịp “nóng” lên trước thông tin HĐND tỉnh nọ (thuộc diện nghèo) hăng hái ra nghị quyết về việc xây dựng công trình tượng đài và quảng trường, dự toán lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Đến lượt một số tỉnh khác (cũng thuộc diện nghèo) lần lượt mắc “hội chứng” xây dựng khu hành chính tập trung cũng với số vốn dự toán “khủng”, không hề kém cạnh so với các đề án về tượng đài, cảng biển, sân bay… trải mành mành trước đó.

Điều đáng nói (và đáng mừng) là những đại dự án, đề án khủng đó nhanh chóng bị dư luận lôi ra ánh sáng và ngay lập tức bị tuýt còi dừng lại, dừng hẳn.

Sự việc dần đi vào im lặng và cũng không ai truy, ai biết những vị nào, đại biểu nào có “công” vẽ ra và dễ dàng “biểu quyết” cho những dự án hàng ngàn tỷ đó.

Cứ tuýt còi rồi kiểm điểm lấy lệ?

Cán bộ địa phương, cơ sở lâu nay luôn được xem là những người khó khăn, vất vả nhất vì luôn tiếp xúc, làm việc với “thiên hình vạn trạng” tình huống khó dễ trong cuộc sống. Đó là điều cần được chia sẻ và có chính sách phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Nhưng rõ ràng trước sự việc vừa “dân sinh” vừa “quốc kế” như vụ cá chết hàng loạt cả hai tuần nay mà không hề thấy bóng dáng cán bộ cơ sở, địa phương; hoặc khi hỏi đến thì tìm cách lảng tránh vô trách nhiệm… và việc làm máy móc, thiếu tôn trọng dân nói trên rõ ràng không thể chấp nhận được.

Thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đang đến gần. Nhiều cán bộ địa phương, cơ sở chắc chắn có tên trong danh sách “đại biểu” được bầu để đại diện cho cử tri đưa ra những quyết sách, chính sách cụ thể nhằm phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, cơ sở.

Họ sẽ là “công bộc” thực sự của dân hay sẽ lại là những vị đại biểu dễ dàng “biểu quyết” thông qua những dự án khủng rồi bị tuýt còi mà không chịu bất cứ trách nhiệm nào, những người bị tạm đình chỉ, kiểm điểm, điều chuyển lấy lệ hay sẽ nhận hình thức kỷ luật tương xứng với quy định của pháp luật?

Để thấy, câu chuyện cán bộ địa phương, cơ sở gần dân mà lại đang xa dân, thiếu tôn trọng dân đang “nóng” hơn bao giờ hết!

Châu Phú