Nhà báo Vương Sơn Lợi, bạn tôi, do thường đọc tên chữ cái tiếng Việt theo vần: “Lờ” - “Tờ” - “Mờ” trên sóng, nên anh phải chịu một hệ luỵ, các nhà báo nữ cùng Đài đã gọi vui anh là anh "Vờ - Sờ - Lờ". Rồi sau đó, anh Vương Sơn Lợi đã bỏ cách đọc theo vần từ lúc nào không ai hay.
Phát thanh và Truyền hình là hai loại báo trong hệ thống báo chí liên quan trực tiếp đến nói và phát âm chữ cái tiếng Việt, đọc tên chữ cái tiếng Việt.
Lịch sử chữ Việt - chữ quốc ngữ bây giờ - có từ thời Alexandre De Rhodes, với một bộ 23 chữ cái, trong đó có 6 nguyên âm và 17 phụ âm. Pháp ngữ cũng góp mặt ở Việt Nam cùng thời, nên bộ chữ cái có thêm 4 phụ âm F, J, W và Z, rất tiện dùng trong quan hệ quốc tế khi thể hiện các văn bản với các quốc gia dùng hệ chữ Latin. Đọc tên chữ cái tiếng Việt nghe hay và sang trọng về âm sắc.
Năm tôi học trung học cơ sở, được huy động dạy bình dân học vụ. Với chỉ tiêu "ba tháng xoá mù chữ", Nha Bình dân Học vụ hồi đó mới ''nghĩ" ra cách học nhanh: ghép vần. Theo đó 6 nguyên âm giữ nguyên cách đọc thời Alexandre De Rhodes, còn các phụ âm, đọc theo âm vần "ờ": B đọc là "bờ", C đọc là "cờ", D đọc là "dờ"... Muốn đánh vần từ "khiếu", chỉ ào một cái "khờ - iếu - khiếu" là xong luôn, nhanh hơn điện. Nhưng đó là ''bình dân học vụ", đâu phải hàn lâm. Trong một bài làm kiểm tra của học viên, tôi phê mực đỏ hai từ "đã xem". Một học viên gái đã đánh vần khi tôi đi qua: "Đờ - ã - đã. Sờ - em - xem. À không! Sờ-nhẹ-em-xem". Chị ngước lên nhìn tôi mỉm cười, khẳng định mình đánh vần quá chuẩn (S là sờ nặng, X là sờ nhẹ).
Hết bình dân học vụ, "lờ - tờ - mờ" qua đi, trả lại sự trong sáng của tên chữ cái tiếng Việt.
Khi tôi vào tuổi 50, bỗng "lờ - tờ - mờ" xuất hiện trở lại trong học sinh vỡ lòng bậc tiểu học. Nhưng khi chúng lên bậc phổ thông, lại trở về cách đọc chữ cái tiếng Việt của thời tiên sinh Alexandre De Rhods. Bởi vì, chúng không thể gọi đoạn thẳng A- B là “A - Bờ”; đoạn thẳng I-Y là “I ngắn Y dài", kỳ cục quá.
Nhưng hệ luỵ của nó lại rơi vào các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, người dẫn chương trình phát thanh và truyền hình ngay ở thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Lại là những người có học vấn đại học và trên đại học.
Chúng ta hãy nghe trong các bản tin thời sự. Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, G8 thì họ đọc là "Gờ 7", "Gờ 8". Địa chỉ báo điện tử có nhóm chữ "ORG" - họ đọc là "O - Rờ - Gờ". Chia bảng bóng đá bảng G họ đọc là bảng "Gờ". Đến cái quảng cáo cho doanh nghiệp Trung Nguyên cũng được họ đọc là "Cà phê Gờ 7". Nhưng chính họ lại vô lối (không nhất quán) ở chỗ, tên của Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG họ lại đọc theo cách của Alexandre De Rhodes: "Ets Ennờ Giê", tổng thu nhập quốc dân GDP là "Giê Đê Pê", Đài BBC là “Bê Bê Xê”.
Chúng ta lại theo dõi một đoạn thoại trong trò chơi "Chiếc nón kỳ diệu" (VTV3) - đoán chữ:
Người chơi: - Chữ Giê (uốn lưỡi)
Người dẫn chương trình: Giê "Dờ" hay "Gờ"?
-"Gờ” hả? Chữ "Gờ", có hai chữ "Gờ".
Người chơi: - Chữ I.
Người dẫn chương trình: "I ngắn" hay "I dài"?
-Vâng "I dài". "I dài" có bốn chữ "I dài".
Bảng chữ cái tiếng Việt chỉ có "I" và "Y-cờ-rét". Làm gì có I ngắn và I dài?
Cái nguy hiểm cho dân trí, là người dẫn chương trình áp đặt người chơi theo luật chơi của họ, là phải đọc G là "Gờ". I là "I ngắn", Y là "Y dài". Cứ thế, suốt trong những năm phát sóng trò chơi này, với hàng triệu người tham gia và xem truyền hình, đã phải trở về sống trong thời buổi "vỡ lòng" và "bình dân - học vụ".
Người dân luôn coi báo chí và các nhà báo là chuẩn mực của kiến thức chính xác. Vợ tôi đã từng gắt chồng: "Báo viết thế mà ông còn cãi!". Cháu tôi phàn nàn với mẹ nó khi giải bài hình: "Con chả biết đọc tên chữ cái theo cách của nhà báo ông nội, hay theo cách của chú nhà báo trẻ trên VTV3?"
Tôi mang điều băn khoăn. Có nhiều bài báo đã đề cập tới vấn đề này. Lẽ nào nhiều người lãnh đạo các đài không đọc? Lẽ nào ở đó không có người chịu trách nhiệm "văn phong"? Và nếu đài nào cho cách đọc chữ cái tiếng Việt của họ như thời vỡ lòng và bình dân học vụ là đúng, thì hãy nhất quán: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) xin đọc đầy đủ là "Vờ - Tờ - Vờ", Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) xin đọc là "Vờ - O - Vờ", và, Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) xin đọc là "Sờ nặng - Nờ - Gờ".