Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐƯỜNG ÔNG SÔNG ĐÀ, "NỎ THẦN", ĐỪNG VÔ Ý LẦN 2

Nguyễn Quang Thân
Thứ ba ngày 5 tháng 4 năm 2016 7:30 PM





(Dân Việt)
Tôi bái phục cái lá gan của họ khi dám đối mặt với lịch sử và coi khinh sự tồn vong, sức khỏe, an toàn của hàng triệu người dân thủ đô, bây giờ và hàng trăm năm về sau.

Cái duyên nợ này không phải bây giờ mới có. Cũng chẳng phải bây giờ mới tỏ mặt nhau. Với Trung Quốc, duyên nợ hai ngàn năm có lẻ, không ai lạ gì nhau. Là láng giềng, cũng từng là quốc thuộc ngàn năm. Là hữu nghị lúc này lúc khác nhưng cũng đã có 13 cuộc chiến tranh mà kẻ bành trướng có mưu đồ thôn tính đều chịu thất bại trước một dân tộc anh hùng.

Gần đây, trong cuộc hội nhập kinh tế, hai nước lại có quan hệ làm ăn, buôn bán phát triển chưa từng có trong lịch sử. Dấu ấn là sự lép vế của người láng giềng nghèo: mỗi năm nhập siêu từ ông bạn khổng lồ hàng chục tỷ đô la, nói như dân miền Nam, đưa vàng đi đổ sông Ngô, đau thấy mồ mà không biết nói sao!

Đó là chưa kể những công trình được đấu thầu đúng quy trình hẳn hoi nhưng kẻ thắng thầu (nghe nói họ thắng đến 90% các gói thầu lớn trên đất nước) có truyền thống nói một đàng, ký một đàng mà làm một nẻo, dây dưa, cù nhầy và nhiều sơ suất kỹ thuật. Chuyện một ông Bộ trưởng của ta phải chỉ mặt nhà thầu vì để xẩy ra tai nạn tuyến đường sắt trên cao giữa thủ đô, chỉ là một trong nhiều vụ “dây dưa”, giọt nước tràn ly mà thôi.

Nói cho công bằng, không phải chúng ta đang làm ăn với một kẻ xa lạ, cha vơ chú váo nào. Mà với một đối tác có chiều dài lịch sử ngàn năm, từ nỏ thần Cổ Loa đến đường sắt trên cao, nếm đủ mùi cay đắng. Nói chưa hiểu nhau là khó chấp nhận. Thời hội nhập, mọi đối tác bất kể từ quốc gia nào đều phải tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế, minh bạch, sòng phẳng, coi trọng quyền lợi của nhau thì cả hai bên hay nhiều bên đều dễ làm ăn. Thân hay sơ không còn là vấn đề. Thế kỷ XXI không còn đất cho “mẹo Khổng Minh” hay “mánh Chu Du” trong làm ăn.

Dự án Sông Đà 2 chỉ là một đường ống nước chưa đến nửa tỷ đô la, kỹ thuật lại đơn giản và xưa như trái đất. Về quy mô, giá trị, kỹ thuật không có gì đáng nói. Nhưng tại sao, khi vừa lộ thông tin nhà thầu Trung Quốc thắng cuộc lại gây nên một cơn bão trên dư luận đến thế?

Câu trả lời luôn và ngay: dư luận sôi lên, muốn soi thật sâu thật kỹ là do hai phía đối tác đều có vấn đề: cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu!

Cái Tổng công ty Vinaconex này đã tự chứng minh khả năng, trình độ, cả lương tâm của mình không phải “quá tam ba bận” mà là 17 lần vỡ đường ống nước mà họ là chủ đầu tư, gây không biết bao nhiêu khổ sở, khó khăn cho dân thủ đô và làm sứt mẻ không ít niềm tin vào chính họ và cấp trên của họ.

Cái khó hiểu là lại họ chứ không phải ai khác, lần nữa được “tín nhiệm” làm chủ đầu tư đường ống nước số 2, lớn hơn, quan trọng hơn vì nó cung cấp nước cho ba triệu rưỡi tức gần một nửa dân số Hà Nội! Dân hoàn toàn có quyền lăn tăn: liệu những người đã có “17 tiền sự” này cầm tiền nhà nước (tức tiền thuế của dân) đi xây đường ống có đủ khả năng, trình độ và lương tâm trong sáng? Chính họ đã một lần chứng minh rồi sao?

duong ong song da, “no than” dung vo y lan thu 2 hinh anh 1

Đường ống nước sông Đà do Vinaconex thi công đã gặp sự cố đến 17 lần.

Liệu những người này, sẽ có “vô ý” chọn phải nhà thầu và thứ vật liệu gây tai họa như họ đã làm trước đây? Mà thủ đô ta cũng dễ tính thật. Một anh nhân viên lỡ tham ô hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả vài triệu bạc có thể bị xử, bị coi là có tiền án và bị cấm làm việc gì liên quan đến tiền vài ba năm là ít. Vậy mà một công ty bị vỡ 17 lần ống nước lại được giao làm tiếp ngay và luôn dự án tương tự, quan trọng gấp nhiều lần! Đó không phải là một câu hỏi mà dân khó bỏ qua sao?

Rồi nữa, nhà thầu. Đây là một nhà thầu Trung Quốc, có thể họ chưa làm nhiều công trình ở nước ta nhưng “nhà thầu Trung Quốc” đã thành một thành ngữ hàm ngôn: giá rẻ bất ngờ lúc đầu và sẵn sàng đội giá nhiều lần về sau, dây dưa thời gian thi công, nhồi nhét tìm việc cho lao động phổ thông Trung Quốc tràn sang với nhiều lý do tự đặt ra, quy trình công nghệ luôn có vấn đề, lạc hậu mà boxit Tây Nguyên, nhiều nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm là một minh chứng khó cãi.

Một kiểu nhà thầu chưa được chứng minh bằng việc làm thực tế như thế trên đất nước, chỉ căn cứ vào hồ sơ đấu thầu trên giấy, lại hội tủ đủ tín nhiệm để giao cho họ một công trình quan trọng như vậy được sao? Vả lại, trên báo Dân Việt, một nhà đầu tư bị loại trong dự án này (liên doanh Ấn Việt) đã cho biết họ “sốc” với cách mở gói thầu, loại và chọn nhà thầu thắng cuộc đang có những vấn đề chưa rõ ràng.

Đầu tiên là cách loại nhà thầu. "Chúng tôi rất thất vọng với cách chủ đầu tư đã loại nhà thầu. Điều này ít nhiều tạo ra môi trường thiếu cạnh tranh. Tôi cũng không thấy sự minh bạch, rõ ràng trong suốt quá trình đấu thầu. Tôi có cảm giác các nhà thầu khác đã bị loại bỏ hoặc phải tự bỏ cuộc để duy nhất một công ty thắng thầu"- nhà đầu tư Ấn giấu tên nói với báo Dân Việt.

Sau khi có quyết định chọn đơn vị thắng thầu, ông này còn nói thẳng “Tôi (quá bất ngờ) không hiểu chuyện gì đang diễn ra!”. Chúng ta chưa thể kết luận có sự minh bạch hay không của gói thầu này, thực ra việc này cũng như mọi sự kém minh bạch khác sẽ rất khó phanh phui, tìm phải trái. Nhưng ý kiến không thoải mái của nhà kinh doanh thua thầu nói trên rất đáng cho nhiều cơ quan có trách nhiệm vào cuộc và dư luận báo chí theo dõi.

Nhưng vấn đề chính yếu nhât không phải nằm trong những điểm nói trên. Một công trình dẫn nước đơn giản ư? Thưa không! Đó là công trình có tuổi thọ hàng trăm năm quyết định nước ăn uống hàng ngày cho ba triệu rưỡi và hàng chục thế hệ con cháu người Hà Nội tương lai. Vinaconex như đã quên mình là ai, tài cán mình như thế nào sau 17 vụ đường ống nước, quả quyết rằng họ sẽ kiểm tra ống gang dẻo xem có chì, có chất phóng xạ hay không rồi mới cho dùng.

Liệu sự kiểm tra có khả thi không nếu ai đó có những mưu ma chước quỷ?

Và thế là, hàng trăm năm, hàng triệu dân Hà Nội và con cháu nhiều đời của họ phải dùng nước từ một đường ống nước do những người “bạn” mà họ mà họ hiểu rất rõ tâm địa, thường chỉ “kính nhi viễn chi” trong lịch sử ngàn năm? Vậy là, đây không chỉ là một đường ống dẫn nước nữa rồi! Cũng không phải là một dự án thuần túy dân sinh hay kinh tế nữa rồi. Nó lớn hơn, quan trọng hơn và bao trùm hơn với thời gian và lịch sử. Nó đòi hỏi sự xem xét gói thầu theo nhiều góc độ quan trọng hơn cái “giá rẻ” made in China mà chúng ta và cả thế giới đã biết rõ từ lâu.

Tôi không biết ai là người sẽ có quyết định cuối cùng về dự án thật sự nhạy cảm này. Nhưng tôi bái phục cái lá gan của họ khi họ dám đối mặt với lịch sử và coi khinh sự tồn vong, sức khỏe, an toàn của hàng triệu người dân thủ đô, bây giờ và hàng trăm năm về sau. Nỏ thần đã một lần “vô ý” trao tay giặc (thơ Tố Hữu), xin đừng “vô ý” lần thứ hai!

Tag: đường ống sông Đà 2, nhà thầu Trung Quốc, công ty Trung Quốc thắng thầu, Vinaconex, 17 lần vỡ ống nước, thảm họa giá rẻ, lao động Trung Quốc