Trang chủ » Tin văn và...

LỜI TRI ÂN CỦA NHÀ THƠ BÙI HOÀNG TÁM

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám!
Thứ hai ngày 1 tháng 3 năm 2010 8:45 PM
TNc: Trong khi Thơ đang chịu số phận “ế ẩm”, các nhà thơ nổi tiếng cũng ít nhận được sự chú ý của độc giả thì việc các tác phẩm của Nhà thơ Bùi Hoàng Tám với số lượng truy cập khá lớn, có thể coi như một “hiện tượng” văn học những ngày đầu Xuân Canh Dần. 
Nhân sự kiện phấn khởi này, Bùi Hoàng Tám đã gửi lời cám ơn tới Trần Nhương và nhờ trannhuong.com chuyển lời tri ân đến với bạn đọc gần xa
 
Khoảng 11 giờ ngày 27/2/2010, trannhuong.com đã đưa 13 bài thơ được coi là “đặc sản như lợn bản” của Nhà thơ Bùi Hoàng Tám lên trang W của mình. Đúng 2 ngày sau, tức là 11 giờ ngày 1/3/2010, số lượng truy cập đã lên đến con số trên 2.000 lượt. Con số này nói lên 3 điều: Thứ nhất, đó là uy tín của một trang W chuyên về lĩnh vực văn học nghệ thuật do cá nhân thực hiện. Thứ hai, là chất lượng bài viết cũng như “thương hiệu” của tác giả. Thứ ba, điều này đặc biệt quan trọng, đó là tình cảm, sự tin cậy, sẻ chia của bạn bè gần xa đối với trannhuong.com nói chung, Nhà thơ Trần Nhương và tác giả Bùi Hoàng Tám nói riêng. Một chi tiết nữa là chỉ ít giờ sau khi các tác phẩm được công bố, đã có một bài bình khá hay trên trang W Thanh Chung - bài Vọng Phu – Về đi, một trong số “13 đặc sản”.
Trong khi Thơ đang chịu số phận “ế ẩm”, các nhà thơ nổi tiếng cũng ít nhận được sự chú ý của độc giả thì việc các tác phẩm của Nhà thơ Bùi Hoàng Tám với số lượng truy cập trên có thể coi như một “hiện tượng” văn học những ngày đầu Xuân Canh Dần. 
Nhân sự kiện phấn khởi này, Bùi Hoàng Tám đã gửi lời cám ơn tới Trần Nhương và nhờ trannhuong.com chuyển lời tri ân đến với bạn đọc gần xa

Link đọc 13 đặc sản như lợn bản
http://trannhuong.com/news_detail/3974/13-

Bài trên blog Lê Thanh Chung:
 
ÁM ẢNH HÓA ĐÁ VÀ BÀI THƠ VỀ ĐI - VỌNG PHU! CỦA BÙI HOÀNG TÁM

Về đi - Vọng phu!


Lòng chung thủy  trở thành nhảm nhí

Trước thiêng liêng số phận một con người

Về đi - Vọng phu!
Mọi hi vọng đều qua rồi
Người đi không thể về được nữa
Về đi em
Trời quê mình vốn nhiều giông gió
Em và con mỏng manh chống trả thế nào!?

Về đi em
Người đời yêu nhau người ta chờ nhau
Dẫu là đá
Dẫu không còn là đá
Nhưng con em trên tay em đang đói lả.

Em hóa đá vì chồng
Con hóa đá vì ai?
Em hóa đá vì chồng
Con
Hóa
Đá

Ai...!?

(Bùi Hoàng Tám)

Năm 2002, nhân về dự buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập khoa Pháp - Đại học SPNN - Hà nội, tôi đưa cho anh bạn văn thơ một thuở mấy câu tản mạn về nàng Tô Thị của mình:

Nàng mòn mỏi tháng năm rồi hóa đá

Cho một điều hư không

Tô Thị ơi

Giá biết được người ấy ra đi như một lần chạy trốn

Liệu có ai còn hóa đá chờ chồng?

Anh bạn tôi thở dài:

-       Ý tưởng của em lạ đấy, nhưng đưa lên sẽ không được chấp nhận đâu.

Tôi cãi:

-      Nhưng tại sao lại bắt nàng Tô Thi chờ đợi vô vọng vì một cuộc hôn nhân loạn luân?

Bài thơ vì thế được cất kín dưới đáy vali, nhưng hình ảnh hóa đá cứ trở đi trở lại trong một số bài thơ tôi viết sau này. (Mạnh dạn gọi là thơ để còn gửi sang nhà bác Kao Sơn lĩnh thưởng những câu thơ dở).

Trong mắt tôi, hóa đá của Tô Thị đồng nghĩa với sự giải thoát - thoát khỏi nỗi đau trần thế - trốn chạy nỗi cô đơn :

Những tháng năm mòn mỏi không anh

Em thầm mong giá như mình hóa đá

Cho lòng bớt chòng chành.

Năm 2006, trong bài Nếu cứ đợi chờ nhau rồi hóa đá tôi lại viết:

Nếu cứ đợi chờ nhau rồi hóa đá

Cõi nhân gian nước mắt sẽ không còn

Bà hóa đá chờ ông đi đánh giặc

Con mong cha, vợ ngóng đợi chồng

Những đứa trẻ lại theo nhau ra trận

Thiếu nữ trăng rằm thành tượng đá sau lưng,

Và:

Trẻ con đắm đò trên đường đi học

Ông bà mẹ cha thành tượng đá vô hồn.

Gần đây nhất, trong bài Hóa thạch tôi lại viết:

Vô cảm nụ cười, ngu ngơ nước mắt

Dửng dưng, thắng - thua - được - mất

Nham thạch bay lạc lõng giữa thiên hà.

Tôi không dám đem thơ mình xếp cạnh thơ của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, nhất là khi anh tự nhận xét, đây là 1 trong 13 bài thơ đặc sản như lợn bản của mình bên trang web TrầnNhương.com. Có lẽ bởi tôi bị ám ảnh hóa đá nên bài thơ của anh đã ám ảnh tôi.

Về đi - Vọng phu! Mọi hy vọng đều qua rồi. Không ít những người phụ nữ trong chiến tranh và cả sau khi chiến tranh đã kết thúc từ rất lâu đã và vẫn nuôi hy vọng. Biết đâu, biết đâu... Biết đâu sẽ có phép nhiệm màu... Cũng từng đã có người trở về sau nhiều năm báo tử; có người từng đã khóc trước tấm bia mộ của chính mình... Chiến tranh là thế! Lựa lời an ủi động viên người đàn bà đang cố bấu víu vào một niềm hy vọng mơ hồ mới khó khăn làm sao: Người đi không thể về được nữa. Có thế chính tay anh đã băng bó vết thương, khâm liệm cho người bạn  phút cuối cùng; có thể chính mắt anh đã nhìn thấy bạn mình tan ra  trong ánh chớp của quả đạn pháo. Không ít những người vợ, người mẹ sau cuộc chiến đã tàn tạ, mỏi mòn trong đợi chờ vô vọng.

Về đi em! Trời quê mình vốn nhiều giông gió - Lúc binh biến, đàn bà phải một mình đối mặt với bão giông đã đành một nhẽ. Anh ấy không thể về được nữa. Em và con mỏng manh chống trả thế nào?Những người đàn bà bản lĩnh đã gồng mình lên thêm một lần nữa, trở thành chỗ dựa cho những đứa con. Thế hệ chúng tôi, rất nhiều đứa trẻ lớn lên trong căn nhà không có đàn ông. Lý lịch trích ngang phần nghề nghiệp của cha: Liệt sỹ. Can đảm lên Vọng phu, đừng mong manh sương gió. Về đi! Còn xóm làng, gia đình, họ mạc. Mọi người sẽ thay anh ấy bảo bọc mẹ con em.

Người đời yêu nhau người ta chờ nhau. Ở đời yêu nhau, đợi chờ nhau là lẽ đương nhiên. Trong chiến tranh càng cần đợi nhau. Lòng chung thủy là chỗ dựa cho người lính nơi hòn tên mũi đạn. Nhà thơ Simonov đã viết: Em ơi đợi anh về - Đợi anh hoài em nhé - Mưa có rơi dầm dề - Ngày có dài lê thê - Thì em ơi gắng đợi. Ngày tiễn đưa các bạn trai lớp mình đi bộ đội, chúng tôi cũng đã chép tặng nhau những câu thơ như thế. Nhưng tiếng súng đã ngưng từ lâu. Nếu ai đó đã không thể trở về nghĩa là anh ấy đã tan vào hư vô.

Em hóa đá vì chồng
Con hóa đá vì ai?
Em hóa đá vì chồng
Con
Hóa
Đá

Ai...!?

Cách ngắt nhịp câu thơ cuối cùng như  tiếng vọng đập vào đá núi rồi dội ngược trở đi trở lại. Bám riết, đeo đẳng. Con hóa đá vì ai? Em lầm lẫn mất rồi Vọng phu ơi. Em có thể hóa đá chờ chồng, nhưng không thể bắt con mình hóa đá chờ cha. Con là sự nối dài của chúng ta trên cõi đời này. Em phải sống để cho con được sống. 

Lòng chung thủy  trở thành nhảm nhí
Trước thiêng liêng số phận một con người

Xin đừng ai lấy Tô Thị ra làm thước đo cho sự thủy chung. Đừng chất thêm gánh nặng cô đơn lên đôi vai của những người phụ nữ nước tôi mấy ngàn đời nuôi con - chờ chồng đánh giặc. Và xin được khắc hai câu thơ cuối cùng của Bùi Hoàng Tám lên vách núi Tam Thanh:

Em hóa đá vì chồng
Con
Hóa
Đá

Ai...!?