Trang chủ » Tin văn và...

NGÀY THƠ 2010 HẢI PHÒNG: ÂM VANG BẠCH ĐẰNG

Hoài Khánh
Chủ nhật ngày 28 tháng 2 năm 2010 5:56 AM
 
Cả ngày hôm qua, thứ bảy 27-2-2010, tức ngày 14 tháng Giêng năm Canh Dần, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII tại Hải Phòng đã tưng bừng diễn ra ngay khu vực ngoài trời trước Đền thờ Trần Hưng Đạo (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên), bên bờ sông Thải - nhánh đổ ra sông Bạch Đằng lịch sử. Với chủ đề "Âm vang Bạch Đằng", Ngàu Thơ năm nay do Hội Liên hiệp VHNT thành phố phối hợp với Công ty xi-măng Hải Phòng tổ chức. Đây là một trong những hoạt động của thành phố hướng tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long -Hà Nội, kỉ niệm 55 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và những ngày lễ lớn trong năm 2010. Đồng chí Nguyễn Đình Then - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, cùng nhiều vị đại diện các Sở ngành trong thành phố Hải Phòng, nhà văn Tùng Điển - Ủy viên thường trực Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các nhà thơ Vân Long, Vương Trọng, Phạm Đức và nhà văn Nguyên An của Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo các nhà thơ, nhà văn Hải Phòng, đại biểu của nhiều Câu lạc bộ thơ trên địa bàn thành phố đã tới dự và tham gia chương trình Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII tại Hải Phòng.
Ngay đầu buổi sáng, nhà biên kịch điện ảnh Tô Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng và ông Lê Văn Thành - Giám đốc Công ty Xi-măng Hải Phòng - cùng các thành viên Ban tổ chức và nhiều đảo đại biểu của Ngày Thơ đã tới dâng hương tại Đền thờ Lê Đại Hành và Đền thờ Trần Hưng Đạo.
Màn múa cờ hội và trình diễn bài thơ "Nguyên Tiêu" của Hồ Chí Minh mở đầu chương trình Ngày Thơ, đã tạo rõ không khí ấm áp của mùa xuân giữa nơi Tràng Kênh sơn thủy hữu tình. Ba năm qua, cứ vào dịp diễn ra Ngày Thơ, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng lại tổ chức kết nạp hội viên mới. Năm nay có 17 văn nghệ sĩ gia nhập Hội. Suốt 2 giờ đồng hồ buổi sáng là cuộc trình diễn hơn 20 bài thơ của các nhà thơ Hải Phòng và hội viên của nhiều Câu lạc bộ Thơ trên địa bàn thành phố Cảng. Qua việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, mới thấy công chúng không xa lánh nghệ thuật thơ.
Chương trình buổi chiều sôi động hẳn lên bởi màn tổ khúc hát múa "Mái đình làng biển" và "Thành phố một ngày mới". Tiếp đó, diễn ra Lễ trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam" của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho một số đồng chí lãnh đạo thành phố và văn nghệ sĩ Hải Phòng. Sau khi trình diễn bài thơ "Nam quốc sơn hà" tương truyền của Lý Thường Kiệt, các trích đoạn "Hịch tướng sĩ" của Trần Hưng Đạo và "Bạch Đằng giang phú" của Trương Hán Siêu, lần lượt các tiết mục đọc thơ, ngâm thơ, giao lưu thơ, nói chuyện thơ, hát ca trù, cải lương, hát ca khúc phổ thơ được thể hiện, trở thành tâm điểm của Ngày Thơ. Gần 30 tiết mục được công diễn theo 4 nội dung: Thơ về 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thơ về mùa xuân đất nước và thành phó quê hương, Thơ về người thợ xi-măng Hải Phòng và Thơ về tình yêu. Ngày Thơ có sự góp mặt của các nhà thơ: Thi Hoàng,  Trịnh Hoài Giang, Phạm Ngà, Kim Chuông, Lê An Dương, Dư Thị Hoàn, Tô Ngọc Thạch, Hoài Khánh, Phạm Xuân Trường, Phạm Vân Anh,... Đặc biệt, các nhà thơ Vân Long, Vương Trọng đã tham gia giao lưu thơ với công chúng đất Cảng.
Trong bài nói chuyện thơ, nhà văn Lưu Văn Khuê đã điểm lại những bài thơ ca cách mạng gắn liền với phong trào đấu tranh của công nhân xi-măng Hải Phòng năm xưa chống lại bọn chủ Pháp, nhắc nhớ những vần thơ lạc quan, yêu đời của người thợ xi-măng khi làm chủ nhà máy, làm chủ cuộc đời, những trang thơ hay của nhiều nhà thơ đến thăm hoặc trưởng thành từ Công ty xi-măng Hải Phòng. Trong chương trình, thật đáng yêu và trân trọng những bài thơ còn thô ráp nhưng thực lòng của nhưng tác giả đang là cán bộ, công nhân Công ty xi-măng Hải Phòng.
Câu lạc bộ ca trù Hải Phòng trình diễn hát thơ "Cảnh xuân" của Nguyễn Công Trứ và "Tự tình" của Cao Bá Quát, tạo nên phong vị dân tộc trong Ngày Thơ.
Tối qua, chương trình kết thúc khá ấn tượng bằng ca cảnh "Bạch Đằng giang cuộn sóng" trích trong vở cải lương "Ngô Vương Quyền" do Đoàn cải lương Hải Phòng biểu diễn. Các nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công của 2 đơn vị nghệ thuật này cùng với sự chuẩn bị dày công của Ban tổ chức đã huy động đông đảo các nhà thơ và công chúng yêu thơ tới tham gia nhiệt tình, làm cho Ngày Thơ Việt Nam tại Hải Phòng năm nay thực sự được tổ chức quy mô lớn hơn hẳn những năm trước.