Trang chủ » Tin văn và...

NHÀ VĂN TỪ BÍCH HOÀNG TẠ THẾ

Theo VNQDo
Thứ ba ngày 26 tháng 1 năm 2010 5:47 PM

          Tổng cục Chính trị; Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội và gia đình thương tiếc báo tin:
          Đồng chí Đại tá, Nhà văn TỪ BÍCH HOÀNG (tức Trần Văn Hồng)
          Sinh ngày 26 tháng 08 năm 1922 tại Hà Nội.
         Trú quán tại tập thể 3B Ông Ích Khiêm, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội.
        Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã nghỉ hưu. 

 
           - Huân chương Độc lập hạng Ba.
           - Huân chương Quân công hạng Nhì.
           - Huân chương  Chiến thắng hạng Ba.
           - Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cưú nước hạng Nhất.
           - Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (Hạng Nhất, Nhì, Ba).
           - Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
           Đồng chí đã từ trần hồi: 5h sáng ngày 23 tháng 01 năm 2010 (tức ngày 09 tháng 12 năm 2009 âm lịch) tại nhà riêng.
          Lễ viếng tổ chức từ: 7 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút ngày 28 tháng 01 năm 2010 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Số 5 Trần Thánh Tông – Hà Nội).
          Lễ truy điệu và đưa tang lúc 8 giờ 30 phút cùng ngày.
          An táng tại Nghĩa trang Thanh Tước, thành phố Hà Nội.
          Để tưởng nhớ nhà văn Từ Bích Hoàng, Văn nghệ Quân đội trân trọng giới thiệu bài viết về ông của nhà văn
Ngô Vĩnh Bình
 
 
TỪ BÍCH HOÀNG - NHƯ HOA NÚI VẪN TOẢ HƯƠNG
 
NGÔ VĨNH BÌNH
 
 
          Ông nghỉ công việc ở toà soạn Văn nghệ Quân đội đã hơn ba chục năm và do tuổi già, bệnh nặng ông cũng đã “gác bút” từ khá lâu. Vậy mà, mỗi khi nhắc đến đội ngũ các nhà văn quân đội, mỗi dịp nói về tờ Văn nghệ Quân đội và nhắc tới báo chí của các lực lượng vũ trang mấy mươi năm qua, giới văn bút quân đội không ai và không một lần quên nhắc nghĩ về ông, về một loài hoa rừng, dẫu nở nơi đầu non nhưng rất “hữu sạ”. Nhắc và nghĩ về ông như một người anh, một người bạn thân gần và mẫu mực – mẫu mực trong cả việc viết, lối ứng xử và cả phong cách chỉ huy lãnh đạo thiên về chữ tình, chữ tín. Chúng tôi, những người hậu sinh, đến với gia đình Văn nghệ Quân đội muộn, ít được sống và làm việc cùng ông mà vẫn vơi đầy những kỷ niệm về ông.
          Ông là nhà văn Từ Bích Hoàng, là anh sinh viên Hà Nội Trần Văn Hồng (sở dĩ ông lấy bút danh là Từ Bích Hoàng là do kết thân với gia đình Giáo sư Từ Giấy - anh cả của nhà thơ Việt Phương) những năm trước cách mạng Tháng Tám, một phóng viên mặt trận giàu nhiệt huyết của báo Vệ Quốc quân – tiền thân của báo Quân đội Nhân dân trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, một biên tập viên sáng lập có tay nghề và chu đáo của tờ Văn nghệ Quân đội những năm sau hoà bình (1957), và sau đó là một người phụ trách, chỉ huy tờ báo chúng tôi, một đại tá cầm bút.
          Thực ra không phải chỉ đến khi được điều về “ngôi nhà số 4” làm biên tập viên của Văn nghệ Quân đội tôi mới biết đến ông. Ba chữ Từ Bích Hoàng tôi đã rất quen từ hồi còn là sinh viên và càng quen hơn khi tôi vào bộ đội, làm lính tuyên huấn một sư đoàn bộ binh. Bấy giờ tôi hay được “tạt” về Hà Nội dài dài để lấy tài liệu viết bài tuyên truyền về truyền thống quân đội hoặc “nói” cho bộ đội nghe về văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh yêu nước. Tôi vào các thư viện, nhiều hơn cả là Thư viện quân đội và “khui” được thật nhiều tài liệu về ông qua các “côlếchxiông” Vệ quốc quân, Quân du kích, Văn nghệ và Quân đội Nhân dân xuất bản trong những năm kháng chiến chống Pháp. Ở các trang báo cũ này, dường như cái bút danh Từ Bích Hoàng xuất hiện đều đều hơn cả bên cạnh các tên tuổi khác: Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Từ Giấy, Vũ Tú Nam, Nam  Cao, Quang Dũng, Trần Cư, Chính Hữu, Hồ Phương, Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích… Tôi được biết rõ thêm về ông. Ông là phóng viên của tờ Vệ quốc quân, là tác giả của nhiều thiên phóng sự chiến tranh đặc sắc, của những truyện ngắn nữa. Một thời làm báo sôi nổi, trẻ trung và nghèo khổ của thế hệ các ông hiện ra trước mắt tôi. Những phóng sự (có khi là phóng sự tay ba, tay đôi!) của ông và bạn bè bấy giờ thật độc đáo. Tôi nghĩ ấy không chỉ là những trang mang đậm hơi thở của cuộc chiến đấu, sinh động và hiện thực mà còn mang dấu ấn và bút pháp của một thời.
          Cuộc đời làm báo của Từ Bích Hoàng những năm chiến tranh ấy có lẽ là đoạn đời đẹp nhất của ông. Ông ít nhắc tới về cái thời sôi nổi, trẻ trung và sáng đẹp ấy, nhưng bạn bè ông thì không thể quên. Nhà thơ Vũ Cao, trong một bài viết của mình đã nhận xét: “Có thể nói thời kỳ 1947 – 1949 trong anh em báo Vệ quốc quân, người viết được nhiều nhất chính là Trần Đăng và Từ Bích Hoàng” (VNQĐ 7/83). Nhà phê bình văn học Ngô Thảo khi còn công tác ở Văn nghệ Quân đội cũng đã rất tâm đắc với những năm tháng này của ông. Anh đã “bí mật” làm tập Hoa núi cho ông (NXB Quân đội Nhân dân – 1982). Đây là tập sách sáng tác duy nhất, dường như là vậy, trong đời làm văn làm báo của ông.
          Ông sống, viết đều nhẹ nhàng, tình cảm. Vũ Cao - một người bạn thân, một đồng niên, đồng nghiệp, đồng chí của ông kể: “Với Từ Bích Hoàng, ngay cả trong những trận đánh bóng chuyền ầm ĩ những tiếng la thét của những bạn bè sành thể thao như Trị, Goòng, Thanh Cóc… anh vẵn cứ chỉ vừa đánh vừa cười tủm tỉm”, còn ông Nguyễn Khải - một nhà văn nhỏ tuổi hơn, trong những câu chuyện của mình, ông cũng thường hay nhắc đến cái thời ông giữ chân biên tập cho Văn nghệ Quân đội do “xếp” của ông là Từ Bích Hoàng điều hành. Nguyễn Khải bảo đó là một thời “nhất” trong cuộc đời cầm bút của ông. Ông kể hồi mới về “nhà số 4”, mấy lần được cử đi cơ sở viết bài đều hỏng, Từ Bích Hoàng chỉ sợ ông buồn mà bỏ nghề văn nên hết lời an ủi, và có lần ông đang làm việc, hết thuốc định tìm buồng Mai Ngữ kiếm một điếu chẳng dè lại gõ nhầm phòng Từ Bích Hoàng… Từ không nghiện thuốc nhưng ông đã xuống nhà, kiếm bằng được mấy điếu Tam Đảo mang đến tận phòng cho Nguyễn Khải. Thiếu tướng Dũng Hà, nguyên Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội bồi hồi kể, năm 1958 khi còn là một cán bộ quân chính ở sư đoàn 316 đóng quân tại Điện Biên ông “ti toe” viết một truyện ngắn gửi về Văn nghệ Quân đội. Chỉ ít ngày sau, ông nhận được thư của Từ Bích Hoàng. Thư viết toà soạn hoan nghênh một cán bộ quân chính mà cũng tham gia viết văn…và cho đến giờ Dũng Hà còn nhớ vẻ băn khoăn của Từ Bích Hoàng trong lần gặp đầu tiên khi nói truyện ngắn không sử dụng được. Còn nhà văn Lê Lựu thì nhớ mãi bức thư “dài hơn ba trang giấy với những lời lẽ như ân cần như cha dặn dò con, thầy giáo dạy học trò, anh chị bảo ban em, hai đồng chí tâm tình với nhau”, măc dù truyện ngắn có tên Tôi định trốn…chưa dùng được! Sau này khi đã về đầu quân cho Văn nghệ Quân đội Lê Lựu có dịp thưa với “đồng chí Bí thư chi bộ suốt đời” họ Từ về những bức tâm thư năm nào, trong đó có chuyện “6 yếu tố của một bản tin”, Từ chỉ cười “Thế á, thế thì tôi có lỗi quá!” Viết về những năm còn ở “nhà số 4”, Văn Thảo Nguyên bảo đó là thời đi “học đạo” các ông Vũ Cao, Từ Bích Hoàng. Thu Bồn thì ví Vũ Cao như một Đạt la Lạt ma chịu chơi, còn Từ Bích Hoàng như sư ở chùa Cổ Lễ “nhỏ nhẹ mà tinh tế thường chăm sóc đời sống tình cảm của chúng tôi, anh em thường gọi anh là ông Từ Bi Hồng”…
Từ Bích Hoàng ông là thế, từ thời thanh niên sôi nổi đến nay đã là người thiên cổ (ông về cõi tiên ngày 23/ 01/2010 tai Hà Nội) nhưng tình cảm của anh em, bạn bè, đồng nghiệp và cả những chị văn thư, chú lính công vụ vẫn vẹn nguyên. Bạn cùng lứa tuổi ông kể vậy, tôi cũng thấy rõ là vậy, trong những lần, thi thoảng thôi, đến thăm ông ở khu tập thể 3B - Ông Ích Khiêm thấy ông tuổi đã xấp xỉ 90 rồi lại bệnh tật nên có phần chậm chạp, nhưng sự chu đáo thì vẫn như xưa. Ông cười thật hiền và nói chuyện cũng thật hiền. ông hỏi thằng con trai tôi giờ học trường nào, học có được không, rồi lại hỏi “Tạp chí mình” tira còn mấy vạn? Khuất Quang Thuỵ đang “thực tế” ở vùng nào, Nguyễn Khắc Trường được giải thưởng Hội Nhà văn rồi sống có dễ chịu hơn trước không? Những ai mới được phân nhà? Có nhớ “nói” với anh Thanh Tịnh và thắp giùm nén nhang mỗi khi vào Huế không?... Lại hỏi chuyện cháu Giáng Vân con anh Nguyễn Trọng Oánh làm thơ. Ông khen thơ Vân và hỏi sang chuyện nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Ông bảo Nguyên là cộng tác viên của Văn nghệ Quân đội, viết nhiều và có ý, có văn. Ông muốn biết Nguyên đã có vợ con gì chưa… Anh Nguyễn Trí Huân khuyên ông đến bệnh viện 108 hoặc cơ sở y tế nào đó để dưỡng sức và hứa sẽ “điều” xe đến đón. Ông kể chuyện ông có anh bạn xích – lô quen, nếu cần anh ta sẽ chở ông đi…
Một con người như thế, mảnh mai và rất đỗi nhẹ nhàng như vậy có ai ngờ lại là một chỗ dựa rất vững của nhiều cây bút trẻ, nhiều cuộc đời không ít bão giông. Thời ông còn là phụ trách tờ Văn nghệ Quân đội, các anh chị Đỗ Chu, Bùi Bình Thi, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Trí Huân, Chu Văn Mười, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Tô Hoàng… còn đang ở các đơn vị các địa phương xa, nhưng mỗi khi gửi bài vở đến đều được ông và nhà thơ Vũ Cao cổ vũ, góp ý chu đáo. Nhà văn Hồ Phương, nhà văn Nguyễn Khải kể hồi các ông còn là biên tập viên văn xuôi của tạp chí, mỗi khi truyện ngắn gay cấn gửi về toà soạn, hai ông đều k/c (kính chuyển) anh Hoàng. Và khi đã nhận được dòng chữ “tôi thấy truyện ngắn này in được” của “xếp” là yên tâm lớn. Bởi vậy nên không mấy khi xảy ra trường hợp để “sót” để “xổng” những tác phẩm hay. Nhiều nhà văn bây giờ đã có tên tuổi còn giữ được những kỷ niệm và ấn tượng đẹp về ông. Lại có những cây bút có khi chỉ là một cộng tác viên quen biết vì lý do này hay lý do khác gặp trắc trở trong việc viết, việc gia đình và việc công tác đã đến ông, được ông chỉ vẽ cho đường đi nước bước, có lý có tình nên chẳng bao lâu sóng gió đã qua đi…
Tết này, ông đã đi về một nơi xa lắm, nhưng tôi vẫn tin rằng trong ông, ông không bao giờ quên ai - những người mà sinh thời ông đã từng gặp, từng chung sống dưới một mái ấm gia đình và mái ấm cơ quan. Còn chúng tôi mỗi lần nghĩ về ông là thấy đâu đây vẫn như còn thoảng hương của loài HOA NÚI - một loài hoa hiếm quý, vô thường mà cũng là tên cuốn sách duy nhất mà ông để lại trên cõi đời này.
Thập Tam trại, 26 tháng 01 năm  2010
N.V.B