Nếu phải kể ra ba nhân vật văn học lớn nhất của Việt Nam thì trong số ấy không thể thiếu Chí Phèo. Về tầm vóc văn hóa Chí Phèo của Nam Cao chẳng thua gì AQ của Lỗ Tấn. Nếu AQ là hình tượng điển hình của dân tộc Trung Hoa vì anh ta mang căn bệnh thắng lợi tinh thần của dân tộc mình lúc ấy, thì Chí Phèo cũng là hiện thân những căn bệnh khá phổ biến của người Việt: bệnh vô chính phủ, cùn, phủ định không lý lẽ. Nhưng trong những căn bệnh của Chí Phèo ta vẫn thấy lấp ló những khát vọng nhân văn, những tiềm năng giải phóng. Chính sự dung túng của vô thức tập thể đẫ biến Chí Phèo thành một kiểu vua con, mang năng lượng nổi loạn của cả cộng đồng.
Sự tan rã của văn hóa làng
Lâu nay, khi phân tích nhân vật Chí Phèo, nhiều người vẫn coi anh ta như một thân phận đơn độc, đối lập với toàn bộ làng Vũ Đại. Có người còn nói, Chí Phèo là kẻ bị từ chối các quan hệ xã hội, vì dân làng Vũ Đại không ai muốn dây với anh ta. Nói như vậy là đã đồng nhất thái độ im lặng, dung túng của dân làng Vũ Đại với thái độ tẩy chay không quan hệ. Thực ra, Chí Phèo không hề đơn độc. Người làng Vũ Đại thực ra không hề ghét Chí Phèo vì ai cũng nghĩ anh ta không chửi mình. Nam Cao viết rõ "Ai cũng nghĩ hắn chừa mình ra". Nghĩa là Chí Phèo vẫn có quan hệ tốt với toàn dân làng trong cái tâm lý ấy?
Tại sao dân làng Vũ Đại ai cũng nghĩ Chí chừa mình ra mỗi khi anh ta chửi đổng? Phải chăng vì họ cảm thông với những khổ đau uất ức mà Chí đã trải qua? Chí là đứa con hoang bị bố mẹ bỏ rơi trong lò gạch nên Chí hận đời chửi luôn kẻ đã sinh ra hắn thì cũng thong cảm được thôi. Chí đã từng bị Bá Kiến vu oan giá họa rồi tống vào tù 7 , 8 năm trời, bị lưu manh hóa, nay Chí trở về cam phận làm đầu gấu cho chính Bá Kiến để dằn mặt dân làng Vũ Đại, nên Chí hận đời mà chửi cả làng mỗi lúc rượu say thì cũng phải lẽ thôi! Có thể dân làng cũng thấy mình có lỗi trong chuyện làm ngơ để cho Bá Kiến vu oan đày đọa Chí, nên chấp nhận nghe Chí chửi. Và biết đâu, khi gặp từng người Chí tỏ ra rất tử tế, nên ai cũng nghĩ Chí chừa mình ra khi chửi cả làng Vũ Đại kia!?
Cái làng là hình ảnh thiêng liêng trong tâm khảm người Việt bao đời, nơi chôn nhau cắt rốn của bao thế hệ ruột thịt với những huyền tích và lễ hội sâu sắc, thiêng liêng. Trong thực tế những xô xát lớn giữa làng nọ với làng kia đã từng xảy ra khi làng mình hay người làng mình bị làng kia coi thường, xúc phạm. Miếng giữa làng là đỉnh cao danh dự của người Việt. Thế mà nay, một kẻ cùng đinh như Chí Phèo ngày ngày cất tiếng chửi cả làng mà người dân Vũ Đại không hề phản ứng. Bảo là sợ hắn thì cũng không hẳn. Vì hắn chỉ là một kẻ đòi nợ thuê, thân cô thế cô. Nếu có sợ là sợ những kẻ cường quyền như Bá Kiến đứng đằng sau hắn. Cũng có thể người dân Vũ Đại mắc nợ nhiều quá, nên sợ kẻ đòi nợ thuê như Chí? Dù dân làng làm ngơ vì lý do chính đáng nào, thì ta cũng có thể thấy trách nhiệm cộng đồng của dân làng Vũ Đại thật là sa sút. Không những thế, những không gian thiêng của cộng đồng cũng không còn thiêng nữa trong con mắt người dân. Vì thế, khi Chí Phèo đái vào miếu thờ, dân làng vẫn để yên. Nếu không phải họ tòng phạm với anh ta, thì họ cũng thể hiện ra như những người khô đạo, vô cảm hay bạc nhược khi thấy nơi thờ cúng thiêng liêng của cộng đồng bị anh ta xúc phạm. Nghĩa là ở tầng pháp lý dân làng Vũ Ðại có thể là nạn nhân, là đối thủ của Chí trong các vụ việc cụ thể, nhưng ở tầng tập tục, vô thức họ có thể là những người đồng dạng, đồng loã, đồng khát vọng.Có khi trong sâu thẳm, người dân Vũ Đại cũng nghĩ rằng cái làng Vũ Đại này toàn những kẻ khốn kiếp, kệ cho hắn chửi, cái miếu ấy đã mất thiêng, kệ cho hắn đái vào, hơi đâu mà phản ứng để rồi bị hắn thù. Nếu Chí Phèo đanh đá hơn, có thể anh ta sẽ chửi cả làng rằng: “Tao đái vào miếu thờ như vậy mà chúng mày vẫn để yên, rõ là đồ hèn nhát, đồ vô đạo!”
Chí Phèo là một kẻ đòi nợ thuê trong đời thực, nhưng ở bình diện tượng trưng, Chí là kẻ vạch trần những món nợ văn hóa mà bọ cường quyền như Bá Kiến trong chế độ thực dân nửa phong kiến đã gây ra. Truyện Chí Phèo của Nam Cao không chỉ nói về sự tha hóa của một con người, mà còn gián tiếp nói về sự tan rã của cộng đồng, sự mai một của văn hóa làng truyền thống trong hoàn cảnh người nông dân bị bần cùng hóa. Có cảm nhận được cái hoang tàn lạnh lẽo và bạc nhược của làng Vũ Đại, mới thấy hết cái sinh khí mới của làng quê Việt Nam khi đi theo cách mạng làm kháng chiến trong truyện Đôi mắtcũng của Nam Cao.
Kẻ mang năng lượng nổi loạn của cộng đồng
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự nghèo đói, bạo loạn giặc giã triền miên đẩy những con người trong các xã hội như Việt Nam ngang hàng với nhau trong quan hệ tồn tại. Muốn gì cũng phải tồn tại đã, sau khi tồn tại mới nói chuyện văn chương, âm nhạc, CNXH, toàn cầu hoá v.v.Khi người ta đói thì hiển nhiên là tiếng lợn kêu hấp dẫn hơn tiếng đàn. Vì thế, cái thẩm âm thô lậu kiểu Chí Phèo khi nghe Tư Lãng đánh đàn, thấy tiếng đàn không hay bằng tiếng lợn kêu, bộc lộ cái khát vọng tồn tại thực tế của người nông dân cùng đinh, nó phỉ nhổ vào những cái hoa mỹ phù phiếm và đạo đức giả của bọn bóc lột. Nó rất hợp với cái khoái trá trong câu vè "hết gạo chạy rông nhất nông nhì sĩ ".
Chí Phèo vẫn là một con người bình thường vì hắn vẫn còn tình yêu, vẫn biết sử dụng ngôn ngữ để tự khẳng định. Chửi là một hành vi người, con vật không biết chửi. Chí Phèo chửi tất cả làng Vũ Ðại là một hành vi xoá bỏ ván cờ giá trị xã hội mà hắn đang thua. Chửi cả làng vừa là một hành vi giải stress tích tụ sau bao năm tuân thủ hệ quy chiếu làm nên giá trị của những nhân cách, thứ bậc trong làng, vừa là hành vi xoá bỏ mọi hệ quy chiếu đó. Chí Phèo rạch mặt cũng là một hành vi người vì con vật không biết tạo hiện trường giả. Ðó là đòn đánh vào nhân cách đối thủ, lôi cái ác mà những kẻ như Bá Kiến thâm hiểm che đậy trong thói giả nhân giả nghĩa, sau những bình phong đạo lý và pháp lý, khiến các ác ấy hiện diện loã lồ trên gương mặt nạn nhân. Ngón đòn ăn vạ đó hiển nhiên là có hiệu quả làm những kẻ như Bá Kiến sợ vì sức mạnh của Bá Kiến chỉ có thể tồn tại trong trong cái hệ quy chiếu văn hoá mà Chí Phèo đang phá hủy. Chí Phèo tự khẳng định mình bằng cách lộn trái cái văn hoá ứng xử đã làm nên giá trị và nhân cách truyền thống. Thay vì làm đẹp lòng nhau anh ta chửi, thay vì sĩ diện tô đẹp cho mình anh ta rạch mặt ăn vạ, thay vì tôn kính lễ nghĩa anh ta đái vào miếu thờ - Chí đã làm ngược lại những quy chuẩn văn hóa đạo đức truyền thống để tước vũ khí của những người như Bá Kiến. Nghĩa là Chí đã một mình làm một cuộc khởi nghĩa đập phá nền văn hóa đang suy đồi thối rữa trong cái làng Vũ Đại kia!
Văn hoá chửi cả làng, đái vào miếu thờ và rạch mặt ăn vạ là một kiểu văn hoá của người cùng đinh, tìm sức mạnh khủng bố từ sự hy sinh tất cả - từ tính mạng đến danh dự và cái đẹp. Một khi con người còn sợ mình bị đánh giá xấu, sợ mặt mình không đẹp, sợ thiên hạ cười chê thì người ta rất khó có những hành vi có thể gọi là nổi loạn hay cách mạng. Cũng giống như khi người ta tíếc những sợi tơ người ta còn tỉ mẩm gỡ từng sợi rối trong búi tơ vò, đến khi không đủ kiên nhẫn nữa, người ta chém phứt đứt đôi búi tơ kia, giải thoát khỏi sự nâng niu giữ gìn mòn mỏi. Đó là cách Alecxandre đã làm khi vung gươm chém đứt mớ bòng bong trong đền thờ Thượng thần Zeus ở thành phố Gordien, mớ bong bong mà theo sấm truyền ai gỡ được sẽ làm vua thế giới. Một giải pháp mạnh và bạo liệt sẽ chấm dứt những bài toán khó rối bời như mớ bong bong. Chí Phèo là kẻ bằng bản năng nổi loạn vô chính phủ đã vung lưỡi gươm quyết đoán của Alecxandre đại đế chém đứt những mớ bong bong văn hóa bạc nhược suy đồi đang trói buộc sức sống của dân làng Vũ Đại.
Đến đây ta có thể nghĩ rằng, Chí Phèo đã làm hiện hình cái văn hoá vô chính phủ của dân làng Vũ Đại, là hiện thân những khát vọng nổi loạn tiềm ẩn trong vô thức cộng đồng. Ai cũng muốn đái vào cái miếu đã mất thiêng nhưng không dám đái, thì có Chí Phèo đái hộ. Sự dung túng Chí Phèo là một hình thức phản kháng của người dân. Cái say rượu triền miên của Chí đưa hắn vào cuộc mộng du của vô thức, sống hồn nhiên theo bản ngã của mình và trở thành một con đồng của vô thức tập thể thời thực dân phong kiến. Và chính sự dung túng của vô thức tập thể đã biến Chí Phèo thành một kiểu vua con tự khẳng định mình bằng cách đứng trên các quan hệ làng xóm, tôn giáo, bạn bè, đứng ngoài mọi hệ thống pháp lý, luân lý, thẩm mỹ, lý tưởng xã hội. Chí Phèo mang năng lượng nổi loạn của cộng đồng để thực hiện quyền sống cá thể - dù cá thể đó là nưả người, nửa vật, nửa nô lệ, nửa tự do theo kiểu thiền sư./.