Truyện ngụ ngôn Ê-dốp có câu chuyện con cáo muốn chiếm nhà của con thỏ, mới dụ dỗ thỏ cho cáo gửi nhờ cái đuôi, thỏ đồng ý. Gửi đuôi xong, cáo bèn xin thỏ cho gửi cái chân sau, thỏ cũng đồng ý. Cho chân sau vào rồi, cáo xin cho gửi tiếp chân trước, rồi đến cái đầu, thỏ vẫn ngây thơ đồng ý. Vào đến hang rồi, cáo bèn bảo đây là nhà của mình và đẩy thỏ ra khỏi hang.
Cái con cáo trong truyện ngụ ngôn kia là 2 gã người đang sống sờ sờ ở cái phường Bùi Thị Xuân, nhưng tàn ác và đểu giả hơn con cáo trong ngụ ngôn Ê-dốp đến mức nó đẩy con thỏ - chủ nhân ngôi nhà 153 Triệu Việt Vương phải vào tù, để rồi từ một cơ sở cách mạng biến thành ổ gián điệp của đế quốc.
Xin trở lại thời gian xa xôi để bắt đầu câu chuyện này.
Ông Đinh Kim Chi sinh năm 1919, là một chàng trai Hà thành tài hoa, một thợ lành nghề vô tuyến điện thời đó. Ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Thu (1929), một phụ nữ trong gia đình Hà Nội gốc nền nếp. Cặp trai thanh, gái lịch này xứng đôi và họ đã có những ngày vui êm đềm. Ông phụ trách vô tuyến của cơ quan khí tượng nên còn có tên Chi Mê-tê-ô (khí tượng).
Ngày chồng bị bắt, bà Thu đang chuẩn bị kết nạp Đảng. Bí thư Chi bộ cơ quan gọi lên. Bà sẽ phải lựa chọn một trong hai con đường: vào Đảng thì phải bỏ chồng - tên gián điệp khốn kiếp và ngược lại! Người phụ nữ Hà thành nền nếp đâu dễ từ bỏ đạo hạnh của người vợ, người mẹ để ôm vào cái hư danh kia. Bà đã trả lời thẳng thắn:
- Tôi tin chồng tôi là người tốt. Anh ấy sẽ được minh oan. Các con tôi cần có bố và tôi vẫn yêu anh ấy.
Một tháng sau, bà ra khỏi cơ quan cho dù đó chỉ là một HTX có cái tên Sông Hương.
Suy sụp về thể xác và tinh thần đến nỗi bà đã nghĩ đến buộc đàn con vào dây cùng mình trẫm xuống sông Hồng. Nhưng sức bật của người mẹ anh hùng và trách nhiệm trước đàn con đã nâng bà đứng lên.
Bà tìm sự phù hộ của trời phật. Lần nào vào chùa, bà cũng khóc, mong Phật chứng độ cho nỗi oan khuất của gia đình bà, cứu bà ra khỏi tai ương. Sư chùa Phúc Long cảm thấy bi ai, cũng lựa lời an ủi bà cứ tin vào ngày mai, Phật sẽ chứng độ tai qua nạn khỏi.
Rồi quý nhân phù trợ cũng đã đến. Ông Tư - một cán bộ miền Nam tập kết, bạn cũ của gia đình, thấy gia đình lâm nạn, đến thăm. Nhìn cảnh gia đình bạn mình chết đói đến nơi, bèn bầy việc cho đến công ty nhận hàng gia công về may tại nhà. Thế là mẹ con bà đã có đường sống, ngôi nhà bắt đầu có tiếng cười. Những đứa trẻ ngoan, gồng lên, gánh chịu số phận cùng cha mẹ để sống, biết bảo ban nhau, yêu thương nhau hơn, tụm lại chung sức như những thủy thủ trên con thuyền sắp đắm để cùng mẹ cố vượt qua.
Nhưng cuộc sống của bà chẳng thể bình yên, vì cứ hàng tuần theo lịch, bà phải đến trình diện, khai báo ở Sở Công an.
Có lần đang hỏi cung, họ bỏ đi ăn trưa, vứt cho bà cái bánh mì, bảo ngồi chờ. Bà ngồi chờ mãi, chẳng thấy ai ra. Nghĩ đến đàn con đang chờ cơm ở nhà, bà phẫn uất đứng lên dắt xe đạp ra về. Tay công an chạy ra cự nự, dọa bắt bỏ tù. Khi người ta đã bị vùi xuống đáy vực thì còn gì để mất, bà mắng lại:
- Các ông to lắm, bỏ tù ai mà chả được. Tôi không sợ!
Từ ngày chồng bị bắt, đi đâu bà cũng sụp một cái nón xuống đầu, chỉ nhìn xuống đất, không dám nhìn ai, bầu không khí ngột ngạt đến nghẹt thở. Người ta xa lánh bà, những kẻ tiểu nhân, cơ hội, muốn tỏ ra mình cách mạng hơn cả Lê-nin thì hả hê trong bụng, chỉ trỏ nhau mỗi khi bà hoặc con cái bà đi qua. Nhưng đa số người Hà Nội thương xót, cảm thông. Họ rất muốn đến để xẻ chia, động viên, an ủi, nhưng sợ công an, đành ngậm ngùi trong lòng.
Nỗi khổ vật chất và tinh thần làm cho cơ thể người phụ nữ vốn nhỏ bé, héo khô như cành gỗ mục chỉ chờ gẫy.
Cũng may, trong ngõ có một chàng trai làm cái công việc chẳng liên can gì đến y học, anh đọc hoặc nghe ở đâu đó có chuyện lấy máu gà tiếp cho người mà vẫn sống, thế là anh bảo bà: Đi mượn con gà về để anh tiếp máu cho.
Một liều ba bẩy cũng liều. Nếu không thì đằng nào cũng chết. Bà đến chỗ người quen bán phở gà, mượn một con gà về để chàng trai kia lấy máu, chích vào người cho mình. Chích xong, ai cũng hồi hộp. Ai ngờ, ba ngày sau bà vẫn không chết. Thế là tiếp tục lần thứ hai, thứ ba. Và thật kỳ lạ! Cơ thể bà vùng sống dậy, khỏe mạnh. Có lẽ trời phật phù hộ. Chuyện này chưa hề có trong y học (rất đáng để các nhà huyết học nghiên cứu, nếu thành công thật là một ngân hàng máu vô tận).
Bà Nguyễn Thị Thu và các con như những ngọn đèn leo lét trong căn nhà mồ, thì một ngày kia bừng sáng…
Đó là buổi tối mùa thu 1968, có một bà già nhai trầu bỏm bẻm đến ngôi nhà 153 Triệu Việt Vương. Đó là nữ tình báo Đinh Thị Vân. Và cuộc hội ngộ rơi nước mắt đã kéo dài suốt đêm giữa người ra đi và người ở lại. Và… sự thật về cái ổ gián điệp 153 Triệu Việt Vương đã lật ngược lại!
Cái máy VTD cũ kĩ khám thấy ở trên nóc nhà là của đồng chí Nguyễn Tài - Thứ trưởng Bộ Công an. Biết ông Chí Mê-tê-ô giỏi vô tuyến điện, đồng chí Tài đã mang đến một máy VTD cũ kĩ nhờ ông Chi sửa chữa. Máy chưa chữa xong thì Công an Hà Nội kiếm được cái máy VTD của Mỹ tốt hơn nên không phải dùng cái máy VTD cũ này nữa. Để đỡ vướng nhà, ông cất nó trên nóc sân thượng. Còn cái tin: Hàng ngày ông Chi vẫn lên đó đánh Mooc là tin bịa đặt của gã bán tơ cùng phố tâng công công an để mưu chiếm nhà.
Nữ tình báo Đinh Thị Vân đã phải đi rất nhiều nơi, nhiều cơ quan có thẩm quyền, kể cả cơ quan cao nhất là Quốc hội để kêu oan cho ông Chi. Bà đã phải làm cả giấy cam đoan. Cuối cùng, ông mới được “tạm tha”. Đó là ngày 22-9-1969, nếu tính từ ngày bị bắt trên đường đi công tác Đồng Đăng là gần 5 năm giam giữ không thành án. Kẻ gây ra tội ác tày đình này là hai gã bán tơ - con cáo trong ngụ ngôn Ê-dốp.
Một gã là hàng xóm. Gã kia đến chơi với gã này, bèn nảy sinh muốn chiếm nhà. Vì vậy, hắn dò la, dòm ngó. Hồi ấy, mỗi người dân là một người công an, nên có thể dòm ngó cả vào giường ngủ nhà người ta mà vẫn không mắc tội. Quỷ đã nhập vào hắn đúng lúc ngành công an đang khát khao thành tích. Cái tin mà hắn cung cấp: có máy VTD trên trần áp mái, tay Chi vẫn lén lên để đánh Mooc! Ổ gián điệp giữa lòng Hà Nội, còn gì tốt hơn thế nữa? Kẻ địch đây rồi, còn phải tìm đâu xa? Nếu chẳng thấy địch thì tạo ra địch, biến ta thành địch, biến đồng chí mình thành địch cơ mà. Không có địch, chúng ta làm gì có thành tích, lấy đâu cơ hội thăng quan tiến chức, lấy đâu ra huân chương, bằng khen, lấy đâu ra cớ để tiêu xài tiền của dân? Và thế là... một ổ gián điệp đế quốc đang hoạt động giữa lòng Hà Nội đã bị phá. Thành tích vô cùng vang dội. Ai bảo công an ta không tài? Công an ta thiên thủ thiên nhỡ, là thiên la địa võng, khắc tinh của kẻ địch.
Những gã này vẫn còn sống có chức quyền, bây giờ gã đã già lắm, quặt quẹo chờ chết. Ấy thế mà, bà Thu nghe tin gã ốm, thương hại muốn đến thăm. Thế mới biết người phụ nữ Việt Nam chúng ta bao dung, độ lượng biết bao! Lương tâm sẽ lên án những kẻ bán tơ và Chúa sẽ luận tội những kẻ vô lương ở phiên tòa xử cuối cùng.
Tới đây xin trích một đoạn trong Hồi ký của đồng chí Nguyễn Tài, Thứ trưởng Bộ Công an.
Trích Hồi ký:
Khúc bi ai của gia đình ông bà Đinh Kim Chi vẫn chưa kết thúc khi ông được tạm tha. Thì trời ơi… vào khoảng 11 giờ trưa ngày 25-12-1972, đứa con trai Đinh Kim Việt Hùng đèo bố trên xe đạp Thống Nhất cũ, thì bị ô tô đoàn 26 làm nhiệm vụ chiến trước đâm vào. Hai bố con văng đi mỗi người một nơi, ngất xỉu. Con trai bị nhẹ, còn ông bị vỡ xương chậu, dập lá lách, hôn mê. Khi bà Thu đến, ông chỉ kịp mở mắt, vòng tay qua người bà, nức nở:
- Anh oan ức quá! Không biết bao giờ mới được minh oan.
Ông lịm đi, rồi gắng gượng lần thứ hai cũng để nhắc lại câu lúc trước, rồi lịm đi mãi mãi. Như vậy, ông Chi được trở lại cơ quan làm việc 6 tháng 4 ngày với cái giấy hộ mệnh “Tạm tha”?
Nhưng rồi, “cái gì của Sê-da phải trả cho Sê-da”, ông bà Đinh Kim Chi được minh oan. Ngôi nhà 153 ổ gián điệp trở lại đúng vị thế lịch sử của nó: Cơ sở nội thành của Công an Hà Nội và Tổng cục II. Ở ngôi nhà này đã có 2 anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tài và Đại tá quân đội Đinh Thị Vân. Năm 2005, gia đình bà nhận được Huân chương Kháng chiến hạng nhì và Huy chương Kháng chiến hạng nhất. Bà Thu cho biết: Hai tấm Huân chương có kèm theo tiền. Nếu được lĩnh ngay lúc đó thì khoảng 4, 5 triệu đồng. Nhưng mãi tới năm 2008 bà mới được lĩnh một triệu đồng. Với một triệu đồng, chẳng đủ cho cuộc liên hoan của đại gia đình gồm gần hai chục gia đình của các con cháu và bạn bè thân hữu. Chỉ đến lúc này bà mới hoàn toàn tin là gia đình mình đã được minh oan, là một gia đình có công với cách mạng. Nhớ tới tờ chước bạ mảnh đất 1500m2 tại Văn Chương mà cán bộ chấp pháp cướp mất, bà thổ lộ với đồng chí Nguyễn Tài. Ông Nguyễn Tài nổi giận bảo:
- Sao cô không cho anh biết ngay từ năm 1976 để anh cho cái thằng chó má ấy một trận. Đồ vô luân, bất nhân, thất đức, đồ đểu, đồ ăn cướp, thằng lưu manh mạo danh cách mạng. Thôi cứ coi như cô chú là địa chủ kháng chiến bị oan sai trong cải cách ruộng đất, cho nhẹ người. Mà người ta đã nhận ra là sai rồi thì hãy tha làm phúc, đạo lý của dân tộc ta là vậy!
Đến nay, lão ta vẫn còn sống ở khu Kim Giang. Chắc lão sẽ dằn vặt nếu như cái phần người trong lão chưa chết hẳn?
Những ngôi nhà như những gương mặt người - Tôi trở lại câu văn của Ô-xê-na-xêch. Ngôi nhà 153 mặt người đã thay đổi. Con trai ông bà Đinh Kim Chi là Đinh Kim Việt Hùng mở một quán nước trên vỉa hè. Ngôi nhà xưa giờ chỉ còn vẻn vẹn 20m2 và đã biến thành chung cư. Có một ông Bộ trưởng bỏ ra 85 cây vàng để cơi nới, đến ở, hàng ngày ông cưỡi ô tô sáng loáng, nổi bật giữa đám thảo dân.
Tới đây xin khép lại những trang hồ sơ về một vụ án oan hy hữu trong lịch sử dân tộc. Dư âm của nó còn làm khắc khoải lương tâm chúng ta nhiều năm sau nữa. Hẹn gặp lại độc giả khi trái tim người viết bài này đã bình yên trở lại để viết tiếp.
Nha Trang, tháng 10-2015
M.V.