Từ khi có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, công dân đã tiếp cận nhiều hơn với sự công bằng. Nếu hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án làm sai, Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường tổn thất cho dân. Điều này trước đó, không mấy khi được đề cập đến.
Trong 6 năm qua, Nhà nước đã bồi thường 204 vụ việc với trên 111 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng bởi nhiều người bị oan sai đã được đền bù dù có thể chưa thỏa đáng. Song mặt khác, nó cũng nói lên một điều ngược lại, tình trạng oan sai không phải là hiếm.
Thế nhưng có một con số còn “ấn tượng” hơn, đó là trong khi tổng số 111 tỉ đồng nhà nước phải bỏ ra đền bù, những cán bộ gây oan sai mới đền bù cho Nhà nước 676,742 đồng, không bằng con số lẻ trong dãy số có tới 3 con số tỉ đồng.
Vì sao lại có hiện tượng này?
Trong bài “Nâng mức bồi thường, hạn chế công chức làm sai!” của báo Điện tử Đảng Cộng sản ngày 12/1/2016 viết: “Theo Thông tư liên tịch số 04/2014 “Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ” ngày 23/1/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì mức hoàn trả của người thi hành công vụ được xác định tối đa không vượt quá số tiền thực tế mà Nhà nước đã chi trả cho người bị thiệt hại.
Cụ thể, nếu người thi hành công vụ sai do lỗi vô ý thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 01 tháng lương và tối đa không quá 03 tháng lương khi Nhà nước đã chi trả là trên 100 triệu đồng; nếu sai do lỗi vô ý thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương khi Nhà nước đã chi trả là trên 500 triệu đồng.
Việc quy định trách nhiệm hoàn trả một phần tiền khi người thi hành công vụ sai do lỗi vô ý và cố ý, dường như còn quá thấp, chưa tương xứng với khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, nên không ít công chức chưa biết sợ khi thi hành công vụ!”.
Vâng, quá không tương xứng và cả không công bằng giữa quyền lợi và trách nhiệm. Không có trách nhiệm nào không có quyền lợi và ngược lại, không có quyền lợi nào mà không gắn với trách nhiệm. Một khi quyền lợi nhiều nhưng trách nhiệm ít thì sự cẩu thả, tắc trách cũng là điều khó tránh khỏi. Và ở đây, người đứng ra gánh chịu mọi hậu quả lại là Nhà nước mà Nhà nước tức là dân. Dân chịu hết.
Xin đơn cử gần đây nhất là vụ đền bù ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình.
Nếu vụ ông Chấn, số tiền đền bù oan sai lên đến hơn 7 tỉ đồng thì ở vụ ông Phi, số tiền “khủng” hơn rất nhiều, tới 23 tỉ đồng. Tổng cả hai vụ, số tiền lên đến 30 tỉ đồng.
Cho đến thời điểm này, không biết số tiền bồi thường của các cán bộ gây oan sai cho hai vụ trên là bao nhiêu và cũng không biết đã thu được bao nhiêu nhưng có thể đoán chắc rằng rất và rất ít. Thậm chí, hoàn toàn có thể… bằng không!
Song, càng xót xa hơn khi biết rằng Thái Bình và Bắc Giang đều là những tỉnh nghèo. Với số tiền đó, sẽ xây được bao nhiêu cây cầu hoặc ngôi trường? Giúp đỡ được biết bao nhiêu gia đình chính sách khó khăn? Chắc chắn nhiều và rất nhiều.
Thật xót xa khi nợ công tăng cao. Lương cán bộ công chức không thể tăng theo lộ trình vì không có tiền. Người dân lam lũ để đóng thuế thì chỉ với một sự tắc trách, những cán bộ, công chức ở hai vụ trên đã dang tay ném đi cả triệu USD. Và càng xót xa hơn, người dân lương thiện chẳng làm gì nên tội thì phải gánh chịu còn những người gây ra lại không hoặc chịu nhưng rất ít hậu quả là điều vô lý.
Vì thế, việc nâng mức bồi thường của các cán bộ gây oan sai vừa góp phần thu hồi chút ít số tiền đã mất nhưng quan trọng hơn, đó là để cho những ai tắc trách, vô cảm với nỗi đau của dân biết “sợ” mà không dám làm càn, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám