Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN SẢN NƯỚC VIỆT CÓ GÌ ?

Hoàng Minh Tường
Thứ ba ngày 8 tháng 12 năm 2009 4:49 AM

(Tản mạn trước thềm Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài)
 vspace=12

         1. Tôi giật mình khi đọc được hai chữ “Văn sản” từ một tài liệu của thời Tự Lực Văn Đoàn. Nội hàm thật mới lạ và độc đáo, mà sao bây giờ tôi mới hay. Ngay từ những thập kỷ ba mươi của thế kỷ XX, các nhà văn tiền chiến, như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân... đã quan niệm văn chương là một thứ sản vật, tựa như lúa gạo, khoai sắn, tôm cá, than đá, đồng chì, tre gỗ... Thế nên nếu nước Việt ta có nông sản, thuỷ sản, khoáng sản, lâm sản..., thì tại sao lại không có văn sản? Các nhà văn tự cổ chí kim, có khác gì  những bác nông phu, tiều phu, những chàng ngư phủ, những hiệp thợ lò? Họ vắt óc, đổ mồ hôi  trên trang giấy, lao tâm khổ tứ suốt đời, để làm ra những văn sản. Câu thơ của Viên Mai : “Lập thân tối hạ thị văn chương” chỉ là một cách nói sang của kẻ sỹ, có ý răn đe những ai cố tình dùng văn chương để trục lợi trên con đường tiến thân, chứ không hề khuyên người ta xa lánh, kỳ thị văn chương. Chính cách nói ấy lại là thủ pháp tôn vinh văn chương, dẫn dụ bao “lực điền chữ nghĩa”, bao bộ óc, trái tim mẫn cảm sản sinh ra những “văn sản” tinh tuý.
          Cũng như nông, lâm, thuỷ sản, văn sản cũng có thứ bậc, loại hạng khác nhau. Có lúa nếp thường, nếp dảnh, lại có nếp quýt, nếp cái hoa vàng; có đòng đong, tép mại, lại có cá chép, cá lăng, cá anh vũ tiến Vua; có văn chương bình dân, văn chương phổ thông và văn chương bác học; có văn sỹ hạng hai, hạng ba và văn hào, thi hào, đại văn hào... Nhưng đã xếp vào hàng sản vật thì không chỉ là cá thể. Nông sản, thuỷ sản có hàng trăm, nghìn thứ. Văn sản cũng không thể chỉ thuộc một vài tác giả, một nhóm tác giả, một khuynh hướng, một thời kỳ văn học. Đó là  tài sản văn chương của cả dân tộc từ thuở lập quốc, từ khi có ngôn ngữ chung của cộng đồng, có chữ viết, văn tự. Nổi lên trên toàn bộ văn sản đó, bất chấp mọi công phá của thời gian, của những biến động, thiên kiến của lịch sử, là phần tinh hoa, tinh tuý của văn sản, chúng đồng nghĩa với di sản, trở thành một bộ phận hữu cơ của văn hoá dân tộc.Thế nên, X.Sêdrin thật có lý, khi viết : “ Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết.” Chúng ta hiểu, văn học mà X.Sêdrin nói ở đây là thứ văn học tinh hoa, nằm trong phạm trù di sản văn hoá.
        2. Nước Việt ta rừng vàng biển bạc, rất giàu khoáng sản, nông, lâm, thuỷ, hải sản, nhưng nếu so về văn sản với các nước Tây và Tàu...thì không giàu bằng họ. Điều này có lý do lịch sử, địa lý và nhân chủng. Tuy nhiên nếu kể đến những người xứng danh với nhân loại, chúng ta có quyền tự hào khi nhắc  tới Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Và thực tế, hai thi hào nước Việt đã được thế giới tôn vinh trong đội ngũ những danh nhân văn hoá thế giới.
            Văn sản Việt Nam càng có cơ hội trở thành những sản vật có tính toàn cầu, bình đẳng như những đặc sản Việt, đáng được thế giới biết đến, là từ khi chữ Quốc ngữ ra đời. Đây là thời kỳ đánh dấu sự thay đổi về công nghệ, về phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất: Bút sắt đã thay thế bút lông. Tầng lớp nhà nho được tiếp sức bằng đông đảo đội ngũ Tây học. Văn chương không chỉ để thù tạc, ngâm vịnh chơi bời mà đã trở thành hàng hoá, nuôi sống bao văn nghệ sỹ. Bút danh ĐKG (để kiếm gạo) của Lan Khai; hàng loạt truyện ngắn của Nam Cao về sự vật lộn với cơm áo của anh văn sỹ nghèo; cuộc kiếm sống bằng ngòi bút đến kiệt quệ thân xác của nhà văn tả chân Vũ Trọng Phụng... là những dẫn chứng về một nghề lao động - nghề văn - đã hình thành ở nước ta. Tiếp đến thời kỳ những năm 1930 - 1940, cao trào hoà nhập văn hoá Đông-Tây, văn sản Việt đột khởi bội thu, với phong trào Thơ Mới, với các nhóm văn học Tiểu thuyết Thứ Bẩy, Tự Lực văn đoàn...Nhiều tên tuổi lớn về thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hàn  Mặc Tử, Nguyễn Bính, Tế  Hanh... đã  được  Hoài Thanh,  Hoài  Chân  tôn vinh trong “Thi nhân Việt Nam”. Rồi hàng loạt các cây bút văn xuôi, vừa lộ diện đã lừng lững trên văn đàn, như Ngô Tất Tố,Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam...
             Nếu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là mốc son chấm dứt gần trăm năm dưới ách nô lệ của Chủ nghĩa thực dân Pháp, thì văn học Việt Nam cũng bắt đầu bước ngoặt mới, những mùa thu hoạch mới. Văn học, nhất là văn học hiện thực, thường song hành với những biến cố đời sống, gắn bó với vận mệnh dân tộc, có vai trò kép như  một bộ á sử, mà nhà văn là thư ký của thời đại, đã phản ánh gương mặt nhân dân mình, đất nước mình. Cả theo hai chiều đồng đại và lịch đại, từ đây, văn học và đội ngũ các nhà văn phân theo nhiều tầng bậc, cành nhánh, hình thành văn học kháng chiến, chống Pháp, chống Mỹ, miền Nam, miền Bắc, chiến tranh, hoà bình, trong nước, hải ngoại...
             Có người bảo rằng, so với các bậc tiền bối, các thế hệ nhà văn nhà thơ Việt Nam càng về sau càng “còi cọc”, “thấp bé”, “nhẹ cân” hơn nhiều. Tức là văn sản Việt hôm nay kém hơn văn sản Việt hôm qua.Văn chương  phú quý giật lùi. Thôi, hãy để cái quan định luận, dành việc phân ngôi thứ cho các nhà phê bình mai hậu. Thiên tài thời nào cũng hiếm. Tầm cỡ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du  phải vài trăm năm mới có một, nhưng tài năng cỡ hậu duệ ưu tú của các cụ, văn sản của họ đủ tầm nằm trong bộ sưu tập Việt Nam học của thế giới, có lẽ cũng đã đông đảo tới một đội ngũ...
              Cần phải khảng định rằng văn học nước Việt đã có một nền, một truyền thống với nhiều dòng, nhánh, nhiều thế hệ. Một truyền thống văn học, một nền văn học không thể chỉ có một vài cá thể. Đó phải là một cánh rừng, một châu thổ. ở đó, dĩ nhiên phải nổi lên những đỉnh cao, những đại thụ,  những đồng lúa phì nhiêu, những sông hồ, những vườn hoa đầy hương sắc... Văn học Việt Nam, xét về toàn cảnh và tiến trình phát triển đã gần như thế. Tiếp nối thời kỳ cận đại là một nền văn học kháng chiến và xây dựng (cả chống Pháp và chống Mỹ), và giờ đây là thời kỳ văn học mở cửa, hội nhập với thế giới. Từ đội ngũ một, hai trăm, đã lên tới cả nghìn tác giả. Bất chấp sự bùng nổ của các kênh thông tin, của công nghệ giải trí siêu hiện đại, các nhà văn thế hệ 7x, 8x đang chiếm lĩnh độc giả bằng văn học mạng, bằng các phương pháp hậu hiện đại, siêu hậu hiện đại...Nếu như có một cuộc hội ngộ lớn như Thế vận hội Olempic trong thể thao, World Cup trong bóng đá, tin chắc văn chương Việt cũng không thể xếp cuối bảng thế giới, bởi thể hình, thể lực người Việt có thể còn thấp bé nhẹ cân, vài chục năm nữa mới vươn tới tầm châu lục, nhưng trí lự người Việt, chắc không thua kém tầm nhân loại.

            3. Thời kỳ hội nhập, hầu hết mọi sản vật nông, lâm, thuỷ, hải, khoáng sản của Việt Nam đều đã vượt qua biên giới, được cả thế giới biết đến: gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, sữa, ca cao, tre gỗ, than đá, dầu mỏ, thiếc, bôxit, cá, tôm, hải sản, hàng mây tre đan, đồ mỹ nghệ vv... Đặc biệt là lúa gạo, thứ nông sản truyền thống từ hồi Lang Liêu, hoàng tử của Vua Hùng. Chao ôi, một sự đổi đời. Nghĩ lại cái đận sau năm 1975 mà hãi. Đất nước thống nhất rồi, từ nay trên non sông gấm vóc chúng ta vĩnh viễn không kẻ thù nào dám nhòm ngó tới, vậy mà hơn một thập kỷ dân ta vẫn đói vàng mắt, hết độn sắn, ngô, khoai, đến nhập bo bo, bột mì mà dạ dày vẫn sôi ùng ục. Dân phẫn chí, xui hợp tác khoán chui, rồi Nghị quyết 10, Chỉ thị 100 ra đời, chỉ hai năm, nông nghiệp ta vượt ào qua cửa ải 19 triệu tấn lương thực, đạt 25, 30 rồi 34 triệu tấn. Giờ thì Việt Nam đứng ngất ngưởng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau mỗi Thái Lan. Buồn nhất là họ xuất khẩu gạo dưới dạng hàng hoá, còn ta xuất khẩu sự dư thừa, nên gạo mình ngon cỡ Nàng Thơm, đặc sản tiến Vua, mà giá thành vẫn cứ kém họ từ mười hai đến hai mươi phần trăm (!) Rôì cà phê, chè, cao su, hạt điều, hồ tiêu, dầu mỏ... và rất nhiều sản vật của mình xuất ra thế giới, toàn đứng trong tốp dẫn đầu, nhưng phần lớn cũng mới ở dạng nguyên liệu dư thừa mà chưa có sự tinh chế đến mức thương hiệu độc quyền, nên chịu nhiều thua thiệt.
             Lại phải khảng định rằng, không có vai trò của Nhà nước, sự điều hành và chỉ đạo của các Bộ, ngành, các tổ chức kinh tế..., sản vật của Việt Nam có mọc cánh cũng không thể đi ra thế giới được. Đến như thể sản, nghệ sản (tạm gọi các ngành thể dục thể thao và văn hoá nghệ thuật, như thế), nếu không có vai trò chỉ đạo của nhà nước thì làm sao chúng ta dám mang chuông đi đấm nước người? Một đoàn ca múa nhạc dân tộc đi biểu diễn các nước cũng tốn hàng trăm nghìn đôla. Có một tấm huân chương vàng Whusu, một huy chương đồng cử tạ, một huy chương bạc bơi lội, một á hậu quí bà thế giới...đầu tư mất bao nhiêu tỷ đồng? Ngay như vụ Sea Game lần thứ 25 đang diễn ra ở Lào, để đưa hơn sáu trăm vận động viên và quan chức sang nước Vạn Tượng giành bộ huy chương vàng bạc đồng tổng sắp đứng thứ 2 thứ 3 khu vực... nhà nước cũng phải đầu tư không dưới trăm triệu đôla. Tốn kém và máu đầu tư nhất là bóng đá. Một tổng công ty bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua cầu thủ ngoại, nuôi hẳn một đội bóng là chuyện thường. Một suất thắng người Thái để đoạt huy chương vàng, có khác gì đúc mười một người bằng vàng SJC để sang đấu với họ? Rồi còn lương cho ông thầy Calistô nữa chứ, gấp hàng mấy chục lần lương Chủ tịch Nước. Rồi còn tiền thưởng cho những chân sút sáng giá của các nhà tài trợ, các Tổng công ty, các tổ chức và người hâm mộ khi đội tuyển rinh được chiếc cúp trở về? Vài chục năm trước còn viện cớ chiến tranh, đất nước khó khăn. Bây giờ đất nước mở cửa hội nhập rồi, chơi văn nghệ thể thao là cách chơi của người sang, của anh nhà giàu, có chút của ăn của để cũng phải tìm cách mở mày mở mặt với thiên hạ...
            4. Có lẽ chỉ còn văn sản Việt là lên sàn thế giới sau cùng? Và Hội nghị Quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài được tổ chức tại Hà Nội vào những ngày đầu năm 2010, là một sự kiện đánh dấu cuộc “vượt Vũ môn” đó?
            Sẽ có người bảo: Không hẳn như vậy. Đã có nhiều nhà văn nhà thơ Việt, từ cổ điển, cận đại, hiện đại, đã đi ra thế giới. Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh... đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Thời bao cấp, hàng chục nhà thơ, nhà văn đã được Nhà xuất bản ngoại văn (sau là NXB Thế giới) và các nước trong phe XHCN chọn dịch. Thời mở cửa có thêm hàng loạt tác giả thuộc thế hệ chống Mỹ nữa  được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp (Trừ tiếng Trung của nước láng giềng thân thiết và có nhiều ảnh hưởng với văn hoá, văn học nước ta, có thể do chuyển sang bộ chữ tượng hình khó dịch quá chăng?) 
            Văn chương không nhất thiết là hàng hoá (trừ những tác giả  thời thượng có sách best-saller như nữ văn sỹ J.K Rowling, nguời mẹ đẻ của Herry Potter). Vì thế nhiều tác giả Việt Nam chưa được thế giới vồ vập, sách in vài trăm cuốn mà còn nằm đắp chiếu ở các nhà xuất bản nước họ, cũng là lẽ thường. (Không ít các tác giả kinh điển, tác giả Nobel mà các NXB của ta dịch, cũng ế xưng ra kia). Huống chi, cũng giống như lúa gạo, văn sản ta “xuất” đi, thường mắc vào hai khuyết điểm: một là quá date, hai là sản phẩm dư thừa. Văn chương bi kịch nhất là sự quá date, chưa viết văn đã cũ, chưa họp chợ đã tan ( ý thơ Hữu Thỉnh). Văn chương thời vụ của chúng ta thường mắc nhược điểm này.
           Giờ thì đã có tín hiệu vui cho văn sản Việt rồi. Một hội nghị lớn tầm cỡ quốc gia cho văn học (Do Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra đăng cai, nhưng thực chất đã được chỉ đạo ở tầm vĩ mô Nhà nước). Văn học Việt Nam phải được quảng bá ra thế giới. Nhà nước phải chủ động hình thành những Trung tâm Việt Nam học trên các châu lục. Các tác giả xuất sắc của các thời kỳ văn học, nhất là thời kỳ văn học cách mạng, phải được dịch ra các thứ tiếng thông dụng trên toàn cầu. Các Đại sứ quán của ta ở các nước sẽ nhận sứ mệnh quảng bá hình ảnh Việt Nam, văn hoá, con người đất Việt. Đây là chủ trương của Nhà nước chúng ta. Văn chương quí hồ tinh bất quý hồ đa. Không cần các vị mua ào ào như mua cá ba sa, như mua gạo, cà phê của chúng tôi. Sách bán được cũng tốt mà không bán được cũng không sao. Cứ để trưng bày ở các toà Đại sứ Việt Nam và ở trụ sở Liên Hợp quốc, ở các thư viện lớn thế giới. Chúng ta  sẽ đưa lên mạng toàn câù cho thiên hạ biết Việt Nam đã dựng nước và giữ nước như thế nào? Rồi còn một tầm nhìn đến những năm 2020,2030 nữa: Dịch Văn chương Việt ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức... còn để nhằm tới  bốn triệu người Việt ở hải ngoại, một phần dân tộc Việt ở ngoài biên giới. Vài năm nữa, các thế hệ thứ ba, thứ tư người Việt sẽ không nói được tiếng mẹ đẻ. Cho nên họ phải biết Tổ quốc mình, dân tộc mình qua các tác phẩm văn chương. Sẽ có một số tác phẩm được in cả song ngữ và phát không cho các trường học tập trung đông con em Việt kiều. ấy là chưa kể phải tạo nguồn cho nhiều trung tâm văn hoá, nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã và đang hình thành các khoa tiếng Việt, các giáo trình Việt Nam học. Đất nước càng phát triển về kinh tế, càng phải vươn cao tầm văn hoá. Hàn Quốc từng tốn hàng tỷ đola để quảng bá văn học, phim ảnh của họ ra nước ngoài. Thái Lan, Ba Lan, Hy Lạp, Đài Loan,...và nhiều nước, hằng năm  bỏ tiền lập các giải thưởng văn học, mời các nhà thơ đến giao lưu, để quảng bá hình ảnh đất nước họ...Mình dịch sách cho người Việt mình và cho thế giới, lãi ấy là vô giá.
             Có thể nghĩ đến một viễn cảnh văn sản Việt lên ngôi: Đến bất cứ hiệu sách lớn nào tại thủ đô các nước trên thế giới, cũng gặp một vài đầu sách của các nhà văn nhà thơ Việt Nam. Kìa, chào anh bạn Johnnie Walker, bạn đang cầm trong tay tập thơ Quốc Âm thi tập, mới dịch ra tiếng Anh của ức Trai Nguyễn Trãi, đại thi hào của chúng tôi đấy. Bạn có nghĩ, người ănglô Xắcxông cao quí của các bạn, từ hơn 600 năm trước có thể làm nổi một bài thơ tầm cỡ triết gia như bài “Mộc cận” này không nhé: “Bóng nước hoa in một đoá hồng/ Vẩn nhơ chẳng bén bụi là lòng/ Chiều mai nở, chiều hôm rụng/ Sự lạ cho hay tuyệt sắc không?” Anh chàng Ănglô Xắcxông chỉ biết ngẩn người, bái phục. Đấy, văn sản tinh tuý khi xuất dương, là thế.

               5. Người nông dân, chỉ biết làm ra hạt lúa, hạt cà phê...để nó trở thành nông sản hàng hoá. Xuất khẩu gạo, cà phê (và cả việc cạnh tranh với Thái Lan, Brazin nữa), là của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, của nhà nước. Người viết văn cũng vậy, nhiệm vụ của họ là làm ra văn sản đặc hiệu. Xuất khẩu ra thế giới là công việc của nhà nước.( Nhà nước trực tiếp ở đây là các Bộ Truyền thông, Văn hoá, Ngoại giao. Bộ Truyền thông vời hệ thống tuyên truyền, PR trên các kênh thông tin, báo chí; Bộ Văn hoá, với các nhà xuất bản ngoại văn, các công ty phát hành sách ra nước ngoài; Bộ Ngoại giao, với các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, các Vụ chức năng... Đây là những cổng ra của Văn hoá Việt). Giá như chúng ta có các Đại sứ văn hoá..., cỡ như G.Marquez, P. Neruda, T. Aimatov, những nhà văn lừng danh, thì chắc công việc truyền bá văn học, văn hoá Việt sẽ hữu hiệu hơn nhiều...
           Hội nhà văn, một hội nghề nghiệp, vừa lo việc sáng tác, vừa lo dịch sách, bán sách ra nước ngoài, là quá ôm đồm. Có khác nào anh nông dân vừa làm ra hạt thóc, vừa phải xay giã đóng bao đem đi xuất khẩu. Giá như có một Hiệp hội dịch thuật, dưới sự bảo trợ của Nhà nước, chuyên giao dịch với các nhà xuất bản trên thế giới, tìm kiếm đối tác (gồm các nhà xuất bản trên thế giới, các nhà văn, dịch giả uy tín) chuyên chọn lựa các tác phẩm ưu tú ( Với các tác phẩm đúng định hướng tuyên truyền, thì nhà nước tài trợ toàn bộ kinh phí, với các tác phẩm được đối tác bao tiêu thì nhà nước hỗ trợ pháp lý...), rồi tổ chức dịch thuật và quảng bá. Đã đến lúc Hội đồng văn học dịch nên tách khỏi Hội nhà văn Việt Nam để trở thành một Hiệp hội độc lập ( hoặc một Tổng công ty dịch thuật – Tất nhiên bao gồm cả dịch xuôi và dịch ngược). Như thế, qui trình đưa văn sản tinh tuý nước nhà ra thế giới sẽ chuyên nghiệp, mà cũng khoa học, khách quan hơn.
           Điều hết sức quan trọng là, để tài trợ cho cuộc “ăn chơi” xa sỉ và tốn kém này, cũng  như  từng  ứng  xử  với  thể sản,  nghệ sản,  mỗi năm nhà nước ( hoặc nhà nước kêu gọi những nhà doanh nghiệp, những nhà tài trợ hảo tâm) dành cho hoạt động dịch thuật và quảng bá tác phẩm văn học này một nguồn kinh phí ( chắc là ít tốn kém hơn nhiều so với nghệ sản, thể sản) để hoạt động.
           Tin rằng, Hôi nghị Quốc tế giới thiệu văn học Vịêt Nam ra nước ngoài, sẽ đạt được nhiều thành công như và hơn những dự định. Văn sản Việt đang lên sàn văn hoá Thế giới. Chẳng cần thắng ai. Chỉ cần góp với thiên hạ một bản sắc Việt.

Hà Nội, tháng 12.2009
H.M.T