(Cảm nhận về tập thơ Giữ lửa của Bảo Ngọc)
... Giữa đêm và ngày, giữa ánh sáng/ bóng tối, giữa u mê/ thức nhận, quyết đoán/ ngập ngừng...Đó là thái độ “tự vấn” của một ý thức đã trưởng thành. Luôn xác quyết cho mình một thái độ dấn thân - trong nghệ thuật, cũng như trong đời thực cho một nhân cách sống không cũ mòn, không đơn điệu, lặp lại người khác...Được là chính mình để sống Tự do và Dâng hiến.
1- Là một nữ nhà báo, công tác tại Báo Thiếu niên tiền phong. Cách đây gần 20 năm, chị đã tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du. Cứ như “Lời ngỏ...” của tác giả ở đầu tập thơ, chị “viết chậm và khá nghiêm khắc với bản thân mình...”. Nhưng chỉ trong năm nay, chị công bố liền một lúc hai tập thơ: Bến quê và Giữ lửa. Trong đó, tập Giữ lửa chỉ chọn 54 bài thơ trong hơn 20 năm sáng tác.Tập thơ đầu, chúng tôi chưa được đọc; tập Bến quê có 3 phần, trong đó phần I là tiêu biểu hơn cả - là căn cứ chủ yếu cho những dòng cảm nhận này.
Cho dù chỉ mới đọc qua một lượt, người viết bài này vẫn ngạc nhiên thích thú trước một “cảm giác thơ” mới mẻ ùa vào. Có thể sẽ là ảo tưởng nếu đòi hỏi ở đây một “trường - thơ” khiến người đọc “bùng nổ” trong một cơn say sáng tạo lớn, thường chỉ gặp ở những tác gia thiên tài(!) Song - ít nhất tập thơ, từ bài này sang bài khác cũng đã thể hiện một lối thơ giàu chiêm nghiệm, lắng đọng, khái quát, nén chặt mà vẫn run rẩy non xanh từng khoảnh khắc sống đang trôi; những khoảnh khắc dù đã “mặc định” bằng những ký tự trang giấy, vẫn hít thở, cựa quậy, sinh thành... Do vậy, tôi đọc thơ Bảo Ngọc luôn với một tâm trạng dò tìm, vừa đọc tới vừa ngẫm lại - tức phải đọc lại - mong thấm hết, ngấm sâu cái ý vị, tâm cảm của thơ muốn truyền đạt. “Hút” người độc giả vào một “tâm thế” đọc - thưởng thức hào hứng như vậy đã là một phương diện thành công của tập thơ.
2- Nghệ thuật thơ, dù thuộc trường phái nào – bằng cách này hay cách khác, kể cả bằng cách “tượng trưng”, “siêu thực”...; bằng tưởng tượng cao siêu, phóng khoáng nhất – chưa bao giờ cắt đứt cuống rốn nối với Người Mẹ của nó là Cuộc sống hiện thực. Với Nghệ thuật Thơ, cũng như các loại hình Nghệ thuật nói chung, hiện thực ấy chính là Thân phận – Thế phận người, được người nghệ sỹ căn vặn, mổ xẻ, “trưng bày” theo cách riêng không lặp lại. Dù là loại thơ chỉ trình bày tâm trạng, cảm giác chủ quan của bản thân tác giả, tưởng như không liên quan đến ai, đến cuộc sống im lìm hay ồn ã, bi thảm hay thăng hoa bên ngoài; xét cho cùng, đó vẫn là sản phẩm của Đời sống, vì ít nhất nó cũng là sản phẩm của một sinh - thể - sống là bản thân tác giả đó thôi; còn thứ thơ đóng kín, biệt lập đó có thu hút người đọc hay không, còn phụ thuộc vào tài năng tác giả. Những ai đã giã từ “mô thức”, “hệ hình”, hay nói đơn giản là cách làm của thơ Việt từ trước khi có những làn sóng cách tân thơ – một cách quy ước, được khởi đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước - để bắt nhịp với cuộc sống đương đại, có lẽ sẽ thấm ngay chất thơ của Bảo Ngọc trong tập thơ Giữ lửa. Có lẽ, từ khi có Nghệ thuật thơ cho đến nay, cái gốc của thơ bao giờ cũng nảy sinh từ những va đập của cuộc sống vào tình cảm, tư tưởng của người làm thơ theo cách gọi chưa bao giờ cũ, đó là “tức cảnh sinh tình”. Song, cách thức thể hiện thì đã khác. Cảnh, không chỉ là cảnh trước mắt, mà cùng lúc, chen chúc ùa về, “đồng hiện” bao nhiêu liên tưởng của quá khứ, của những tri thức văn hóa Đông – Tây kim cổ, xoắn bện cùng những suy tư, thức nhận riêng của nười làm thơ – thì không nhất thiết chỉ có một con đường là “trình bày” thơ giống như cách cũ. Mà ngươc lại, người làm thơ bây giờ có nhiều lựa chọn hơn; thơ có thể trở nên “phức hợp” hơn, có nhiều “đột phá” hơn, miễn là để cho người đọc có khả năng tìm thấy cái “chìa khóa” đặng “giải mã” thơ. Cũng đồng nghĩa với người đọc phải nỗ lực hơn, phải vắt trí não nhiều hơn, dù chỉ để “cảm” mà không nhất thiết phải hiểu thứ thơ Mới – Mới này (nếu có thể gọi tên dòng thơ Cách tân như vậy).
Với nhiều thi phẩm thành công, như: Khát vọng, Giữ lửa, Đêm, Cảm hứng, Ý nghĩ... và nhiều bài khác nữa trong tập thơ Giữ lửa tác giả Bảo Ngọc đã đứng hẳn vào dòng thơ cách tân, với những đặc điểm như vừa kể. Đây có thể coi như đặc điểm thứ nhất của thơ Bảo Ngọc, thông qua tập Giữ lửa.
3- Trong nỗ lực đi tìm cách biểu hiện riêng, Bảo Ngọc thường trình bày thẳng dòng tâm trạng - ý thức chủ quan của mình, là kết quả của những chiêm nghiệm trong quá trình sống, mà không nhất phải mô tả lại những mảng sống hiện thực đó. Có đưa vào thơ chăng, chỉ là những nét chính yếu nhất, ấn tượng nhất. Tác giả tỏ ra có “biệt tài” “vật chất hóa” những thứ vốn trừu tượng, vô hình, như không - thời gian cho đến cả cảm giác và ý niệm... Đây lại là đặc điểm nổi trội thứ hai của thơ Bảo Ngọc. Thả tâm trạng, suy tư của chính mình vào môi trường “nửa nhân tạo” ấy cho nó vận động, phát triển để tác động một cách trực cảm vào người đọc, thông qua các giác quan chứ không chỉ đơn thuần tác động bằng lý trí. Trong môi trường “vật chất hóa” của các lĩnh vực trừu tượng ấy, không phân biệt đâu là sự nhạy cảm tinh tế bẩm sinh, đâu là tri nhận sáng suốt của tri thức, cùng với kinh nghiệm, trải nghiệm sốngcủa chính tác giả:
- Ta cởi hết cô đơn vào đêm/ Ta ném nỗi buồn xuống cỏ (Cảm hứng)
- Sự im lặng/ Trườn vào tôi/ Bằng chiếc lưỡi ngọt, mềm, sắc, lạnh (Đêm)
- Ta đem ý nghĩ chạy theo con đường/ Nhưng con đường chẳng dài hơn ý nghĩ/. Đem ý nghĩ vào đêm/ Ta lạc lối giữa những mộng mị/. Ý nghĩ/ Vụt lóe như tia chớp/ Dai dẳng hơn sự cô đơn tiền kiếp (Ý nghĩ)
- “...Trời đang Xuân/ Giữ lửa làm gì?" - "Để hong những giọt buồn mặt đất!” (Giữ lửa)
- Trong ngôi nhà của đêm/ Những đôi mi khép chặt/ Cửa bật mở/ Vài giấc mơ còn thức/ Chúng băng qua những con đường dấu chân không chạm đất/ Cháy bùng lên đôi cánh lửa khổng lồ (Khát vọng)
- V.v...
Lối khai triển bài thơ giàu trực cảm và suy tư - tự vấn ấy đã làm đà cho những khái quát thơ khúc chiết mà vẫn tươi mới, tự nhiên như chính những biểu - hiện - sống vi tế quanh ta (các đoạn thơ trích đưới đây - là cùng trong một bài của những đoạn thơ đã dẫn ở trên) :
- Thiên hạ u mê, ta thức một mình...)/ Này người tình già/ Hãy thoát khỏi cơn mê/ Ta lạc lối cõi này đã ngàn năm có lẻ/. Hãy đi cùng ta/ Người còn tiếc gì cái ao tù này nữa? (Cảm hứng)
- Sự mất ngủ của bầy đom đóm/ Hắt lên những quầng sáng bầu trời/ Là sáng tạo?/ Hay hủy diệt?/ Sự mất ngủ của con người! (Đêm)
- Như khối vuông ru bích/ Ý nghĩ ẩn sau từng khuôn mặt/. Ngạo nghễ mỉm cười Ý nghĩ dẫn dắt ta bằng trò chơi đuổi bắt/. Một mình vượt qua sợ hãi/ Ta cuộn mình/ Dẫn ý nghĩ/ Chơi xếp hình con chữ (Ý nghĩ)
- "Này em! Giữ lửa mãi làm gì?" - "Để bình thản cháy"/ Và an nhiên tắt (Giữ lửa)
- Cái chết?!/ Tự do?!/ Có lời nhắc thầm trong không gian lặng ngắt/ Hãy trút hết bộ trang phục của ngày bó chặt/ Trút mọi chiến công, bổn phận, hình hài/ Chạng vạng ban mai/ Kẻ tàng hình/ Vẽ trăng, sao/ Tạc những linh hồn trên cánh đồng số phận! (Khát vọng)...
4- Bằng những dẫn chứng thơ (trong phạm vi bài cảm nhận ngắn này, mới trích dẫn được ít dòng thơ như trên và bạn đọc sẽ tự mình tìm thấy trong tập thơ Giữ lửa), chứng tỏ: Cùng trong dòng thơ cách tân, những bài thơ của Bảo Ngọc trong tập thơ Giữ lửa - theo tôi, luôn luôn là tiếng nói nội tâm , là tác giả “tự vấn” lương tâm mình - tự vấn ở những vấn đề căn cốt nhất của cuộc sống Làm Người. Như: “Ta” là ai? “Ta” sẽ làm gì, làm như thế nào? Làm sao để được là mình, được sống đúng mình với trái tim khao khát tự do và dâng hiến? Đây là đặc điểm thứ ba của thơ Bảo Ngọc qua tập Giữ lửa.
5- Một cách tự nhiên, những điều “tự vấn” của Bảo Ngọc như cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều người. Thông qua những hình tượng, thi ảnh, ngôn ngữ giản dị, quen thuộc của cuộc sống thực, như: ánh trăng, mặt trời, mây, gió, lửa, cánh đồng v.v... thơ Bảo Ngọc càng “bắt nhạy” vào những trăn trở ấy của lớp người đọc - mà người viết bài này tin là số đông - dù trong hoàn cảnh nào, xuất thân ra sao, vẫn chưa bao giờ ngừng trăn trở cùng một vấn đề như tác giả đề cập bằng thơ, trong tập Giữ lửa. Thơ Bảo Ngọc đứng giữa lằn ranh của nội tâm tác giả và những cảnh huống bên ngoài. Có điều chỗ giáp ranh này chính là nơi hội tụ - chứ không phải phân chia – hai phạm trù vốn “đối nghịch” nhau hơn là hòa nhập. Phẩm chất đáng quý này chính là đặc điểm thứ tư của thơ Bảo Ngọc.
Đến đây, liệu có thể nói rằng: tác giả Bảo Ngọc - một bản lĩnh thơ, vững vàng trên con đường cách tân thơ; thơ có cá tính, cách biểu hiện riêng, đồng thời không xa lạ với những vấn đề quan thiết của cuộc sống làm người – đặt trong bối cảnh của cộng đồng xã hội.
20/12/2015
Đinh Ngọc Diệp