Trang chủ » Tin văn và...

CHUYỆN VUI THÔI MÀ

Nguyễn Thành Phong
Thứ hai ngày 17 tháng 8 năm 2009 2:27 PM
 
TNc: Sau mấy bài trao đi đổi lại giữa nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát và nhà văn Nguyễn Quang Lập, hôm nay lại thêm ý kiến của Nguyễn Thành Phong. Trannhuong.com ở giữa cứ đưa bài lên vô tư. Nhưng xét thấy chuyện chỉ có thế nên ta hãy học tập Quốc hội vừa rồi kết luận về bauxite dù rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng vẫn đồng thuận. Việc đại sự còn dễ đồng thuận thì chuyện văn chương chúng ta cũng nên đồng thuận cái rụp cho qua,,,

Chuyện tôi liên quan đến phim Canh bạc là một kỷ niệm vui. Bây giờ tôi cũng vẫn cho là như thế. Canh bạc gán vợ của tôi chính xác là Truyện vụ án. Hồi đó loại truyện này khá ăn khách, nó là truyện bịa nhưng cố viết sao cho giống là như thật, đã xảy ra ở đâu đó. Canh bạc gán vợ in trên Tiền Phong chủ nhật số 8 năm 1989. Hồi đó tôi có thân thân với một cô phóng viên trẻ chuyên viết về văn hoá văn nghệ. Sau khi truyện in được 1, 2 năm gì đó, cô phóng viên gặp tôi, bảo em vừa đi họp báo chiếu ra mắt phim Canh bạc, thấy nó giống như truyện của anh trên báo. Tôi hỏi giống thế nào. Cô ấy nói thì cũng một anh lái xe yêu một cô sinh viên bỏ học, đánh bạc trên vùng dân tộc, thua cháy túi rồi thua tiếp phải gán vợ cho đám bạc. Cả hai giở báo ra xem thì thấy đúng là thế. Cô phóng viên hỏi sao họ không ghi tên anh, họ có trả tiền anh không rồi bảo tôi phải làm rõ chuyện này. Tôi bảo, ngại lắm, anh chả quen chị Nguyễn Thị Hồng Ngát với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đi hỏi thành ra mình đòi nổi tiếng với đòi tiền a? Cô phóng viên bảo để em hỏi. Tôi bảo thôi, tùy em, còn bụng thì vui mừng và phục quá, từ cái truyện vụ án của mình mà họ làm được cả một bộ phim thì tài quá.
Sau đó mấy hôm, Lưu Trọng Ninh dẫn một em xinh đẹp (là Ngô Hương, một người đàn bà có tiếng thời nay, lúc đó là người yêu, sau thành vợ Ninh) tìm đến nhà tôi, bảo tôi đạo diễn phim Canh bạc theo kịch bản của chị Ngát, cũng nghe chị Ngát nói làm kịch bản từ chi tiết trên báo Tiền Phong. Tôi đưa Ninh xem tờ báo. Xem rồi Ninh bảo, phim tôi đã hoàn thành, giải tán đoàn rồi, kinh phí cũng đã kết toán, giờ ông có ý kiến về việc này thì phức tạp cho tôi quá, tôi cảm ơn ông, xin lỗi ông và mong ông thông cảm. Tôi lại bảo, thôi, ông dẫn một em xinh đẹp thế này đến cảm ơn và xin lỗi tôi là được quá rồi, à khi nào phim chiếu ngoài rạp thì báo để tôi đưa vợ con đi xem. Chia tay, tôi vui và khoái vì Ninh là con nhà thơ nổi tiếng Lưu Trọng Lư thế mà vẫn cẩn thận tìm đến mình cảm ơn và xin lỗi, còn gì nữa.
Một thời gian sau, tôi mới gặp chị Ngát ở một cuộc họp gì đó. Chị bảo, hoá ra cái Canh bạc gán vợ trên Tiền Phong là của Phong à, chị thấy ghi tên khác cơ mà. Tôi bảo vâng, ghi là Truyện vụ án của Phương Nguyên, bút danh của em chuyên cho loại truyện này. Chị bảo, thế nên chị không biết để liên hệ. Tôi bảo chị chỉ cần điện thoại đến báo TP là biết ngay, nhưng thôi, chuyện qua rồi và cũng may, nếu truyện ấy mà là của một ông nhà văn lớn nào đó thì không chừng rắc rối. Tôi nói thế vì biết lúc đó rất nhiều nhà văn oai hùng viết loại truyện này ký đủ các bút danh. Có lần tôi vào CA Vũng Tàu, gặp mấy nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn, Trần Văn Tuấn và cả nhà thơ Trần Mạnh Hảo cùng xoay trần ra viết truyện vụ án theo đặt hàng của CA Vũng Tầu để in sách bán chạy hơn tôm tươi, nhuận bút khá lắm. Tôi cũng nhảy vào viết ké mấy cái, riêng tiền tạm ứng về Sài Gòn đã mua được chiếc máy đánh chữ xách tay hiệu Olympia và khối quà cho vợ con. Nghe tôi nói, chị Ngát bảo ừ, chị quên, đúng ra là phải điện thoại hỏi báo TP, thôi em cho chị xin lỗi nhé, cảm ơn em. Tôi vâng. Chị cười tươi ký tặng tôi tập thơ mới in. Tôi sướng, về ngay nhà để đọc những bài thơ tình nồng nàn, dào dạt của chị…
Chuyện chỉ vậy, và tôi vẫn vui suốt từ đó đến nay mỗi khi nghĩ về chị Ngát hay Lưu Trọng Ninh. Mà tôi có khối chuyện như vậy. Có lần nghe trên Đài TNVN một bài hát phổ thơ mình. Hỏi ra thì là một nhạc sỹ trong Huế phổ bài thơ tôi in trên báo QĐND. Anh ấy gửi ra bản nhạc, ghi là phổ thơ Nguyễn Thành Phong, và mình vui sướng ngay. Hay nhà biên kịch Lê Hoài Nguyên chuyển thể tiểu thuyết của tôi thành bộ phim Mùa hạ không quên hai tập, phát trên VTV1, bảo anh chuyển thể tiểu thuyết của chú, để anh gửi tiền bản quyền. Tôi bảo, thôi, có đáng gì, bác chuyển thể tiểu thuyết em là vui rồi, để em mời bác bữa bia nhá. Thế là lại vui suốt.
Tôi tôn Nguyễn Quang Lập là thầy về biên kịch điện ảnh. Có lần thầy Lập tinh tướng, trò Phong bảo, này ông, tôi vào điện ảnh Việt Nam trước ông, đấy cái phim Canh bạc là như thế, như thế, Nguyễn Quang Lập cứ thế a, thế a, có vẻ nể tôi, thế mà vui mãi.
Mới đây Lập viết Bạn văn 28, cũng chẳng cho tôi biết và đọc trước. Sau thấy chị Ngát phản hồi. Liên quan đến phim Canh bạc, chị nói đúng cả, chỉ có chi tiết Canh bạc gán vợ là cái tin rao vặt trên báo và không có tên tác giả thì sai thôi. Chuyện cũng đã lâu rồi, gần 20 năm, nhớ nhớ, quên quên thì cũng thường tình.
Tiện vẫn giữ được tờ báo thì gửi Nguyễn Quang Lập, Lê Thiếu Nhơn và mọi người xem và nói thêm là tên truyện đầu tiên tôi viết là Canh bạc động trời dài hơn 4000 chữ. Khi in báo TP có được biên tập ngắn đi và đổi tên là Canh bạc gán vợ, được quảng cáo ngay trên trang nhất, in gần trọn hai trang 16, 15 số báo này. Sau đó tôi in truyện này, dài 15 trang in cùng với 8 truyện khác thành một tập riêng lấy tên Người đẹp quán Tầm Dương (XB năm 1991, tái bản 1992), rồi in dài gần 10 trang trong tập Vùng cấm của nhiều tác giả (Nxb Lao động, 1992), sau đó còn in ở một vài nơi nữa.
Mà cũng tiện thể gửi luôn cái bản đầy đủ truyện này cho mọi người xem. Không hay đâu nhưng xem để biết gần 20 năm trước, loại truyện này là ăn khách đấy.
 
Kính gửi: Chị Hồng Ngát!
Đây là chuyện vui với em. Lập viết Bạn văn 28 cũng chỉ để cho vui thôi, chẳng phải bình công, xét thưởng. Phim Canh bạc chả phải tác phẩm truyền đời, Bạn văn 28 không là văn bia khắc đá. Giả sử chuyện có đúng như chị nghĩ thì cho em ăn theo tăm tiếng của chị một chút. Thôi đừng nghĩ ngợi nữa nha. Em đọc báo thấy chị đang sống hạnh phúc ngời ngời, thơ vẫn in, phim vẫn làm, rời ghế cục phó lại ngồi bàn giám đốc, lại mới mua xe ô tô, tự lái veo véo đi chơi, đi công cán, thích thế còn gì.
Chị có lần bảo em, khi nào viết thêm cho dài cái kịch bản Bí mật rừng Pha Luông được giải A NXB kim Đồng thành phim nhiều tập về bọn trẻ con vùng Tây Bắc làm với Hãng phim Hội điện ảnh của chị. Em vẫn nhớ đấy. Đừng vì việc này mà quên em nhé.
Chúc bà chị luôn trẻ, luôn vui!
Em Phong