Trang chủ » Tin văn và...

TỌA ĐÀM TÁC PHẨM ĐẶNG THIỀU QUANG

Trần Nhương
Thứ năm ngày 20 tháng 8 năm 2009 6:05 AM

Đặng Thiều Quang sinh năm 1974 nhưng vướng vào văn chương từ thời niên thiếu. Cái bút danh Đactanhang đã làm bao bạn đọc tuổi hoa mê mệt. Khác với trang lứa, Thiều Quang chung thủy với văn chương hơn cả. Đến nay Thiều có gần 10 tên sách xuất bản.
   Tiếp theo các cuộc hội thảo về Phong Điệp, Di Li, lần này Ban Nhà văn Trẻ HNVVN thảo luận tác phẩm Đặng Thiều Quang. Sáng 18-8-2009 hội trường Hội Nhà văn VN ăm ắp gương mặt trẻ. Nhà văn trẻ, nhà phê bình trẻ, nhà báo trẻ, bạn đọc trẻ.
  Cuộc tọa đàm thoải mái khen chê thật lòng không màu mè tâng nhau thái quá nên đúng là không khí văn trẻ.
  Gã đầu bạc Phạm Xuân Nguyên có duyên với lớp trẻ, giọng xứ Nghệ cầm chịch mà hay hơn Lại Văn Sâm. Tôi là anh già đến hội thảo chỉ gửi gấm vào các bạn trẻ hãy vượt lên lớp già, viết hết cỡ, viết chưa cần in ngay vì thời nay là thời của tiểu thuyết của văn xuôi. Nếu cụ Nam Cao, Nguyễn Công Hoan sống lại thì tha hồ viết Chí Phèo, Sống mòn, Kỹ nghệ lấy Tây, Người ngựa ngựa người tập 2, tập3, tập 4…

 
Tác phẩm chính của Đặng Thiều Quang:

Hoen gỉ, Tôi và D’ Artagnan, Chờ tuyết rơi, Đảo cát trắng, Bóng giai nhân, Phải lòng…



Phạm Xuân Nguyên cầm chịch cùng tác giả Đặng Thiều Quang

 
Phó ban Nhà văn trẻ Võ Thị Xuân Hà tặng hoa Đặng Thiều Quang
 
 
Võ Thị Xuân Hà và Trang Hạ
 
 
Di Li có lời
 
 
Nhà nghiên cứu văn học trẻ Trần Tố Loan . Bên kia Phạm Ngọc Tiến nghĩ ngợi
 
 
Toàn trẻ trừ gã đầu bạc



Tố Loan và Thiều Quang trông khá oách

 
Phạm Ngọc Tiến phê phê ngố ngố


Đặng Thiều Quang - sự trở về đầy thách thức 

(Toquoc)- Sáng 18/8, Ban công tác Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam cùng một số công ty sách đã tổ chức buổi toạ đàm tác phẩm Đặng Thiều Quang.

 Đặng Thiều Quang là một trong số những cây bút đến với văn chương khá sớm và để lại dấu ấn của mình bằng giọng điệu hài hước lôi cuốn, tài hoa gắn với bút danh Đăctanhăng cách đây hơn mười năm trên báo Hoa học trò. Nhưng rồi sự im hơi lặng tiếng của cây bút này đã khiến không ít người cho rằng anh đã bỏ văn chương hoặc những mơ mộng của con chữ đã làm tròn xứ mệnh tuổi hoa niêm và chấm dứt vai trò của mình. Thế rồi, như một kẻ còn mắc nợ, sau những mê mải cũng như va đập của cuộc sống, Đặng Thiều Quang lại trở về với văn chương, lại tiếp tục cần bút và anh cho rằng: “Khi quay trở lại viết, tôi đã coi nó là nghề nghiệp của chính mình và sẽ theo đuổi đến cùng”. Đến nay gia tài văn chương của anh đã có các tập sách: Hoen gỉ, Tôi và D,Artagnan, Chờ tuyết rơi, Đảo cát trắng, Bóng giai nhân, Phải lòng. 

Tham dự buổi toạ đàm có khá nhiều ý kiến được đưa ra trước những tác phẩm của Đặng Thiều Quang. Mở đầu là Trang Hạ - cây bút cùng thời với Đặng Thiều Quang đưa ra 5 điểm mà chị coi là không hợp lý và cho rằng “Đàn bà không giống như Đặng Thiều Quang tưởng tượng”. Còn cây bút trẻ hơn - Nhã Thuyên thì đưa ra 3 lưu ý xung quanh tác phẩm của tác giả, đó là những triết lý bộc lộ hơi dễ dãi. Nếu chỉ dừng lại ở mơ hồ, bảng lảng thì sẽ không thực sự khắc sâu và dễ dẫn đến cái gọi là triết lý bề mặt. Dù Đặng Thiều Quang chưa đọc Murakami nhưng trong tác phẩm của anh, người đọc nhận ra có sự ảnh hưởng. Khi viết về tình dục với mật độ dày đặc, tác giả tỏ ra là người can đảm. Tuy nhiên để hấp dẫn người đọc đôi khi mật độ chưa phải là yếu tố tiên quyết. 

Cùng mổ xẻ về nhân vật của Đặng Thiều Quang có khá nhiều quan điểm giống nhau. Đó là dường như ở mỗi tác phẩm của anh, dù là tiểu thuyết hay truyện ngắn thì nhân vật đều có sự nối dài. Đó là sự bộc lộ giới hạn chung của người viết trẻ hôm nay. Thấp thoáng sự đỏm dáng, vụn vặt trong văn chương. Kết thúc không như tác giả muốn và chính tác giả lờ mờ nhận ra điều ấy nhưng không đi đến tận cùng. Hay nói cách khác, như ý kiến của Nguyễn Chí Hoan là vì tác giả chưa kể xong, chưa hoàn chỉnh một câu chuyện. Chính vì thế mà ở một tác phẩm nhân vật được khai sinh thì vẫn theo cái mạch đó độc giả có thể dễ dàng nhận ra con người ấy, dù gương mặt có khác nhưng lối suy nghĩ ấy, hành xử ấy vẫn quen thuộc làm cho người đọc nhàm chán. Chính vì thế mà Đặng Thiều Quang là cái tên dù được nhiều người nhắc đến nhưng để chỉ ra một truyện ngắn tiêu biểu cho anh thì thật khó. Lý giải một phần về sự thiếu hấp dẫn này, Trang Hạ đưa ra sự so sánh. Tại sao khi tác phẩm của Đặng Thiều Quang viết ra và được đưa lên mạng thì độc giả, trong đó có bản thân chị lại hào hứng say sưa đọc hơn gấp nhiều lần khi nó được in ấn thành những tập sách truyền thống. Hay là có những tác phẩm chỉ nên tồn tại ở trên mạng? 

Còn theo đánh giá của các nhà văn đi trước thì ngoài những ghi nhận về sự trở lại của cây bút quen thuộc từ nội dung đến hình thức thể hiện cũng đưa ra lời khuyên cho tác gủa. Nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoà đánh giá, trong các tập sách của Đặng Thiều Quang thì tiểu thuyết Bóng giai nhân là đỉnh cao nhất của tác giả. Nếu tác giả không vượt qua tác phẩm này thì sẽ dừng lại. Khi đọc Bóng giai nhân mới đầu thì ông thấy nó “cụ thể,” sau thì “không cụ thể” và đọc xong rồi thì thấy “có thể”. Và chính điều “có thể” mới làm cho độc giả nghĩ nhiều. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng phần cuối của Bóng giai nhân là không cần thiết, nó thể hiện sự thiếu tự tin của người cầm bút. Khi cầm trên tay tập truyện ngắn mới nhất - Phải lòng của Đặng Thiều Quang ông đã đưa ra những mở đầu tác phẩm mà người kể chuyện là nhân vật tôi, như vậy sẽ kém hấp dẫn với độc giả. Còn nhà văn Phạm Ngọc Tiến thì tiếc cho tác phẩm ở phần “vĩ thanh” làm lộ cái kết và phá vỡ kết mở của cuốn tiểu thuyết.  

Tiếp thu những nhận xét trong buổi toạ đàm, nhưng ngay bản thân tác giả cũng khó có thể nói trước được cho rằng  liệu mình có thể không khai thác, không viết về những cái gì thuộc về cái tôi không, bởi “khi viết về cái tôi cũng chính là viết về mọi người” - Phạm Xuân Nguyên. Và điều đó có trở thành thực sự hay không chính là thử thách vượt qua chính mình của Đặng Thiều Quang. 

Được biết, dù chưa có kết quả cuối cùng, nhưng cuốn tiểu thuyết Bóng giai nhân của Đặng Thiều Quang lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Hiền Nguyễn 

Nguồn: Tổ quốc