Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẤT MẸ QUÊ HƯƠNG ĐÓN ĐỨA CON YÊU

Trần Phương Trà
Thứ tư ngày 13 tháng 5 năm 2015 9:54 AM


“Của tôi Tổ quốc Việt Nam

Yêu thương như thể tháng năm đời mình”….

Đó là hai câu thơ của Thùy Dương trong một bài thơ đã được chị Nông Thị Nhuận phát nhiều lần trong chương trình Tiếng thơ. Là một biên tập viên văn nghệ kỳ cựu của Đài từ năm 1961, chị kể:

- Tôi đã phát bài thơ của Thùy Dương và thật bất ngờ năm 1968, anh Trần Mạnh Thường về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam mới biết bút danh đó là của Trần Mạnh Thường.

Khi học trường Phổ thông cấp 3 Lê Hồng Phong ở thành phố Nam Định, Trần Mạnh Thường đã say mê văn học, trở thành một học sinh giỏi văn và đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc với bài thơ về đề tài “Việt Nam – tổ quốc thân yêu” sáng tác tại phòng thi.

Trần Mạnh Thường đã tốt nghiệp khóa 9 khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1964 – 1968) cùng với các anh Lê Ngọc Y, Trần Thiên Nhiên, Ngô Thế Oanh, Lại Nguyên n…

Nhà thơ Trần Nhật Lam cho biết:

- Anh Trần Thiên Nhiên kể lại là sinh viên khóa 9 trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã từng học pháo binh trong khóa quân sự ở Sơn Tây. Trần Mạnh Thường tập kéo pháo, đẩy pháo lên đồi rất giỏi.

Trần Mạnh Thường trọn đời gắn bó với làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Là biên tập viên, phóng viên, anh cẩn trọng, tỉ mỉ làm công tác biên tập, viết bài sau này duyệt bài và kiểm thính. Anh sống chan hòa, chân thực, yêu quý bạn bè và bao dung.

Trong một chuyến đi thực tế ở nông trường chè Nghĩa Lộ, các anh chị Nông Thị Nhuận, Trần Mạnh Thường, Tuấn Vinh và Nguyễn Chí Thành đã gặp gỡ nhiều chị thanh niên xung phong hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, nhiều người chưa có hạnh phúc gia đình. Trần Mạnh Thường đã viết được một bài thơ hay “Với người uống trà”. Bài thơ khắc họa thân phận của các chị:

“Thôi đừng khen em hái chè như múa

Điệu múa nhọc nhằn trời đất cứ lặng thinh

Bàn tay mỏi thương chè quá lứa

Tuổi ba mươi em hái một mình

…Và cứ thế tan dần thành vị ngọt

Những chén trà bè bạn đầy vơi

Xin lưu lại cho riêng mình vị chát

Một chén đầy em đã rót mời tôi…

Với 53 người bạn cùng học lớp 10 ở Nam Định năm học 1963 – 1964, Trần Mạnh Thường luôn cố gắng tìm cách liên lạc và dự những cuộc gặp mặt.

Đàn chim ra ràng chân trời đùn mây bão

Thảng thốt gọi tên nhau suốt những tháng năm dài

Sau khi anh Thường đột ngột qua đời, anh Phạm Minh Phú biên tập viên hệ Văn hóa đời sống khoa giáo – Đài Tiếng nói Việt Nam đã cùng tôi đến thăm chị Trần Thị Kim Thoa vợ anh Thường và các cháu Trần Quý Thi, Trần Kim Chi. Nhắc đến bạn bè của anh Thường, chị Kim Thoa kể:

- Anh Thường có sáng tác một bài thơ lục bát viết chân dung của 53 người bạn lớp 10, mỗi người vài câu. Anh đọc lên rồi hỏi tôi, tôi trả lời, anh bảo đúng.

Trần Mạnh Thường viết: Ta biết ngày xuân rồi sẽ cạn

Còn lại cho nhau mãi mãi nụ cười

Anh đã thể hiện điều đó trong cuộc sống. Anh trân trọng bạn bè, đối xử công bằng, không tư lợi, không thiên vị.

Chị Trịnh Bích Ba nói:

- Khi tính toán công việc làm khoán ở ban văn nghệ, anh Thường tính nhẩm rất nhanh và rất chính xác. Khen anh thì anh bảo, hồi đi học tôi vừa giỏi toán và giỏi văn cơ mà.

Năm 1989, khi sang Liên Xô tôi đã tìm đến thăm kỹ sư Trần Thị Kim Thoa khi chị đang làm đội trưởng của những người thợ dệt đang xuất khẩu lao động. Trần Mạnh Thường đã giành tình cảm thương yêu vợ đang phải xa gia đình lo kiếm sống ở quê người qua bài thơ “Cái cò lặn lội”:

Cái cò lặn lội tuyết trắng mênh mông

Lạnh buốt dòng sông cành mềm gió đập

Hạt gạo lăn qua biết mấy vòm trời

Lặng lẽ rơi giữa lòng mặn chát

À ơi lời ru cách núi cách sông

Hai giấc mơ ở hai đầu nóng lạnh

….

Sự ra đi đột ngột của nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường làm cho nhiều bạn bè thật sự choáng váng. Trần Mạnh Thường là một người có tấm lòng nhân hậu, quý trọng sự nghiệp phát thanh cũng như sự nghiệp văn chương của mình. Anh sống giản dị, chân tình, quý trọng con người, không bao giờ có thủ đoạn hay mưu mô gì… Chữ viết rõ ràng và chữ ký cũng đơn giản thể hiện con người của anh. Khi anh là Phó trưởng ban rồi Trưởng ban Văn học nghệ thuật của Đài, phải ký vào các chứng từ liên quan đến tiền bạc, phòng tài vụ yêu cầu anh phải ký phức tạp hơn để khỏi bị giả mạo, anh chỉ thêm chữ M hoa vào trước chữ Thg nữa mà thôi.

Chiều thứ ba 5/5/2015, trong niềm thương tiếc anh Thường, tôi vào thư viện Quốc gia tìm đọc lại thơ của anh. Tập thơ “Hoa và dòng sông” của Mã Giang Lân, Bế Kiến Quốc, Trần Mạnh Thường do nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1979 với 5100 bản. Phần “Hoa đất” của Trần Mạnh Thường có 20 bài.

Tập “Thơ và Trường ca” của Trần Mạnh Thường nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 1997.

Trần Mạnh Thường viết không nhiều nhưng thơ anh luôn có một kết cấu chắc chắn dựa trên một tứ thơ khá độc đáo. Thơ Trần Mạnh Thường gắn bó với đời sống, đất nước, quê hương. Ngôn ngữ thơ của Trần Mạnh Thường giàu chất liệu dân ca, gắn bó với người lao động, với ruộng đồng. Những bài thơ ngắn của Trần Mạnh Thường cũng súc tích, đúc kết những triết ký của con người:

Bàn chân mẹ lấm bùn lặng lẽ

Con đi suốt đời không hết yêu thương

(Lòng đất âm vang 1968)

Đêm nao anh lén về thăm lại vườn xưa, đất của ông cha giờ thay chủ mới:

Cho tôi thắp nén nhang dưới gốc cây này

Cây nhãn bói lứa quả đầu năm đói

Nếu cha tôi còn Người đã tám mươi

“Lời chào” của Trần Mạnh Thường là một trường ca viết về địa ngục Côn Đảo. Côn Đảo đã được thực dân Pháp xây dựng nhà tù từ thế kỷ XIX và sau này đế quốc Mỹ và tay sai tiếp tục biến thành nơi giam giữ và hành hạ những người yêu nước.

Trần Mạnh Thường đã viết về những thủ đoạn hèn hạ của bọn chúa đảo, bọn cai ngục đối với những tù nhân cũng như những cuộc đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ cách mạng giữa nhà tù ghê rợn. Có lúc là cuộc chiến đấu âm thầm tự mình chiến đấu với mình, chống sự mua chuộc của kẻ thù.

Vận dụng nhiều thể thơ để diễn đạt những nỗi gian khổ, đau thương tột cùng của người tù, thỉnh thoảng lại chen vào vài câu thơ lục bát để dịu bớt nỗi đau…

Chúng tôi đi Hàng Dương

Hàng Dương

Chưa có nơi nào đất nước cô đọng mình như ở nơi đây

…Những cái chết trụi trần

Người ra đi chỉ mang theo mình cơn đói khát

Với một manh quần cộc

Và một mảnh sắt tây

Một mảnh sắt tây cho người hôm sau hiểu đấy là nấm mộ

Rồi mưa rơi

Tên người cũng theo mưa thấm vào lòng đất

….

Kết thúc bản trường ca “Lời chào”, nhà thơ Trần Mạnh Thường có những câu thơ đầy cảm khái:

Cho em lội bùn miệng ca tay cấy

Nhánh mạ non lại lá ban đầu

Cây lúa xanh nhắc một thời con gái

Hoa lúa rơi vào câu hát thương nhau

Về đi, con đồi mồi đã về làm tổ

Chiếc mai vân sắc biển sắc trời

Ổ trứng trắng hồng đêm trăng mùa hạ

Thật vì ta cuộc sinh nở nghìn đời…

Trần Mạnh Thường và tôi có nhiều chuyến đi công tác và sống bên nhau 35 năm trời. Mấy năm gần đây, tôi dọn về ở gần anh. Nhiều buổi sáng vợ chống anh cùng vợ chồng tôi đi bộ trong khu Trung Hòa Nhân Chính.

Chúng tôi hiểu và thương nhau, tôn trọng và sẵn sàng giúp đỡ nhau. Tôi sung sướng đã được sống với Ban văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam trong tình cảm của những người thương yêu nhau, chia sẻ gian lao.

“Tôi chỉ viết những gì làm cho mình xúc động”

Đó là lời tự bạch của nhà thơ Trần Mạnh Thường.

Anh đã làm đúng những điều anh nói và đã để lại những xúc động cho người đọc cả hôm nay và mai sau. Trần Quý Thi, con trai anh chuyển cho chúng tôi bài thơ Trần Mạnh Thường viết năm 2013, bài “Chuyến xe cuối cùng”. Anh đã hình dung anh sẽ đi trên chuyến xe ấy và trở lại về nằm ở quê nhà bên cạnh những người thân yêu của mình:

Bao nhiêu đau khổ trầm luân

Lặng im gửi bánh xe lăn dọc đường.

Đất mẹ quê hương Lộc Hạ, thành phố Nam Định sẽ ôm ấp người con yêu quý khi anh trở lại nơi cội nguồn.

Hà Nội, 8.5.2015

Trần Phương Trà