Gã công nhận mình là một tay bồi bút, bồi bút có thương hiệu. Đời này mà có kẻ dũng cảm đến thế kia ư? Đóng vai một “đại gia” (phải “đại gia” gã mới tiếp), tôi tò mò tìm đến nhà gã. Một ngôi nhà khang trang có tới bốn năm con bẹc – giê canh cổng. Trên tường đầy những dấu môi. Nở một nụ cười tiếp thị (những gã bồi bút thường có sẵn nụ cười như thế). Gã mở cổng đón tôi vào nhà.Đó là một tay đàn ông đứng tuổi nom đỏ đớn, béo tốt và lùn tịt. Tôi thầm đoán gã phải “lục đoản” trở lên, không phải chỉ “ngũ đoản” mà thôi đâu. Mặt gã xấu nhưng linh lợi, đặc biệt là những chiếc răng. Những chiếc răng cái ngà ngà, cái vàng xỉn như răng chó nhưng chúng linh lợi đến nỗi không chịu đứng thẳng hàng. Quơ tay một vòng, gã bảo:
– Cơ ngơi này, nhờ viết lách mà có cả đấy. Trông “oách” không?
– Oách! Thế còn những dấu môi trên tường?
– À! Tại thiên hạ đến nhổ đấy. Nhà tôi biến thành cái ống nhổ từ lâu rồi. Họ nhổ hăng quá, nhổ hết sạch cả nước bọt trong mồm rồi mà vẫn chưa hả, đến nỗi phải trịn cả môi vào tường…
– Ông không thấy kinh sao?
– Có gì mà kinh. Người biết kinh thì không thể làm bồi bút. Bề ngoài không quan trọng. Ông vào nhà đi rồi sẽ thấy. Cái bên trong mới là cốt yếu.
– Ông lập danh bồi bút từ khi nào?
– Từ khi tôi hiểu ra hai chữ: “kế thừa”.
– Hiểu như thế nào?
– Hồi trẻ, cánh kẻ sĩ chúng tôi hăng hái lắm, hoạt động, phấn đấu không biết mệt. Tạo nên cả một thời văn ca, nhạc hót… tưng bừng. Vì thế lúc nào cũng được lãnh đạo xoa đầu khen: “Tốt lắm! các cậu quả là lớp kẻ sĩ cách mạng, xứng đáng là những người kế thừa…”
– Rồi sau đó thế nào?
– Sau đó cứ tiếp tục nghe cái điệp khúc “kế thừa”, “kế thừa”… ấy mãi. Cho đến khi khi tóc bắt đầu bạc…
– Tóc bạc thì làm sao
– Đến khi tóc bắt đầu bạc, tôi mới tỉnh ngộ. Thì ra “kế thừa” có nghĩa là…
– Nghĩa là gì?
– Là cái “kế”… thừa chứ còn sao nữa, nghĩa là cái “kế”… sẽ chẳng bao giờ được dùng đến…
– Điều ấy thì liên quan gì đến chuyện bồi bút?
– Mất toi cả tuổi trẻ, mới nhận ra mình chẳng qua chỉ là cái kế… “thừa”, nên mới phải đổi danh. Bây giờ thì rõ là bồi bút đấy. Nhưng đã nhằm nhò gì. Người ta còn… điếm bút thì sao? Không thế lấy gì mà đút vào mồm? Vợ con treo mõm lên à? Ngẫm cho kĩ, cũng là do cái “mả” nó thế. Ông nội tôi ngày trước bồi giấy. Bố tôi bồi bàn… Nhà tôi thế là tam đại “bồi” rồi đấy. Không biết đến đời con còn “bồi” cái gì nữa đây?
– Có lúc nào ông thấy nhục không?
– Có gì mà nhục. Người biết nhục thì càng không thể làm bồi bút. Ông nhìn tôi đây này, mặt đỏ không phải do xấu hổ đâu nhé. Chùi nhiều nó đỏ lên đấy ông ạ. Vả lại thiên hạ thiếu cha gì những cái “kế” cũng bị bỏ “thừa” như tôi. Ấy vậy mà vẫn còn may hơn cái bị coi là “kế tục” đấy.
– Kế tục thì làm sao?
– Thì là cái “kế”… “tục” chứ còn sao nữa. Tục là phàm phu tục tử, nghĩa là bố phàm con tục. Tục là ăn tục, là ăn tham, ăn ngu, ăn bẩn, ăn tạp, v.v… Tục lắm chỉ tổ dân họ chửi vụng cho. Vô phúc mà còn bị bêu riếu trong sử sách thì nhục đến muôn đời… Nhưng thôi, trước khi chuyển đề tài khác, ông chờ tôi tí nhé, đến giờ phải uống rồi.
Gã đi đến bên tường. Bấy giờ tôi mới để ý, trong nhà gã, xung quanh tường có rất nhiều đoạn ống thò ra, đầu mỗi ống đều được gắn một cái vòi. Không phải vòi nước. Thế là cái vòi gì? Tôi chưa kịp hỏi thì đã thấy gã ngậm vào một cái vòi như thế. Người bình thường phải cúi xuống mới ngậm được. Nhưng gã thì chỉ hơi ngửa cổ lên là cái vòi vừa đúng chỗ cửa miệng.
Mút một hồi, gã liếm mép, khà! một tiếng rồi quay lại chỗ tôi:
– Rượu Tây đấy, ngon quá. Đúng “rô – lơ – uếch – cơ” thứ thiệt.
Thì ra là một cái vòi rượu gắn sẵn trên tường. Thật là một kiểu ăn chơi chưa từng thấy bao giờ. Gã tiếp tục:
– Tôi lập danh bồi bút cũng là một cách tương kế tựu kế. Lãnh đạo đã sẵn coi mình là “thừa” từ hồi còn trẻ. Nay mình không chịu “thừa” thì đã sao. Thế mà có thằng nó chửi tôi là góp phần làm hỏng đồng bào đấy ông ạ.
– Hỏng là hỏng thế nào?
– Là làm cho nham nhở cái phần làm người. Nhưng thôi, nếu có hỏng, thì cũng hỏng từ lâu rồi. Chứ có đợi đến lượt tôi làm hỏng đâu. Chính tôi còn hỏng gấp mấy lần ấy chứ. Lại có thằng nó chửi tôi là góp phần làm ngu đồng bào đấy ông ạ.
– Ngu là ngu làm sao?
– Là mờ mịt trước đạo lý. Nhưng thôi, nếu có ngu, thì cũng ngu từ lâu rồi. Chứ có đợi đến lượt tôi làm ngu đâu. Chính tôi còn ngu gấp mấy lần ấy chứ. Lại có thằng khác, nó chửi tôi là góp phần làm câm đồng bào đấy ông ạ.
– Câm là câm thế nào?
– Là lặng thinh trước sự thật. Nhưng thôi, nếu có câm, thì cũng câm từ lâu rồi. Chứ có đợi đến lượt tôi làm câm đâu. Chính tôi còn câm gấp mấy lần ấy chứ. Lại có thằng khác nữa, nó chửi tôi là góp phần làm điếc đồng bào đấy ông ạ.
– Điếc là điếc làm sao?
– Là tảng lờ trước bất công. Nhưng thôi, nếu có điếc, thì cũng điếc từ lâu rồi. Chứ có đợi đến lượt tôi làm điếc đâu. Chính tôi còn điếc gấp mấy lần ấy chứ. Cũng có thằng nó chửi tôi là góp phần làm hèn đồng bào đấy ông ạ.
– Hèn là hèn thế nào?
– Là rụt cổ trước bạo lực. Nhưng thôi, nếu có hèn, thì cũng hèn từ lâu rồi. Chứ có đợi đến lượt tôi làm hèn đâu. Chính tôi còn hèn gấp mấy lần ấy chứ. Chúng nó còn chửi nhiều lắm… Nhưng thôi, đến giờ tôi phải nạp dinh dưỡng rồi, ông chờ tôi tí nhé.
Gã lại đến ngậm vào một cái vòi khác. Sau một hồi mút mút, gã liếm mép rồi quay lại bảo:
– Sữa tươi hiệu “Cô gái Nhà quê” đấy. Vừa thơm ngon, vừa béo ngậy, mặc dù… gã luyến thoắng y như trên tivi: “sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ…”
Thì ra cái vòi thứ hai ấy là một vòi sữa cũng gắn sẵn trên tường. Không biết những vòi khác chứa cái gì vậy? Vừa lúc đó có tiếng chuông điện thoại. Gã vồ lấy cái điện thoại, tiện tay nhấn nút khuếch đại cho tôi cùng nghe. Giọng đầu dây bên kia như người ngạt mũi:
– “H…” đấy phải không?
– Dạ! Dạ! em “H…” đây ạ.
Gã chưa biết đầu dây kia là ai, mà đã dạ dạ sẵn (những gã bồi bút cũng thường hay dạ sẵn như vậy).
– Tớ là “S…” đây. Chắc cậu biết rồi đấy. Gần đây, có một số tờ báo “nó” chửi tớ.… Cậu hiểu không? Phải lên tiếng ngay lập tức…
– Dạ! Dạ! em sẽ bịt mồm chúng nó lại ngay ạ.
– Nhưng phải bịt sao cho có văn vẻ, có dân chủ đàng hoàng. Không dùng cái lối cả vú lấp miệng lỗi thời ngày trước… nghe chưa?
– Dạ! Dạ! Cái đó thì anh cứ tin tưởng ở em ạ. Em đã được học bao nhiêu kinh điển, đã từng đọc bao nhiêu sách… nên em mà bịt thì bao giờ cũng rất có văn. Văn em còn hay hơn khối anh tiến sĩ thời nay đấy. Tiến sĩ tiến xiếc gì mà mỗi khi lên ti vi tán văn chương, nghe cứ như những con vẹt được mớm sẵn lời…
– Thôi được rồi. Cậu không cần phải tranh thủ quảng cáo. Cứ thế mà viết ngay đi…
Gác máy điện thoại xuống, gã quay lại phía tôi, xoa hai tay vào nhau, ra vẻ hớn hở:
– Chuyến này lại gắn thêm được một cái vòi nữa lên tường rồi. Ông đã biết chưa? Không dũng cảm nhận thẳng mình là thằng bồi bút, thì làm sao có người đặt hàng. Đó chính là một cách quảng cáo thương hiệu của “kẻ sĩ” thời nay đấy. Thế mới gọi là: “người khôn vác… trôn đi trước”. Khối anh nhà văn, nhà thơ bây giờ, có mỗi cái mặt đạo đức giả, lại cứ tưởng đẹp lắm, lúc nào cũng đòi trưng ra, chỉ tổ cho người ta khinh, vừa dùng vừa khinh. Văn chương thị trường… mà…
Tất nhiên là tôi đã biết, biết gần hết. Chỉ có chưa biết những cái ống ấy được gắn vào đâu ở đầu phía bên kia, mà mút ra toàn rượu Tây với sữa tươi… như thế? Sau lần ấy, tôi bỏ hàng tháng trời tìm kiếm, lần mò. Những cái ống vươn từ nhà gã ra chạy ngoằn ngoèo khắp các ngả. Cuối cùng, tôi cũng tìm được cái đầu bên kia của chúng. Thì ra, chúng đều được gắn vào… bồn cầu của nhà mấy vị côp !