Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÀ NỘI RA ĐƯỜNG SỢ NHẤT....SẮT RƠI

Bùi Hoàng Tám
Thứ bẩy ngày 16 tháng 5 năm 2015 1:49 PM
(Dân trí) - Không hiểu vì sao dạo này Hà Nội “sắt rơi” nhiều đến thế. Chỉ tính riêng Dự án đường sắt trên cao trong khoảng thời gian hơn 1 năm (1/2014 – 5/2015) đã 6 vụ “sắt rơi” gây hậu quả. Câu “ca dao” hiện đại “Ra đường sợ nhất công nông – Về nhà sợ nhất vợ không… nói gì!” thì giờ đây, người Hà Nội thay bằng “Ra đường sợ nhất sắt rơi…”.

Còn nhớ cách đây hơn một năm, ngày 6/1/2014, một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra tại ga Thanh Xuân III (đường Trần Phú, quận Hà Đông) khi bất ngờ một cây thép từ trên đường trên cao lao xuống đường giữa lúc đông người đang lưu thông. Vụ việc đau lòng này đã làm anh Nguyễn Như Ngọc (33 tuổi) tử vong tại chỗ và hai người khác bị thương.
Ngày 28/12/2014, xảy ra sập giàn giáo khi đang thi công phần đổ bêtông ga đoạn bến xe Hà Đông khiến một taxi bị hư hại.
Ngày 10/5, tại công trường thi công nhà ga số 4 (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tuyến Nhổn - ga Hà Nội, một cọc thép dài 9m, rộng 0,3m, nặng khoảng 630kg đã rơi suýt trúng hai người đi xe máy.
Riêng ngày hai ngày 12 và 13/5 đã xảy ra 3 vụ liên tiếp.
Tại tuyến Ngã tư Sở - Hà Đông, một thanh sắt (có lẽ là xà beng) từ ga đường vành đai 3 lao xuống một chiếc xe hơi đang di chuyển từ Hà Đông về Ngã tư Sở làm chiếc xe bị hư hại, rất may không có thương vong về người.
Vụ thứ hai xảy ra trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân – Hà Nội), một thanh sắt từ công trình đường sắt trên cao đã rơi xuống đường và trúng vào chiếc xe ô tô Honda Civic, chọc vỡ kính xe.
Tiếp đó, một chiếc cần cẩu đổ sập vào nhà số 561 và 539 đường Cầu Giấy đè trúng một phụ nữ đang mang thai 8 tháng và một thanh niên đang lưu thông trên đường.
Điều ngạc nhiên là với tất cả các vụ việc sau khi xảy ra đều nhận được những lời “cam kết” là sẽ “làm rõ”, “xử lý nghiêm” và rất khẩn trương. Ví như vụ đổ cần cẩu xảy ra vào chiều 12/5 thì ngay hôm sau, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra sự cố.
Trên thực tế, đã có nhiều công trình bị tạm dừng, nhiều cán bộ lãnh đạo dự án bị xử lý “xử lý nghiêm”… nhẹ hều. Trong khi đó ở các nước, nhiều quan chức chỉ cần “dính” một vụ thôi, người chịu trách nhiệm cao nhất phải từ chức.
Tại Mỹ năm 2008, bà Patricia J. Lancaster phụ trách ủy ban xây dựng thành phố New York đã từ chức vì cần cầu đổ gây chết 7 người.
Tại Ấn Độ, tháng 7/2009, Tổng giám đốc tập đoàn Đường sắt đô thị New Delhi (DMRC) E Sreedharan đã đệ đơn từ chức khi chiếc cầu vượt đang xây ở phía nam thành phố sụp đổ làm 5 người thiệt mạng,
Năm 2014, tại Ai Cập, Bộ trưởng Giáo dục nước này là Ahmad Al-Mulaifi đã quyết định từ chức để "nhận trách nhiệm chính trị" về vụ việc hai công nhân người Ai Cập đã thiệt mạng do bị chôn vùi dưới hố tại một công trường xây dựng trường Đại học Shaddadiya ởKuwait…
Thế nhưng ở ta thì chưa thấy ai… từ chức cả mà chỉ “xử lý nghiêm” thôi.
Có lẽ bởi mấy chữ “xử lý nghiêm” nên “sắt vẫn rơi rơi… trên tầng lá đổ” và người dân vẫn luôn nơm nớp nỗi ám ảnh thương vong và tài sản bị phá hủy?
“Xử lý nghiêm” nên người dân vẫn còn chịu cảnh ngày ngày chen chúc nhau trên những con đường chật chội, trên đầu mình “chiếc búa sắt” của thần chết luôn treo lơ lửng?
Nhìn những chiếc cần cẩu lênh khênh, ngạo nghễ vươn trên bầu trời nhưng hoàn toàn có thể bất ngờ đổ ập xuống bất cứ lúc nào mà không khỏi hoang mang, lo sợ…
Tiền bạc mất còn làm ra được nhưng tính mạng con người thì không.
Mong rằng Hà Nội kiên quyết ra tay chặn đứng những vụ “sắt rơi”, đừng để người dân nơm nớp sống trong cảnh “Ra đường sợ nhất… sắt rơi”!
Xin đừng lặp lại cụm từ “xử lý nghiêm” nhưng…. không “khắc” để rồi sau mỗi vụ tai nạn, chỉ nạn nhân là thiệt còn… chẳng ai làm sao cả!
Bùi Hoàng Tám