Du khách hôm nay trên khu vực vùng hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) thường được nghe hai câu ca dao rất hay: Còn tiền Chợ Ngọc Chợ Ngà/ Hết tiền ta lại Thác Bà Thác Ông, mà không mấy ai hiểu rõ nội dung, ý nghĩa và dị bản câu ca dao trên.
Trước hết xin nói đôi nét về vùng Thác Bà.
Đời Trần nơi này có tên là Châu Thu Vật, đến năm Minh Mạng thứ tư Triều Nguyễn đổi là Phủ Yên Bình. Thủ phủ Yên Bình đặt tại xã Đại Đồng. Khi chúa Bầu là Vũ Văn Mật dựng xong thành nhà Bầu có vời Nguyễn Hãng làm quan. Nguyễn Hãng không nhận mà chỉ viết bài thơ "Đại Đồng phong cảnh phú" (năm 1556) để tạ ơn. Bài có đoạn:
Chừng xem
Đặc khí thiêng liêng
Nhiều nơi thanh lạ
Non xuân sơn cao thấp triều tây
Sông Lôi Thủy quanh co nhiều đá
…..
Đùn đùn non yên ngựa, mấy trượng thế kim thang
Cuồn cuộn núi con voi, chín khúc bền hình quan tỏa
Sông Lôi Thủy trong bài thơ chính là sông Chảy. Sông Chảy chạy dọc hai Huyện Lục Yên và Yên Bình đổ ra sông Lô trên đất Tuyên Quang. Cư dân đồng bào Tày, Nùng hai bờ sông Chảy, nhất là khu vực Yên Bình từ xa xưa đã rất trù phú nhờ sự xuất hiện của các chợ làng.
Làng Múc khai cuôi/ Làng Nồi khai bẳng/ Đồng Tâm khai mắc chanh/ Bình Hanh khai mằn bủng (tiếng Tày nghĩa là : Làng Múc bán sọt, làng Nồi bán ống bương, Đồng Tâm bán quả chanh, Bình Hanh bán khoai lang). Các chợ làng hình thành ngày càng nhiều, có tiếng hơn cả là chợ Lạng, (ở xã Đồng Thái) chợ Đồng Yểng (xã Chính Tâm), chợ Đồng (xã Văn Chánh), chợ Ngọc (xã Bình An), chợ Ngà (xã Đại Minh). Năm 1961 Chính phủ quyết định xây Nhà máy thủy điện Thác Bà, 37/39 xã phải chuyển dân, rất nhiều di tích, đền, chùa, làng mạc, phố chợ chìm dưới lòng hồ. Hai câu ca dao xưa trở về như một luyến tiếc, một hoài niệm.
Muốn ăn gạo trắng nước
Thì lên Phố Cát Đại Đồng cùng anh
Rồi
Còn tiền buôn tôm bán cá
Hết tiền xuôi ngả sông Thao
Không có đồng nào thì về sông Chảy
Những điều trên chứng tỏ sông Chảy - Thu Vật - Yên Bình là một vùng đất trù phú.
Trở lại với hai câu ca dao: Còn tiền Chợ Ngọc Chợ Ngà/ Hết tiền ta lại Thác Bà Thác Ông. Trong hai câu ca dao có các “tích”, xin tóm tắt như sau:
1. Sự tích Thác Bà, Thác Ông: (Người Tày ở xã Yên Bình và xã Vĩnh Kiên).
Xưa sông Chảy chỉ là một con suối nhỏ, thường xuyên khô cạn. Một đêm có hai ông bà Khổng Lồ quang gáng nặng oằn vai từ dưới xuôi ngược theo dòng chảy. Bà đi trước, ông đi sau. Khi đến đầu ngòi Xà, bà Khổng Lồ thấy cửa ngòi Xà là một thung lũng rộng, nhiều nước, đất đai mầu mỡ. Bà thầm nói: Nơi ở của ta đây rồi! Nói xong bà hạ quang gánh, lấy tất cả trâu bò lợn gà trong đó thả xuống ngòi Xà nơi nối với dòng sông Chảy, rồi lấy lúa ngô khoai sắn ném vung ra ven đồi. Sau đấy bà đi đâu mất.
Gần sáng ông Khổng Lồ đến nơi thấy trâu bò lợn gà đang hóa đá, Ông lùi lại môt bước thì hạ quang gánh ném các thứ có trong gánh quẳng ra lòng suối Chảy. Làm xong, trời vừa sáng người ta không thấy ông Khổng Lồ đâu nữa.
Từ đó nước suối Chảy đổ qua các làn đá ầm ầm. Dân làng nhớ ơn ông bà Khổng Lồ có công khai phá đắp đập liền đặt tên cho nơi bà đến là Thác Bà, nơi ông đến là Thác Ông và lập đền thờ cho hai vị gọi là Đền Bà.
Sự tích Thác Bà còn có hai dị bản, riêng bản Sự tích Thác Bà Thác Ông kể trên chúng tôi cho rằng, có lí nhất vì nó thể hiện nguyện vọng của người lao động rằng con người lao động bé nhỏ nơi sơn địa được các thần núi thần sông phù trợ rồi các vị ấy ra đi một cách vô tư, lặng lẽ để lại điều kiện sinh tồn cho con người. Các vị ấy được thổ dân suy tôn là Thần hoàng của làng và đặt tên Ông, Bà để luôn nhắc nhở hậu thế.
Thác Bà trước khi đắp đập là một thác nước, có độ cao nước đổ mạnh, rất xiết. Người già kể rằng: tất cả các thợ buôn bè qua đây đều phải vào Đền thắp hương xin quẻ, nhiều thợ phải thuê một thợ cả chuyên nghề “xuống” Thác đi qua giáp đoạn này mới an toàn.
2. Sự tích Chợ Ngọc: (Người Tày xã Ngọc Chấn và xã Bình An kể):
Xưa có một anh nông dân nghèo, cha mẹ mất sớm, anh em không có ai, ngày ngày lùi lũi làm ăn. Một hôm đi cuốc ruộng, anh nhặt được viên đá trong suốt đem xuống suối rửa, gặp trời nắng đá óng ánh muôn màu như Ngọc.
Một hôm có thương gia người Tầu đi qua Thu Vật, nghe đồn như thế liền đến hỏi mua. Bán được viên đá, anh nông dân nghèo có tiền làm nhà, tậu trâu, mua ruộng và lấy vợ. Cuộc sống trở nên khấm khá. Dân trong vùng thấy vậy đổ xô nhau đi cuốc đất tìm đá, và họ tìm được rất nhiều đá đẹp như ngọc. Những người Tầu nghe thấy thế họ theo đường Vân Nam - Lào Cai đi xuống Thu Vật tìm mua đá ngày càng nhiều. Thế là hình thành một chỗ bán đá đẹp bên sông Chảy. Nơi đó sau gọi là Chợ Ngọc.
Sự tích Chợ Ngọc còn có một dị bản khác, nhưng câu chuyên trên hợp lý hơn bởi lẽ từ xa xưa người làm ruộng vùng sông Chảy đã có trong tay những viên đá đẹp nhưng chỉ để chơi. Đến khi người Tầu dò xét lùng mua thì đá ấy mới trở thành đá quý tức là Ngọc theo cách hiểu của người xưa.
3. Sự tích Chợ Ngà:
Chợ Ngà nằm cuối xã Đại Minh Phủ Yên Bình hạ nguồn sông Chảy. Tương truyền thời Cần Vương, khi Hiệp thống Bắc Kỳ Nguyễn Quang Bích vâng mệnh Vua Hàm Nghi dấy cờ Cần Vương ở Hưng Hóa Phú Thọ rồi kéo quân ngược sông Thao, qua Yên Lập, Yên Bình, Đại Lịch lập đại bản doanh ở Mường Lò (Văn Chấn). Nguyễn Quang Bích đi đến đâu, các tù trưởng ở đó hăng hái tiến cử quân, lương theo ông rất đông. Đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bình đã dâng lên ông một con voi bành để ông dùng khi ra trận. Nhưng voi chưa đến được với chủ tướng thì đã bị kẻ xấu đầu độc rồi chặt lấy đôi ngà đem ra chợ bán. Thấy ngà voi bán được tiền, các tay thợ săn trong vùng đua nhau đi săn và bắn được nhiều voi, họ chặt ngà và đem ra nơi giáp gianh của Phủ Yên Bình để bán. Nơi ấy thành chợ mua bán sản vật thú rừng trong đó có ngà voi. Chợ Ngà có tên từ đấy.
Các câu chuyên ẩn sau hai câu ca dao nói lên nhiều điều, chứng tỏ người xưa rất khéo sử dụng văn học dân gian để phản ánh hiện thực cuộc sống điều mà chính bản thân họ muốn gửi lại đời sau như một thông điệp.
Về dị bản của hai câu ca dao.
Trong rất nhiều bản in hoặc bản truyền khẩu, các tác giả tự đặt một số từ trong hai câu thơ theo sự cảm tính của mình mà không chú ý đến nội dung câu ca đó sẽ nói lên điều gì. Sự hoán vị hoặc đổi chỗ của các từ trong câu sẽ liên quan đến ý nghĩa của cả câu, chẳng hạn vị trí của các từ đầu câu còn, có, hết, không.
Còn tiền chợ ngọc chợ ngà
Hết tiền ta lại Thác Bà Thác Ông
Có tiền Chợ Ngọc Chợ Ngà
Hết tiền ta lại Thác bà Thác Ông
Có tiền Chợ Ngọc Chợ Ngà
Không tiền ta lại Thác bà Thác Ông
Còn tiền Chợ Ngọc Chợ Ngà
Không tiền ta lại Thác bà Thác Ông
Đều có quan hệ với cụm từ của câu thứ hai ta lại và xuôi ngược sau đây
Còn tiền Chợ Ngọc Chợ Ngà
Hết tiền ta lại Thác Bà Thác Ông
Có tiền Chợ Ngọc Chợ Ngà
Hết tiền xuôi ngược Thác Bà Thác Ông
Trong bốn câu ca dao trên, hai câu thứ nhất và thứ hai khó có thể xác định đâu là câu gốc, đâu là dị bản, ai là tác giả đầu tiên. Chỉ biết nó ra đời sau khi có chợ Ngọc, chợ Ngà, Thác Bà, Thác Ông mà các sự tích đã truyền, theo tôi nên đặt nó vào hoàn cảnh cụ thể để xem xét.
Ở hai câu thứ nhất, tác giả dân gian dùng cụm từ Ta lại, “ta lại” nghĩa là trong hoàn cảnh thuận lợi, tư tưởng tinh thần thoải mái, làm ăn dễ dàng. “Còn” thì đi chợ (loại chợ có nhiều hàng hóa quý hiếm như ngà, ngọc), "hết" thì "ta lại" đi Thác Bà, Thác Ông kiếm tiền để rồi lại đi chợ Ngọc, chợ Ngà.
Hai câu thứ hai, cụm từ xuôi ngược nói lên cái gian nan vất cả của người sơn tràng, người đi bè, vì mục đích kiếm sống.
Nếu theo văn cảnh mà xét thì có thể xem hai câu ca dao thứ hai này xuất hiện trước. Buổi đầu gian truân vất vả (xuôi, ngược, kiếm tiền), dần về sau, cũng chính những con người ấy có phần dễ dàng hơn, vui vẻ hơn (ta lại). Đó cũng là quy luật, là sự vận động xã hội. Nói khác đi đấy là mong ước cuộc sống của con người.
H.L.K