Bọn trẻ nhỏ bây giờ sướng thật, đứa nào cũng có rất nhiều đồ chơi. Cả trẻ ở nông thôn cũng vậy. Ngày xưa trẻ con ở nhà quê như tôi, đồ chơi có gì đâu. Quay đi mấy cái vỏ vạng. Quay lại, lại mấy cái vỏ sò. Cả năm may lắm mới được một hay hai lần, mẹ đi chợ mua cho mấy con tò he, nặn bằng bột gạo, nhuộm xanh, nhuộm đỏ. Để chơi mãi, đến lúc bột thui mềm nhũn ra mới dám đem ăn.
Ấy vậy mà rồi, tôi còn nhớ có lần mẹ mua cho tôi cái trống làm bằng giấy. Lúc đầu tôi chưa biết là cái gì. Mẹ tôi bảo: “Đây là cái trống bỏi”. Mẹ cầm đuôi trống lăn đi, lăn lại trên hai đầu ngón tay. Thế là những tiếng bong… bong…trong veo, rộn rã vang lên, khiến tôi mê tít. Tôi cầm cái trống ù té chạy đi khoe lũ bạn hàng xóm.
Trống bỏi được làm bằng nứa, hoặc tre gai (còn gọi là tre hoá). Thanh tre chẻ mỏng hơn một ly, bản rộng độ ba bốn phân, dài từ 25 đến 30 phân, cuộn lại thành một cái vòng tròn. Lúc bấy giờ chưa có keo dán. Người ta gim hai đầu tre bằng đinh gim. Đó chính là cái tang trống. Cái nhỏ bằng miệng chén. Cái to bằng miệng bát con..
Cái đuôi trống, vừa là tay cầm, vừa là cái xương sống nằm giữa vòng tròn tang trống, cũng làm bằng tre vót tròn, hay lõi cây đay, nhỏ bằng ngón tay út, dài khoảng 14 – 17 phân. Khoét hai lỗ tròn đối xứng nhau ở tang trống, tra đuôi trống vào. Tra đuôi trống xong, cái trống bỏi đã hình thành, trông như chiếc kính lúp của các cụ già dùng để đọc sách vậy.
Ngày xưa chưa có vải nilong, người ta bịt trống bàng một loại giấy, được làm từ vỏ cây dó, vừa dai, vừa mềm. Giấy nhuộm đủ các mầu; xanh đỏ tím vàng…Nhưng trước khi bịt trống, người ta đã dùi một lỗ ở bên trái, mặt trứơc tang trống, và buộc vào đó một đoàn dây gai. Đoạn dây chỉ dài đến giữa mặt trống. Rồi buộc một hạt đậu đỏ (to hơn hạt đậu đen một chút), đã được dùi thủng lỗ vào đầu dây. Mặt sau tang trống cũng dùi lỗ, nhưng ở bên phải, đối xứng theo chiều ngang của mặt trống và cũng buộc một hạt đậu như ở mặt trước.
Có thể nói, về ý nghĩa và triết luận sâu xa của cái trò chơi này, đều nằm cả ở hai hạt đậu đó…
Vì tất cả các loại trống to, nhỏ hiện có ở nước ta, từ cái cực lớn ở đền Kiếp Bạc, đến cả 1000 cái trống đước sản xuất cho Lễ hội 1000 năm Kinh đô Thăng Long – Hà Nội, và cả cái trống “của làng” đã từng gửi ở nhà Thị Mầu, hay cái trống con bé tẹo, không bằng cái dành tích, của nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi cũng vậy. Để trống tấu lên được những âm thanh tùng…tùng…cắc…cắc…, hay tiếng “chát”, tiếng “tom”, vừa tưng bừng, náo nức, vừa trầm lắng, lay động lòng người, thì người sử dụng trống cũng đều phải dùng dùi gõ vào mặt, vào tang trống âm thanh mới phát ra và vang lên được.
Nhưng chỉ riêng có ‘anh trống bỏi” là không cần phải dùi. Người chơi chỉ cầm cái đuôi trống nhẹ nhàng lăn đi, lăn lại trên hai đầu ngón tay. Thế là hai hạt đậu đỏ lập tức vùng lên, tới tấp đập vào cả hai mặt trống, gọi dậy hàng loạt những tiêng bong…bong…rộn rã, trong veo tuôn trào ra như vàng gieo, ngọc vãi khắp vùng…
Người ta bảo đó là trò chơi: “TRỐNG BỎI VẬT MÌNH”.
Trong đời sống xã hội bao giờ cũng có một số người. Với hàng trắm lý do khác nhau thúc đẩy, dẫn dắt khiến họ làm những việc mà kết cục cuối cùng bao giờ cũng là sự thua thiệt, khổ sở, cay đắng, tự mình lại làm hại mình, chứ chẳng ông tổ ông tinh nào làm. Như cờ bạc, trộm cắp, hút chích…”Cờ bạc là bác thằng bần/ Của nhà bán hết cho chân vào cùm”…
Chẳng biết có phải từ thực tế đó, mà thời xưa tổ tiên ta đã sáng tạo ra cái trống bỏi? Tuy chỉ là đồ chơi cho con trẻ, nhưng về ý nghĩa, triết luận sâu xa thì cái trống bỏi chính là một nụ cười trào lộng của xã hội dành cho những kẻ dại khờ, đã tự mình làm hại mình. “Gậy ông lại đập lưng ông”!
Thế rồi cũng rất có thể từ cái trống bỏi mà dân gian ta có câu thành ngữ : ”Già còn thích chơi trống bỏi”. Để phê bình, châm biếm những việc làm, hay sở thích không phù hợp với tuổi tác, đạo đức, hay hoàn cảnh của mình. Như các vị sếp ở các cơ quan nhà nước, tuổi đã già, nhưng rất thích “bồ trẻ”. Bồ càng “nhí”, càng xinh, thì biệt thự sếp xây cho bồ càng to, càng đẹp. Như hai ngôi biệt thự sếp Dương Chí Dũng xây cho hai bồ của sếp ở giữa thủ đô Hà Nội đấy. Có phải là vừa to vừa đẹp không?...
Nhất là thời xưa, thời phong kiến đế quốc, còn chế độ “đa thê”. Các “Lão gia”, vị nào có chút “máu mặt” cũng thích năm thê bầy thiếp, trẻ và đẹp. Quê tôi ngày xưa có ông tên là Chúc, vừa làm lý trưởng được vài năm, ông ta đã cưới vợ hai. Bà Cả ghen lồng ghen lộn, nhưng rồi cũng phải bằng lòng. Rồi khi thôi lý trưởng, làm phó tổng, ông Chúc lại cưới vợ ba. Và khi lên làm chánh tổng, được phong “bá hộ”. Cả làng, cả tổng ai cũng gọi là “cụ Bá” rồi, và râu tóc cụ đã bạc phơ rồi, nhưng cụ vẫn thích chơi trống bỏi. Cụ Bá cưới bà, à không “cô”! Cụ Bá cưới cô Tư. Tuổi cô Tư chỉ xấp xỉ bằng tuổi cô Út con bà Cả!
“Một chum hai gáo múc chen…”. Hai gáo mà đã va vào nhau rồi. Chứ một chum những bốn gáo thi… Đến người tài giỏi, dầy dạn như vua Gia Long, mà cũng có lúc đã phải kêu lên; “Nhiều bữa bãi triều, ta thực không muốn về hậu cung nữa. Vì các bà ấy xúm đến kiện cáo, nói xấu nhau dữ quá!”.
Cụ Bá quê tôi cũng vậy. Khi cụ cưới bà Ba, rồi cưới cô Tư, thì tuổi tác của bà Cả và bà Hai, kẻ nhiều người ít, họ cũng bị xếp vào hàng có tuổi rồi. Nếu nói theo kiểu bạo miệng như thanh niên bây giờ, thì cái khoản kia của họ đã “khô roong” rồi. Cho nên nhu cầu về chuyện gối chăn của họ, tuy cũng vẫn còn đấy, nhưng đã rất nhạt nhẽo rồi, chẳng đáng kể gì. Nhưng còn bà Ba và cô Tư? Nhất là cô Tư, tuổi xuân đang phới phới như cờ gặp gió. Nhu cầu của cô… Nếu cái nhu cầu ấy mà cũng chồng lên được, như người ta xếp gạch để chuẩn bị xây nhà, thì đống gạch của cô Tư phải chạm đến chín tầng trời! Nhưng khả năng cung ứng của cụ Bá thì càng ngày càng tồi tệ, rệu rã, èo uột. Có thời kỳ cả tháng cụ cũng không dám bén mảng đến giường cô Tư, khiến cô mặt nặng mày nhẹ.
Nhưng rồi việc gì mà chẳng vậy. Tiệm tiến mãi rồi cũng có ngày phải bộc phát. Đó là vào một đêm, cũng như bao đêm khác, cô Tư và thằng Nặc phải thức khuya để xay thóc giã gạo. Nhưng đêm ấy có lúc cô Tư đã phải nghỉ táy. Vì cái ngọn đèn dầu tự nhiên cứ lụi đi. Chắc là hết dầu? Trời tối mờ mờ, chẳng nhìn ró cái gì với caí gì. Mà đêm càng khuya thì càng vắng vẻ, tĩnh lặng. Thế là cô Tư phải nghỉ tay, thôi không sàng sẩy nữa. Còn thằng Nặc. Tuy cũng có thể nói là nó vẫn giã đấy. Nhưng bây giờ nó “giã” theo kiểu khác. Hay nói cho thật đúng là nó đang ra sức giúp cho cô Tư, hạ thấp cái “đống gạch” của cô xuống, để “gạch” khỏi chạm vào trời xanh!...
Không ngờ giữa lúc quan trọng ấy lại có ánh đèn pin sáng choang lên, nhìn vào chỗ nào cũng rất rõ ràng. Một tay cầm đèn, một tay túm ngực áo chồng, bà Cả dúi một cái, đẩy cụ Bá từ ngoài cửa vào trong nhà. Bà nghiến răng ken két:
- Đấy! Đồ dê già! Thằng bợm già! Hãy mở to mắt ra mà nhìn xem, cái con đĩ trẻ quý hoá của ông nó đang làm gì? Đẹp mặt nhỉ?!
Nói xong, bà Cả bỏ đi lên trên nhà. Cụ Bá trợn mắt, rit lên cay đắng: “Mẹ cha mày thằng con nhà Nặc! Đồ chó! Rồi cả hang, cả ổ nhà mày sẽ biết tay ông!”. Thằng Nặc run như cầy sấy, nó đập trán xuỗng đất bịch…bịch…lậy cụ Bá như tế sao: “Con lậy cụ! Xin cụ tha cho con. Tại cô chứ không phải tại con”. Trời tối mờ mờ. Sau câu chửi, cụ Bá vừa rờ rẫm quay ra đi theo bà Cả, vừa lắng tai nghe tiếng cô Tư tức tưởi khóc!...
*
* *
Ngày 2 tháng 5 – 2014 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt trái phép dàn khoan Hái Dương 891 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta. Và để bảo vệ dàn khoan, họ thường xuyên duy trì hàng trăm tầu thuỷ, trong đó có cả tầu chiến và máy bay, bay lượn trên không, nhằm uy hiếp tinh thân các chiến sĩ cảnh sát biển, và tầu kiểm ngư của ta. Tầu họ phun vòi rồng vào tầu của ta, và rất hung hăng, sẵn sàng tăng tốc đâm thẳng vào tầu của ta. Nhưng họ lại trắng trợn: “Vừa ăn cướp vừa la làng”, vu cho tầu ta đâm tầu của họ những 1000 mấy trăm lần! Nhưng sự thật ai cũng biết là một chiếc tầu đánh cá của ngư dân Đà Nẵng đã bị tầu Trung Quốc đâm chìm. Sáu con người trôi dạt trên biển. Nhưng kẻ hành hung đã không ném cho họ dù chỉ là một chiêc phao cứu sinh. Thật là nhẫn tâm! Có lẽ đây là hành vi vô nhân tính nhất trong lịch sử ngành hàng hải quốc tế!
Trước chủ quyền va toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng cua Tổ Quốc bị xâm phạm, nhân dân cả nước ta và kiều bào ở nước ngoài đã biểu tình phản đối, yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, rút dàn khoan ra ngoài hải phận của ta.
Chính phủ Việt Nam cũng ra tuyên bố cực lực phản đối hành vi sai trái đó của Trung Quốc. Và khẳng định lập trường trước sau như một của Việt Nam, sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc về những tranh chấp ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế về biển năm 1982. Chính phủ ta cũng yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện các thoả thuận cấp cao giữa hai nước. Cũng như thoả thuận giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, không làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.
Và cả Chính phủ các nước, Khối liên minh châu Âu, các tổ chức xã hội, các nhà khoa học danh tiếng, và tất cả những người bạn của Việt Nam yêu hoà bình và công lý ở khắp nơi trên thế giới đều lên tiếng ủng hộ Việt Nam, phản đối Trung Quốc hung hăng gây hấn. Ngày 10 - 7 – 2014 Thượng viện Hoa Kỳ ra nghị quyết yêu cầu Trung Quốc rút dàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tổng thống Obama đến thăm Trung Quốc cũng nói thẳng: “Hoa Ký không đứng về bên nào. Nhưng nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ”. Thủ tướng Đức, bà Angela Markel chẳng cần nói năng gì, bà chỉ tặng ông Tập Cẩm Bình tấm bản đồ Trung Quốc, do người Trung Quốc vẽ thời nhà Thanh. Trong đó không có Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Và càng ngày nhân dân ta và thế giới càng phản đối Trung Quốc quyết liệt hơn. Thế là cái dàn khoan khốn khổ ấy cũng y như cái trống bỏi, tự nó lại đập vào thân nó, làm cho các vị “hảo Hán” bị đau ê ẩm cả mặt mày. Rồi nhân cơ hội cơn bão số Hai đang hướng vào Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố rút dàn khoan Hải Dương 891 về gần đảo Hải Nam.
Hầu như đã biết trước sự kiện này, cho nên trả lời phỏng vấn báo Dân Trí GS Carl Thayer, một chuyên gia về Biển Đông của Úc đã nói: “Mùa mưa bão đang tới có thể làm cho tình hình Biển Đông hiện nay giảm căng thẳng và đây là cơ hội giảm chăng thẳng mà Trung Quốc vẫn giữ được thể diện”.
Như vậy là lợi dụng mùa mưa bão (trước mắt là cơn bão số Hai đang hướng vào Biển Đông), Trung Quốc rút dàn khoan để chứng tỏ rằng vì một thế lực bất khả kháng mà Trung Quốc rút dàn khoan, chứ không phải vì bị các nước phản đối mà họ phải rút, Và do vậy mà họ vẫn giữ được thể diện.
Trung Quốc rút dàn khoan, tất nhiên là nhân dân ta và cả thế giới yêu hoà bình, công lý rất hoan nghênh. Nhưng chúng ta vẫn luôn cảnh giác. Vì hiểu rằng: Giấc mông muốn làm bá chủ thế giới của người Hán từ bao đời nay, tuy chưa bao giờ thực hiện được, nhưng cũng chưa bao giờ họ thôi mơ ước./.
Uông Bí, ngày 27/7/2014
THĐ