Trang chủ » Truyện

Chùm truyện cực ngắn của Đình Kính

Đình Kính
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
Cái chết lạnh

        Tin ông X. qua đời khiến nhiều người ngạc nhiên. Còn ba năm nữa vị cán bộ đáng kính này mới chạm tuổi bảy mươi; ông khoẻ mạnh, mỗi lần nói trước đám đông giọng vẫn vang vang. Và nghỉ công tác chưa đầy nửa năm. Càng sửng sốt hơn khi hay rằng nguyên nhân khiến vị lãnh đạo cấp cao lìa bỏ cõi đời mà ông đã có nhiều cống hiến là... chiếc máy điều hoà không khí.
  Khổ! Cái sự, việc lớn việc nhỏ đều do cấp dưới và trợ lý làm đã đẩy ông vào bi, hài kịch này khi về với đời thường.
 Thời còn công tác, mỗi lần chuông điện thoại đổ, người trợ lý vội lon ton chạy tới nhấc máy, rồi: “Thưa anh, có anh Y. bên tổ chức trung ương gọi!”. Và khi muốn trao đổi công việc với ai đó, ông nhát gừng: “Gọi để tôi nói chuyện với anh Q. nhé!”. Người trợ lý bấm số và lúc biết chắc rằng đầu dây kia đã có người nhấc máy, mới cung kính hai tay trao ống nghe cho ông. Bàn việc xong, ông bỏ ống nghe xuống, nhưng lệch sang một bên. Biết thủ trương chưa thạo sử dụng, từ đó, chực ông nói xong, người trợ lý lại hấp hả bước tới, sốt sắng đỡ lấy ống nghe, đặt vào cho đúng vị trí...
       Chiếc điện thoại di động loại xịn cơ quan sắm, mỗi lần có chuông, ông hoay loay bấm loạn xị, không biết làm thế nào để nghe, tay trợ lý ngồi cạnh khuôn mặt đờ dại như người có lỗi lập tức đỡ lấy, giúp ông kết nối cuộc đàm thoại. Ông cáu: “Thôi, cậu cầm lấy, ai gọi thì đưa cho mình. Lằng nhằng quá!”. Số điện thoại của cấp trên cấp dưới ông không biết đã đành, số điện thoại của mình, ông cũng không thuộc. Tất tật đã có người lo. Muốn gọi ai, xướng tên người đó lên là xong.
        Xuống địa phương H. khánh thành khu công nghiệp, ngồi trên xe ông yên tâm lim dim mắt thư giãn, bài phát biểu sáng nay đã có bộ phận soạn sẵn, lát nữa sẽ có người đưa tới tận bục để ông đọc... Trưa nghỉ lại, đã có người bật sẵn máy lạnh, và không sợ ngủ quên, đến giờ khắc có người mời dậy... Việc đi đứng, họp hành ăn ngủ của ông đã được lên lịch hàng tuần trước đó. Ông như một cái máy, giờ nào đã có người sắp xếp để vào việc ấy...
       Thói quen được biểu thị quyền lực và được hưởng quyền lợi từ quyền lực bằng cách đã có người khác lo và làm cho mình mọi sự cũng giống như hút ma tuý, dần dà nghiện, khó bỏ. Không được như vậy sẽ trở nên khó chịu. Đến cái vé máy bay cũng chưa bao giờ nhìn thấy cụ thể để biết hình thù nó thế nào, và đương nhiên càng không rành giá là bao nhiêu...
       Một lần ông khiến người trợ lý toát mồ hôi. Trưa, đang ngủ trong căn phòng thơm nức của khách sạn 5 sao do công ty du lịch nọ hân hạnh được mời mà anh chỉ là kẻ ăn theo, thì nghe tiếng đập cửa ầm ầm. Nhận ra cách gọi của sếp, người trợ lý liền bật dậy. “Sang điều chỉnh ti vi sang kênh VTV.1, khẩn trương! Bấm mãi không được”. Biết giờ này, trên kênh đó đang phát lại bài phát biểu hôm qua của của sếp, tay trợ lý vội vàng nhao sang phòng ông... Nhưng khi điều chỉnh xong, trên ti vi chỉ còn lại chút hình ảnh cuối cùng: ông rời bục, đi xuống. “Hiện đại với chẳng hiện đại, chỉ rắc rối.”- Không mấy vui, ông buông một câu.
      Lần đi thăm đồng lúa tỉnh V, mặc dù đã có người cầm ô che, nhưng nắng tháng năm vẫn khiến ông đổ mồ hôi, ông liền đưa ngón tay trỏ ra ngoác ngoác. Người trợ lý vội chạy lên: “Dạ, anh cần gì ạ?”.  “Khăn!”. Người trợ lý lúng túng vội móc chiếc mù soa của mình rúm ró đưa cho thủ trưởng. Ông nhăn nhó, tỏ ý không hài lòng. Từ đó trong danh mục chuẩn bị cho mỗi lần công cán của thủ trưởng có thêm một gạch đầu dòng: “ khăn các loại, 5 chiếc”.
          Hồi mới về nghỉ, mỗi lần có việc ra phố, ông lạ lẫm, lớ ngớ, lóng ngóng hệt gà công nghiệp xổng chuồng, khi sang đường, mấy bận xuýt bị ô tô chẹt. Bạn bè đến thăm, ông lắc đầu phàn nàn: “Xã hội ta lộn xộn quá! Không quy củ gì cả”.
  Trận mưa cuối mùa gặp phải trên đường đi bộ theo lời khuyên của bác sĩ, khiến ông sốt ly bì. Gia đình vội đưa vào bệnh viện. Đương nhiên tiêu chuẩn của ông là một mình nằm một phòng. Buổi trưa, thấy ông lim dim mắt, nghĩ rằng để chồng yên tĩnh, người vợ khóa cửa và ra ngoài đi dạo. Một tiếng sau, ông thấy mình lạnh run lên. Cũng rõ là tại cái máy điều hoà không khí đặt nhiệt độ thấp quá, ông vớ cái điều khiển, run rảy bấm. Nhưng hình như càng bấm càng lạnh. Ông liền quờ chiếc điện thoại di động để cạnh. Nhưng không có cách gì liên lạc được với ai. Hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, ông cáu, ném cái điều khiển và cái đi động vào tường, vỡ tan. Rồi lịm dần...
           Mấy tiếng sau, người bác sĩ khám cho ông ngẩng lên, khuôn mặt thất vọng: “Bị lạnh đột ngột, suy tim và suy hệ thống hô hấp... nặng”
           Hơn tuần sau, cái tin ông qua đời chạy loang trên các trang báo.

          ĐK
     
Chọi trâu

 Giớt mũi lòng thòng, chân trái ngoằng vào chân phải, thằng Rạ tâng tẩng đắc chí chạy khắp làng, phấn khích rao lên với niềm khoái trá ngây thơ khoe với bọn trẻ rằng,  trâu nhà nó đã thắng cuộc, đã được tôn lên làm cụ. Lũ trẻ tròn mắt thèm thuồng và cả chạnh chút ghen tỵ nhìn nó, thầm ư¬ớc giá có một lần trầu nhà mình đựơc như¬ thế.
Khi thằng Rạ chân sáo hí hới chạy khắp chốn thì cụ trâu béo mập như một quả sim chín đang đứng bên gốc cây cạnh sân nhà nó, thở hổn hả. Cụ mệt. Gắng gựơng mang sức ra để trở thành nhà vô địch, nh¬ưng phải trả cái giá quá đắt: thư¬ơng tích đầy mình. Và cả điều này nữa, thằng Rạ lẫn cụ trâu đều không hay, chỉ ít phút sau kẻ chiến thắng được phong là cụ cũng không thoát khỏi làm thịt. Đã thành lệ, trâu thắng hay thua, giết tất. Mỗi năm có đến hơn chục Cụ trâu, ông trâu bị xả ra nong, vẫn không đáp ứng nhu cầu. Ngừ¬ời ta đua nhau ăn thịt trâu chọi nh¬ư bà đồng nghiện lên điện nhẩy nhót. Chen lấn, tranh cướp¬ và quen biết, thần thế lắm mới mong kiếm đư¬ợc một ký.
Khi thằng Rạ quýnh quới về tới ngõ thì, trời ơi, đất nơi cụ trâu đứng tróc lở, bị cày nát, dấu vết của cuộc vật lộn oằn oại. Cạnh đó, khô kheo chiếc búa tạ. Và trên bàn thờ mới kê giữ sân là chiếc đầu trâu rớm  máu, cặp sừng vót tỉa công phu chỏng trơ nh¬ư hai mũi chông. Đôi mắt nơi cái đầu rớm máu ấy không chịu khép, vẫn ngơ ngác nhìn thằng Rạ và trân trân nhìn trời. Trên mảnh chiếu mộc rách trải nơi thềm nhà, bố nó và hơn chục ngư¬ời đàn ông ngồi trư¬ớc những chai rư¬ợu nút lá chuối với mấy đĩa thịt đầy ú ụ, mắt đỏ nh¬ư mắt trâu lúc ra sới, miệng nhờn nhỡ mỡ, nhồm nhoàm nhai và thi nhau vung tay la hét. Thằng Rạ choáng váng, hiểu điều gì đã xẩy ra. Cụ trâu nó vừa hớn hở rước¬ từ Sới về, cụ trâu nó nựng nịu chọn từng cọng cỏ non chăm bẵm, bắt muỗi đêm đêm, thường¬ xuyên cho tắm nư¬ớc suối Rồng, đã bị xả thịt. Nó ôm cột cổng, cay đắng thút thít khóc. Th¬ương cụ trâu quá! Và không thể giải thích đư¬ợc tại sao ng¬ười ta vừa tôn trâu nhà nó lên hàm cụ mà chỉ mấy phút sau lại mang búa tạ đập vào đầu cho ngã quay lơ, giết thịt.
Thấy thằng Rạ, bố nó nuốt vội miếng lòng đang nhai trong mồm, thoả mãn toét cư¬ời, vẫy tay gọi:
 - Con trai, vào đây bố cho uống rượu, bố vẫn để dành cho con miếng nậm
 - Con ghét bố!  Con ghét bố! Tại sao bố giết cụ trâu, tại sao?- Thằng Rạ tấm tức quệt nư¬ớc mắt, rồi vùng bỏ chạy- Bố ác lắm!
Phía sau nó, những cái miệng nhồi ứ thịt hô hố cười
Thằng Rạ nhất quyết không đụng đến một miếng thịt trâu nào.
*
 Hai m¬ươi năm sau, trên chiếc chiếu hoa làm bằng ni lông trải nơi thềm nhà, Rạ và hơn chục ng¬ười đàn ông ngồi trư¬ớc mấy chai r¬ượu mật gấu và mấy đĩa thịt đầy ú ụ, mắt đỏ như¬ mắt trâu lúc ra sới, miệng nhờn nhỡ mỡ, nhồm nhoàm nhai và thi nhau vung tay la hét. Ngoảnh ra thấy thằng Rơm ôm cột cổng thút thít khóc, liền vẫy tay gọi:
 - Con trai, vào đây bố cho uống rượu, bố vẫn để dành cho con miếng nậm!
 - Con ghét bố! Con ghét bố! Tại sao bố giết cụ trâu, tại sao?- Thằng Rơm tấm tức quệt n¬ước mắt, rồi vùng bỏ chạy- Bố ác lắm!
  Phía sau nó, những cái miệng nhồi ứ thịt đồng thanh cười hô hố.
  Và thằng Rơm nhất quyết không đụng đến một miếng thịt trâu nào.
*
 Lại hai m¬ươi năm nữa, trên tấm thảm Hồng Công mua tại siêu thị trải nơi thềm nhà, Rơm và hơn chục ngư¬ời đàn ông ngồi trư¬ớc mấy chai r¬ượu ngâm mật gấu, cao hổ cùng nhiều chai r¬ượu ngoại với mấy đĩa thịt đầy ú ụ, mắt đỏ như¬ mắt trâu lúc ra sới, miệng nhờn nhỡ mỡ, nhồm nhoàm nhai và thi nhau vung tay la hét. Ngoảnh ra thấy thằng Rễ ôm cột cổng làm bằng inốc thút thít khóc, liền vẫy tay gọi:
- Con trai, vào đây bố cho uống rượu, bố vẫn để phần cho con miếng nậm!
- Con ghét bố!  Con ghét bố! Tại sao bố giết cụ trâu, tại sao?- Thằng Rễ tấm tức quệt n¬ước mắt, rồi vùng bỏ chạy- Bố ác lắm!
 Phía sau nó, những cái miệng nhồi ứ thịt trâu đồng thanh cười hô hố.
 Thằng Rễ vẫn nhất quyết không đụng đến một miếng thịt trâu nào.
 ... Chọi trâu! Chọi trâu!...  Năm nào người ta chẳng tổ chức chọi trâu!  
        ĐK 

                                                                                                                               
      Tâm thần

      Đi làm việc phía Nam về, hay tin hắn nhập nhà thương điên, tôi tuông xuống thăm.
      - Quái, sao nên cơ sự này?- Tôi hỏi.
      - Người ta bảo tao bị tâm thần nên cần nhốt vào đây. Càng phân bua, họ càng cho rằng bệnh đã quá nặng...
      - Vô lý, tao sẽ tìm cách lôi mày ra.
      - Trong hoạ có phúc, ở đây càng nhiều thời gian để ngẫm ngợi và viết.
      - Viết?
      - Phải, viết văn... Sao tròn mắt lên vậy? Hễ liu thiu ngủ, tao lại gặp thầy trò Đông- Ki- Sốt và Săng- Xô...
      - Cái gì?
      - Giống như tao, họ cũng đi tìm lẽ phải và sự công bằng... Tao muốn viết lại các cuộc gặp ấy...
      Tôi sững sờ nhìn khuôn mặt mốc thếch của kẻ đang đứng trước mình. Hắn nhe hàm răng xỉn vì khói thuốc, hênh hếch cười:
      - Mấy hôm nữa tới, đọc hộ bản thảo nhé.
      Tôi thất vọng thở dài và bồn chồn ra về. Vô phương rồi! Chưa nói chuyện hắn khoe gặp Đông- Ky- Sốt, chỉ cái ý nghĩ trở thành nhà văn đã đủ để người ta tống vào đây.
      Thằng này có quá nhiều sự khác thường. Kỳ đất cát khan và hiếm như vàng, người ta chia cho một mảnh, hắn xin phép được nhường lại cô Tâm, người phụ nữ quá lứa nhỡ thì, vì không chồng mà có con, bị kỷ luật. Cả cơ quan ngạc nhiên, gọi hắn là hấp. Được cử đi công tác nước ngoài, hắn mang theo một bao mì tôm để đổi về một bao sách tiếng tây. Mọi người ngơ ngác, rỉ vào tai nhau: I. C thằng cha này ẩm nặng rồi. Thời có dự án xây cầu cảng X., cả cơ quan hí hớn, riêng hắn trái chứng, đêm đêm hị hụi viết đơn gửi các cấp đề nghị huỷ dự an. Lý do: xây cầu cảng X. chỉ vì lợi ích cục bộ, hành động ấy sẽ phá vỡ môi trừơng sinh thái cả một vùng. Hắn nhiều lý lẽ và bằng chứng thuyết phục đến mức trên Bộ đành ngậm ngùi tạm thời cho dừng lại. Từ người ngôi chiếu trên đến kẻ bệt đít xuống đất, ai cũng hận. Cái ăn đến miệng còn bị giật ra, sao không tức! Hắn bị nhiếc là đồ ngu! Và đã không ít người bắt đầu xa lánh kẻ mà họ cho rằng gàn dở này. Chưa hết, khi người ta hậm hụi nuốt hận bỏ dự án xây cầu cảng X. và xăng xả làm cầu cảng Y., hắn lại viết đơn vác đi kiện. Lần này không môi trường mà là vấn đề tiền bạc. Hắn cho rằng những người có trách nhiệm đã tìm cách bỏ qua quá nhiều quy trình kỹ thuật nhằm dôi tiền chia nhau; hắn còn tố cáo rằng lãnh đạo đã đội giá mua vật liệu và máy móc hạng bét của nước ngoài lên đến hàng chục tỉ để xà xẻo. Đầu tiên người ta đe rằng hắn vu cáo, sẽ nghiêm trị, nhưng thằng bạn ngông cuồng của tôi nói rằng sẵn sàng đối chất, những điều trong đơn tố cáo, nêu ai đó chưng minh được rằng sai, hắn xin vào tù. Người ta nhún, bịt mồm hắn bằng mảnh băng dính: nhấc lên làm phó phòng. Hắn tuyên bố: Trình độ như tôi đáng ra làm trưởng phòng từ lâu. Và hắn vẫn không chịu làm miệng con hến. Đơn từ với nhiều bằng chứng cụ thể cứ tới tấp chuyển lên các cấp. Bí quá, lãnh đạo cơ quan đành cho hắn ăn lương trưởng phòng, nhưng không phải làm việc, nghỉ tự do. Rỗi rãi, hắn lân la tìm hiểu, thu thập tài liệu. Bằng chứng sai phạm của lãnh đạo trong những đơn sau nhiều hơn đơn trước. Người ta lại mặc cả, nếu hắn chịu về hưu trước tuổi, ngoài chế độ nhà nước, cơ quan sẵn sàng cấp nhà và ủng hộ thêm mấy trăm triệu nữa, hoặc muốn du lịch nước ngoài dài ngày cũng xong. Hắn không nghe. Tôi đâu phải con rô bốt!, thằng bạn tôi rống lên như dê bị chọc tiết. Cả cơ quan cho rằng hắn bị tâm thần, cần điều trị khi chưa muộn.
      ... Tôi đôn đáo chạy chỗ này, lo lót chốn kia, vừa thuyết phục vừa hứa rằng thằng bạn tôi đã ngấm đòn, quyết không ngu dại nữa, từ rày sẽ ngậm miệng như hến, cơ quan và các bác sỹ mới đồng ý cho tôi bảo lãnh để hắn ra khỏi chốn không phải chỗ của hắn. Tôi hấp hởi đến nhà thương, nhưng khi hí hả khoe công trạng mình, hắn đã tạt vào mặt tôi gáo nước lạnh:
       - Khỏi! Tao không có ý định ra khỏi đây.
       - Điên à?- Tôi nổi quạu.
       - Điên đã quý. ở đây tao được làm những điều mình cho là đúng. Chốn này toàn những người sống thật, không giả dối, bon chen. Tao khoái môi trường như vậy!... Vừa viết xong chuyện gặp Đông- Ky - Sôt, đọc nhé?
      Tôi liu nghỉu nhìn người bạn đốc chứng của mình. Hay cái gã ngông cuồng cao lêu đêu của Xéc- Văng- Tec từ thế kỷ mười bảy đã ám vào thằng khỉ gió này?...   Nhưng ngẫm ra, có lẽ hắn có lý.

      ĐK

 Tơ nhện


      Ban đầu bạn bè rủ đi, hắn từ chối. Phần vì sợ tốn kém, lương ít, vợ chồng nuôi hai đứa con, đứa sau chưa đầy năm, chật vật lắm; phần vì chưa quen ngủ với ai khác ngoài vợ, nên sợ. Nhưng sau hôm người bạn cùng phòng trúng đề, nhất quyết đòi khao, qua chầu bia, ấn vào phòng, hắn có ngỡ ngàng, lạ lẫm, nhưng khi xong mọi sự, thì thấy nếm của lạ cũng khoái, thích thích, hay hay. Đúng như người ta vẫn nói, một gam của lạ bằng tạ của quen. Rồi dần dà, đến chỗ ấy nhiều lần, đâm nghiện. Lâu lâu không được thưởng thức của lạ, lại giỏi chiều, làm tình sành điệu, có nghề cảm thấy thiếu thiếu, bứt rứt khó chịu như người quen ma tuý thiếu thuốc. Vậy là một tháng đôi ba lần, nếu bạn bè rủ rê lại trốn vợ, trốn cơ quan đi cải thiện .
     Lần đó, sau khi được thoả mãn, vừa dắt xe về đến cổng, thì thấy vợ hơ hải ôm đưa con nhỏ chay ra, mếu máo.
    - Làm sao?- Hắn ngạc nhiên hỏi.
    - Anh ơi, đón con ở nhà trẻ về, em thấy nó sốt li bì... Em sợ...
    Hắn liền lai hai mẹ con đến bệnh viện. Viêm phổi cấp- Bác sỹ kết luận. Vậy là vợ xin cơ quan nghỉ mấy ngày vào viện ôm con. Hôm sau hắn tới, vợ bảo:
    - Em mới giật tạm của đứa bạn được ít tiền, anh nộp viện phí cho con; còn lại, ngày mai đi đóng học cho cu Tý nhé.
    - Còn tiền điện và tiền nhà? Hôm nay họ lại tới thúc... Cô Nhâm cũng đánh tiếng muốn  mình hoàn lại tiền sửa bếp dạo trước...
    - Con khoẻ, về nhà rồi em tính...- Vợ hắn thở dài.
     Lương thấp, để nuôi hai con, và trang trải những chi phí khác trong nhà, vợ hắn thỉnh thoảng lại phải tìm việc gì đó, làm thêm để phụ vào, kể cả đi dọn nhà cửa cho những gia đình khá giả... Thương vợ, hắn thường về sớm đón con, nấu cơm...
     Hơn tháng sau, gã bạn lần trước trúng đề được tăng lương, lại khao. Đã thành lệ, nhậu xong liền kéo nhau vào chốn ấy.
    - Có món mới không?
    Chủ nhà nghỉ, một phụ nữ rất khó đoán tuổi, nụ cười luôn thường trực trên môi, đưa cặp mắt sắc như dao cạo cứa lên mặt các thượng đế, khoe:
   - Lúc nào chẳng có mới... Thích trẻ hay xồn xồn? ... Hôm nay có món này đặc biệt. Viên chức nhà nước, trốn cơ quan tranh thủ kiếm thêm. Rau sạch! Đã chồng con, nhưng đẹp, đằm đượm, mặn mà...  Ăn đứt gái mười tám. Ai khoái dạng đó thì mời tới phòng 27.
     ... Hắn đẩy cửa bước vào. Dưới ánh đèn ngủ màu hồng nhạt, của lạ đứng quay lưng lại. Rồi như thể công việc buộc phải vậy, người đó từ từ tuột dần quân áo, phô đường nét nây nây của mình dưới ánh đèn.
    - Anh cũng cởi ra, em ít thời gian lắm!- Giọng dịu dàng, người phụ nữ nói rất nhỏ, rôi nguẩy mông xoay qua phía hắn.
        Hắn khịu chân, đập người vào cửa, choáng váng. Cơ thể không mảnh vải che thân đang đứng trước mặt là... vợ hắn.
      ĐK

 

 Trăng muộn      

Tiễn người khách cuối cùng ra ngõ, Thắm quay lại, khép nhẹ cổng, rồi liêu xiêu đi vào sân. Đã khuya lắm. Làng Hạ lỉm trong đêm.
      Ông Hiểu, bố chồng Thắm vẫn ngồi lặng trơ bên bàn, đôi mắt mù loà hướng ra ngoài.
      Thắm e dè bước vào, lặng lẽ thu dọn cốc chén trên bàn, trên giường, nơi bậc cửa. Hồi tối, nghe tin chị đi bốc mộ chồng về, họ hàng chòm xóm kéo tới rất đông. Mọi người đến để hỏi han; đến vì tình, vì nghĩa và đến cũng còn một chút tò mò, muốn biết việc lấy hài cốt người nằm lại chiến trường, xa hàng ngàn cây sổ trở về diễn ra thế nào. Nhưng khi biết rằng đã không có chuyện ấy mọi người trở nên khó xử, nên cuối cùng, sau khi hỏi han mấy điều cho phải lẽ, để tránh cho chủ nhà khỏi thêm hẫng hụt, họ lần lượt ra về.
      - Ngồi xuống, bố hỏi đã- Khuôn mặt ông Hiểu đã dịu hơn và giọng nói đã tỏ ra thông cảm. - Từ trước đến nay bố vẫn tin con...
      - Sao cơ ạ?- Thắm chột dạ. Chị sững lại, cố lấy giọng bình thản: Bố dạy gì con chưa rõ...
       Đôi mắt ông Hiểu vẫn lơ trơ hướng ra ngoài.
       - Bố muốn nói là... Thằng Thanh là đứa con trai duy nhất của bố, cũng là tộc trưởng của cả một dòng họ... Bố đã muốn đón nó về từ lâu. Đây là việc hệ trọng cuối cùng trong đời bố. Vậy mà... Hồi nãy con có nói rằng...
       - Văng, đúng vậy ạ. Vào trong đó, thấy nhà con mồ yên mả đẹp nên con đã nảy ra ý định không muốn khuấy động vào sư yên tĩnh của anh ấy. Với nữa... Với nữa đêm hôm trước nhà con báo mộng cho hay rằng... anh cũng muốn vậy... Lúc sống anh và đồng đội đã từng san ngọt sẽ bùi nên khi nằm xuống, không muốn xa nhau...
       Thăm không ngờ mình lại có thể nói những điều ấy lưu loát như vậy. Nhưng sau đó chị chợt rùng người. Anh ơi, em có tội!- Chị chực nấc lên, nhưng đã kịp để cho nước mắt lặn vào trong.
      Ông Hiểu chợt hỏi:
      -  Nghĩa nó có báo mộng với con?
      Sau tiếng dạ rất mỏng lăn ra một cách vô thức từ miệng, Thắm không sao ngăn được nước mắt nữa, chị gục xuống và nghẹn ngào.
      - Mộ chồng con cao ráo không?
       Thắm nuốt nhanh nước mắt đang tràn lên mi:
      - Đất đồi, mát mẻ lắm ạ.
      - ờ!
      Ông Hiểu gắng nén tiếng thở mạnh. Hình tẻ quạt nơi đuôi mắt dường như hằn sâu hơn. Ông thõng chân quờ dép, rồi rờ rẫm bước tới chiếc va ly hồi chiều Thắm để nơi góc nhà. Chiếc va ly này tự tay ông sắm cho con dâu hôm nó lên đương vào trong đó với ý định làm phương tiện đưa chồng về. Ông gác va ly lên tủ rồi lân lần men tới bàn thờ. Tay run run, ông xoa nhẹ lên bức ảnh bán thân của người con trai vẫn treo nơi đó.
     - Con cũng đừng buồn phiền quá nữa... Việc đã rồi...- Ông quay qua Thắm và an ủi- Thằng Thanh có cái lý của nó...

     ... Thắm chột các cửa rồi đi vào buồng. Bé Hồng đã ngủ. Khuôn mặt con gái sao mà giống anh ấy! Thắm sẽ sàng thả mình xuống cạnh con. Lúc này chị mới thấy bải hoải, rã rời. Và nước mắt lại trào ra. Chị úp mặt xuống gối, tấm tức khóc. Thắm  thương chồng, thương bố và tủi thân. Hôm tìm được ngôi mộ có tấm biển khắc rõ tên tuổi, quê quán chồng, chị cuống lên. Đau đớn và sung sướng. Bao nhiêu năm chị mới lại được ở bên anh. Vậy mà khi những người dân địa phương tốt bụng lật lên thì, trời ơi, chị rụng rời, thót người:
      - Lấp ... lấp lại... - Giọng run run, chị thoảng thốt kêu rồi quỵ xuống, vô hồn.
       Người nằm đó đâu phải chồng chị!
       Xế chiều, khi tỉnh lại, chị đốt thêm nắm nhang nữa cắm vào mộ người bạc phận mang tên chồng mình, tạ lỗi.
       Những ngày kế theo, cầm bó nhang trên tay,Thắm thất thởi lần khắp khu rừng, gặp ngôi mộ nào cũng quỳ xuống vái và kêu rằng, nếu phải anh nằm đây, xin báo mộng cho biết để được đón anh về. Và đêm nay, khi biết bố chồng đã vào màn, chị rón rén trở dậy, tìm bó nhang... Anh nằm nơi nào, có thiêng hãy báo cho em biết, khổ em lắm, anh ơi...
     Gian nhà ngoài, ông Hiểu cũng đâu có ngủ. Ông thương con trai, đã đành, còn cảm thấy tội nghiếp cho con dâu. Thanh ơi, con nằm đâu, báo cho vợ con biết, vợ con là người hiếu thảo, thật thà, bắt nó phải nói dối, tội lắm.
     Từ bấy đến lúc tôi viết những dòng này, dễ chừng đã trên mười lăm năm.Trong ngần ấy thời gian, chẳng sót đêm nào chị Thắm không thắp nhang và lầm rầm khấn khứa. Năm tháng qua đi, chị Thắm thêm tuổi thêm già mà chồng chị vẫn không báo mộng về.

   ĐK