Trang chủ » Truyện

Chuyện kỳ... lạ

Võ Tấn
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

 TNc: Bạn Võ Tấn ở Ninh Thuận vừa gửi cho Trannhuong.com truyện ngắn này. Cám ơn bạn Tấn đã yêu con web mà góp cổ phần. Xin giới thiệu cùng các bạn:                                   

Tôi cùng tuổi con trâu với Cao Trí, ở chung Làng Lạ, cái tên làng ngồ ngộ mà nhà cửa, đường sá… vẫn giống y chang như bao làng quê khác.
Tôi chỉ nhớ lơ mơ dường như tên làng mới thay đổi, hồi cuối thế kỷ 20 do có hiện tượng sét trời nhắm vô Làng đánh, đánh ngay ngôi Đình mỗi khi giông gió mà đình làng không hề hấn chi. Lạ thay người trong Làng Lạ trai trẻ lại càng học giỏi ra, người đi làm quan rất nhiều so với các làng khác trong Huyện.
Gia đình tôi nông dân chính hiệu, còn gia đình Cao Trí bố mẹ đều là công chức nhà nước. Dân Làng Lạ có xu hướng chuyển nghề chạy đua làm công chức. Tôi với Cao Trí trái ngược nhau cái nghề mà rất tâm đầu hợp ý. Nghĩ ra cũng thấy là lạ.
Tôi rời làng đi lên Sài Gòn tiếp thu kiến thức đương đại bỗng dưng mù tịt chuyện làng quê, còn Cao Trí chọn làng quê làm nơi “nghiên cứu” sở thích, luôn suy tư nơi luỹ tre làng. Lúc gặp nhau hai đứa say sưa thảo luận chuyện tương lai xa vời vợi, cãi nhau tới bến nhưng rất hợp tâm hợp tánh. Cao Trí hay nghĩ ra nhiều “chuyện lạ kỳ” quanh quanh Làng Lạ

Vào lớp 10, cùng đi lên phố học, ở trọ chung và thân thiết nhau cho tới tận giờ. Khi ông bố Cao Trí nhận chức phó chủ tịch Huyện, một điều lạ nữa chưa từng diễn ra với một quan cấp Xã vừa học xong Đại học tầm xa được cơ cấu ngay vào Hội Đồng, giàu nghèo như trở bàn tay thấy mà ham.
Cao Trí được bố mẹ sắm chiếc xe máy để đi học, tránh tiếng lợi dụng xe công đưa đón con “sếp” bằng xe con ông bố. Chiếc xe máy Drem II hàng Thái chính tông, cuối tuần là Cao Trí lấy xe máy chở tôi cùng về Làng Lạ, có hôm Trí không về nhà ở luôn nhà tôi đi làm ruộng giúp cha mẹ tôi, đầu tuần mới hai thằng lên phố học bằng chiếc xe ”xịn” con nhà giàu. Được hơn tháng đi xe máy sướng thật. Bố mẹ Cao Trí đột ngột thu lại xe, rất nhiều lý do nhưng Tôi và Cao Trí không bận lòng.
Cao Trí vẫn chơi với tôi thân thiết. Ngày nghỉ hai thằng lên xe đò về thăm nhà nhưng thưa hơn. Năm sau nhờ có tuyến xe buýt nên chúng tôi về nhà để giúp cha mẹ bất cứ lúc nào, Cao Trí mê ruộng đồng từ đó, việc trọ học chỉ khi vào thời gian ôn thi mới ở lại trường. Thích thú nhất tuổi thơ của chúng tôi luôn được sống với thiên nhiên nơi làng quê yên ả thanh bình.

***
Thật lạ kỳ, tôi chưa từng thấy người bạn nào của hôm nay có lối sống “kỳ quặc” như Cao Trí “con nhà quyền chức lại không mê chức quyền”.? Bố mẹ Cao Trí thấy chơi với tôi, một đứa học trò con nhà nghèo rủ rê “con nhà  quan” quay trở lại số kiếp “con cò lặn lội…”. Sợ đời con mình khốn khổ nên bố mẹ Cao Trí tới nhà tôi “làm việc” với cha mẹ tôi “dụ dỗ ”?!. Cao Trí về nhà hôm trước thì ngày hôm sau lai chạy sang nhà tôi, Cao Trí dường như không muốn mình sinh ra trong cái gia đình giàu có của nó.
Tôi thấy thương cho cha mẹ phải chịu hàm oan khi bố mẹ Cao Trí nặng lời: “gia đình…chịu trách nhiệm về thằng Trí bỏ nhà đi hoang…nó đã trộm tiền nhà tôi đem cho …?” Những lời lẽ phát ra từ một người cùng làng, cùng xóm chỉ cách vài trăm bước chân thuở cùng ruộng đồng, mùa vụ mượn nhau từ cái chổi, cái nia mà nay xa lạ đến vô cùng. Vì sao lại có chuyện đó? Tôi không biết, chuyện xa xưa của người lớn hay vì sự giàu nghèo hôm nay nơi Làng Lạ mà phân biệt.?
Bọn trẻ chúng tôi bây giờ nhạy cảm lắm đâu còn ngu ngơ gì những chuyện ấy, nói ra thì cho phận cháu con “hỗn láo”, không nói để trong lòng ấm ức muôn đời. Rõ ràng ranh giới Dân – Quan, kẻ ở trên cao người dưới thấp, chênh nhau cuộc sống giàu nghèo đang tranh đua tại Làng Lạ.! Tôi tâm sự với Cao Trí “thôi bọn mình không chơi với nhau nữa” nhưng Cao Trí cương quyết “thà từ bỏ cuộc sống giàu sang của bố mẹ chứ không bỏ bạn thân” Cao Trí nói: “tiền của của bố mẹ không có trong bộ nhớ của Trí.” Vì sao à?!. Vì Cao Trí biết rất rõ người trong Làng Lạ, toàn dân lao động nghèo khó, kiếm được miếng cơm no đủ không đơn giản từ những vùng đất chết. Xuất thân từ nông dân người đi làm công chức ăn lương chính đáng không hề có tiền dư. Bố mẹ Cao Trí cũng là dân Làng Lạ mới vừa lên đời… lấy tiền ở đâu ra mua hàng chục hecta đất mở trang trai, thuê người làm chẳng động tay chân, Cao Trí cảm thấy không công bằng.!!?.
Tôi không can thiệp vào chuyện suy nghĩ riêng tư của Cao Trí. Tôi thấy buồn buồn khi bố mẹ Cao Trí đã dùng quyền lực cản ngăn tình bạn thân thiết từ thuở tuổi thơ.
Khi thi Đại học, nghe tin Cao Trí đỗ Đại Học Nông Nghiệp, bố mẹ nó không ưng, tuyên bố không có đứa con như nó. Bố mẹ nó đã bán nhà của ở Làng Lạ dẫn đứa “con gái rượu” lên thành phố, đi mua đất ở vùng khác cùng các “anh” trên tỉnh lập trang trại. Nhưng nghịch đời thay, gia đình muốn Cao Trí lên thành phố tránh xa ruộng đồng, buộc Cao Trí phải thi vào trường Chính trị, trong lúc chờ đợi Cao Trí được sắp xếp cho làm việc ở Uỷ Ban Huyện, giữ cái chân “trợ lý cho ông Chánh Văn phòng Uỷ Ban” tạm một thời gian nhưng Cao Trí không theo. Ông bà dồn tiền mua đất ở thành phố cất nhà dành riêng cho Cao Trí lo phần tương lai, vung tiền mở rộng thêm trang trại lên tới vài ba chục hecta nữa có “đệ tử” thường xuyên giúp việc mà Cao Trí như người ngoài cuộc.
Ngồi uống cà phê với tôi ở quán Điểm Hẹn, Cao Trí buồn buồn chửi đỏng: “Đời các Bố sao mà tham lam hết biết. Bố nào có chức quyền là cấu vào nhau cùng tư lợi. Tưởng các Bố văn minh thì phải hiểu “bầu ơi thương lấy bí cùng..” nào đâu cái đầu các Bố mưu mô lợi ích cá nhân “sống chết mặt bay…” chỉ biết sướng cho đời mình để “nhục” cho đời con cháu?. Bố nào cũng bảo:Tao làm tất cả vì mày…!. Vì mày hay vì tham lam?. Tớ “đếch” cần làm theo cái kiểu các Bố…
Thế là Cao Trí không đi đâu hết, nó bám làng theo sở thích của nó. Bố mẹ nó đành để thằng con trai cứng cổ, cứng đầu sống cuộc đời nông dân thay cho ông bà.

Hôm tôi về Làng Lạ gặp lại Cao Trí. Tôi không hiểu lý do Cao Trí đã đậu vào Trường đại học Nông Nghiệp năm đó nhưng lại không đi. Nhà Cao Trí khá vững kinh tế có khó khăn gì đâu. Sao lại ở nhà nhỉ? Tôi nhớ rồi. Nhà ấy có hai anh em, đứa em “gái rượu “ được bố mẹ cưng chìu hết cỡ. Cao Trí thì ngược lại, lỗi tại nó luôn “chống đối” ngang ngạnh không cần sự giúp đỡ của bố mẹ, ngoài những bữa cơm và tiền đóng học phí phải phụ thuộc khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cao Trí không đi Đại Học nhưng đã có trình độ của một thanh niên khác xa thế hệ cha chú, biết tự nhận lấy ý thức và lòng say mê công việc. Cao Trí bán chiếc xe Drem II, mượn thêm ít vốn bạn bè thuê đất của các hộ nông dân, thực hành trồng Dưa Hấu. Tự nghiên cứu học tập thực tế cùng với sự chỉ vẽ tận tuỵ của ông Bảy nhà nông đại thụ của Làng Lạ, một trường Đại học ngoài đời rất hữu hiệu. Cao Trí rất thông minh nên sớm tiếp thu nhanh những kinh nghiệm, vừa làm vừa giúp nhiều người cùng làm dưa theo kỹ thuật nắm bắt từ thực tế. Vụ Dưa Hấu năm đó cả Làng Lạ thắng đậm, Cao Trí trở thành “đại gia nhỏ” về nông nghiệp.
Chuyện lạ nữa xảy ra. Hôm xe dưa cuối cùng của ông Bảy ra khỏi Làng Lạ bị Thanh Tra Giao Thông ách lại ngay đầu làng (xe chở quá tải). Cao Trí đích thân giải thích về sự mất nước của quả Dưa để được sự cảm thông, một số “cán bộ có bộ não suy nghĩ cứng nhắc” không biết cảm thông làm ông Bảy dở khóc, dở cười.
Theo lý, đúng ra xe Dưa chỉ bị phạt nhắc nhở vì dư tải vài trăm kglô, theo tải trọng cân của Thanh Tra đem cân chứ dân ai mà biết được cái cân kỷ thuật điện tử hiện đại nó “công tâm”. Mấy “quan chức máu lạnh” trong Làng Lạ được dịp “hùa theo” Một lực lượng hùng hồn bao vây xe dưa ông Bảy sợ “tẩu tán” như có một vụ buôn lậu lớn. Xe dưa của ông Bảy hôm ấy bị giữ tại chỗ làm thủ tục xử lý mất hết hai ngày cù cưa. Có người nói: Cả vụ Dưa bà con nông dân rầm rộ “phất cờ xoá nghèo” mà chẳng thấy ai “biếu” trái dưa nào ???. Vài trăm trái dưa xanh vỏ đỏ lòng chắt chiu mấy tháng trời của ông Bảy để lại nơi đầu đường làng, ông Bảy kêu bà con Làng Lạ ra lấy về ăn, coi như ông đãi khách mất dăm bảy triệu bạc. Nhà chức trách không linh động, đành phải xuống tải hết vài trăm trái dưa cho đúng quy định mới giải quyết. Xe dưa ông Bảy xuất hành muộn mất ba hôm.
Xe dưa ông Bảy chạy đến nơi giao hàng trễ chuyến, chủ hàng mua cân lại thì bị hao hụt hơn một tấn mà chẳng hiểu nguyên do vì đâu? Găp thời tiết mưa đột ngột mấy hôm, Dưa lại rớt giá “đi đứt cả vốn lẫn lời”. Có người lại nói: Biết vậy hồi bữa ấy “bồi dưỡng mấy ổng vài trăm”. Ông Bảy trả lời: Chuyến đó tui định giải nghệ nghỉ hưu luôn nhường đất cho các con cháu nó làm nên không…”. Ông Bảy cười khà khà…mà nước mắt lại chảy.
Ở nông thôn nếu các quan chức có trái tim và cái đầu lạnh tanh như thế thì dân không biết kêu ai? Đưa đơn thưa kiện thì không đủ gạo ăn đợi đi hầu. Mà kiện cái gì ”con kiến đi kiện củ khoai”. Rách việc.
Một mặt lo giúp bà con về kỷ thuật trồng trọt để phát triển cây trồng chuyển đổi giống mới. Cao Trí lại nảy ra ý nghĩ lạ kỳ nghiên cứu về “quan chức Làng Lạ” xem có gì lạ!. Tại sao họ “luôn có máu lạnh” trước cảnh đời cơ cực của nông dân.? Lòng tham hay cái đầu thiếu kiến thức?
-Ah. Đúng rồi cái đầu…cái bộ não…

***
Hết đơt nghỉ hè, tôi vừa quay trở lại Trường Đại học, chưa đầy 10 ngày thì Cao Trí gọi điện có vẻ gấp gáp:
-A lô! Minh Mẫn phải không?
-Đúng rồi! Minh đây mà.
-Chắc chắn là Minh Mẫn chớ! Tôi cần nói chuyện với bạn về…
Tôi bực mình cái thằng Cao Trí “suy tư”. Tôi nặng giọng: “Vâng.! Minh Mẫn đây. Có gì không Đại ca Cao Trí ! À à…Xin lỗi. Bạn nói đi Minh Mẫn nghe nè …nói ngắn thôi tốn tiền điện thoại lắm đó”.
Dường như Cao Trí đang lật sổ sách gì đó, trong cái máy điện thoại hàng hiệu “chợ trời” của tôi cứ kêu tiếng: sẹc sẹc…xạch xạch hơi gió. Tôi đợi mất khoảng 3 phút Cao Trí mới lên tiếng:
-Minh nghe không đấy?
-Chuyện gì…nói đại đại đi. Minh nghe
-Cái chuyện…
-Ớ…! Cái chuyện làm “lập trình điều khiển cho bộ não”!!!.
Tôi chỉ hứa sẽ giúp Cao Trí khi tôi tốt nghiệp Ngành Công nghệ Thông tin. Không biết tôi có làm được hay không mà Cao Trí lại đề nghị “phải xây…xây dựng đề án gấp gấp”.
Từ lâu đã đồng cảm với mọi công việc và ý nghĩ ngông ngông chẳng giống ai. Cao Trí hay suy tư, tôi hay tếu táo chuyện tương lai viễn vong vời vợi nhưng không đứa nào “từ bỏ cuộc chơi”. Tôi nhận điện thoại trong thời gian này hơi do dự vì đang phải học nhưng vẫn phải hứa để Cao Trí yên tâm.
-Ừ. Minh cố gắng. Cứ tưởng Cao Trí …
-A lô. Minh nè! Tôi đã nghĩ ra một “công trình khoa học”!. Thật thú vị đấy. Là sự kết hợp giữa một “bộ nhớ của máy vi tính” với “bộ não con người” thành một hệ thống điều khiển học chế tạo ra viên thuốc “ngăn ngừa bộ não bẩn” hết sức tuyệt vời cho đời sống.!
-Tụi mình còn đang học. Chuyện ấy mới là mơ ước thôi mà…
-Nhất định tụi mình đi tiên phong công trình khoa học kỳ quái này, phải làm cho bằng được không thì nguy mất. Minh cố gắng tranh thủ thì giờ nạp hết tất cả những tài liệu của tôi gởi vào dữ liệu máy tính… Cao Trí dặn một mạch:
-Phải sưu tầm những gì tốt đẹp về đạo đức, về khinh nghiệm từ xa xưa, tích tụ lại. Đạo đức. À đạo đức phải là căn bản nhé! Cài đặt hết vào bộ nhớ vi tính, sau đó làm thế nào nối được với các dây thần kinh bộ não người. À khâu này phải kết hợp chế tao thành một hệ điều khiển ngăn chặng suy nghĩ “bộ não dơ”… Sẽ áp dụng vào lĩnh vực chống tội ác phát sinh ra từ bộ não bẩn của “quan chức Làng Lạ”. Hy vọng Làng mình sẽ không còn loại người làm quan mà tham, cái đầu luôn có ý nghĩ vụ lợi. Lúc đó cả thế giới sẽ tôn trọng kính nễ người Làng Lạ, kính nễ người làm quan thời đại Công Nghiệp của đất nước… Cao Trí tuôn ra một mạch như thuộc lòng luận án…
-Ừ! Việc ấy đâu chỉ có bọn mình suy tư… Phải đợi mình học …
-Không được - CaoTrí nói - Xã hội lúc bấy giờ sẽ không có “thằng quan tham” sẽ không có “bộ não dơ”…cần phải có ngay một công trình khoa học như thế!
-Vâng! Mình sẽ cố…

Không phải lúc này, lập luận của Cao Trí đã bàn bạc khi gặp thời gian nghỉ hè của tôi, mới đầu hết sức hoang tưởng! Nói ra không biết có bạn nào cho rằng bọn tôi “Khùng”, nhưng chúng tôi không thể dừng lại, ít nhất thì có người xem câu chuyện lạ kỳ của chúng tôi cùng suy nghĩ đôi chút !
Cơ sở để chúng tôi nghiên cứu là trên thực tế Làng Lạ, cái làng có nhiều “quan máu lạnh” và cái đầu “cứng nhắc”. Nơi đây bước vào thập niên đầu của thế kỷ 21, một số người làm quan ở Làng Lạ thuộc thế hề cha chú chúng tôi, tức là độ tuổi đang có nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đời, lắm người đã bị nhiễm căn bệnh “tranh thủ thời cơ tích cóp của cải vật chất bẩn” cho riêng gia đình mình trước khi rời chỗ ngồi mát mẽ đầy quyền lực. Họ ít khi đồng cảm sẻ chia với nhau nếu thấy không có lợi cho cá nhân. Thế cho nên quan trường mới xảy ra chuyện các quan đổ lỗi cho nhau, thường “cãi nhau” và “chơi nhau” tới bến, mạnh tiền bạc bè phái thì “trụ”, yếu thế thì lo “dựa hơi” an phận cho yên ổn cái thân khi tuổi đã về …hưu.
Con người và thời đại hôm nay khác xa ngày hôm trước, chúng tôi lại phải quay về quá khứ để nghiền ngẫm những gì đã học. Ngày trước người nông dân biết chế tạo dụng cụ máy móc rất chi tài ba, để áp dụng vào thực tiễn trên những ruộng lúa, cánh đồng. Qua bao thế hệ dùng sức người kéo cày, rồi tậu trâu làm ruộng thay người, cho đến khi họ sử dụng thành thục các công cụ lao động tiên tiến như: máy cày, máy cấy, máy cắt, máy đập, máy nhai, máy xay…làm ra hạt gạo trắng thơm nuôi cái thân thể sống, tạo ra nguồn máu để nuôi “bộ não người” ngày một thông minh hơn. Từ bộ não thông minh mới suy tính phát minh, mới có nhà kiến trúc, nhà xây dựng, nhà nghiên cứu khoa học, nhà chế tạo, nhà kinh tế, nhà chính tri… và rồi cũng theo đó bộ não người đã bệnh: suy nghĩ bẩn thiểu, tham lam, bảo thủ, an phận “tránh đâu”…vv.và vv..
Đích thị “bộ não” khi bị bịnh thì nó là “tội phạm thông minh nguy hiểm cực kỳ” lòng tham lam đeo bám trên thân thể con người do “bộ não dơ” chỉ huy. Bộ não bịnh hoạn điều khiển toàn bộ hành động, máu trong con người cũng lây nhiễm mà lây lan, lâu nay cứ đổ tội cho gene hay bản năng… Nếu là người nông dân chân chất bao đời có “não bộ sạch” phát triển lành mạnh thì suốt đời họ tham mưa, tham nắng, thương cánh đồng, đổ mồ hôi không vì cái ăn, cái mặc. Lối suy nghĩ văn minh là không chỉ cho riêng mình. Cái đầu “có bộ não sạch” của nông dân đã nuôi sống hàng vạn con người khác trong đó có cả người có “bộ não dơ” cùng sống chung nơi Làng Lạ. Các nhà khoa học dư biết chuyện này. Chúng tôi chỉ mơ ước thế hệ sau không bị nhiễm virus tham, nhiễm “bộ não bẫn” nên tự mày mò thực hiện “công trình kỳ cục” này.
Tài liệu Cao Trí gởi cho tôi đã nạp vào máy vi tính lưu giữ và sẽ làm nên một “công trình khoa học tương lai”. Qua làm khảo sát số quan chức có hộ khẩu tại Làng Lạ, quan sát thấy số người mắc “bệnh tham”ngày càng nhiều, họ thuộc thế hệ bố mẹ, cha chú của chúng tôi có “bộ não quá dơ”, miệng họ cứ hô hào “dìu dắt lớp trẻ” nhưng cái đầu “nguy hiểm” của họ, phần nhiều đang hưởng thụ trong các cơ quan nhà nước. Họ vừa được thăng chức lên quan, bộ não họ chỉ huya “ngồi mát ăn bát vàng” quan liêu cản đường lớp trẻ, chỗ lãnh đạo là của họ, con cháu muốn vào làm việc phải cống nạp “cây, chỉ” và phải nghe theo lời chỉ bảo, không thì….
Trách gì. Bởi họ thuộc lớp người được đào tạo bằng con đường “đồng tiền đi trước - nộp tiền có bằng cấp ngay” để được ngồi “họp mà suy nghĩ” cho chức vụ và quyền thế đem lại cuộc sống vương giả. Họ luôn tỏ ra là người có “uy”, mồm “cãi” oang oang lý thuyết, lòng “âm mưu” đánh bại đối phương cố giữ cái ghế để hưởng bỏng lộc nhưng chưa bao giờ thấy “nhục”. Có người nói trắng trợn: phải lấy lại những gì đã mất?…Xã hội đang có quá nhiều “não bộ của lớp người cha chú chúng ta bị nhiễm virus tham” mới chỉ có trong 2 thập niên, cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 do sự cố “Y2K”. Cũng lạ lùng như hiện tượng sét đánh vào ngôi đình Làng Lạ, không chết ai cả họ tồn tại và phát triển?.
Rõ hơn là lớp người thế hệ này bị nền giáo dục đào tạo hiện hành “nạp cấp tốc giáo trình kiến thức áp đặt” giống như bộ nhớ của máy vi tính thời kỳ những năm 80 thế kỷ trước đồ sộ, hoành tráng mà chậm chạp. Giờ đây đã bị nhiễm virus quá nặng cần phải thay thế gấp gấp. Bộ não của thế hệ ấy chừ thành bệnh hoạn tham lam tràn lan trong giới quan quyền sau thời kỳ kinh tế thị trường. Não bộ của họ bị tấn công trầm trọng, virus tham tồn tại nơi cái thân hình bệ vệ oai phong với cái mác: “quan chức đương thời”. Chúng tôi kết luận nguyên nhân dẫn con người đến việc xung đột, tham lam, quan liêu, tiêu cực… chính là bộ não dơ.
Công trình nghiên cứu của chúng tôi sẽ giúp tất cả người làm quan thế hệ mới của Làng Lạ: giảm nói nhiều, chăm chỉ làm việc ngăn được suy nghĩ mưu mô và phải hành động đồng nhất trong lặng im của con người hiện đại, nhận thức tác hại, hậu quả…nhờ vào “bộ điều khiển điện tử cài đặt lập trình đạo đức và tư chất cán bộ vì dân phục vụ”. Nếu những ai bị nhiễm “quá cỡ thợ mộc” có thể bị thay thế vì hết thuốc chữa.
Rồi đây khoa học loài người tiến bộ hơn nữa sẽ sản xuất được “quan Rôbôt ” sử dựng công trình nghiên cứu của chúng tôi!!!

***
Chúng tôi phối hợp nghiên cứu chế tạo một con chíp điện tử như bộ vi xử lý máy tính Intel, có đầy đủ chức năng hoạt động trên cơ sở khoa học hiện đại. .. Khó nhất là việc chế tạo mẫu mã “bộ điều khiển chứa hệ thống ngăn ngừa” phải cài đặt vào não bộ người, bằng cách nào đó không làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục. Hay là phải nén bộ điều khiển cực nhỏ...
Cao Trí đem ý tưởng về việc chế tạo “bộ điều khiển tinh lọc bộ não dơ” trao đổi với ông Bảy, ông trầm ngâm rất lâu. Ông Bảy khuyên:
-Tốt nhất là nên bọc đường “cái bộ điều khiển” như viên thuốc con nhộng vậy. Đặt cho nó cái tên “Viên thuốc Trường Sinh”. Chúng ta không lừa họ nhưng chắc chắn khối vị quan tham tự giác uống vào cơ thể. Các cháu nhìn thấy họ ngấp nghé nghỉ hưu cả rồi.! Sợ chết lắm.. À mà các cháu chế tạo sao đó khi uống vào phải cho nó hoà tan được  trong máu luôn thì tuyệt vời…
Cao Trí và tôi đem ý tưởng nghiên cứu kể cho bà con nông dân Làng Lạ, nghe xong câu chuyện lạ kỳ rất lôgic, bà con Làng Lạ hoan nghênh. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm cho tất cả những “quan chức là người trong Làng Lạ”, dù họ làm quan bất kỳ ở nơi đâu, cơ quan nào miễn là người có hộ khẩu ở Làng Lạ sẽ được cài đặt miễn phí “bộ điều khiển tẩy rửa não” để chống lại sự hao tổn trí tuệ do virus tham xâm nhập.. Nếu có sự giúp đỡ cộng tác chặt chẽ của các bạn cùng “ý tưởng kỳ cục” công trình chúng tôi sẽ thành công trong tương lai gần!.
Lạ thay! Khi nghe đến “công trình kỳ lạ” này, có người đang là quan chức của Làng Lạ không hiểu sao, họ rủ nhau cắt hộ khẩu chuyển qua Làng Mới….
                                                                                                Võ Tấn