Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đọc thoại trên một chặng vạn lý Trung Hoa

Mai An Nguyễn Anh Tuấn
Thứ ba ngày 27 tháng 5 năm 2014 8:35 PM


 Bút ký

 

     Chuyến xe lữ hành chạy qua vùng Giang Nam mênh mông với những mái nhà đen tường trắng đơn điệu… Giữa lúc tôi ngậm ngùi nghĩ đến nắm xương tàn của Thần y Tuệ Tĩnh gửi lại chốn này cùng lời trăng trối buồn bã khắc vào bia của cụ(1) thì nghe tiếng chị trưởng đoàn nói oang oang: “Ai muốn xem chương trình biểu diễn về lịch sử Trung Quốc thì nộp 300 Tệ nhé!” Lời thông báo tựa gió thoảng. Cậu hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc bắt đầu hoa chân múa tay thuyết phục bằng một thứ tiếng Việt khá sõi: “Trương Nghệ Mưu đạo diễn đấy!… Nếu bỏ qua tiết mục đặc sắc này, sẽ ân hận cả đời đấy!”

    Không biết sự ân hận đó sẽ ra sao, nhưng tôi biết trong đoàn có nhiều người đã ân hận cay đắng vì vài lần ăn phải “quả lừa” rất điệu nghệ của cậu hướng dẫn du lịch có tên Hà Sinh này. Mấy hôm trước, ở nhà thuốc Hoàng gia Đồng Nhân Đường, Hà Sinh đã bơm thổi một cách bài bản những trò khám bệnh miễn phí của mấy lang y râu tóc phơ phơ. Lại được chứng kiến cảnh đốt bàn tay làm “khổ nhục kế” cỡ bậc thầy của “Sơn Đông mãi võ” do nhân viên cái nhà thuốc có lịch sử 300 năm này trổ tài, nên tâm lý “tham sống sợ chết” của số đông người đã bị thôi miên, họ buộc mở ví tiền không mỏi tay để mua hàng chồng thang thuốc làm bằng các rễ cây tầm thường! (Trong đoàn có người biết Đông y tối hôm đó đã đọc vị các thang thuốc). Đau nhất là một anh họa sĩ trường quay, đã moi gần hết số tiền cả Nhân dân Tệ lẫn tiền Đô mang theo để mua mấy con Đông trùng hạ thảo giống cành cây khô đựng trong chiếc hộp đẹp choáng mắt. Mấy bà mấy chị cùng đoàn khi hỏi giá thì kêu giời: “Đắt gần gấp 10 lần ở trong nước!” Tưởng chỉ trót dại “mắc câu” một lần, ai dè, lần nào cũng như lần nào, những vị khách du lịch ki cóp dành tiền cả năm để tham quan “đất nước Trung Quốc vĩ đại” đều đã thỏa mãn được ít nhiều cho cái mà tôi tạm gọi là: “chiến lược móc túi du khách” có hệ thống từ những công ty lữ hành tới các danh lam thắng cảnh, các thương hiệu hàng hóa của họ... Tôi biết được sự "hợp tác" rất ăn ý này khi vô tình tận mắt chứng kiến bà chủ cửa hàng tơ lụa Hàng Châu nổi tiếng đưa cho Hà Sinh một phong bì cộm. Cậu ta mở ngay ra đếm, rồi "nỉ hảo, nỉ hảo" rất thân thiết. Hai chữ "nỉ hảo" ngọt ngào đó tôi đã vụt nhớ lại vào cái ngày: chiếc áo lụa tơ tằm tôi từng sung sướng tự hào lựa chọn suốt cả giờ để mua cho đứa con gái nhỏ bị rách tơi tả sau khi giặt, dẫu chỉ mặc có một lần, và nó giống một lưỡi dao lam khía nhẹ mà thấm đau trong tôi!

     Hà Sinh trạc 21- 22 tuổi, gầy gò và lanh lợi, mắt một mí, phong cách bề ngoài dễ cho người khác cảm tưởng cậu ta chẳng coi cái gì là quan trọng. Ngay cả sự nổi nóng bất thần của Hà Sinh cũng vậy, cậu ta có thể ngay sau đó cười nhăn nhở ra chiều xin lỗi và cảm thông với đối tượng bị nổi nóng. Hà Sinh tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với riêng tôi sau buổi tham quan danh thắng Hàn Sơn tự ở Tô Châu- Giang Tô... Hà Sinh hùng hồn giải nghĩa cho khách nghe bài thơ nổi danh của Trương Kế khắc trên bia đá, có điều sai be bét. Trong lúc mọi người tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm, tôi ghé tai Hà Sinh: "Ai dịch ra tiếng Việt cho cậu bài Phong Kiều dạ bạc thế?" Hà Sinh nhìn tôi chằm chằm xem tôi có ý đồ gì không. Thấy tôi nhẫn nại, cậu ta vênh mặt lên: "Trong giáo trình của trường Du lịch đấy! " Tôi mềm mỏng: "Nhưng dịch như thế là chẳng hiểu gì bài thơ, thậm chí giết chết cả một bài thơ cực hay..." Hà Sinh bắt đầu tự ái: "Dịch thế nào là quyền tôi, người thay mặt công ty..." Tôi nóng mặt, song cố kiềm chế: "Hà Sinh này, tôi cũng vì muốn tốt cho công ty cậu thôi, hơn thế, vì hình ảnh của đất nước cậu trong con mắt người Việt Nam... Biết bao thế hệ văn nhân thi sĩ và người đọc nước tôi say mê bài thơ này, vậy mà..."

    Chắc cảm nhận được điều gì đó xót xa chân thực trong tôi mà Hà Sinh chùng giọng xuống: "Vậy theo anh, phải dịch thế nào?" May sao, tôi từng là một thầy giáo dạy văn nên cũng nhớ được vài bản dịch; và sau khi giải nghĩa từng câu, đặc biệt là câu thứ hai "Giang phong ngư hỏa đối sầu miên", tôi đã đọc cho cậu ta nghe một bản dịch thơ Đường rất quen thuộc ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ:

Trăng tà chiếc quạ kêu sương

Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

(Đỗ thuyền ban đêm ở bến Phong Kiều)

    Hà Sinh ngẩn người ra, quên béng sĩ diện để xuýt xoa: "Hay quá, hay quá! Em mà biết bài dịch này, chắc khách thích thú lắm! Em sẽ có thêm dấu son ở công ty!" Rồi Hà Sinh vội mở sổ tay ra bắt tôi đọc lại từng câu, cắm cúi ghi chép, miệng ngâm nga. Sự hồn nhiên đáng yêu của Hà Sinh khiến tôi dẹp được thoáng bực bội trước mục đích vụ lợi khá thô thiển...

     Khó mà trách được cậu ta: những người có trách nhiệm quảng bá văn hóa bằng du lịch của họ đã hoạt động theo lối chụp giật, đặt lợi nhuận lên trên hết, bất chấp giá trị văn hóa thực sự - còn "tầm nhìn văn hóa sâu rộng" chỉ nằm trong nghị quyết và những cuốn sách dày phủ bụi!

     Trong âm điệu những câu Đường thi man mác nỗi buồn, chập chờn mơ tỉnh đó tôi ngẩn ngơ bước vào ngôi chùa trở nên nổi tiếng bởi tâm hồn người thi sĩ từ mười mấy thế kỷ trước...Văn chương đích thực, rộng hơn là văn hóa đích thực- ở thời đại nào và ở đất nước nào cũng thế, đều có khả năng kỳ diệu giúp con người tự hoàn thiện mình, để có thể sống đúng là Con người. Thế nhưng, chỉ vì quyền lợi ích kỷ, người ta đã có thể sẵn sàng dẫm đạp lên văn hóa và bất chấp mọi giới hạn của đạo lý... Bên mộ người anh hùng Nhạc Phi và mộ vợ chồng gian thần Tần Cối (cùng hai bức tượng quỳ trước mộ Nhạc Phi) ở Hàng Châu - Chiết Giang, sau khi Hà Sinh làm xong nhiệm vụ, tôi đã kể qua cho cậu ta nghe nội dung bài thơ "Tượng Tần Cối" của thi hào Nguyễn Du- một sứ thần Việt Nam, trong đó có câu: "Suốt một đời trái tim đen tối của hắn vẫn đầy nọc độc, chỉ có cục sắt kia là phải chịu nỗi oan lạ lùng" (Dịch nghĩa từ chữ Hán). Hà Sinh gật gù, vẻ tâm phục khẩu phục, rồi lại giở sổ tay ghi chép...Tôi chợt thầm hy vọng: Hà Sinh sẽ không chỉ làm thỏa mãn lòng hiếu kỳ của du khách, cậu ta còn sẽ lấy đó làm bài học cảnh tỉnh cho chính mình và cho nhiều đồng hương, đồng tộc, đồng chí của cậu ta nữa.

      Dần dà, Hà Sinh đã không còn chút nghi ngại gì về tôi, và tìm cách bày tỏ sự biết ơn- kể cả việc đã giữ thể diện cho cậu ta. Hà Sinh tâm sự: cậu ta sinh ra ở một vùng phía Bắc Trung Quốc, nơi có những con ngựa Hồ vẫn đưa về khu du lịch Tam Quốc Thành ở Vô Tích (vốn là trường quay phim "Tam Quốc diễn nghĩa" ) cùng những người nài ngựa trẻ tuổi hàng ngày diễn cảnh đánh nhau trên lưng ngựa cho du khách xem hoặc làm cascadeur cho phim lịch sử để Ban quản lý thu bộn tiền... Người yêu Hà Sinh học cùng trường du lịch, hiện đang công tác ở một công ty cách Bắc Kinh hơn ngàn cây số. Đã gần một năm rồi họ chỉ gặp nhau qua điện thoại di động đến bỏng tay... Hà Sinh kể, gia đình cậu ta rất nghèo, cả nhà ba bốn thế hệ chen chúc trong ngôi nhà nhỏ chình đất lợp tôn. Thời Cách mạng Văn hóa, người anh cả của Hà Sinh bỏ xác ở một nông trang cải tạo lao động vùng Tân Cương. Cha của Hà Sinh bị xích tay tống lên xe tải khi tham gia biểu tình chống ô nhiễm môi trường tại quê nhà, rồi mất tích suốt hai năm nay. Một chị dâu của Hà Sinh vì sinh con ngoài quy định, con vừa dứt ruột ra đã bị cán bộ xã bắt mất đi đâu không rõ, nên uất hận uống thạch tín tự vẫn... Cặp mắt thường ngày lấp lánh những tính toán ranh ma của Hà Sinh chợt thoáng ư ứ lệ, nhưng rồi nhanh chóng trở lại ráo hoảnh. Sự thống khổ, tấn bi kịch của gia đình Hà Sinh phải chăng đã thực sự quy chiếu được thân phận của phần đông người lao động trên đất nước mênh mông này, và được cậu ta lý giải một cách trơn tru theo phong cách tuyên truyền chính thống: "Tất cả vì sự phát triển và sự phồn vinh của Trung Hoa vĩ đại!"

     Nhưng, ánh mắt Hà Sinh lại cho thấy, cậu ta đang tìm cách lợi dụng một cách khôn khéo cái mục tiêu "vĩ đại " đó cho mục đích riêng, với sự liều lĩnh, thách thức, sẵn sàng lừa đảo tất cả, và chắc chắn không bao giờ có thể nguội lạnh mối căm hờn truyền kiếp đối với sự ác bá phi nhân của một số kẻ trong chính quyền... Vô tình, Hà Sinh vừa là nạn nhân vừa là đồng phạm của một thứ triết lý sống coi mọi thứ trên đời chỉ là phương tiện để có thể đạt tới cái vĩ đại mà không ai làm nổi, thực chất là tham vọng vượt xa cái giới hạn của lương tri lẫn cái tầm mức bình thường của loài người- dù có phải dẫm đạp lên mọi giá trị nhân bản!...

     Trong khi vất vả đi theo lá cờ đuôi nheo có dấu hiệu riêng dành cho từng đoàn du lịch mà Hà Sinh phất loạn xị giữa đám du khách "hỗn quân hỗn quan", hay ngẩng cổ ngắm nhìn những tường thành sừng sững, những lầu ngang dãy dọc hoành tráng, những nóc cung điện đồ sộ, bất chợt những lời của một người thầy đáng kính dạy môn Hán văn cổ từ thời học đại học cứ hiện ra trong tâm trí tôi như kiểu chữ triện khắc đậm nét: "Văn hóa Hán là văn hóa của sự cực đoan đến tận cùng... Đó là nền văn hóa phục vụ cho vua chúa, cho giới vương tôn công tử nên không thèm biết đến mức độ, lúc nào cũng như muốn đè bẹp, muốn trấn áp, hòng khiến người ta hoảng sợ quỳ mọp cúi đầu và tê liệt mọi ý thức về cá nhân mình lẫn mọi sự phản kháng..." Nhưng còn loại văn hóa cùng với những gì thuộc về công lý, lẽ phải, lòng nhân đạo dành cho đại đa số quần chúng lao khổ mà các bậc Thi thánh Thi tiên như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch... hằng vun đắp, tôn vinh thì đã, đang và sẽ bị tham vọng dữ dằn của chủ nghĩa bá quyền thiên hạ lăm le xé nát rồi ăn tươi nuốt sống - nó được đại diện bởi những kẻ "không để lộ nanh vuốt nọc độc nhưng ăn thịt người ngọt xớt như đường " ("Phản chiêu hồn" của Nguyễn Du). Phải, tôi đã tận mắt nhìn thấy, trực tiếp cảm nhận được những được điều đó, qua một cậu thanh niên người Hán vốn bản chất lương thiện, trên vạn dặm Trung Quốc thực đáng kính nể và cũng vô cùng đáng sợ!...

     Sau khi không được đoàn du lịch đồng tình đóng góp tiền xem biểu diễn, Hà Sinh mang vẻ mặt tiu nghỉu ngồi duỗi chân tay trên hàng ghế đầu, miệng ngáp liên tục. Chuyến xe đi vào bóng đêm mịt mùng... Chỉ ít phút nữa thôi, chúng tôi sẽ đi vào "Kinh đô ánh sáng" - Thành phố Thượng Hải. Lúc này, Hà Sinh đã thiu thiu ngủ, dành sức cho đêm nay với những "chiêu" làm ăn mới. Ánh sáng màu vung thừa thãi khắp trời đô thành và ngập ngụa sông Hoàng Phố là để dành cho những du khách đang háo hức điều mới lạ, chứ cậu ta chỉ cần có thêm vài trăm Tệ sau khi múa mép dẫn dụ họ lạc vào mê hồn trận của dịch vụ, góp vào việc biến giấc mơ của mình thành hiện thực: cưới cô người yêu đang xa cách nghìn trùng làm vợ, thuê một căn nhà chung cư nhỏ, tìm cách để hai người mỗi năm xích về gần nhau hơn một chút...Than ôi! Ở cái đất Bắc Kinh mà quan chức nào đến cũng sẽ cảm thấy chức quan của mình còn rất nhỏ, ở cái đất Thượng Hải mà ai đến cũng sẽ thấy mình quá ít tiền, thì liệu Hà Sinh có thể xơ múi gì được nếu chỉ bằng mỗi cách chụp giật cò con nhắm vào túi tiền du khách đi theo tour, và không phải lúc nào cũng được như ý muốn?!

     Những luồng ánh sáng đô thị bắt đầu loang loáng vụt qua gương mặt còn gần như trẻ thơ của Hà Sinh lúc ngủ vùi mê mệt. Bỗng dưng trong tôi chợt dấy lên một niềm thương xót gần như vô lý đối với cậu ta, tình thương đối với một đứa em trai út, một cậu học trò... Tôi bất giác lôi trong cặp ra ngắm nhìn con búp bê rẻ tiền bằng len của người thợ thủ công Hàng Châu mà Hà Sinh rụt rè tặng tôi, khi thấy tôi đi tìm mua búp bê cho con gái - như một sự đền đáp lại những bổ khuyết nho nhỏ của tôi cho cậu ta về văn học Trung Quốc... Con búp bê này cũng có thể là một trong những chứng cứ để tôi tin rằng: không phải hàng hóa nào mang nhãn Made in China cũng là đồ rởm... Nhưng biết đâu, nó cũng đã bị nhuộm bởi hóa chất màu độc hại- như hầu hết các đồ chơi con trẻ đang tràn ngập thị trường Việt Nam?

     Kẻ nào đã khiến tôi phải nghi ngờ một con búp bê vô tội và phải cảnh giác với một cậu thanh niên Trung Quốc đang có một ước mơ hạnh phúc bình dị? ...

________________

1 "Sau này, có ai về nước Nam, hãy đưa di cốt của tôi về với."( Tuệ Tĩnh)

2. Đã thay đổi tên thật của nhân vật

                                                          

                                                   Mai An Nguyễn Anh Tuấn (Đạo diễn điện ảnh)

 

(Đã in Tuần báo Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh )