Minh Hằng từng công tác ở Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên và nhiều năm nay ở báo Thái Nguyên. Năm 2006 Minh Hằng đã in tập thơ “Phút riêng” và mới đây là tập tản văn “Bóng thời gian”, (Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, quý 1/2014). Thơ thì giàu cảm xúc, báo thì giàu chất đời sống, hai phẩm chất đó hội ở Minh Hằng và được thể hiện một cách già dặn, nhuần nhuyễn trong tản văn “Bóng thời gian”, tạo nên sức hấp dẫn riêng đã đọc là khó dứt.
Tản văn cho phép bày tỏ cảm xúc cá nhân trước hiện thực đời sống đối sánh với những kỉ niệm đã qua. Đọc “Bóng thời gian” ta được biết một Minh Hằng sinh ra cùng thành phố, lớn lên cùng thành phố, trưởng thành cùng thành phố với bao kỉ niệm bâng khuâng từ con ngõ nhỏ, từ trận bom dã man của không quân Mĩ sát hại bao người: “Tôi yêu thành phố hôm nay nhưng cũng như khao khát được nhìn thấy những kỉ niệm xưa” - (Thành phố đã lớn lên như thế)… Dù không biết tác giả và thành phố Thái Nguyên thì khi gấp sách lại ta đã như thấy thân quen lắm với “hai người” bạn mới này. Trong bài “Lời cảm tạ văn chương” ta được biết Minh Hằng làm thơ được điểm 10 từ khi học lớp 4, rồi đạt giải nhất văn cấp thành phố, đạt giải văn toàn quốc được vào thẳng trường đại học Sư phạm, ra trường dạy văn cấp 3, rồi về Hội VHNT tỉnh và nay ở báo tỉnh. Rõ ràng để có nghề nghiệp thì văn thơ đã giúp Minh Hằng vươn lên. Thành tựu văn học hôm nay có sự chuẩn bị nền móng vững chắc từ nhỏ và niềm đam mê cháy bỏng hôm nay. Phần tản văn “Dấu xưa yêu” chất thơ nổi trội hơn, Minh Hằng đưa ta về với bao kỉ niệm xưa đầy cảm xúc, đầy nhạy cảm. Từ chuyện gia đình với kỉ vật cái áo cũ của mẹ, tiếng con tắc kè kêu gợi nhớ thời yêu đương, phong tục tắm lá mùi ngày tất niên, chuyện đói ăn thiếu mặc thời chiến tranh… đến kỉ niệm về gốc đa, con ngõ, lớp học sơ tán, ga tàu thành phố…
Ở phần 2 “Thấy và nghĩ” chất báo trội hơn nên có thể gọi đây là tạp văn. Hiện thực đời sống ngồn ngộn và tác giả tinh tế ghi lại với con mắt “tôi có ý kiến” mong góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp lên. Những bức xúc được làm nhẹ đi, những cái tưởng thoáng qua lại được làm cho thấy mầm nguy hại. Ý kiến nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Hầu như góc độ nào của đời sống cũng được tác giả “có ý kiến” như vậy. Và loại ý kiến này đã dẫn dắt người đọc đi qua hết trang này đến trang khác, đến trang cuối cùng thì thòm thèm muốn được đọc thêm nhiều nữa.
Với chuyện “quốc gia đại sự” như chuyện 30% công chức vô dụng cần giảm biên tác giả lấy số liệu thực tế “chứng minh” không có công chức vô dụng vì ngành nào cũng xấp xỉ 98% đạt lao động tiên tiến và kết luận “Tìm được người tài đã khó, chỉ ra được kẻ bất tài còn khó hơn nhiều” (30 phần trăm á, vô lí thế).
Với chuyện hội họp cơ quan đầy chất hình thức cần khắc phục (Chuyện ghi ở cuộc họp) thì ngay trong sinh hoạt tổ chức đảng cũng rất hình thức chẳng kém (Kinh nghiệm “quý”). Sở dĩ có tình trạng ấy xảy ra bởi đây đó còn có những vị thủ trưởng “tính khí đàn bà” đòi khen (Sếp là luôn luôn đúng nhá), hay luôn biết “Thời điểm ngoan hiền” để giữ ghế, hoặc luôn chỉ hứa suông không cụ thể (Lúc nào là… lúc nào).
Chuyện xã hội muôn hình vạn trạng càng làm phong phú những trang viết Minh Hằng và càng làm bạn đọc mê mị. Chuyện làm việc thiện là “Vì người hay vì mình”. Người thu tiền thu của cho việc thiện thì trước hết lấy lợi cho mình đã ((Quyên góp quần áo cũ). Đi chơi hội chợ vui nháo nhào nhưng mua bán chụp giật, không thật (Đi hội chợ “lào”). Đi chợ thì “Nháy mắt” hàng giả hàng thật lẫn lộn. Đi cửa hiệu thì không có quyền lựa chọn (Hãy để “thượng đế” được quyền lựa chọn). Đi chùa đi đền thì đủ kiểu “móc túi” (Mùi tiền nơi cửa thánh). Đến đi viếng mộ cũng không thiếu cách bị móc túi (Day dứt). Chuyện học hành cũng có khi thầy cô nặng về vật chất (Mớm lời con trẻ), tình cảm bạn bè không còn như trước, điều rất đáng báo động về đạo đức, tình nghĩa (Chia tay không lưu bút).
Chuyện gia đình cũng nhiều sự cố bất ngờ do đời sống hiện đại mang lại. Vợ chồng dắt nhau đi khiêu vũ thể thao dưỡng lão dẫn đến rạn vỡ tình nghĩa “Sự cố tắc xình). Chơi Facebook mà làm cho cơm chẳng lành canh chẳng ngọt (Kẻ chia rẽ mang tên… facebook). Vợ chồng thiếu tin tưởng nhau chuyện tiền nong nê không thể tát cạn bể Đông, kiểu góp gạo thổi cơm chung có ngày tan vỡ (Tiền anh, tiền em). Thú vui khi nghỉ hưu có khi làm mất cảnh đầm ấm gia đình bao năm vun vén (Về hưu). Yêu đương vụ lợi tất không có kết quả (Tình phí ai chi, Miếng ăn quá khẩu thành tàn).
Với “Bóng thời gian” tác giả Minh Hằng đã định hình khá rõ nét cho mình một phong cách riêng về một thể loại văn học. Hi vọng bạn đọc còn được đón nhận nhiều hơn nữa những trang văn như vậy.
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh
02413.782.355 – 0168.5300.803