PGS-TS Nguyễn Đắc Hy thực hiện công trình MÔI TRƯỜNG VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN trong nhiều năm "đau đớn và tự ái" - vì "người ta đã làm Môi trường mà không hiểu nội dung thực sự của Môi trường. Người ta mới làm chính trị về Môi trường chứ chưa làm Môi trường !" .... Sự trì trệ, bảo thủ, tầm nhìn hẹp, yếu kém về chuyên môn, cộng với tình trạng tham nhũng khoa học đã khiến Sự nghiệp Môi trường của nước ta trở nên lạc hậu so với thế giới hàng thập kỷ, và là căn nguyên của một hệ thống chính sách sai lầm về các vấn đề Môi trường. Điều đó dẫn tới hệ quả là môi trường bị ô nhiễm tràn lan khủng khiếp chưa từng thấy, Tài nguyên (tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người) bị khai thác bừa bãi phung phí khiến những ai có lương tri và hiểu biết đều phải đau xót đến đứt ruột...
Một buổi chiều, ông Nguyễn Đắc Hy đến nhà tôi, giơ ra một bài báo có tiêu đề "Costa Rica - Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới" hồ hởi khoe: "Cậu đọc ngay đi, hay quá!" Trước khi đưa tờ báo cho tôi, ông còn đọc vài đoạn, không giấu nổi sự vui sướng khi phát hiện ra điều cực lý thú: "Đó là khu bảo tồn sinh thái tốt nhất trên hành tinh của chúng ta.... Costa Rica cũng không chạy theo đồng đô-la của các viện bào chế thuốc tây Âu Mỹ hay của các tập đoàn khai thác năng lượng phương Tây để bán rẻ tài sản thiên nhiên của mình...." (Sức khỏe và Đời sống)
Thời gian này, ông đang viết cuốn sách "Môi trường và con đường phát triển". Cứ có ý gì hay hay ông lại gọi điện thoại cho tôi, hoặc gọi tôi tới nhà để chia sẻ. Một hôm, nhân tiện đang đọc cuốn sách "Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI" của hai tác giả Aurelio Peccei (Italia) và Daisaku Ikeda (Nhật) viết những năm cuối của thế kỷ trước, tôi đã đọc cho ông nghe những dòng dẫn luận mà sau đó ông trích dẫn vào công trình của ông: “Tình hình toàn cảnh thế giới đang trở nên xấu đi, và một điều rất thực tế là mối nguy hiểm do những cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra đang trở nên nghiêm trọng hơn... Thật vô lý nếu chúng ta xao lãng những cơ hội to lớn mà nhân loại có được do kết quả của tri thức cùng những phương tiện khoa học; và cũng thật vô lý nếu chúng ta từ chối trách nhiệm cải thiện số phận của chính chúng ta”. Trong khi cố gắng “thức tỉnh con người”, thực hiện “cuộc cách mạng con người”, hai tác giả đó đã nhấn mạnh yếu tố “con người” như một dạng năng lượng đặc biệt có sức mạnh kỳ diệu: “Chúng tôi cho rằng, rất nhiều vấn đề chủ yếu hiện nay là thuộc về tư tưởng và đạo đức, và không có một sức mạnh khoa học kỹ thuật nào hoặc biện pháp kinh tế nào có thể giải quyết được những vấn đề đó... Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ”... Tôi nói với ông Hy: Cái suy tưởng về giá trị vô song của năng lượng đạo đức - tinh thần - tư tưởng sẽ cứu rỗi thế giới đó, từ hơn hai nghìn năm trước, Đức Phật đã đề cập tới. Và trong kỷ nguyên năng lượng - khí hậu, nhất là trong thế kỷ XXI của chúng ta, những vấn đề môi trường và phát triển trong mối quan hệ tư tưởng & đạo đức lại được đặt ra một cách gay gắt hơn bao giờ hết. Martin Luther King (nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi, và là người đoạt giải Hòa Bình năm 1964) đã từng nói: "Trong đống ngổn ngang hài cốt và tàn dư của nhiều nền văn minh, nổi lên một dòng chữ đầy nuối tiếc: Quá muộn rồi. Sau đây, chúng ta sẽ đi về đâu, sự hỗn loạn hay một cuộc sống cộng đồng?"
Trong quá trình phát triển, con người đã nhận thức được một cách thấm thía hậu quả chính là từ trong sự phát triển - đó là ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường và dẫn đến các tai biến môi trường, các nhiễu loạn sinh thái, điều đó đã và đang tác động đến an ninh xã hội, an ninh quốc gia và nhân loại. Nhận thức được những vấn đề môi trường nhức nhối đó, các quốc gia và cộng đồng quốc tế đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất đầu tiên về môi trường ở Stockholm, và ngày 5/6/1972 đã trở thành ngày Môi trường thế giới. Kể từ đó đến nay đã gần 40 năm; mặc dù các quốc gia đã và đang thực thi nhiều biện pháp bảo vệ môi trường trong phát triển xã hội, song những vấn đề môi trường ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, nhất là trong các quốc gia nghèo mà năng lực chống đỡ bị hạn chế... Giữa lúc cả xã hội loài người đang xao xác tơi tả bởi những vấn đề Môi trường cùng các hệ lụy đau lòng bởi Môi trường bị tàn phá, Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, giữa khi con người trên khắp hành tinh đang bị Thiên nhiên trả thù đích đáng bởi sự thiển cận, độc ác, tham lam của chính mình, thì sự xuất hiện của một công trình nghiên cứu công phu như "MÔI TRƯỜNG VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN" vào lúc này kể đã là quá muộn! Nhưng, muộn còn hơn không. Cùng với nỗ lực của các cá nhân, các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, cuốn sách mới nhất của PGS-TS Nguyễn Đắc Hy đã góp một tiếng nói quan trọng vào sự cảnh tỉnh cộng đồng: cần có một cách ứng xử văn minh và khoa học đối với Trái đất chung của chúng ta.
Công trình "MÔI TRƯỜNG VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN" (Nhà xuất bản CAND - Hà Nội, 2011) dày gần ngàn trang in khổ lớn bắt đầu với lời đề từ: "Văn minh sinh thái là cội nguồn của phát triển Hạnh phúc nhân loại". Trong Phần hai cuốn sách có tên: "Sinh thái nhân văn- Năng lượng kỳ diệu", tác giả đã viết về tư tưởng chủ yếu của cuốn sách như sau: "Nhận thức về màu xanh của phát triển, của hoà bình trước hết phải xuất phát từ nhận thức về tự nhiên, quy luật của tự nhiên, quy luật của phát triển theo lẽ sống công bằng của xã hội...". Công trình này có thể nói là một "tập đại thành" những vấn đề về Môi trường và Phát triển xã hội cả trên bình diện lý thuyết lẫn thực tiễn, vốn không có nhiều trong lĩnh vực này. Nó là sự tổng kết sau nhiều thập kỷ chiêm nghiệm, vật vã đau đớn của tác giả qua công tác quản lý Nhà nước về môi trường, ở nhiều cơ quan khác nhau... Trước những tác động nguy hiểm của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng như các thiên tai: bão lũ, động đất, sóng thần v.v. đã, đang và sẽ gây ra những thiệt hại to lớn về người và của cải cho dân tộc và các vùng lãnh thổ trên thế giới, trong khi Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh sinh thái và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, thì sự xuất hiện của công trình "MÔI TRƯỜNG VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN" là một hành động chứa đầy ý nghĩa tích cực, và giống như một lời kêu gọi khẩn thiết, nóng bỏng tính thời sự!
Đây là cuốn sách tiếp theo cuốn “Phát triển bền vững trong tầm nhìn của thời đại”
( xuất bản năm 2003. Và cả hai cuốn ông đều không được hưởng một đồng nhuận bút nào!). Cuốn sách mới này thực chất là sự tiếp tục dòng suy tưởng về “những vấn đề môi trường và sinh thái trong phát triển” từng được các nhà kinh điển về triết học, kinh tế chính trị học, địa lý học, sinh thái học... kiểm nghiệm, đúc rút ra nhiều quy luật của sự phát triển.
Có một điều rất lý thú, do chính tác giả bộc lộ: một trong những động lực để ông hoàn thành được công trình của đời người này, lại xuất phát từ mấy câu thơ, sau một lần được dự cuộc tọa đàm về thơ Trần Dần tại L' Espace ( Trung tâm văn hóa Pháp - 24 Phố Tràng Tiền, Hà Nội): "Tôi hiểu rằng tư duy và kinh nghiệm của mình còn quá nhỏ hẹp trong biển cả của môi trường và sự phát triển... Tất cả những vấn đề quá rộng lớn đó khiến tôi nhiều lúc không đủ năng lực và can đảm để hoàn thành cuốn sách, không dám viết tiếp, vì càng viết lại càng cảm thấy sự hạn chế của mình. Song, sau khi được nghe thơ Trần Dần: Tôi đói/ mọi cái gì/ tôi chửa biết,/ mọi khát khao/ hy vọng/ loài người... tôi đã được truyền một nghị lực mới mẻ không ngờ... "
Ông NĐH thực hiện công trình này trong nhiều năm "đau đớn và tự ái" như ông từng nói với tôi- vì "người ta đã làm Môi trường mà không hiểu nội dung thực sự của Môi trường... Người ta mới chỉ làm chính trị về Môi trường chứ chưa làm Môi trường". Suốt một thời gian dài (từ 1983 tới nay), nhiều lần ông đã kiến nghị với những người có trách nhiệm: vấn đề không chỉ là bảo vệ Môi trường, mà còn phải bảo vệ Tài nguyên và rất nhiều vấn đề khác quan trọng không kém của Môi trường, vì thế cần phải có Luật Môi trường! Nhưng tiếng nói của ông bị chết yểu, cho đến nay vẫn chỉ là Luật Bảo vệ Môi trường! (Hiện giờ mới đang đề nghị đổi thành Luật Môi trường). Sự trì trệ, bảo thủ, tầm nhìn hẹp, yếu kém về chuyên môn, cộng với tình trạng tham nhũng khoa học đã khiến Sự nghiệp Môi trường của nước ta trở nên lạc hậu so với thế giới hàng thập kỷ, và là căn nguyên của một hệ thống chính sách sai lầm về các vấn đề Môi trường. Điều đó dẫn tới hệ quả là môi trường ô nhiễm tràn lan khủng khiếp chưa từng thấy, Tài nguyên (tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người) bị khai thác bừa bãi phung phí khiến những ai có lương tri và hiểu biết đều phải đau xót đến đứt ruột. Người ta đang tàn phá bãi biển miền trung vì khai thác ti-tan ồ ạt là một minh chứng hùng hồn mới nhất! (Xin đọc loạt phóng sự: "Tanh bành bãi biển miền trung" của Quốc Dũng trên tạp chí Nhà báo và Môi trường, năm 2013)
Ông tâm sự: "Cuốn sách “Môi trường và Con đường phát triển” được viết trong thời gian cuối của cuộc sống, khi tôi đã nhận ra được một điều: tri thức của con người thì mênh mông, triết lý của cuộc sống thì trường cửu, song hành động của nhân loại vì nhân sinh thì đầy rẫy những bất cập, thậm chí là tội lỗi... ngược hẳn lại với những điều mà tôi đã học được về giá trị của nền văn minh nhân loại vốn đề cao các quan hệ giữa phát triển với tự nhiên và xã hội, cũng như sự điều khiển nhịp nhàng lương thiện của các thể chế xã hội - cộng đồng trong mối liên hệ sinh quyển và con người… Nỗi buồn, niềm lo lắng và sự bất an cũng là một nguồn cảm hứng lớn khi tôi cầm bút...Có lẽ bài học lớn nhất mà tôi rút ra được khi suy nghĩ về cuốn sách này là: mọi sự sống của tự nhiên và xã hội loài người đều có các giới hạn, và khi vượt quá giới hạn sẽ xảy ra các nhiễu loạn; khi đó con người và xã hội phải điều chỉnh đề tiến lên nấc thang phù hợp với sự phát triển mới. Như vậy, quy luật phát triển cũng chính là quy luật của tiến hoá nhân loại trong sinh quyển..."
Với công trình này, có thể nói, lần đầu tiên những vấn đề lý luận về Môi trường ở nước ta mới được đặt ra một cách hệ thống. TS Nguyễn Đắc Hy đã phân tích khá kỹ lưỡng hai nội dung khái niệm: "Tài nguyên Thiên nhiên" và "Tài nguyên Con người", cùng khái niệm "Lượng giá trị của tài nguyên" và những vấn đề kinh tế học của Môi trường. Đặc biệt, tác giả đã chỉ ra rằng: vấn đề tranh chấp Tài nguyên là điều vượt ra ngoài các hệ thống chính trị! Trong chương IV: "Vốn", sau khi nói đến tình trạng khai thác bừa bãi vốn thiên nhiên, vốn con người suốt những năm qua, tác giả thốt lên: vốn tài nguyên đó của Đất nước nếu không biết quý trọng, không biết khai thác, quản lý một cách khoa học và có lương tâm thì sẽ có tội lớn với Dân tộc! Nhiều luận điểm của ông đã khiến ông mâu thuẫn với bạn bè, với lãnh đạo. Không ít người quý ông nhưng không hiểu ông, và cứ dần xa ông. Ông đã mất đi nhiều bạn vì không cùng quan điểm. Ông bị lãnh đạo các cơ quan nhìn bằng con mắt ghẻ lạnh, vì dám nói tới sự bất cập, phi lý trong chuyện khai thác khu công nghiệp, sân golf... dẫn tới mất đất nông nghiệp, trong việc đầu tư, xuất khẩu lao động bừa bãi... Ông bảo: ở nước ta, người nghiên cứu kinh tế thường chỉ quan tâm đến đồng tiền nhảy múa mà bỏ quên vấn đề Tài nguyên (Thiên nhiên và Con người). Từ nguyên lý kinh điển của Adam Smith cách đây 3 thế kỷ (một học thuyết kinh tế cho rằng của cải một quốc gia gồm đất đai + vốn sản xuất + vốn con người, và đã chỉ ra mối liên hệ giữa những thay đổi của cải và tính bền vững của sự phát triển), tác giả "Môi trường và con đường phát triển" đã cảnh báo: nếu một nước mà tài nguyên bị khai thác cạn kiệt hay dùng vào các mục tiêu công nghiệp, thương mại không cân đối với phát triển con người trong tương lai thì điều đó đồng nghĩa với suy thoái và nghèo đói. Ông khẳng định: "Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, nơi nào mà các chỉ số bền vững về kinh tế - xã hội như: mức sống, sức khoẻ, văn hoá, dân số, tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường ngày một gia tăng nơi ấy sẽ tồn tại và phát triển. Chỉ có áp dụng đầy đủ các nguyên lý sinh thái học chúng ta mới có thể xây dựng được nền kinh tế xã hội bền vững."
Là người làm phim độc lập vốn quan tâm thường xuyên đến Môi trường và Phát triển xã hội, chúng tôi đã coi cuốn sách của tiến sĩ Nguyễn Đắc Hy như một "cẩm nang" đặc biệt, thậm chí như một thứ "Thánh kinh" mới để thám hiểm vào biết bao vấn đề ngổn ngang và hóc búa về Môi trường, để từ đó soi vào những vấn đề xã hội nóng bỏng - như một góc nhìn cơ bản vào thực chất của sự phát triển bền vững cần có của xã hội chúng ta cả hôm nay lẫn mai sau...
Xin được trích dẫn một đoạn quan trọng của cuốn sách, trong Phần hai: "Sinh thái nhân văn-Năng lượng kỳ diệu":
Xét cho cùng, môi trường cũng là một thứ năng lượng đặc biệt, mà chỉ vì không hiểu biết về nó, con người ta đã huỷ hoại nó! Môi trường hoàn toàn phụ thuộc vào các cách thức phát triển của xã hội, phụ thuộc ở sự phát triển hài hoà giữa hệ thống kinh tế - xã hội, với hệ tự nhiên.... Tương lai tươi sáng của môi trường ra sao? Cần làm gì để tránh những hiểm hoạ, tai biến và các sự cố dẫn đến huỷ diệt, để cuộc sống con người thoát khỏi nghèo đói cùng biết bao nhiêu bệnh tật bởi môi trường ô nhiễm, các hệ sinh thái bị huỷ hoại?... Môi trường và con đường phát triển phải nằm trong chủ quyền tài nguyên, tài sản quốc gia và trong hệ sinh quyển chung, kết hợp giữa tinh thần nhân văn dân tộc với tinh thần hợp tác vì năng lượng nhân quyền. Và những giá trị tài nguyên quốc gia đó tuy đã đem lại các giá trị gia tăng đích thực cho nền kinh tế đất nước, song đương nhiên không phải là tăng trưởng tư bản từ tài nguyên - tăng tài sản cho quốc gia, mà chính là kinh doanh - thương mại - bán các nguồn tài nguyên của đất nước; vì vậy, khi phân tích, đánh giá tăng trưởng GDP cần phải xem xét các giá trị gia tăng cũng như các giá trị mất đi của các dòng năng lượng tài nguyên tự nhiên... Những điều lớn lao đó có giải quyết được hay không lại phụ thuộc vào sự lựa chọn phát triển, vào nền văn minh của nhân loại mà trong đó, lương tri - đạo đức con người cần đặt lên hàng đầu!
Hà Nội, đầu năm Giáp Ngọ