Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bình bài thơ Tổ quốc ở Trường Sa

Phạm Đình Ân
Thứ hai ngày 26 tháng 5 năm 2014 1:12 PM


 
                 TỔ QUỐC Ở TRƯỜNG SA
 
   Trên bản đồ như nắm tấm vung xa
   Quần đảo Trường Sa - chuỗi hạt ngoài xa tít
   Lính giữ đảo: giữa đất đai Tổ Quốc
   Đảo nơi quê: mình mẹ ngóng chờ
 
   Ai theo Đội Hoàng Sa ra đảo
   Đảo gặp người, thôi kiếp cơm rơi
   Nay mẹ vẫn yêu con bằng gạo mới
   Đảo long lanh kết ngọc ở chân trời!...
 
                                                 Đinh Ngọc Diệp
              (Rút trong tập thơ Hành trình, NXB Văn học, Hà Nội-2013
               và đăng Tạp chí Văn nghệ quân đội, số cuối tháng 4.2013)
 
   LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ PHẠM ĐÌNH ÂN:
   Tổ quốc ở Trường Sa ( đã đăng ở tạp chí VNQĐ số cuối tháng 3/2013 và trong tập Thơ Hành trình, NXB Văn học -2012 của cùng tác giả) thuộc số những bài thơ hay viết về quần đảo Trường Sa. Thường viết về Trường Sa, người ta hay chọn hình ảnh đảo xa giữa mênh mông biển biếc, với đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn… Rồi đất liền nhớ đảo xa, nhớ người lính canh giữ đảo giữa trập trùng gian khó, thiếu từ nước ngọt đến rau xanh,thiếu thốn nhất là tình cảm gia đình; đất liền dành hết tình thương cho đảo nên đảoxa hóa gần… Đinh Ngọc Diệp thì sáng tạo ra một hình ảnh Trường Sa mới lạ, một tứ thơ độc đáo:
   Trên bản đồ như nắm tấm vung xa
   Quần đảo Trường Sa: chuỗi hạt ngoài xa tít
   Người đọc đã liên tưởng ngay đến hình ảnh: người vung nắm tấm chính là mẹ. Nơi mẹ đứng là mảnh sân nhà thân thuộc, nắm tấm vung xa có đàn gà con theo gà mẹ liếp nhiếp tranh nhau mổ tấm… Nhưng mảnh sân nhỏ lại tượng trưng cho biển. Đất của đảo là do người mẹ - cư dân của nền văn minh lúa nước - vung nắm tấm sinh ra! Hình ảnh đẹp của người mẹ cụ thể, cũng đồng thời là người mẹ tượng trưng, sinh thành ra đất đai Tổ quốc. Chính vì thế, người mẹ trở nên kỳ ảo, lớn lao, thiêng liêng như Mẹ Âu Cơ trong huyềnthoại! Người mẹ không chỉ của một gia đình mà là người mẹ trăm năm, của nhiều đời, của trường kỳ lịch sử.
   Tiếp theo, tứ thơ đưa đến sự kết nỗi giữa người lính đảo và người mẹ ở hậu phương:
   Lính giữ đảo: giữa đất đai Tổ quốc
   Đảo nơi quê: mình mẹ ngóng chờ
   Sự xa cách địa lý của Trường Sa với đất liền cũng là sự cách xa giữa mẹ và con, dễ gợi nên nỗi niềm nhớ nhung, buồn tủi – đó là lẽ thường. Tác giả không ngại ngần, tránh né mà đào sâu vào cảm xúc, tâm trạng có thật này. Với hai câu thơ trên, người lính vẫn thấy ấm áp trong sự xa cách – hẳn vì đã ý thức, đã tự giác và lấy làm vinh dự lớn khi được nhận lãnh trách nhiệm giữ gìn biển, đảo. Do vậy, ở nơi đảo xa mà anh vẫn thấy như đang “giữa” mảnh sân nhà mẹ hay giữa thủ đô Hà Nội, giữa Tp Hồ Chí Minh, mảnh đất phương Nam đầy nắng gió…
   Ngược lại, trong sự xa cách với đứa con – người lính thì ngôi nhà mẹ thành hòn đảo, mảnh sân thành mặt biển mênh mông hay chính mẹ hóa “đảo nơi quê” ngày ngày “ngóng chờ” con! Hơn ai hết, chính mẹ sinh thành ra quần đảo thì việc con mẹ ra giữ đảo là lẽ tựnhiên, mẹ rất tự hào vì con; nhưng chỉ khoảnh khắc này thôi để người lính (và tất cả chúng ta) thấu hiểu sự cô đơn của mẹ. Trong sâu thẳm của tình mẫu tử, chính tình cảm này, nỗi cô đơn này đã làm nên sức mạnh diệu kỳ của người lính. Ngay lúc này đây, Trường Sa, Hoàng Sa và phần Biển Đông của Việt Nam lại không ít lần có va chạm, có tiếng súng và có máu đổ! Mảnh sân nhà tượng trưng cho quần đảo Trường Sa; mẹ vãi tấm là sinh ra quần đảo nên Trường Sa là một với Tổ quốc Việt Nam, người Việt Nam các thế hệ kế tiếp nhau kiên cường bảo vệ Trường Sa – không phải tham của ai, mà là giữ gìn máu thịt của Tổ quốc mình, không kẻ thù nào có thể làm lung lay ý chí của cả một dân tộc! Ở đây có sự đan xen, hoán đổi vị trí một cách ảo diệu giữa hai hình ảnh đất liền và quần đảo: Mẹ - đất liền (hậu phương) hóa thân vào Người lính – quần đảo (tiền tuyến)và ngược lại.
   Phần cuối bài thơ có 4 câu, là sự tiếp nối, bổ sung hoàn chình hình tượng Người mẹ – Tổ quốc và Người lính trong quá trình lịch sử. Từ mấy trăm năm trước, người lính theoĐội Hoàng Sa (kiêm quản Trường Sa) của triều đình phong kiến Việt Nam ra xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia tại hai quần đảo trên. Đó là sự tiếp nối tự nhiên, tất yếu từ việc mẹ vung nắm tấm sinh thành ra quần đảo.
   Cũng trong sự tiếp nối ấy, khi còn là của “vô thừa nhận”, chuỗi đảo xửa xưa xa vắng khác nào “kiếp cơm rơi”; nhưng khi gặp Đội Hoàng Sa, chuỗi đảo bơ vơ ấy như những đứa con lưu lạc gặp lại người mẹ sinh thành, được mẹ ôm vào lòng, vỗ về, chở che, nuôi dưỡng. Đó là giây phút thiêng liêng, xúc động. Đảo – cơm rơi bỗng nhiên “kết ngọc”, thành chuỗi ngọc “long lanh” trên vòm ngực Biển Đông vạm vỡ của Tổ quốc Việt Nam. Người Mẹ – Tổ quốc hôm nay cũng như trong quá khứ, vẫn chăm bẵm, nuôi lớn đàn con chĩu chịt, xúm xít ngoài biển xa…
   Cả bài thơ, những hình ảnh: “nắm tấm” – “cơm rơi” – “gạo mới” – hạt “ngọc” quý – là sự phát triển hợp lý, biểu hiện sự gắn bó ngày càng khăng khít giữa Trường Sa với Tổ quốc, người mẹ, giữa người lính với người mẹ, với hậu phương. Có lẽ chưa có ai ví nắm tấm cho gà ăn, mẹ vung ra trong mảnh sân mà lại là quần đảo, là biển xanh. Cũng chưa ai ví một quần đảo như những hạt ngọc, kết tinh từ những hạt tấm, hạt cơm rơi. Cách nóigiản dị, quen thuộc, như ông bà ta vẫn ví von “hạt gạo là hạt ngọc” (ngọc thực). Quen thuộc nhưng vẫn mới lạ vì hạt gạo ở đây lại là quần đảo.
Bài thơ dồn nén, cô đúc, mang tầm khái quát sâu sắc. Lời thơ bình dị, không gò gẫm, cầu kỳ. Bài thơ tạo nên một hình ảnh Tổ quốc ở Trường Sa mang dấu ấn riêng biệt.  
                                                                                   Tháng 4/2013
                                                                                        P.Đ.Â
       (Địa chỉ: Báo Văn nghệ, 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội. ĐT: 0903456761)