(Tản văn)
Hàm Long Tự là tên chữ của chùa Trèm, một cái tên đẹp trang nghiêm, như tên chữ nhiều chùa khác: Sùng Phúc Tự, Tuệ Phúc Tự, Tam Bảo Tự, Long Giáng Tự, Diên Hựu Tự, Diên Khánh Tự… (Tự nghĩa là chùa, nơi thờ Phật. Hàm Long là hàm con rồng. Thế đất làng Trèm là linh địa quý hiếm: rồng chầu hổ phục. Trong đó, chùa Trèm là đầu rồng. Cặp mắt rồng (long nhãn) là 2 giếng chùa. Tam bảo là trán rồng, đuôi rồng (long vĩ) là xóm Ngõ Đồng…). So với nhiều chùa khác, chùa Trèm làng tôi cũng chỉ vào loại trung bình, nhỏ nhỏ, xinh xinh, cả về quy mô, lịch sử cũng như về vị trí tọa lạc. Một mái chùa rêu phong thời gian, nép mình dưới rặng tre già vàng óng bên chân đê, gần Cầu Sông, phía chính Tây thôn Đại Đồng.
Đọc bản dịch bi ký còn lại trong chùa, nghe các cụ trong làng kể lại, tôi mới biết sơ sơ, lỗ mỗ, rằng chùa Trèm đựơc khởi dựng từ thời hậu Lê, khoảng 500 năm trước. Thoạt kỳ thủy, chùa vốn rất nhỏ hẹp. Về sau được vợ chồng cụ Nguyễn Đình Ban (còn gọi là cụ Sãi) trong làng, phát tâm công đức, mới được mở rộng diện tích, xây dựng thêm khang trang, bề thế, uy nghi gần như ngày nay.
Đồ thờ tự trong Chùa Trèm có gì đặc sắc, độc đáo so với các chùa trong vùng? Có lẽ đó là 2 bức tranh sơn dầu khổ lớn vẽ Hộ pháp và bức tượng Phật nằm.
Theo tôi được biết, tại hầu hết các ngôi chùa khác trong cả nước ta, 2 vị Hộ pháp (ông Thiện, ông Ác bảo vệ chùa) đều được đúc tượng lớn bằng gỗ hoặc đất sét sơn son thiếp vàng, tư thế ngồi, hai bàn tay đặt trên đầu gối. Riêng ở chùa Trèm, hai vị thần này được vẽ thành 2 bức chân dung màu lớn, với kích thước (~ 1,3 . ~ 2,0m). Nét vẽ bay lượn, mềm mại, uyển chuyển, nhìn qua có vẻ đơn giản, xem kỹ mới thấy ngọn bút họa sỹ dân gian thật tài hoa, tinh xảo, điêu luyện. Tranh tường được đặt trang trọng như bình phong 2 bên tả, hữu tam bảo điện. Không biết tác giả là ai và thời điểm vẽ tranh bao giờ! Chỉ biết: khi tôi còn rất nhỏ, theo bà nội, theo mẹ ra lễ chùa thì đã thấy có ở đó rồi.
Về 2 bức hộ pháp tranh sơn dầu này, trong dân gian vùng Trèm – Vẽ và dọc ven sông Hồng vẫn lưu truyền một giai thoại lý thú. Đó là chuyện về đôi câu đối Nôm mà tương truyền người ra vế 1 là cụ đồ Nguyễn Quốc Trụ, một trong những bậc đại sư lừng tiếng của làng vào thế kỷ 19, ra cho học trò. Nghe đâu, người đối chỉnh hơn cả, được cụ khen ngợi là 1 học trò người làng Kẻ (Thượng Cát).
- Vế ra: Chùa Trèm, Hộ pháp vẽ (Vẽ).
- Vế đối: Đình Kẻ, lợp ngóidày (Dày).
Điều thú vị, sâu sắc ở đôi câu đối này là nghệ thuật chơi chữ: không chỉ điểm tên 4 làng nổi tiếng văn hiến, văn vật dọc dải hữu Hồng: Dày (Liên Trung), Kẻ (Thượng Cát), Trèm (Thụy Phương), Vẽ (Đông Ngạc) mà còn có sự chơi chữ thông minh, sự hoán đổi từ loại giữa vẽ: động từ và vẽ (tên làng) danh từ; dày (/mỏng): tính từ và dày (tên làng): danh từ. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên sự hiểu lầm nơi người đọc, được gây nhiễu bởi tài nghệ cuả người ra vế đối. 2 bức hộ pháp vẽ ấy, cứ có dịp mỗi lần vào lễ chùa, tôi lại một lần ngắm nghía kỹ lưỡng từ tổng thể đến từng nét và càng khâm phục tài nghệ của người họa sỹ khuyết danh nào đó trong việc thể hiện hai bức chân dung ông Thiện, ông Ác rất có thần.
Bức tượng Phật nằm, (độc đáo ở chỗ hầu hết các pho tượng Phật, La Hán đều được tạc ở tư thế ngồi hoặc đứng), tiếc thay từ lâu (không biết chính xác năm nào?!) đã được/bị cán bộ Bảo tàng Lịch sử hay Bảo tàng Mỹ thuật gì đó mượn, trưng bày lâu dài để cả nước chiêm ngưỡng Thần vật – tượng Phật nằm của làng Trèm! Cho đến nay, không hiểu sao, vẫn chưa đem trả lại chùa?!
Từ gác chuông chùa, chiều chiều tiếng chuông chiêu mộ thong thả ngân nga êm ả tỏa lan trong thinh không bình yên. Các xóm Đông Chi, Đông Trù, Đông Quan chung quanh đều nghe rõ mồn một.
Kiến trúc chùa Trèm dựa sát chân đê hữu Hồng, quay mặt hướng tây nam, phía tây thôn Đại Đồng. Hướng rất phù hợp với chùa chiền (vì Phật Tổ ở Tây Trúc, Ấn Độ). Đầu những năm 60 thế kỷ 20, xung quanh, và cả trong khuôn viên chùa, cây cối um tùm cổ thụ: Những lũy tre xanh ken liền san sát từ chân đê vượt lên mặt đê xào xạc gió, dãy nhãn, vải, sấu, bạch ngọc, khế ngọt, khế chua sù sì nâu mốc, tán xanh xòe rộng không chỉ làm tăng cảnh mát mẻ, u tịch chốn Phật đường mà còn đặc biệt hấp dẫn, cuốn hút lũ trẻ con nghịch ngợm chúng tôi. Không nhớ hết bao nhiêu buổi trưa nắng gắt, buổi tối trăng suông mùa hè nóng nực hoặc mùa thu hây hẩy hanh heo, tôi và mấy đứa bạn thân cùng xóm, quần cộc cháo lòng, áo may ô ba lỗ, lợi dụng lúc sư thầy trụ trì đang ngủ hay mải tụng kinh, niệm Phật trên tam bảo, hè nhau bí mật trèo tường, tót lên cây, trộm quả. Trong đầu óc lũ nhóc tì khi ấy, cũng thoáng qua sự sợ hãi vì bất kính, có thể sẽ bị thần Phật giáng tội. Nhưng mùi vị thơm ngon của quả chín đã khiến chúng tôi quên hết mọi hiểm nguy, tai vạ. Có lần, làm tiểu đạo trích như thế, tôi đã suýt bị bắt… Thế mà chỉ tuần sau, vụ trộm mít mới lại được tổ chức. Và lần này thành tựu lớn: vác được quả mít mật to đùng ra giấu tận ngoài bờ mương, gần Văn chỉ để thưởng thức dần. Ấy, tuổi thơ của chúng tôi ngỗ nghịch, khó chịu, hư đốn như vậy đấy! Ngạc nhiên là, đến tuổi 15, 16 thì, dù không đứa nào bảo đứa nào, đều tự chấm dứt những trò mèo dại dột đó. Đọc mấy câu thơ hồi ức Đò Lèn của Nguyễn Duy:
Thuở nhỏ, tôi ra cống Na câu cá,
Níu váy bà, đi chợ Bình Lâm,
Bắt chim sẻ, ở vành tai tượng Phật,
và đôi khi, ăn trộm nhãn chùa Trần…
Lại gật gù đồng cảm: thì ra trẻ con ở đâu, cũng có một thời nghịch ngợm, rất giống nhau!
Thời gian trôi, cứ trôi…Chùa Trèm thâm u, tĩnh lặng vẫn là một trong những thiền môn ắp đầy kỷ niệm hoa niên của lũ choai choai xóm Đông Chi, Đông Trù, Đông Quan, Ngõ Đồng…
Khi ấy (đầu những năm 60 thế kỷ 20), chùa trở thành xưởng dệt. Hai dãy nhà giải vũ, nhà hậu thờ hai cụ Sãi xây chùa, biến thành nơi đặt hàng loạt khung máy dệt cửi, dệt vải. Gốc khế cổ thụ sau chùa thành nơi ngâm sợi, quay sợi… Chính vị sư thầy Đàm Hà nổi tiếng xinh đẹp, răng hạt na, đen nhưng nhức, tiếng trong, vang như chuông, giờ cũng thành một xã viên Hợp tác xã Dệt Thụy Phương. Từng có đoạn thơ tả lại sự biến đổi công nghiệp hóa len chân vào chốn Phật đường như sau:
Chùa Hàm Long rằm khuya tiếng mõ,
Giọng nicô nho nhỏ tụng kinh.
Sống cuộc đời khổ ải tu hành,
Ngày lao động với ngành dệt cửi.
(Khuyết danh)
Tối tối, sớm sớm, tiếng tụng kinh nho nhỏ của sư thầy trên tam bảo bị át đi bởi tiếng thoi reo lách cách, tiếng trò chuyện râm ran của vài chục nữ xã viên đang làm ca.
Căn nhà lá ba gian mới được dựng vội dành cho gia đình ông phó chủ nhiệm HTX cận thị, gù lưng ngoài 50 hom hem nhưng lại có cô con gái rượu đang tuổi chanh cốm, mặt trái xoan, nói năng điệu đà, khiến Phu, bạn tôi chết mê chết mệt. Không nhớ đã bao lần hắn lượn lờ quanh cửa sổ nhà nàng, tìm mọi cách gọi mời người yêu trong mộng ra cổng chùa, quán cụ Vụng tâm tình, mà 10 lần may mới được một! Rồi cuối cùng, chuyện tình mê mẩn đơn phương, đơn điệu, trẻ ranh ấy cũng chẳng đâu vào đâu! Quýt, một thằng bạn khác của tôi và tôi lại cùng ngưỡng tưởng một em xã viên trẻ khác, béo tròn, trắng hồng, mắt sắc lẻm, nói năng ỏn ẻn. Chúng tôi đã cùng vài lần trèo trộm hái từng vốc hoa ngọc lan trong sân chùa để gửi tặng nàng. Nàng cứ nhận hoa một cách vui vẻ, rất tự nhiên, he hé nụ cười hết sức quyến rũ nhưng chẳng hứa hẹn điều gì?! Cả tôi lẫn Quýt, khi ấy, chẳng biết nói câu gì, hẹn hò gì! Ngố, lố hết chỗ nói!
Trước và bên cổng chùa là cặp giếng đất (mắt rồng). Thủy tụ. Nước lành, trong văn vắt. Gần nửa làng dùng chung. Sát cạnh cổng chùa hồi ấy có quán nước cụ Vụng. Quán lợp tranh, tuềnh toàng chống đỡ bởi mấy khung cột tre nhỏ. Nền đất nện. Trên chiếc chõng tre lên nước bóng như sừng bày lểnh khểnh vài lọ thủy tinh: kẹo lạc, kẹo dồi, lạc rang. Treo lửng lơ toòng teeng nải chuối tiêu, chuối tây chín vàng. Hộp kính đựng vài bao thuốc lá Trường Sơn, Bông lúa, Tam Đảo, Điện Biên và cả thuốc lá cuốn vàng suộm. Một chiếc điếu cày dài thườn thượt dựng cạnh thành chõng. Bó đóm cật tre, nứa mỏng tang cụ ông chẻ giúp cụ bà. Nồi đồng nước vối tươi, ấm nước chè đậm sánh, nóng rẫy. Tôi đã từng nhiều lần mải mê ngắm mấy ông chú, bà bác làm đồng về, tạt qua, vào quán nghỉ tạm, uống cả bát đàn nước vối chát thơm, rít điếu thuốc lào đến tụt nõ, phả khói trắng nhạt tuôn từ hai lỗ mũi như hai cái vòi voi. Ai có tiền lẻ trả cụ quán cũng được; nhưng các vị khách làng quen thường trả bằng một vài lượm lúa. Cách mua bán ở đây vẫn còn chân chất, cổ sơ như thế. Các vị lão nông tri điền làng Thụy bàn tán chuyện làng, chuyện xóm ồn ào. Tay quạt nan, quạt nón phành phạch, cố xua cái nắng chảng trưa hè hầm hập khô rang, mặc dù trước mặt, bên cạnh là ao Đấu, ao Chùa nước xanh, im phăng phắc cũng chỉ phả hơi mát phần nào. Con bò, con trâu buộc hờ bên gốc gạo cỗi bờ ao, cọ lưng vào thân cây, gãi sồn sột, chốc chốc lại ò lên 1 tiếng như muồn trút bớt cái nóng oi ra khỏi tấm thân trâu bò cục mịch!
Cái quán quê đầu làng, bên cổng chùa Trèm thân thương ấy, không hiểu sao mỗi năm qua, lại cứ vắng khách dần? Rồi khi cụ chủ quán, hiền từ như bà Tiên trong cổ tích, ra Gò Cao, thì quán nước cũng bị giỡ đi, để trơ nền đất trống cũng đã hơn 40 năm. Khoảng mấy năm sau, khu đất ấy, xây dựng cây tháp - mộ, bên dưới đặt cốt sư thầy Đàm - vị ni cô đã suốt đời tu hành, gắn bó với chùa Trèm, làng Trèm.
Ao Chùa, ao Đấu, ao Cụ Bi, ba cái ao vừa sâu vừa rộng liền kề nhau là bộ ba bể bơi làng của lũ trẻ chúng tôi. Từ trên bờ ao lát gạch lục, gạch bát tràng, phiến đá xanh, anh Dâu cởi trần trùng trục, khoe bộ ngực nở vồng, tấm lưng cánh phản và cặp đùi ếch rắn căng, nhảy ào xuống làn nước mát rượi, trong xanh, bơi ào ào ra giữa ao, miệng phun phì phì như cá voi. Chúng tôi nhìn theo thích thú và cũng ào ào, nhô nhốp nhảy theo như đàn ếch em nhảy theo ếch anh hai, anh cả. Một cuộc tắm, lội, lặn thoải mái thông trưa. Hết từ ao Chùa, sang bơi ao Đấu, thi lặn lâu, lặn sâu ở ao cụ Bi… Chưa chán, lại rồng rồng kéo nhau ra mương, nhảy cầu bê tông, vầy nước trận nữa. Một lũ lớn bé, nối đuôi nhau vừa chạy huỳnh huỵch vừa hò reo, náo động cả xóm, thích thú vô cùng. Ao Đấu, ao cụ Bi, từ lâu, đã bị lấp bằng. Từ đó, mọc lên những tòa biệt thự tân kỳ 2, 3 tầng. May, chỉ còn ao Chùa tù đọng, nước vẩn xanh ngầu (1 trong 3 cái ao còn lại của làng hiện nay). Không chỉ mấy gia đình quanh ao như nhà ông Gia, ông Bá, ông trưởng thôn Vương mà hết thảy dân làng Trèm đều tha thiết mong mỏi công trình kè bờ ao Chùa, xây tường bao quanh, được sớm sớm thi công.
Ngày thường chùa vắng vẻ, tĩnh mạc bao nhiêu thì những ngày lễ tiết, chùa Trèm nhộn nhịp, tấp nập bấy nhiêu con nhang, Phật tử, khách thập phương nô nức và thành kính vào chùa dâng hương lễ Phật. Rằm, mồng một hằng tháng, đêm giao thừa, mồng 1, 2 Tết. Mồng 4 Tết (những năm trước cách mạng), lễ xuất hành của chức dịch xã từ Đình vào Chùa được bắt đầu bằng ba hồi hiệu ốc, tù và vang động. Rồi lễ thượng nguyên, Phật đản, kỵ nhật hai cụ Sãi… Từ hơn hai chục năm gần đây, là cuộc rước Văn hội Trèm từ Chùa ra Đình được tổ chức trọng thể.
Chùa Trèm, từ những năm đầu thế kỷ 21 đến nay, trải hơn 1 thập kỷ, dưới sự trụ trì của sư thầy Thích Đàm, một nicô năng nổ, nói năng chẳng mấy dịu dàng nhưng khéo biết cách tận dụng, khuếch trương hằng tâm, hằng sản của Phật tử làng Trèm, con nhang, đệ tử và khách du thập phương, dưới sự chỉ đạo của UBND xã, đã làm được nhiều việc thiện, hữu ích thực hiện lộ trình trùng tu, tôn tạo lần lượt các hạng mục của Hàm Long Tự, mà tiêu biểu nhất, gần đây nhất được thành tựu trong lễ khánh thành Dự án Trùng tu – tôn tạo tam quan, nhà giải vũ, bảo tháp, sân chùa, được tổ chức trọng thể, trang nghiêm vào một buổi sáng mùa xuân tháng 2 năm Quý Tỵ (2013).
Chùa Trèm hiện nay, cũng như đền công chuá Triệu Trường (?) trên Hoàng Liên (Liên Mạc), chùa Vẽ (Diên Khánh Tự, Đông Ngạc) không chỉ là những ngôi chùa làng thờ Phật tôn nghiêm, thỏa mãn niềm tin tôn giáo, xem ra ngày càng sùng tín, của nhân dân ba làng, mà còn thu hút Phật tử, khách du quanh vùng, rộng ra nhiều nơi trong nước, kể cả nước ngoài, đổ về chiêm bái. Quần thể Hàm Long Tự, cùng với Đình (đền) Trèm, đền Thiện (thôn Đình), nhà thờ Thiên Chúa giáo họ thánh Phêrô (thôn Hồng Ngự) trận địa tên lửa Cầu Gạo, đài tưởng niệm liệt sỹ xã Thụy Phương (Đồng Sau)… đang và sẽ trở thành khu di tích văn hóa truyền thống – cách mạng, niềm tự hào về bản sắc văn hóa độc đáo, hào hùng, đẹp đẽ của nhân dân làng Trèm – xã Thụy Phương.
Mong sao chùa Trèm – Hàm Long Tự giữ vững và phát huy mãi truyền thống văn hóa tâm linh thanh sạch của dân Trèm, giảm thiểu và không bị xu hướng thương mại hóa, quan phương hóa (đang phát triển khá phức tạp ở nhiều đình chùa, di tích, danh lam thắng cảnh khác trên cả nước ta) làm cho biến dạng, tầm thường, mai một./.
• Đã đăng nguyên nguyênbay, vunho, trannhuong.com, tháng 4 – 2013
• Đọc tham khảo sách LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ THỤY PHƯƠNG (s đ d; tr. 20 – 21, 167)
Hạ tuần tháng 4 Quý Tỵ. ĐV
BẢO THÁP CHÙA TRÈM
(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN
Mênh mông đồng lúa xanh rờn
Tháp cao sừng sững, trăng vờn bóng cau.
(Ca dao)
Tháp, tiếng Anh: stupa (nghĩa nguyên thủy: nấm mồ, ngôi mộ), tiếng Ấn Độ, NêPan: chaitya, tiếng Lào: thâat, tiếng Hán Việt: ta, tiếng Thái: chedi, tiếng Nhật: to, Hàn: pagoda…, từ cổ: tapatap tháp (?) còn gọi là tháp chùa hoặc tháp Phật. Ý nghĩa tôn giáo của tháp gắn liền với vũ trụ quan của triết thuyết Phật giáo. Tháp mang hình ảnh biểu tượng núi Meru (Trụ thế, trục thế gới, ngôi nhà của Thượng đế, đỉnh vũ trụ), gắn với 2 trục tung, hoành, giao điểm là tâm vũ trụ, nơi liên kết giữa sinh, tử và tái sinh. Các tầng bảo tháp nối tiếp nhau lên cao là biểu tượng quá trình tu hành, giác ngộ Phật pháp của đức Phật. Biểu tượng trục đứng: đường lên Niết Bàn, Cực lạc. Chỏm tháp: biểu tượng đỉnh vũ trụ; Vòm tháp: hư vô, vòm trời, Thượng đế; Thân tháp: biểu tượng trần thế, dương thế; Hầm tháp: biểu tượng hạ thế. Các mặt tháp: tương ứng với các phương hướng trời đất…
Trên thế giới, những ngôi mộ tháp đầu tiên được xây dựng từ thời cổ đại. Chẳng hạn các Kim tự tháp Ai cập (Faraong) chính là lăng tẩm dường như vĩnh cửu của các vị hoàng đế Phi châu quyền quý. Còn ở Việt Nam ta, tháp mộ, tháp chùa chắc chắn cũng đã có từ xa xưa, ít nhất từ thế kỷ thứ 10, với vương triều Lý sùng Phật.
Hầu như trong bất cứ khuôn viên ngôi chùa thờ Phật nào trên đất Việt, của người Việt (Kinh) ta cũng có một vài cây tháp nhỏ, to, cao, thấp khác nhau. (Cần phân biệt với tháp Chàm của người Chàm ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ hoặc rất nhiều bảo tháp tại các nước châu Á: tháp chùa Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nê Pan, Miến Điện, Ấn Độ, Khơme (ăngco) - đất nước chùa tháp Campuchia, Kim tự tháp (Ai Cập), tháp đôi Malayxia, tháp Epphen (Pháp), tháp cung điện Kremli (Nga)… với những nét đẹp đặc sắc, độc đáo riêng).
Tháp chùa Việt Nam, theo chỗ tôi được biết, thuộc kiến trúc thờ phụng tôn giáo thiêng liêng (Phật giáo), được xây cất để, phía dưới mặt đất, phần âm: chôn cất hài cốt, lưu giữ lâu dài xá lỵ (lợi) hoặc nhục thân của các vị hòa thượng, tăng ni từng trụ trì và viên tịch tại chùa, phía trên, phần dương: thờ Phật Tổ, thờ Ngọc hoàng Thượng đế (Trời), nơi lưu giữ các bảo vật Phật giáo (các tượng Phật, kinh tạng, bia đá khắc kinh Phật). (Các tháp chùa ở nước Lào còn là nơi lưu giữ, thờ phụng tro thân của các vua chúa, vương công). Tháp có thể cao từ 1, 2 đến hàng chục tầng, vài chục tầng, hình vuông, chữ nhật, cầu tròn, trụ tròn, chóp, chuông úp hoặc lục lăng, bát giác, thượng thu hạ thách, càng lên cao các tầng càng thu nhỏ, thấp hơn so với tầng dưới. Trên đỉnh tháp có thể tạc bầu rượu, nậm rượu ốp mảnh sứ hoặc bông sen, hoặc tượng Phật ngồi thiền, hoặc gắn ngôi sao đỏ (tháp Kremli). Tháp có khi được dát vàng, dát bạc; bày đồ thờ tự quý hiếm nên còn được gọi là bảo tháp, kim tháp…Tháp Báo Thiên hùng vĩ (đặt tại vị trí Nhà thờ Lớn Hà Nội hiện nay), đã mất!), tháp Hòa Phong nhỏ xinh như cái cổng cuốn vòm (bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội)). Bảo tháp chùa Trấn Quốc: 11 tầng, cao 15m, đặt 66 pho tượng Phật, đặt trong khuôn viên chùa, soi bóng nước hồ Tây (Hà Nội), tháp nghiêng Bình Sơn (Vĩnh Phúc), vườn tháp (bách tháp) chùa Bồ Đà (Bắc Giang), tháp chùa Phổ Minh (Nam Định) đặt giữa khung cảnh đồng quê bát ngát, êm đềm: Mênh mông biển lúa xanh rờn/Tháp cao sừng sững, trăng vờn bóng cau (Ca dao), tháp đá Báo Nghiêm, chùa Bút Tháp, (Bắc Ninh), tháp bát giác Phước Duyên, 7 tầng, chùa Thiên Mụ (Huế), tháp chuông chùa Linh Phước (Đà Lạt)… là những cây tháp nổi tiếng cả nước… Tháp chuà Kim Liên (Tây Hồ), tháp chùa Giàn (Xuân Đỉnh, Từ Liêm) là những tháp chùa đẹp, bề thế vừa nghiêm trang vừa tao nhã, thanh thoát.
Hồ Hoàn Kiếm – viên ngọc giữa lòng Thủ đô, với 2 kỳ quan danh thắng: Tháp Rùa thấp, nhỏ, rêu phong ngự trên Đảo Rùa. Tháp Bút (sánh với Đài Nghiên trước cửa đến Ngọc Sơn) dựng bằng đã xanh khối khắc dòng thủ bút đỏ rực Tả thanh thiên (Viết lên trời xanh) của cụ Nghè làng Lủ (quận Thanh Xuân ngày nay) Phương Đình Nguyễn Văn Siêu … Nhưng 2 bảo tháp đặc biệt này không gắn với chuà làng.
Tiểu thuyết thần thoại trường thiên Tây du ký (Ngô Thừa Ân) kể chuyện 5 thầy trò trò Đường Tam Tạng từ Đông thổ (Đại Đường, Trung Hoa) sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh. Trước khi xuất hành, Huyền Trang phát tâm nguyện: gặp chùa lễ Phật, gặp tháp quét tháp. Thật kỳ lạ sức tưởng tượng phi phàm của lão nhà văn họ Ngô: không ít bảo tháp trang nghiêm của các vương quốc Xa Trì, Tỳ Kheo xa xôi, huyền bí ấy từng là nơi trú ngụ, hoành hành của lũ yêu quái, tà ma hung hiểm. Để sức mạnh ngọn gậy như ý và trí mưu của Tôn Hành giả cùng Bát Giới, Sa Tăng lại phải nhiều phen vất vả, gian nan mới cứu được sư phụ, quốc vương, dân nước, trả lại sự trong sạch, tôn nghiêm cho tháp Phật.
Chuyện văn chương, tiểu thuyết mà ám dụ sâu xa biết mấy chuyện đời, chuyện người, chuyện thế tục hôm nay…
Từ xưa, chùa làng Trèm tôi từng có 5 ngôi tháp; đều được xây trên các mảnh ruộng chùa phía bắc, phía tây. Tất cả đều là mộ phần của các vị sư từng trụ trì và từ trần tại chùa. Duy có 1 tháp mới được xây cất khoảng ba chục năm lại nay, là nơi an nghỉ vĩnh hằng của nicô Đàm Hảo, khi sư thầy viên tịch.
Ba năm gần đây, Dự án trùng tu - tôn tạo chùa Trèm với các hạng mục tam quan, nhà giải vũ, vườn tháp…(được thi công năm 2011, hoàn thiện tháng 12 năm 2012). Trong khuôn viên chùa, ngôi bảo tháp Hàm Long Tự cao 25m, 12 tầng hình bát giác, khung chịu lực, bằng bê tông cốt thép, được khánh thành trong niềm hoan hỉ của cả ngàn tăng ni, phật tử, nhân dân làng Trèm và khách thập phương. Nét đẹp độc đáo của tháp là kiến trúc các tầng liền kề nhau như tầng tầng hoa sen liên tiếp (Liên hoa đài). Mỗi tầng 8 mặt, mỗi mặt là 1 cưả sổ hình chữ nhật - vòm cuốn, giữa mặt ngang thành cửa sổ đặt 1 tượng bồ tát ngồi thiền trên tòa sen bằng cẩm thạch trắng muốt.
Như vậy, 12 tầng tháp có tới 8 cửa ra vào (tầng 1). 88 cửa sổ, (từ tầng 2 trở lên), thiền tọa 88 vị thạch bồ tát trang nghiêm, hiền hòa cầu phúc lành, an lạc cho muôn Phật tử, chúng sinh. Có thể nói, về quy mô hoành tráng, chỉ đứng sau Đại bảo tháp Báo Ân, chùa Bằng A (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), được xây dựng trong 7 năm, khánh thành năm 2010, hình bát giác, gồm 13 tầng, cao 57m, phần móng sâu 45 m, trưng bày 104 pho tượng đồng Thích ca Mầuni, Bảo tháp chùa Trèm, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội là một trong những ngôi bảo tháp mới xây dựng có độ cao thứ hai, số tầng, số cửa sổ và số tượng Phật nhiều thứ hai, ở Việt Nam (?!) Và có lẽ đó là điểm khác biệt đáng lưu ý nhất của bảo tháp Hàm Long Tự so với nhiều ngôi tháp khác quanh vùng (?!)
Kiến trúc nội thất tháp thông thoáng, thanh thoát và tao nhã. Khung cửa, cánh cửa ra vào, cửa sổ và hệ thống cầu thang nối các tầng với đỉnh tháp, đều làm bằng gỗ quý.*
Nếu có dịp dừng chân trên tầng thượng, lần lượt nhìn qua từng cửa sổ, khách vãng cảnh sẽ có thể bao quát toàn bộ bốn phương, tám hướng không gian văn vật làng Trèm. Phía đông bắc, dòng Nhĩ Hà quành khúc vai bò, lượn vành tai duyên dáng, Tứ trụ uy nghiêm sừng sững trước Gảnh Đình. Xa xa, cầu lớn Thăng Long hùng vỹ với những chiếc ôtô đủ kiểu bon bon, xuôi ngược, lại qua trên mặt cầu tầng 2 như những bao diêm vun vút. Phía tây nam, từ Cầu Sông đổ dốc Tân Nhuệ đến Viện Chăn nuôi Quốc gia, thôn Tân Phong, từ nhà máy Bê Tông đúc sẵn đến nghĩa trang Thụy Phương và thôn Cầu 7… Gió đồng, gió sông ngày đêm lồng lộng! Xa xa phía bắc, phía tây, mờ xanh hai dãy Tam Đảo, Ba Vì…
Cảnh Trèm cẩm tú Thăng Long, Nhĩ Hà (thơ Đặng Quốc Việt).
Thế đất làng Trèm quả thật là thắng địa: rồng chầu, hổ phục, nhìn sông, tựa núi, quý, đẹp vô cùng!
Bên cạnh tháp, nhà chùa cho xây bể non bộ lớn, nửa nổi nửa chìm, kiểu dáng theo huyền tích 3 Mặt động thâm u. Non bộ cũng mới hoàn tất. Gần đó, cây bồ đề (công đức của vợ chồng cựu sỹ quan anh hùng, người thôn Đông Sen) đang độ trẻ trung, xanh tốt, lá reo trong gió sớm sớm chiều chiều, hướng ra tam quan hoành tráng với cửa gỗ bánh quay, tường đắp bộ tứ bình: Long, Ly, Quy, Phượng, xen giữa những đôi câu đối tụng ca sự nhiệm màu của đạo Phật…
Tạo dựng được những thành quả thật đáng phấn khởi này, dân Trèm và Phật tử chùa Trèm cứ khách quan mà định luận, rằng: Công đầu và đóng góp quan trọng nhất, cần phải ghi cho sư thầy trụ trì Thích Đàm Minh.
Không thích, không muốn hay không cần sự phiền hà bởi các thủ tục hành chính rườm rà: thư từ, đơn giác kêu, xin, đòi hỏi, yêu cầu, đề nghị… các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh, thành phố hay TW Hội PGVN…phải vì trách nhiệm hữu quan mà quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ…rồi ngồi thụ động trông chờ mòn mỏi như những đồng đạo ở đâu đó đã và đang làm, (cách ấy, thực tế lại tỏ ra rất kém hiệu quả!); nicô tuổi ngoài tri thiên mệnh (50) quê xứ Đoài này, từ khi tiếp nhận trụ trì, trông nom, quán xuyến Hàm Long Tự thay cố sư thầy Thích Đàm Hảo, đã coi làng Trèm, chùa Trèm như quê hương thứ hai của mình. Thầy rất hăng hái, năng động, chủ động, tích cực, kiên trì và khéo léo đã tìm mọi cách, vận động, tranh thủ mọi lực lượng, từ những con nhang, đệ tử hằng tâm hằng sản công đức của, tiền, đến các tập thể, cơ quan, chính quyền địa phương, tôn giáo, thu hút, tranh thủ các nguồn lực, tài chính, luật pháp… để tu sửa, nâng cấp chùa Trèm, hoằng dương Phật pháp, mỗi năm thêm khang trang, rộng mở, bề thế, đẹp đẽ… được như ngày nay.
Từ nay, chùa Trèm có thêm 1 thắng tích danh lam thật đáng tự hào với hôm nay và mai sau: Bảo tháp Hàm Long Tự.
Nhiều người dân Trèm, trong đó có tôi, cho rằng hình ảnh Tứ trụ – Gảnh Đình và Bảo tháp Hàm Long tự rất xứng đáng là hình ảnh biểu tượng, biểu trưng lịch sử văn hóa của làng Trèm – xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm ngàn năm văn hiến. Như Chùa Một Cột, Văn miếu – Quốc tử giám với Thủ đô Hà Nội.Với quan niệm ấy, hai hình ảnh trên đã được BBT CLB Thơ văn Hương Chèm chọn in đậm nét trên trang bìa các tập san, đặc san, tuyển tập Văn nghệ Hương Chèm (2012 – 2013) như thể nghiệm mạnh dạn đầu tiên trước dư luận nhân dân - bạn đọc.
Cảm tác trước sự kiện tôn giáo - lịch sử - văn hóa địa phương đầy ý nghĩa này, chúng tôi xin kính bái bài thơ mộc mạc. Bài thơ đã được anh bạn Đăng Phúc chuyển thành bài dân ca điệu Khúc ca Hoa chúc ngọt ngào và được các nữ nghệ sỹ làng Trèm biểu diễn thành tiết mục hát – múa trong buổi lễ khánh thành khuôn viên cổng chùa, bảo tháp, hành lang, giải vũ Hàm Long Tự mùa xuân năm 2013:
TỤNG CA
BẢO THÁP HÀM LONG
1
Tháp huy hoàng, lung linh nắng mộng,
Liên hoa đài lồng lộng mây cao,
Mười hai tầng lắng trăng sao,
Đêm đêm, lấp lánh lối vào Hàm Long.
2
Trăm Bồ tát tỏa muôn ánh ngọc,
Trăm cửa Thiền hồng thắm trời sen.
Thập phương kính ngưỡng chùa Chèm,
Quét tháp, lễ Phật, một niềm: Nam- mô…
3
Tâm hướng Thiện, vô bờ hoan hỉ,
A – di - đà… bền bỉ nguyện cầu.
Niết bàn, Cực lạc … tìm đâu?
Từ bi cứu khổ nhiệm màu… Như Lai…
4
Phật tử, chào ban mai, ngắm tháp,
Lòng con nhang, tan tạp niệm trần,
Thênh thênh bay áng thanh vân,
Phóng sinh từ đỉnh tháp…, dần… vời… xa…
• Đăng Phúc chuyển soạn theo làn điệu dân ca :Khúc ca Hoa chúc. Hoàng Lan (thôn Đình) ngâm chào mừng trong buổi Lễ khánh thành Dự án… tổ chức tại Chùa Chèm, sáng thứ 2, 10 – 12 – 2012.
• Tháp được khởi dựng từ đầu năm 2011, đến đầu tháng 12 – 2012 hoàn thành.
• Một số nội dung về tháp cổ, chúng tôi có tham khảo bài viết Ý nghĩa tháp Phật – tháp chùa của bác sĩ Nguyễn Xuân Quang và bài giảng Ý nghĩa tháp Báo Ân, chùa Bằng của hòa thượng đại đức Thích Trí Quảng trên trang mạng internet.
• Các bài viết trên được trích từ tập tản văn – hồi ức Hồn Trèm của Đường Văn; NXBNL, TL, HN, 11 - 2013
19 – 7 – 9 – 12 – 2012
- 10 – 7 – 2013. ĐV