Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phạm Đan Quế,một nhà Kiều học đáng nể!

Nguyễn Văn Hùng
Thứ năm ngày 30 tháng 1 năm 2014 8:29 AM

      Nếu nói tác phẩm văn học nghệ thuật là sự “mã hóa” thì việc đọc, thẩm định, lí giải tác phẩm chính là sự “giải mã”. Tác phẩm càng có giá trị, trình độ “mã hóa” càng cao thì sự “giải mã” càng phức tạp, đồng thời cũng vô cùng thú vị. Tác phẩm Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du là một dẫn chứng tiêu biểu!
      Truyện Kiều có cả một lịch sự dày dặn về việc đọc và nghiên cứu của nhiều thế hệ trong và ngoài nước. Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã có lí khi ông viết trong cuốn Đi giữa những trang Kiều (1995): “Truyện Kiều là một sự không cùng. Hôm qua, nó là của Phạm Quý Thích, của Chu Mạnh Trinh... “Ngàn liễu rung rinh sóng gợn tình”. Hôm nay, là của chúng tôi. Ngày mai là của các bạn. Và mãi mãi là của các mẹ, các chị, các em. Truyện Kiều sẽ nối lại những giá trị tuổi hoa”.
      Trong số những người mê Kiều, lao tâm khổ tứ nhiều trên đường tiếp cận Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều, với hơn 40 năm và hàng chục đầu sách đã xuất bản, bạn đọc hẳn phải dành một vị trí trang trọng cho Nhà Kiều học Phạm Đan Quế.
      Nguyên là một giáo viên dạy Toán, sinh năm 1936, tại Phạm Kha, Thanh Miện, Hải Dương, năm 2014, Phạm Đan Quế đã vào tuổi 78. Từ những năm 90 của thế kỉ vừa qua, soạn giả này đã chú ý tìm hiểu về văn hóa Kiều, dần dần phát hiện ra những điều độc đáo của Truyện Kiều. Thế là trong năm 1991, ông cho ra mắt 2 cuốn sách đầu tiên: Truyện Kiều đối chiếu và Bình Kiều,vịnh Kiều, bói Kiều. Thú tập Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều cùng nhiều giai thoại về Truyện Kiều được ông biên soạn, xuất bản thành sách vào các năm 1994 và 2000. Theo hướng nghiên cứu văn học so sánh, ông còn có cuốn Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện (2000) giúp bạn đọc thấy rõ thiên tài cụ Nguyễn, từ một cốt truyện bên Tàu đã sáng tạo nên một thiên tuyệt bút bằng thể thơ lục bát dân tộc.
      Tìm hiểu lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều cũng là điều rất thú vị, vì sự tiếp nhận một tác phẩm văn học bao giờ cũng mang dấu ấn thời đại và sáng tạo chủ quan của người thẩm bình. Hai cuốn sách Truyện Kiều và các nhà nho thế kỉ XIX (1994), Truyện Kiều trên báo chương thế kỉ XX (2004), Phạm Đan Quế biên soạn cùng một hướng, ra đời cách nhau đúng 10 năm. Phản ánh nét độc đáo Truyện Kiều, ông còn có hai cuốn sách nữa: Truyện Kiều đọc ngược và Lục bát hậu Truyện Kiều cùng được xuất bản năm 2002. Nghệ thuật Truyện Kiều, ai cũng thừa nhận là hết sức phong phú và đặc sắc, Phạm Đan Quế tiếp tục đi sâu vào lĩnh vực phức tạp, tinh tế này qua 3 cuốn sách: Tìm hiểu điển tích Truyện Kiều (2000), Về những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương Truyện Kiều (2002), và Thế giới nhân vật Truyện Kiều (2005). Trong năm 2005, theo yêu cầu của Trung tâm Những kỉ lục Việt Nam VIETBOOKS, cuốn Truyện Kiều và những kỉ lục ra đời. Hai cuốn sách cùng xuất bản trong năm 2005 này được xem là một cố gắng lớn của Nhà Kiều học Phạm Đan Quế nhân dịp kỉ niệm 240 năm sinh Nguyễn Du, cũng là dịp kỉ niệm 200 năm Truyện Kiều ra đời…
      Một tin vui lớn đến với tất cả những ai yêu mến Nguyễn Du và Truyện Kiều: Vào cuối năm 2013, Đại hội đồng UNESSCO biểu quyết vinh danh 93 danh nhân, trong đó có Nguyễn Du. Và tại kì họp thứ 37, tháng 11/2013, UNESSCO đã chính thức công nhận Nguyễn Du là nhà văn hóa của nhân loại! Chắc có lẽ, để chuẩn bị cho sự kiện suốt bao năm mong ước này, vào quý III năm 2013, Nhà Kiều học Phạm Đan Quế cho xuất bản thêm một cuốn sách nữa, cuốn Bài thơ Vịnh Kiều và cách làm thơ thuận nghịch độc đáo. Năm 2007, Phạm Đan Quế cho công bố bài thơ “Kiều nương của Phật” của mình, diễn tả tâm sự Thúy Kiều đi tu lần thứ 3 tại am Vân Thủy, sau khi được Vãi Giác Duyên cứu vớt và nương nhờ của Phật bên sông Tiền Đường:
Ngần ngại đổ chuông chiều nguyện cầu,
Sắc hương vàng nắng ngả rơi mau.
Vần xoay gió bão đầy năm tháng,
Lỗi nhịp Kiều đời trắng bể dâu.
Nhân ái cảnh thiền sai ước thệ,
Mộng tình Kim ấy ủ còn đâu.
Dẫu xa dõi bóng Từ oan khuất,
Nhân nghĩa Phật tiền chốn nhiệm màu!
      Đã có ý kiến nêu là có thể có tới 1464 cách đọc khác nhau và đều có nghĩa. Trong cuốn sách NXB Giáo dục vừa công bố, Phạm Đan Quế nâng số cách đọc lên tới 1728 cách theo những tiêu chí khác nhau. Tất cả đều là thơ cổ phong, trong đó ít nhất có 23 bài theo thể thất ngôn bát cú, đúng niêm luật thơ Đường.
      Trong nền văn học Trung đại Việt Nam, Truyện Kiều và Nguyễn Du là một niềm tâm đắc của nhà văn Đặng Thai Mai (1902-1984). Qua các bài viết giá trị về Truyện Kiều vào các năm 1955 và 1965, Đặng Thai Mai đánh giá Nguyễn Du là nhà thơ cổ điển vĩ đại nhất của nước ta, Truyện Kiều là một thành công vẻ vang nhất, một kiệt tác bậc nhất của văn học cổ Việt Nam. Chính vì sự “vô cùng vô hạn” về nội dung, tư tưởng, triết lí, nghệ thuật và phạm vi ảnh hưởng của Truyện Kiều nên việc sưu tầm, tìm hiểu, khảo cứu cả Nguyễn Du và Truyện Kiều là một công việc cũng “vô cùng vô hạn”, của các thế hệ tiếp nối nhau dựa trên những thành tựu đã có. Ở chỗ này, bên cạnh những học giả khác, Nhà Kiều học Phạm Đan Quế đã cắm một cái mốc được đông đảo bạn đọc thừa nhận. Nhiều công trình về Truyện Kiều của ông, như một số đã nêu trên, liên tục được các nhà xuất bản Trung ương và địa phương cho ra mắt, tái bản, bổ sung, sửa chữa nhằm đáp ứng nhu cầu tìm đọc của nhiều loại công chúng say mê Nguyễn Du và Truyện Kiều…Tuy nhiên, ông vẫn chưa thật hài lòng với mình. Trả lời phỏng vẩn trên Báo Đại Đoàn Kết (báo mạng, 27/7/2009), Phạm Đan Quế tâm sự: “15 năm liên tục viết được 15 cuốn sách về Truyện Kiều, cũng là ứng với 15 năm lưu lạc của Kiều. Nhưng ngẫm lại thấy vẫn chưa hài lòng với các tác phẩm của mình vì khó có thể nghiên cứu hết được mọi khía cạnh về Truyện Kiều”.
      Khi công việc xuất bản và văn hóa đọc ở nước ta đang bị báo động, xuống cấp, thì tôi nghĩ rằng loạt tác phẩm của Phạm Đan Quế về Truyện Kiều là một hiện tượng thành công. Ông đạt được 3 kỉ lục tính đến năm 2013: Tác giả có nhiều sách nhất viết về Truyện Kiều; Tác giả có sách nghiên cứu nhiều nhất về văn hóa Kiều; và cuối cùng là tác giả tìm ra nhiều cách đọc nhất cho bài thơ “Kiều nương cửa Phật”. Quả thật, ông xứng đáng được tôn vinh là một nhà Kiều học đáng nể!


Nguyễn Văn Hùng
    (Báo Nghệ An)