(Tản mạn khi nghe tin Đờn ca tài tử được Unesco vinh danh)
***
Tặng Hiệu
Khi đọc tin Đờn ca Tài tử được Unesco vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại ,giọng biên tập viên Hoài Anh chùng xuống,mắt cô vốn đẹp bỗng như bừng rỡ hơn.Lòng tôi cũng chùng xuống theo. Tôi bỗng nhớ lại khoảnh khắc chùng lòng đầu tiên trong đời tôi trước tiếng đờn ca mênh mang sông nước.Tôi vốn không mấy mặn mà với đờn ca miền Nam,mặc dầu tôi mê mẩn bầu trời và rừng tràm đước xanh ngắt,ngọn gió châu thổ phóng khoáng như tánh tình dân giã của con người nơi đây.Cho đến một ngày,người bạn ấy giận tôi sao nhờ tìm một chương trình cải lương tại rạp Chuông vàng để xem mà tôi lơ đãng,bởi tôi cứ đinh ninh rằng bạn ấy là người hiện đại xứ Bắc, xem chi thứ ông già bà lão ấy.Nhưng rồi tôi vô tình phát hiện trong hành trang và trong trí nhớ đầy xúc cảm của bạn ấy có vô số đĩa hát,lời ca miền Nam.Những bài ca lời cổ,về người mẹ nghèo tần tảo nuôi đàn con thơ,về tình yêu trắc trở ngang trái…Và đã có những cuộc lửa trại bạn bè,những phút bừng bừng không khí quê hương,bạn ấy đã rưng rưng ca những bài ca cổ miền Nam,giọng hay lạc đi nhưng nghẹn ngào.Và đã có lúc bạn thốt lên mong chi có ngày được ngồi trong căn lều lợp bằng lá dừa nước mà nghe ca Tài tử.Sự ao ước ấy khiến tôi chợt nhớ ngày lần đầu đến đồng bằng ,tôi đã lơ đãng với một buổi ca Tài tử hiếm có.Ngày ấy công việc bị trục trặc,tôi xin đi sáng tác một năm.Và trong thời gian ấy,tôi xuôi vô miền Nam.Tôi hy vọng lòng dạ rộng mở và cảm khái của người miền Nam sẽ làm vơi bớt nỗi dây dứt đang nặng trong lòng mình.Tôi ra ngủ trên đò đóng đáy giữa sông Hậu,ngay trước bến Ninh kiều,của một anh nguyên là chiến sĩ biệt động thành và trước đó cũng nguyên là biệt kích…Mỹ!Cuộc đời lẫn lộn,trớ trêu mà không phải cứ Cách mạng là sáng suốt,anh chán bỏ hết để đêm đêm ra đóng đáy kiếm dăm ký lô cá nuôi vợ con và tự do hít thở khí trời cho lòng dạ thanh thản.Sáng ra anh kéo theo con cá Chẻm dễ nặng tới năm kí vô bờ,thân nó rạch một đường nước như sóng sau ghe chúng tôi.Anh hấp con cá trong cái chảo lớn rồi đi vô xóm kêu bạn nhậu.Một lúc anh về,vô buồng hai tay ôm ra vò rượu dễ đến chục lít mà vừa lột chùm lá cột trên miệng ra thì đã thấy khúc lườn rắn trồi lên vàng hươm!Ôi chà,tiêu rồi đây!
- Chào chú Bảy!-Chủ nhà chào ông lão râu chóp vừa tới.
- Ừa…Thằng Tư lâu nay cất vò rượu kỹ dữ ha!
Chú Tư,tên chủ nhà,giới thiệu tôi: “anh Ba ngoài Huế vô”,nhưng ông Bảy không nói gì,mà đến nhìn tôi ông cũng không nốt.Rồi bác Năm,ông Sáu,cậu Tám…,toàn loại “đại lão” hết,cứ lần lượt đến và đều lơ tôi tuốt ráo. Hỏi han hay ngúc đầu tý chút cũng không.Tới đây,sực nhớ kinh nghiệm của mấy người lần đầu “nhập gia” miền Nam, tôi…hết run.Tôi biết “thử thách” đang chờ tôi,qua được thì may ra các cụ mới “đoái hoài”.Y như rằng,chú Bảy đi lấy cái ly cối mà chân đế đã bị đập bể,không đặt xuống được,ai cầm là uống hết phần. “có chết thì cũng chết cho oách”,tôi tự nhủ,bởi có anh khôn lỏi,cầm cái khăn bông,ngậm rượu trong miệng rồi trún vô khăn.Các cụ biết,lập tức tẩy chay ngay tại chỗ,đẩy khỏi chiếu rượu,khinh ra mặt.Khinh cả làng ngoài xứ đã sinh ra kẻ dối trá đó.
Chung quanh chiếu rượu,kể cả tôi, là mười người chẵn.Chú Bảy rót ly đầu tiên và cũng là người đầu tiên “cưa” với tôi.Tôi biết phận rồi,làm một nghỉn nửa ly cối.Chú Bảy nhìn tôi lom lom rồi uống nửa ly còn lại.Rồi thằng Tư,ông Sáu,cậu Tám… Nửa ly cuối cùng giáp múi là tôi,tôi vẫn oai hùng uống ực cái hết đúng… ly thứ 10!Chiếu rượu đồng thanh hô cái rầm:
- Rồi!...
- Thằng này được!
- Thằng Ba được đó con!
- Dân Guế phải vậy chớ!
- …
Chú Bảy thay mặt chiếu rượu,hôn tôi một phát rồi nhìn tôi cười thiệt hồn hậu:
- Bây giờ mày uống bao nhiêu là tùy.Mệt thì mày nằm xuống đây nghỉ nghe con.Tụi Qua ca Tài tử cho mày nghe.Ngoài Guế làm chi có thứ này, mậy…
Thực ra tôi đã “chết” từ ly thứ sáu rồi.Chú vừa nói xong là tôi vật xuống cái ự.Khi mở mắt ra thì chẳng còn đâu Tài tử với Giai nhân,mà chỉ còn vầng trăng mười bảy lung linh giữa bầu trời trong veo trên vòm cây xao xác gió đêm…
Ước ao được nghe một buổi ca Tài tử trong túp lều lợp dừa nước của người bạn khiến kỷ niệm xưa quay về,lòng tôi ấm áp lạ lùng.Và ,số phận như chiều thương chúng tôi,một lần chúng tôi cùng được theo một đoàn văn nghệ sĩ về Đất Mũi.Và ước mơ cũng đã đến với chúng tôi: trong căn lều lợp lá dừa nước hôm đó,do người bạn nài nỉ và trưởng đoàn lại có cảm tình đặc biệt với bạn đó,buổi ca Tài tử đã phải kéo dài…Chương trình đã hết nhưng bạn vẫn nài nỉ cô ca sĩ ca thêm một bài,thêm một bài nữa…Mắt bạn sững sờ,rưng rưng.Tôi nhìn bạn mà cổ khô rốp.Cái phút giây ấy,cũng như khi ngồi ở Đất Mũi,bạn lại nèo cô phục vụ nhà hàng ca cho bạn nghe bài ca về người mẹ nghèo nuôi đàn con thơ,nhìn bạn vừa nghe vừa nhìn lên bầu trời xanh biếc và bao la của Cà mau,tôi như mới phát hiện ra,mới thực hiểu một con người.Và bạn cất lời ca thương nhớ mẹ già nơi quê nghèo,giọng ca khẽ và ấm,giọng ca xanh ngắt giữa bầu trời Cà mau.Giọng ca tha thiết đó là tình yêu,là hơi thở của trái tim bạn,của trái tim tôi,của trái tim chúng ta để chúng ta gắn bó,mến yêu và sống bởi mảnh đất này.Giọng ca và bầu trời hút hồn người.
Tôi lại sực nhớ,trong lần bay từ Paris qua Ireland,tôi đọc CÔN TRÙNG của Hiệu Constant và bị những trang viết về tình yêu của Hiệu hút hồn.Tôi chưa bao giờ đọc được những trang tả nỗi đau đớn,dằn vặt khi người yêu ra đi chân thật và sâu sắc như vậy. Đọc mấy chục trang nhật ký của nàng sau khi người đàn ông đã chết,tôi sững sờ trước dòng chảy vô hồi của ngôn từ tình yêu đỏ như máu,của sự thiết tha đến vô cùng,của sự đau đớn đến vô tận,một sự thủy chung đến thảm thiết,nỗi dằng xé cô đơn trong từng bọt sóng và lá cỏ bên ghềnh đá… Đời anh ,đã chin muồi và đã được thanh lọc,được biển nhập vào sự vĩnh hằng của nó.Còn đời em,bị đổ vỡ,bị những đám sủi bọt đục ngầu này cuốn đi… Nỗi đau của nàng đến Cả ánh sáng cũng rỉ máu! …
Tôi nghe nói Hiệu cũng là người gắn bó với làng quê sinh thành,với cha mẹ bà con như “trong từng hơi thở vào-ra” khi ở xứ người.Và cũng mê mẩn với những bài ca rưng rưng Lý qua cầu… Bất chợt tôi nhìn qua cửa sổ: Ôi chao,cả bầu trời cao và biển mênh mông bên dưới xanh biếc một màu- xanh- Cà- mau ngày nào,màu xanh hút hồn ngày nào!Phải chăng người bạn mến yêu giọng ca Tài tử xanh biếc màu xanh Cà mau và Hiệu là một ,và những người nghệ sĩ chúng ta nữa, đều có trái tim Tài tử và Lý qua cầu,đều có hơi thở mênh mang vùng châu thổ… thì mới có nỗi đắm say và những dòng da diết,chân thực về tình yêu?...
Huế 6.12.2013