Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHẾ LAN VIÊN-NGƯỜI LÀM VƯỜN VĨNH CỬU

Trần Mạnh Hảo
Thứ bẩy ngày 24 tháng 12 năm 2011 4:12 PM
 
Lời dẫn: Năm 1982, trong trại viết văn ở Vũng Tàu do Hội nhà văn VN tổ chức, chúng tôi ( TMH) có viết bài thơ : “ Cho một nhà văn nằm xuống” nhân việc nhà văn Nguyên Hồng mất. Ngay lập tức bài thơ lọt tới tay ông Hà Xuân Trường và ông Hoàng Tùng  ( ông HXT là ủy viên trung ương đảng, trưởng ban văn hóa văn nghệ trung ương, ông HT ủy viên trung ương đảng, trong ban bí thư trung ương đảng) tuyên bố phải bỏ tù tên phản động số một TMH ngay trong cuộc họp giao ban và đưa tin lên báo; rằng ngày xưa đảng trao súng cho tên Hảo đi đánh Mỹ, nay hắn dám dùng súng của đảng bắn vào đảng. TMH tôi biết chắc chắn mình sẽ ở tù.
Chế Lan Viên là người đầu tiên cứu chúng tôi bằng cách gọi điện đi khắp nơi cho các ông to. Ông còn viết thư tay cho ông Lê Đức Thọ, Trường Chinh, Tố Hữu ( đưa thư cho chúng tôi đi gửi bưu điện ) nói đừng bắt thằng TMH, sẽ rất không tốt về chính trị, rằng đảng sẽ bị mang tiếng xấu là đàn áp quá mức nhà văn chỉ vì một bài thơ bất mãn ấm ớ…Ông viết cả thư cho Hoàng Phủ Ngọc Tường nhờ gọi đi các nơi cứu thằng TMH. Trong thư viết cho HPNT, ông dùng hai câu thơ của Đỗ Phủ thương Lý Bạch, khi Lý Bạch bị vua bắt đeo gông, đầy đi Qúy Châu để nói về TMH đang lâm nguy : “ Thế nhân giai dục sát / Ngô ý độc liên tài” ( mọi người đều muốn giết / Riêng lòng ta thương tài). Chúng tôi còn giữ lá thư của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rất kỹ về việc này. ( Việc chúng tôi thoát án tù năm 1982 còn do được nhiều “quý nhơn phù trợ” ví như nhà thơ Lưu Tọng Lư, nhà báo Thép Mới, ông Võ Văn Kiệt và ông Võ Trần Chí  “hai ông Nam Kỳ này là Ủy viên Bộ Chính trị từng là Bí thư thành ủy TP.HCM”…)…Vâng, Chế Lan Viên đích thị quê CHOA là người Quảng Trị, nơi “ Những đồi tranh ăn độc gió Lào”…
 Xin bạn đọc vào hai bài chính :
 
CHẾ LAN VIÊN-NGƯỜI LÀM VƯỜN VĨNH CỬU
 Trần Mạnh Hảo
 
Gia đình văn chương họ Chế
 Ông đang ngồi nấu cám heo trong bếp, thấy khách tới, vội chạy ra mở cổng. Ông xin lỗi khách, chờ tí, vì nhà đi vắng hết, vả nồi cám heo đang sôi ở mức cao trào. Với gương mặt mồ hôi nhễ nhại, ông gân sức lực của người gần bảy mươi tuổi, ngoáy tít nồi cám heo bằng chiếc đũa cả sừng sỏ dáng vẻ rất chuyên nghiệp, như thể ông khiêu vũ cái vũ điệu của bếp núc.
 
Mới ngày hôm qua, từ cuộc hội thảo văn học tại Bồ Đào Nha về, với bao nhiêu chuyện trên trời, dưới đất, nào mây bay đi, nào hồn ở lại, nào các thiên hà có biết suy tưởng hay không đến sự ô nhiễm môi trường ăn mòn nhân tính…
Vâng, từ chân trời của thơ ca thế giới, với những hội nghị quốc tế, gặp gỡ đàm đạo với những nghệ sĩ lừng danh, những khách sạn sang trọng, những bữa ăn đắt tiền… Chế Lan Viên trở về với chân trời của riêng ông với gà heo, vườn tược và những bản thảo dập xóa như vườn cây bị nghìn bão đi qua. Từ năm 1937, năm tập thơ “Điêu tàn” ra đời cho đến ngày ông mất, Chế Lan Viên đã bày, đã soạn cho người Việt Nam, cho văn hoá Việt Nam những bữa ăn thơ thịnh soạn, ngon lành, trìu mến và sang trọng; chúng ta nào đã một lần biết được bếp núc thi ca ông vất vả, tần tảo và cực nhọc biết bao. Vâng, đôi khi văn học cũng cần phải có những nồi cám heo của mình, với những tro cùng trấu, những củi cùng lửa, những muỗi cùng ruồi, những mồ hôi cùng nước mắt…
Đúng như nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét từ năm 1941: “Giữa đồng bằng văn học Việt Nam ở giữa thế kỷ hai mươi, Chế Lan Viên đứng sừng sững như một Tháp Chàm, chắc chắn và lẻ loi, bí mật… đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị…”. Từ độ 16 tuổi đến lúc viên tịch, quả thực, Chế Lan Viên vẫn chắc chắn và lẻ loi, bí mật, thậm chí sau khi hai tập thơ di cảo đồ sộ của ông ra mắt, ông vẫn tiếp tục để lại sau mình vô vàn niềm kinh dị cho người đọc như lời tiên tri của Hoài Thanh.
Như một lữ hành đơn độc, Chế Lan Viên đã lầm lũi vượt qua sa mạc siêu hình, đi từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui” (đầu đề một bài viết của C.L.V.). Ra đến cánh đồng vui rồi, sao đôi lúc gương mặt ông vẫn đầm đìa giọt khóc? Và thơ ông, kỳ lạ thay, vẫn bàng bạc một nỗi đau như mưa phùn, như đom đóm, như thể những vết thương xưa của ông chưa chịu khép miệng mà chúng đang ca hát. Có lẽ, chính vì nỗi đau ma ám ấy, cái nỗi buồn thương định mệnh ấy đã làm nên cái bất tử của tập thơ “Ánh sáng và phù sa” do Nxb. Văn học ấn hành năm 1960, với số lượng phát hành kỷ lục: 6.070 cuốn. Tập thơ đã gây một tiếng vang cực lớn thời đó, chỉ trong vài ba tháng đầu đã bán hết. Có thể nói không ngoa rằng, “Ánh sáng và phù sa” đã thành cái mốc chuyển biến quan trọng của thơ Chế Lan Viên nói riêng, của thơ Việt Nam nói chung ( trong tập thơ còn một số bài dở vỉ chính trị thô thiển, ví như bài : “Ngô tổng thống trong dinh thuốc độc”). Sau hai mươi lăm năm, kể từ Thơ Mới ra đời, đến lúc “Ánh sáng và phù sa”, thơ Việt Nam đã xuất hiện một thi pháp mới, một giọng điệu mới, một cách cảm nghĩ mới. Rất tiếc, một tập thơ quan trọng như thế của thi ca hiện đại, ba mươi tư năm rồi chưa được tái bản. Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, hầu hết các nhà thơ trên dưới năm mươi tuổi sống trên đất Bắc, những bước đầu chập chững làm thơ, đều có chịu ảnh hưởng của “Ánh sáng và phù sa”.
Cái chết, niềm hư vô và niềm cô đơn là nỗi ám ảnh khôn cùng của thơ ông ngay từ thời niên thiếu. Tâm hồn ông hầu như đã biến thành vỏ ốc của sự chết, để ngọn gió hư vô thổi vào và ngân lên bài ca bi ai, hoan lạc của bản hòa tấu cô đơn. Mới mười lăm, mười sáu tuổi, ông đã đi lại trên mặt đất như một cái Tháp Chàm. Ông mơ trong cả khi tỉnh thức. Đôi mắt của hồn ông chỉ nhìn thấy thế giới siêu hình, toàn là những bóng ma, những âm hồn phiêu dạt, những óc phọt, những xương trào, máu cuộn. Ông coi cái thế giới bên kia mới là đích thực hơn cái thế giới bên này, tin vào hư mà ngờ thực. Rất may là trời chưa kịp ban cho ông đôi cánh. Nếu không, ông đã bay lên tít mù xanh thẳm, biến thành tinh cầu vô định, nơi con người cũng như thơ ca không còn một chút trọng lượng. Và vì chưa có đôi cánh, ông đã coi vòm trời kia bất quá cũng chỉ là một bóng cây, các vì tinh tú cũng chẳng khác gì một trái ổi:
“Kìa em trông một vì sao đang rụng
Hãy nghiêng mình mà tránh đi nghe em…”
(Đêm tàn)
Ông hợp nhất mình với vũ trụ như làn hương hợp nhất với vòm trời. Tuy nhiên, ông thừa biết trò chơi của tạo hoá: vũ trụ vô tận kia cũng mong manh như một cánh phù dung, nên khuyên người yêu cũng chính là để khuyên mình. Những vì sao chói ngời và run rẩy kia, mi có thể rụng như sung vào tình yêu của ta bất cứ lúc nào. Quả thực, mỗi ban mai, những vì sao kia rụng đâu hết cả. Và vì vậy, chừng như những người đang yêu vì phải né tránh cái rơi rụng của các tinh cầu, nên dáng đi của họ có vẻ nghiêng nghiêng, nếu không muốn nói rằng như vệt nắng xiên khoai… Tuồng như Chế Lan Viên suốt đời phải đi kiểu nắng xiên khoai như vậy, để né tránh các tinh cầu hư vô rớt xuống từ bầu trời cô đơn, cắt rừng siêu hình ra mà tìm đến con người. Và khi ông tìm thấy con người, ông đã gặp được nỗi đau. Nỗi đau ấy ông gọi là hạnh phúc.
Những ngày hoàn tất tập thơ “Ánh sáng và phù sa”, Chế Lan Viên vừa trải qua bệnh phổi nặng. Đến nỗi ông tin rằng mình sắp chết. Chừng như niềm hư vô như một con mọt đang ăn rỗng ngực ông như nó từng ăn rỗng cả vũ trụ. Bên cạnh đó, số phận đã bắt ông phải uống chén đắng của cuộc tình tan vỡ, khiến ông gần như không còn nơi bám víu nữa. Nhưng, ở bên bờ tuyệt vọng, ông đã may mắn gặp được nàng thơ của mình. Nàng thơ đó có tên là cuộc sống.
Chừng như mỗi lần cái chết tính gõ cửa hồn ông, ông lại có thơ hay. Có thể nói, trong phản ứng hoá học của tư tưởng và cảm xúc để tạo ra một chất thứ ba là thi ca, cái chết hầu như là một chất xúc tác kỳ diệu của Chế Lan Viên. Và những cơn đau chính là nhiệt độ, là lửa để tạo ra phản ứng thi ca của ông. Ông đã có những câu thơ rất hay về đất nước, về con người, những câu thơ ám ảnh suốt một thời trai trẻ của tôi và nhiều bạn bè khác:
“Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”

“Con nhớ em con thằng em liên lạc
Rừng thưa em băng, rừng rậm em chờ…”

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”
(Tiếng hát con tàu)
Đây là cái nhìn của ông, một người miền Trung về đất Bắc :
“Chỉ còn máu sông Hồng trong quả ngọt
Con chim ăn thấy vị phù sa trong tiếng hót”
(Giữa tết trồng cây)
Ông nhìn chân trời trong bài “Đọc Kiều”:
“Cỏ bên trời xanh một sắc Đạm Tiên”
Ông nhìn thấy được tiếng chim và nghe được mùi hương quả chín từ thẳm xa đưa tới, trong một tình thương bình dị mà thẳm sâu đến sững sờ:
“Tiếng cu xa gáy đến phòng em
Bóng nhãn theo vào với tiếng chim
Bệnh yếu, em chưa về hái quả
Thương em, mùa lại đến đây tìm”
(Tiếng chim)
Quả thực, Chế Lan Viên có rất nhiều thơ hay, tứ thơ hay, nhiều bài thơ tứ tuyệt tuyệt vời, vừa rưng rưng sương khói cảm xúc, lại vừa chói lòa ánh sáng của trí tuệ. Ông tìm thấy ánh trăng sao trong bùn đất, thấy cái tơ non ngay trong linh hồn đá sỏi; thấy cái nước, cái lạnh trong lửa và ngược lại. Tôi đồ rằng ông đã suy tưởng bằng trái tim và xúc cảm bằng bộ óc? Và vì vậy, Thượng Đế chừng như đã cấu tạo nên cơ thể ông trong lúc Ngài mải làm thơ trong trạng thái hưng phấn không bình thường, nên đã bỏ lộn trái tim ông vào hộp sọ và đem bỏ hai bán cầu não ông xuống phía ngực trái?
Có người hận ông vì điều gì đó đã cho rằng, tâm hồn của ông “Điêu tàn” thuở nào như vầng trăng non đã bị gấu ăn hết. Rằng, Chế Lan Viên chỉ còn thuần có bộ óc. Rằng, ông chỉ làm thơ bằng trí thông minh, bằng trò chơi ma giáo của chữ nghĩa…Do đó, thơ ông trong suốt như nước phèn, không sinh vật cá tôm nào, thậm chí đến cả phù sa cũng không sống nổi trong cái dung dịch thơ lý trí kia (!) Không, vầng sáng của trí tuệ Chế Lan Viên đầy năng lượng sương khói, cái lý trí đầy ắp bản năng của ông bao giờ cũng là mảnh vườn màu mỡ cho thi ca sinh trưởng. Chúng ta thử đọc qua một bài thơ tứ tuyệt: “Tháp Bay-on bốn mặt”, ông đề dưới là viết trong mùa bệnh 1988, xem ông viết bằng trí thông minh hay viết bằng tình cảm :
“Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”
Vâng, có thể ông đã viết bài thơ này bằng trí thông minh, nhưng là trí thông minh của nỗi đau, của niềm nhức nhối. Hồn ông hình như vẫn lảng vảng, lẩn khuất đâu đây như ánh trăng, như hơi thở của ngôi nhà lý trí. Khi bài thơ đã đạt được sự hay, nó không còn phân biệt đâu là tư tưởng, đâu là cảm xúc, đâu là xác, đâu là hồn nữa.
Có người bảo Chế Lan Viên là người hai mặt trong đời và hai mặt trong thơ. Người ta đã cố ý biến ông thành con thò lò, thành con rối của thời thế, để đổ hết lỗi của những người khác vào ông. Làm như chính ông đã gây ra những thảm hoạ, những bi kịch của đời sống, những tráo trở bất nhẫn của kiếp người. Họ vẽ chân dung ông ra thành con ngáo ộp của văn nghệ, chuyên bắt nạt và sát phạt anh em ( cũng có một phần đúng) (!) Như bài thơ vừa trích dẫn, Chế Lan Viên tuyên bố rằng ông như tháp Bay-on có đến bốn mặt cơ, phải giấu đi ba mà chỉ bày ra một mặt. Đừng hiểu cái mặt này theo ý nghĩa chính trị. Xét về ý nghĩa triết học, mỗi con người quả tình có đến nghìn muôn bộ mặt giấu bên trong. Cái con người bên trong của chúng ta đã được tôn giáo diễn đạt bằng tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay và dĩ nhiên phải hiểu là có cả nghìn gương mặt. Vậy cái chuyện bảo Chế Lan Viên có hai bộ mặt âu là chuyện thừa. Mỗi bộ mặt của hồn thơ ông hầu như quay về những hướng khác nhau, kéo bản thể của ông đi về muôn phía, toàn là những phía trái ngược nhau. Do đó, cái con người tinh thần của ông từng phút giây đều phải đau cái nỗi đau đoạn trường của Vệ Ưởng bị bảy con trâu kéo nát thịt da về bảy hướng. Nỗi đau chính là tình nhân đầu tiên và cuối cùng của thơ ông :
“Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu
Ta đẻ ra đời sao khỏi những cơn đau”
(Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng?)
Từ “Điêu tàn” đến “Ánh sáng và phù sa”, Chế Lan Viên phải mất gần hai mươi năm trăn trở, quằn quại, vật vã trên con đường đau khổ như chữ dùng của nhà văn Nga A-lếch-xây Tôn-xtôi. Ông đã phải bỏ đi, phải vượt qua cả một tập thơ của mình: “Gửi các anh”. Tập thơ này hầu như không phải do chính tay ông viết, nhợt nhạt và ấm ớ, giản đơn và tầm thường. Nó chính là một tập thơ đệm, một trạm trung chuyển, một gã ăn theo. Cũng giống như trong các tập thơ hùng vĩ của mình, đâu đây vẫn thấy thơ ông còn những bài đệm, những bài thơ trung tính, trung bình, những bài thơ cảm xúc bò như sên và lý lẽ thì phóng nhanh như tên lửa. Nhưng đó là chuyện bình thường, đừng vì một hạt sạn bé con mà bỏ đi cả nồi cơm gạo tám thơm ngon.
Chế Lan Viên là một thiên tài. Mà tất cả các thiên tài đều tự mâu thuẫn, nhiều giằng xé không sao giải quyết. Trong ông, con sư tử và con nai ở chung với nhau, mèo phải hội họp với chuột, cái ác và cái thiện là một cặp bài trùng chuyên môn cãi lộn nhau, sự thuỷ chung và sự phản bội phải làm phép hôn phối trước vị linh mục có tên là nhân tính. Ông phức tạp hơn cái người ta hiểu bội phần. Thậm chí, cái sự phức tạp, nhiêu khê, rối rắm, thậm chí hỏa mù của thế giới nội tâm mình, ông cũng không tự nhận thức nổi.
Trong cuộc chiến tranh thành Troie của tư tưởng nhập cuộc, của hành động dấn thân chống lại cái tình cảm hồng hoang mù sương của tầng tháp cổ, của bóng ma trơi siêu hình, siêu tưởng, tâm hồn ông bao giờ cũng là một bãi chiến trường đầy ắp thương vong và chiến tích. Nói cho cùng, cuộc đời của một thi sĩ kể ra cũng chẳng lấy gì làm sung sướng, toàn là đau dùm và khổ mượn, lấy nỗi buồn của chim sa cá nhảy làm nỗi buồn của chính mình, dại dột cõng vòm trời trên lưng như cõng một em bé, để rồi ấm ớ luôn hồ nghi, luôn tự hỏi mình đang đi, đang sống đây hay là một đám mây, một quầng lau trắng?
Từ “Ánh sáng và phù sa” rồi qua các tập thơ lừng danh: “Hoa ngày thường – chim bào bão”, “ Đối thoại mới”, “Hái theo mùa”, “ Hoa trên đá”… và hai tập thơ di cảo, Chế Lan Viên luôn luôn phải đơn độc chống trả với thế giới siêu hình. Ghét của nào trời trao của đó, cố gắng đến cạn sức lực để chống lại cuộc chiến tranh không giới tuyến, mà đám giặc-siêu-hình kia luôn luôn “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, nên Chế Lan Viên đến phút lìa đời vẫn không thoát khỏi ám ảnh siêu hình. Bởi vì, cái siêu hình kia nó không nằm ở ngoài ông, mà nó tồn tại, nó đóng tổng hành dinh trong chính tâm hồn ông, trong tốc độ vũ trụ của tư duy ông, nó bày binh bố trận trong hơi thở, trong cái nhìn bản năng ông. Cái mà trong đoạn thơ dưới đây trích trong bài thơ “Gió lật lá sen hồ” ông viết năm 1988, tức là trước khi mất một năm, ông gọi là “ai đó”. Bởi, “ai đó” cứ ném thia lia trong hồn ông:
“Gió thổi lá sen hồ lật lại phía bên kia
Phía ấy gọi anh về
Về đâu chưa biết nữa
Chỉ biết hồn anh lật lại cùng với gió
Ở trong hồn ai đó ném thia lia”
Ôi cái phía bên kia, cái phía gọi anh về, chắc là ông đã linh cảm được phía ấy, nhưng vì sợ nên chưa gọi thẳng tên nó ra mà thôi. Cái phía bên kia của mặt trăng, cái bên kia của thế giới có tên là cái chết. Mà cái chết với Chế Lan Viên chính là tên gọi thứ hai của cõi siêu hình. Từ bỏ cõi siêu hình trở về cõi thực, Chế Lan Viên hầu như đã phải chết đi một con người, cứ tưởng ông đã hồi sinh thành một con người khác. Ai dè, sau những cơn vui chiến thắng, sau những hò reo, những hoan hô, ca tụng, những hạnh phúc đầm đìa khóe mắt, ông lại trơ ra chỉ còn lại một mình với con mọt hư vô đang từng ngày gậm nhấm cuống phổi mình như chuột gặm. Mà suốt mấy chục năm reo cười, hò hát bản anh hùng ca thời đại hết sức tuyệt vời, hết sức chân thành, cảm động nhưng đôi khi cũng lại ngô nghê, sống sượng và vờ vịt, riết rồi cũng mệt, riết rồi cũng khản tiếng, tàn hơi. Nói cho cùng, niềm vui hầu như không có khả năng tạo ra thế giới; chỉ có tiếng cười hềnh hệch như pháo tết đâu có thể tạo ra nghệ thuật. Vâng, cuộc đời thực kia, ông đã yêu đến cạn cùng hai lá phổi, yêu như “đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng”, yêu đến nghẹn thở, đến cuống quýt, ồn ào. Tuy nhiên, chạy một mạch mấy chục năm như con trẻ chạy theo con diều giấy, Chế Lan Viên đột ngột dừng lại suy nghĩ về cái thế giới “danh vọng ầm ào, vinh quang xí xố”! Và, nói đi rồi cũng phải nói lại mới toại lòng nhau, chẳng ai nỡ bắt bẻ một thi sĩ suốt đời cúc cung tận tụy cho lý tưởng, khi chợt một ngày nào đó trước nỗi chết, ông theo phép biện chứng mà lộn trái các sự vật:
“Xưa nghiêm túc, nghiêm trang
Giờ nửa khôn, nửa dại
Lộn lèo trong gió trái”
…“Chơi trò hề lăng nhăng
Bớt cái điều trọng đại”
…“Bắt chước đào lộn hột
Vỏ tâm hồn lộn tuốt
Bớt bớt điều kiêng khem”
(Lộn trái – 1988, ba hôm trước ngày lật trái phổi ra cắt)
Cuộc đời thì vui vẻ thế, cớ sao thời thế lại hắt hiu như một người đánh cờ với chính bản thân mình: “Để anh chơi chỉ có một mình”. Nhà thơ chợt buồn đến lặng cả người khi: “Chả hiệp sĩ nào buồn xách gươm lên ngựa / Gươm muốn làm lành cùng cối xay”. (Don Quichotte). Chế Lan Viên đã đi, đã chạy, đã bay mà không đuổi kịp chân trời: “Vọng phu tình ái, vọng phu thơ, vọng phu lý tưởng”. Bởi ông hiểu thấu cái nỗi đời trớ trêu, tưởng được đó mà mất đó, vừa thấy TẠO xong, đã HOÁ liền:
“Ai có một chân trời
Và mất gì sau đó phía chân mây?”
(Vọng phu)
Ngỡ đã tới đích của đời, ai dè đấy lại là khoảng trống vô cùng của hư vô, cái lỗ kim siêu hình mà cả đời ông chạy theo xâu chỉ hiện thực:
“Tôi như người xâu sợi chỉ vào cây kim ngay trước mặt
Chỉ đã lọt rồi, kim bỗng lùi xa
Tôi đã bước lên một bước, Kim lùi thêm một bước”
(Hồi ký bên bàn viết)
“Có lúc chỉ lọt vào rồi lại sẩy
Xâu vừa xong gió tuột nửa chừng
Lỗ kim…lỗ kim trước mắt”
(Xâu kim)
Giờ đây, ở thế giới bên kia, bằng sợi chỉ duy vật, hẳn là Chế Lan Viên đã xâu được cái lỗ kim tôn giáo, cái lỗ kim vô hình mà con lạc đà trong Kinh Thánh không thể nào chui lọt. Cái lỗ kim ấy cũng có tên là chân trời, là xa vời lý tưởng, là cõi đích thực của cái đẹp vĩnh hằng; nơi sinh thời, suốt bảy mươi năm, ông đã kéo bản thân mình ra thành sợi chỉ, lầm lũi và đăm đăm hướng tới như con chiên hướng về tín ngưỡng của mình. Nhưng chừng như tất cả đều vô vọng, tất cả còn vẫn ở đâu đâu. Phép lạ, có lẽ chỉ có khả năng xảy ra sau khi ta ngừng thở. Rốt ráo, tính nhân văn cao cả của thơ Chế Lan Viên chừng như đọng lại thành phù sa, thành ánh sáng ở chỗ này đây. Ông ví mình như con ong của thời thế, đến đây yêu xong là chết, vất vả cực nhọc, cúc cung tận tụy, tận hiến, tận trung, tận tình mà chẳng hề mang về cho mình một chút gì ngoài niềm đau, thi ca và cái chết : “Làm nên mật đạo đức / Chả hút gì ở môi”. Sinh thời, ông không hề ta thán oán trách gì, đòi hỏi mè nheo gì. Nhưng, đối với thời đại này, ông quả là một đại công thần về văn hóa. Ông đã đi hầu khắp thế giới, trừ có Mỹ châu, để làm người thuyết khách, người rao giảng của cách mạng, của cuộc kháng chiến cứu nước. Trong thời chống Mỹ, tùy bút “Những ngày nổi giận” có sức mạnh tinh thần của cả mười đạo binh. “Những bài thơ đánh giặc”… của ông có sức mạnh ngang hàng với sức mạnh của những dàn tên lửa Sam một, Sam hai. Sự đóng góp của ông thật vô cùng to lớn. Thế nhưng, ông được đãi ngộ cái gì? Ông chưa hề được cấp nhà một lần trong đời, không bao giờ có được cái điện thoại. Cho đến khi mất, ông chưa hề được những nhà xuất bản nhà nước tái bản một cuốn sách nào. Ông sống đạm bạc mà thanh cao, tự tại nơi khuất nẻo xa xôi trong góc ngoại ô phía Tân Bình. Đến nhà ông mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi mù. Ngôi nhà của ông quá đỗi đơn sơ, chẳng có gì quý giá ngoài trang bản thảo.
Nhưng con người ông với tất cả nội lực phi thường, vẫn thung thăng đi tiếp về phía chân trời của triệu người, từ chân trời tháp cổ cô đơn của mình như lời khuyên của P. Eluard. Ông là người “ăn cây nào rào cây nấy”, chẳng như ai kia “được ăn, được nói, được gói mang đi, được hòn chì ném lại “. Thế mà có lắm người cuống cả lên, làm như Chế Lan Viên đã ăn hết lộc của thiên hạ. Ông ăn gạo nhà Chu và ông có bổn phận rào cây lúa nhà Chu. Bá Di, Thúc Tề lên rừng ăn lá ư? Nhưng rừng kia cũng vẫn của nhà Chu cơ mà? Điều đó giải thích thái độ quyết liệt, thậm chí riết róng, dữ dằn đằng đằng sát khí của ông trong hàng loạt bài tiểu luận về quan điểm nghệ thuật khi phải tranh biện, cãi vã. Và vì vậy, có khá nhiều người không ưa ông, rồi không ưa luôn cả thơ ông nữa. Nhưng ở đời, cái gì ra cái ấy, sự nghiệp thi ca đồ sộ của ông đã thành tài sản chung của dân tộc. Ông có thể vay trả, ân oán với người đời ở chỗ khác; nhưng với thơ, ông mãi mãi là cây đại thụ của thế kỷ hai mươi trong lịch sử văn học nước nhà. Có thể ông đúng. Cũng có thể ông sai. Nhưng ông có quyền bảo vệ những quan điểm chính trị của mình. Chỉ có điều thuộc về tính khí, trong tranh biện, ông là người đôi khi truy đối phương tới cùng, quyết không cho đối phương đứng lại thở. Vâng, mỗi con người đều có những khiếm khuyết để tồn tại, huống hồ ông lại là một tài năng lớn, một người tầm cỡ mang trong mình tất cả thiện ác của thời đại, tất cả nghịch lý của kiếp người, cái mâu thuẫn không sao giải quyết của số phận. Trong bài thơ “Từ thế chi ca”, ngay cả khi trăn trối mà ông còn đáo để:
“Những kẻ nguyền rủa anh sẽ buồn
Chả còn anh cho họ giết
Dao sẵn rồi họ không dễ để yên”
Chế Lan Viên, xin ông hãy yên trí làm vườn lan nhà họ Chế ở bên kia biển, bên kia trời siêu hình; bởi trên đời này, người yêu ông, kính trọng và khâm phục ông nhiều vô kể. Những người không ưa ông còn ở trong quá khứ. Nhưng ông và thơ ông đã bay về phía tương lai của con người!
Chế Lan Viên là người Mác-xít. Vâng, cả Picasso, Romain Rolland, Eluard, Aragon, Néruda…cũng đã từng là người Mác-xít ( nhưng cuối đời họ đã từ bỏ Mác-xít). Điều kiện tiên quyết để trở thành người Mác-xít là phải theo chủ nghĩa vô thần. Nhưng Chế Lan Viên lại cho rằng con người có linh hồn và khi chết rồi, linh hồn con người bất tử. Ông trăn trối lại cho vợ con sau khi ông chết, hãy đốt xác ông, lấy tro đem gởi vô chùa. Và như vậy, chết rồi ông mới đi tu, mới trở về với Phật mà khi sống ông không ngớt hồ nghi. Tôn giáo là nỗi ám ảnh khôn nguôi suốt một đời ông sống. Nhà Mác-xít Chế Lan Viên tự mâu thuẫn với nhà Phật học Chế Lan Viên. Như trên đã nói, ông tập trung mọi nghịch lý, mọi mâu thuẫn của thời đại quá nhiều tôn giáo mà thiếu đức tin này. Đúng như lời của Jiri Wolker: “Qua nhà thơ, người ta thấy tầm cỡ thời đại mà ông ta sống”. Chế Lan Viên chính là một thời đại của thi ca của lịch sử xã hội Việt Nam trong thế kỷ đầy đau thương, bi hài kịch mà đầy hùng khí, đầy mê muội hèn hạ xấu xa. Tráng ca, anh hùng ca cũng là ông, mà bi ca, khốc ca cũng lại chính là ông. Điều đó làm ta dễ hiểu khi đọc những bài thơ làm giật thót mình các phía như bài “Trừ đi” và “Bánh vẽ” ( Sẽ đọc sau bài này); thậm chí có nhà chính trị cực đoan còn bảo họ Chế thực chất là “phản động ngầm”. Phàm con người muốn biện chứng phải biết phản biện, muốn tin tưởng, cần phải học được cách nghi ngờ. Mác cũng từng khuyên người trí thức luôn phải biết nghi ngờ. Bởi vì khoa học chỉ có thể là chính nó, khi nó tồn tại trong niềm nghi hoặc của con người. Suốt một đời đi xuôi, trước lúc lìa đời, con người cần phải đi vài bước ngược lại, quay lại một chút mà ngẫm nghĩ, mà suy tưởng về thân phận mình. Vì vậy, chúng ta càng yêu ông hơn vì cái nỗi đau đời, cái nỗi buồn tủi, cái niềm biết thân, biết phận của mình rất chi là người, là trần gian, rơm rác, bụi bặm, đời thường :
“Anh đẽo tâm hồn thành con rối để yêu em
Anh hoá gỗ, hoá dây, hoá dại khờ, ngũ sắc
Tuồng tích ấy chú rối mình đủ khóc
Cần chi bàn tay nào đến giật giật dây thêm
Anh rối nước muốn lên bờ cùng rối cạn
Em đi xa, ao thương nhớ hoá đầy
… Anh đứng giữa lệ mình trơ trơ không dám khóc
Vui nỗi gì khán giả vỗ ran tay?”
(Rối cạn và rối nước)
Bài thơ làm nhức nhối người đọc, huống hồ là người viết ra nó phải đau, phải nhân tình thế thái biết là chừng nào. Nói về mình khi chưa gặp cách mạng, Chế Lan Viên viết: “Lòng ta thành con rối / Cho cuộc đời giật dây”. Ngày đó ông mới vừa hai mươi lăm tuổi, sân khấu đời ông đã kịp diễn gì đâu? Con rối ấy hoạ có chăng là rối siêu hình? Còn giờ đây, con rối nước xưa đã bò lồm ngồm lên cạn như ếch nhái, để lại diễn đủ trò như con rối cách mạng cho thiên hạ vỗ tay. Còn mình thì vẫn rối như sợi chỉ hiện thực trước lỗ kim vô cùng?
Càng gần tới cái chết, thơ ông viết càng hay, càng bớt chất luận đề, chính luận, càng thêm cảm xúc và sâu đọng. Hầu hết các nhà thơ mới, kể cả Xuân Diệu, Huy Cận, cái phần thơ hay nhất, đóng góp lớn nhất cho thi đàn lại là những thi phẩm ra đời trước năm 1945. Chỉ có Chế Lan Viên và phần nào Tế Hanh, mà những trước tác sau này thậm chí còn đồ sộ, còn hay hơn nhiều thời tiền chiến. Sau Thơ Mới, ông đã làm cho Thơ Mới được mới thêm một lần nữa. Đấy chính là sự đóng góp có tính tiền phong, tính mở đường của thơ Chế Lan Viên cho thời đại thi ca mới. Chính ông mới là nhà thơ hiện đại đúng nghĩa nhất của nó.
“Lòng ta mục đồng / Cũng đi chăn đấy”… … “Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu”. Do đó, đôi khi thi ca cũng cần được tung tăng hồn nhiên như con nghé ọ. Nhà thơ không cưa sừng làm nghé, vì tâm hồn ông đã được thả rông trên đời này để có lúc vừa ăn cỏ của đời sống, vừa uống nước sông Ngưu siêu hình của trời xanh:
“Con trâu nghé ọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu”
(Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh -1988)
Câu thơ viết như chơi, viết như đùa, như không mà hay đến nghi hoặc. Yêu biết bao nhiêu cái cặp sừng non bỡ ngỡ của thi ca. Này con nghé ọ, mi đang cọ sừng vào cõi hư vô mà chẳng biết. Nhà thơ bảy mươi tuổi nhưng thi ca của ông sinh ra muôn đời phải là con trẻ, phải là con nghé ọ của đời. Con nghé thơ sẽ lớn thành con trâu kéo cày trên cánh đồng văn học. Và, trâu thơ ơi, sau khi người chết đi, người đời sẽ mượn da người làm trống, để đánh lên nhịp nhảy, nhịp sống của con người. Và trâu thơ ơi, xin mi để lại cặp sừng làm chiếc tù và báo động. Đi từ cặp sừng non của con nghé đến chiếc tù và của con trâu, Chế Lan Viên vẫn tiếp tục cất lên tiếng trống, tiếng tù và, báo hiệu một ngày mới trên cánh đồng vĩnh cửu c a thi ca…
 
XIN ĐỌC THÊM BA BÀI THƠ TRONG DI CẢO THƠ CHẾ LAN VIÊN
 Trừ đi
Chế Lan Viên
 
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu! Một nửa
Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi
Giết một tiếng đau – giết một tiếng cười
Giết một kỷ niệm – giết một ước mơ – tôi giết
Cái cánh sắp bay – trước khi tôi viết
Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển – Giết mưa
Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi.
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – Người có lỗi
Đã phải giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình
(Tạp chí Văn, Paris 1992)
Chế Lan Viên - Ai? Tôi!
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
(Rút trong sổ tay thơ tập 5 của tác giả)
Bánh vẽ
Chế Lan Viên
 
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi
Họ cũng ngồi thôi
Nhai nhồm nhoàm
(Prométheé 86, Văn học và Dư luận, 8-1991)
 CHẾ LAN VIÊN VÀ BA NIỀM SỬNG SỐT
 
Trần Mạnh Hảo
Mới mười lăm, mười sáu tuổi đầu, tâm hồn cậu thiếu niên Chế Lan Viên kỳ lạ thay, đã bằng tuổi Tháp Chàm. Hay chính là hồn vía Tháp Chàm miền Trung đã nhập vào thân xác nhà thơ từ thuở lọt lòng, mượn chú hài đồng họ Phan mà oa oa cất tiếng khóc nghìn năm ứ nghẹn tự muôn trùng gạch đá?
Sau này, lớn lên, đi học tại Quy Nhơn, Chế Lan Viên lại bị vây bủa bởi những Tháp Chàm cô độc, như những cánh tay hư vô đột ngột giơ lên xin phát biểu ý kiến với trời xanh. Những Tháp Chàm bí mật, câm nín mấy trăm năm chợt hu hu khóc nấc, chợt hú rít lên, rên la lên, chợt rúc lên u u ơ ơ tiếng tù và địa phủ bằng vần điệu, bằng thi ca “Điêu tàn”, như tiếng phát ngôn của dân Hời vạn thuở. Tập thơ được viết xong lúc tác giả mười sáu tuổi, ra mắt làng thơ năm 1937. “Điêu tàn” như một hiện tượng kỳ vĩ, ngay lập tức làm sửng sốt thi đàn Việt Nam, “như một niềm kinh dị” theo chữ của Hoài Thanh. Không sửng sốt, không kinh dị sao được khi một cậu thiếu niên dáng vẻ hiền lành, bỗng học được phép chui vào quan tài của nỗi hư vô, dùng thi ca tỏ tình với cái chết.
Chế Lan Viên dẫn đầu một phái đoàn ma, kéo vào thi đàn Việt Nam như cô hồn thập loại chúng sinh của Nguyễn Du xưa kéo về rằm tháng bảy: “Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” (Trên đường về). Ông ước: “Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh / Một vì sao trơ trọi cuối trời xa” (Những sợi tơ lòng). Tinh cầu ấy, vì sao ấy, với Chế Lan Viên chính là chiếc sọ người. Chiếc sọ người – biểu tượng hóa niềm siêu hình thăm thẳm, bao hàm ba trạng thái: cô đơn – cái chết – hư vô từng thách đố triết học và tôn giáo giáo. Chế Lan Viên dùng thi ca giải mã chiếc sọ người mong tìm tôn giáo và triết học, tìm bí mật phía bên kia tồn tại, như tìm nỗi không đâu vơ vẩn kiếp người. Với “Điêu tàn” bầu trời kia cũng mang hình hộp sọ. Tinh cầu – sọ người bay lơ lửng trong không gian Chế Lan Viên, như một thứ hạt giống thi ca gieo vãi hư vô lên từng trang giấy. Đến nỗi nhà thơ muốn cắn chiếc sọ người vỡ tan như cắn hạt bồ đào: ” Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ / Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô” (Cái sọ người). Hãy nghe Chế Lan Viên nói về công việc trước tác của mình: “Nền giấy trắng như xương trong bãi chém / Bỗng run lên kinh hãi dưới tay điên / Tiếng bút đưa rợn mình như tiếng kiếm / Nạo những thành sọ trắng của ma thiêng” (Tiết trinh). “Điêu tàn” mang âm hưởng sọ người cọ nhau ken két, như cái chết cũng biết nghiến răng.
Trong lời tựa “Điêu tàn”, Chế Lan Viên viết: “Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát hiện tại… Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn ra cả tủy là tủy. Thế mà có người tự cho là hiểu được nó rồi đem nó so sánh với Người…”. Có thể nói đây là tuyên ngôn của trường thơ “Loạn” bấy giờ. Một số yếu tố trong tuyên ngôn trên còn ứng với Chế Lan Viên suốt đời ví như mệnh đề “Cái gì của nó cũng tột cùng”. Chịu ảnh hưởng thi pháp Beaudelaire và  Edgar Poe, cộng với siêu hình tôn giáo và thơ Đường, nhà thơ đã làm nên Tháp Chàm “Điêu tàn” hay đến kinh hãi. Những tuyên ngôn thơ trên của Chế Lan Viên, phải chăng là sự mô phỏng Beaudelaire – kẻ gây sốc, “nhà thơ bị nguyền rủa” (le poète maudit), loài “Ác hoa” dị thường, mở đầu trào lưu thơ hiện đại Pháp bằng cách phá bỏ mỹ học hài hòa cổ điển Apollon, nghiêng về mỹ học phản hài hòa, xộc xệch, rách rưới, mê sảng Dionisos, mở ra một thế giới thi ca phi thường, rùng rợn, cuồng điên với tuyệt đỉnh đàn bà, hư vô và cái chết. Lấy màu vàng sắc không nhà Phật nhuộm lên thi pháp Beaudelaire, kết hợp linh diệu Christ, sắc không nhà Phật và niềm hư ảo Ấn Độ giáo Tháp Chàm, Chế Lan Viên muốn đập vỡ sọ ma Hời tìm hư vô, tìm cái vô cùng, vô hạn. Nhưng ông đã không tìm thấy gì ngoài nỗi cô đơn co rút lại nơi hồn mình, như loài chim cú siêu hình chui vào ruột đêm lẩn trốn. Nhà ma học Chế Lan Viên tu với ma, sống với ma ngay từ tấm bé, mong tìm kiếm bản thể trầm luân mình, như nhà triết học Hy Lạp Diogène thế kỷ thứ IV trước công nguyên đốt đèn đi tìm một người hư ảnh giữa ban ngày. “Điêu tàn” tập thơ mê sảng nhất của văn học Việt Nam, biểu hiện thiên tài kỳ lạ Chế Lan Viên, là niềm sửng sốt, là cú sốc của mỹ học cái chết độc nhất vô nhị vậy.
Cách Mạng Tháng Tám vĩ đại 1945 đã cuốn mọi trào lưu tư tưởng, mọi trường phái văn chương vào đứng dưới bóng cờ đỏ sao vàng. Chế Lan Viên phải làm một lúc hai cuộc kháng chiến : chống Pháp và chống con ma Hời siêu hình từng ám hồn ông. Cuộc chia tay giữa Chế Lan Viên với con ma xó cô đơn thật quyết liệt, đớn đau, quằn quại, rớm máu suốt 15 năm, bằng với số năm lưu lạc của Thúy Kiều. Tư tưởng nhà thơ đã đi về phía con người, về phía nhân dân, phía kháng chiến, nhưng tâm hồn ông còn bị ma Hời đeo bám, cứ thập thò như cua cáy giành giật những giấc mơ, những suy tưởng trong ông. Cuộc chiến đấu giữa chàng Faust-Chế Lan Viên với con quỷ siêu hình để giành lại quyền sở hữu linh hồn mình trong thi ca là cả một chặng đường thương khó. Cây thập tự tôn giáo đè lên đôi vai tinh thần nhà thơ nặng nề hơn một số phận, hệt như nó là một phần cơ thể khổ đau ông phải mang theo trong câm nín. Nhưng Con Người trong ông đã tuyên chiến, đã mở giao thông hào đánh lấn, giành từng tấc đất tâm hồn lại từ phía lô cốt hư vô. Và cuối cùng, con ma siêu hình đã bỏ chạy, đã hoảng loạn thoát ra từ chính những vết thương tâm hồn nhà thơ. Cuộc giằng xé, vật lộn giữa ma hời với con người suốt 15 năm đã thai nghén, sinh nở ra thi phẩm “Ánh sáng phù sa” năm 1960 thật kỳ diệu, như thể sau khi bị đóng đinh trên câu rút siêu hình, nhà thơ đã phục sinh.( Thi phẩm này của Chế Lan Viên vẫn còn khoảng bảy đến tám bài thơ chính trị dung tục thô thiển, ví như bài “ Ngô tổng thống trong dinh thuốc độc” làm giảm giá trị tập thơ)
Vâng, “Ánh sáng và Phù sa” quả là một Chế Lan Viên khác hẳn với Chế Lan Viên “Điêu tàn”, một thi pháp khác, một phong cách khác, một thể xác khác,một linh hồn khác, một ngôn ngữ khác, mỹ học khác, một khổ đau khổ và hạnh phúc khác. “Ánh sáng và phù sa” ” lập tức trở thành hiện tượng văn học kinh động thời ấy, một niềm sửng sốt thứ hai Chế Lan Viên mang lại cho thi đàn Việt Nam. Qua dằn vặt, chiêm nghiệm bản thân, với chút ảnh hưởng từ các nhà thơ  Eluard, Aragon, Neruda, Ritsos, Hitmet…, Chế Lan Viên đã làm cho Thơ Mới mới thêm một lần nữa kể cả nội dung và hình thức, kể cả cảm thức sáng tạo và  thi pháp. Nhà thơ nới rộng không gian Thơ Mới từ tháp ngà nghệ thuật ra giữa vòm trời Nhân Dân, Tổ  Quốc, cùng với thế hệ các nhà thơ chống Pháp, đưa thơ từ cặp mắt mỹ nhân, từ nỗi buồn son phấn, rong rêu xuống với đám đông, với bùn đất, với mồ hôi, nước mắt và máu xương cuộc đời thường: “Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ / Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa / Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa / Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa” (Tiếng hát con tàu). Xưa nhà thơ trầm mình trong cái chết, trong hư vô sọ người, thì nay ông được tái sinh trong ròng ròng sự sống, trong thực tại nụ cười và nước mắt, trong sự hòa điệu với triệu người: “Tôi yêu quá cuộc đời như con đẻ / Như đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng”…”Tâm hồn tôi khi Tổ Quốc soi vào / Thấy ngàn núi trăm sông diễm lệ” (Chim lượn trăm vòng). Nếu không có Cách Mạng Tháng Tám chắc Chế Lan Viên vẫn còn phải núp vào Chiêm Thành mà khóc than nỗi vong quốc xa xưa, vẫn còn tha thẩn ngoài bãi tha ma vong thân trên chính quê hương mình, sống trong vay mượn kể cả nỗi đầu rơi máu chảy, vay mượn cả thân phận mất nước. Đến Tổ Quốc mình ông cũng không dám gọi tên lên, không dám thốt lên lời sông Hồng, sông Mã, không dám gọi Trường Sơn lên mà hùng vĩ hồn mình. Phải chăng đây chính là ý nghĩa cứu chuộc, ý nghĩa nhân văn cao cả nhất mà Cách Mạng Tháng Tám mang lại cho không chỉ Chế Lan Viên? Vì vậy, nhà thơ lúc nào cũng rưng rưng nhớ ơn sự tái sinh của Cách Mạng, rơm rớm chạnh niềm đau cũ: “Thuở nước mất nằm mơ còn thấy khóc / Nỗi đau đón đường cướp hết vàng ta” (Nỗi đau ngày cũ). Mỹ học “Ánh sáng phù sa” là mỹ học đớn đau, mỹ học của hạt nảy mầm phải tự chết bản thể hạt đi để tái sinh một đời sống mầm, bản thể mầm thi tứ. Nhà thơ đã về lại sông Ngô siêu hình xưa để lấy lại vàng tâm hồn mình, lấy lại nước mắt hư vô xưa chợt hóa ngọc trai tư tưởng bây giờ: “Xưa ở sông Ngô ta đánh mất vàng / Đánh mất tâm hồn ta. Nhưng hiện tại / Như sông Tương đã trả vàng ta lại / Khắp đôi bờ tư tưởng chói hào quang” (Vàng của lòng tin). Từ “Ánh sáng phù sa”, Chế Lan Viên nhân lên hàng chục tập thơ kỳ vĩ khác mà nghệ thuật thi ca đã đạt tới mức toàn bích của sự kết hợp hài hòa giữa phù sa của cảm xúc và phù sa tâm hồn, ánh sáng của trí tuệ. Ông có công làm thi ca Việt Nam nồng cháy hơn, mê cuồng hơn, trí tuệ hơn, sang trọng và quý phái hơn. Quả thực, “Ánh sáng và phù sa”  là niềm sửng sốt thứ hai, là đỉnh thứ hai Chế Lan Viên vậy.
Một con người 69 tuổi đã để lại hai lần trong đời mình hai sự kiện có tính chất cột mốc: “Điêu tàn” năm 1937, “Ánh sáng và phù sa” năm 1960, hai lần làm sửng sốt thi đàn, trưng ra hai ông Chế Lan Viên khác nhau như nước với lửa, như hai đỉnh thi ca ngược nhau: một đỉnh âm siêu hình lộn ngược xuống đất và một đỉnh cao hiện thực vút lên trời, tưởng đến thế đã vĩ đại lắm, đã thiên tài lắm. Không dè, Chế Lan Viên sau khi chết đi vẫn còn làm kinh dị, làm sửng sốt nền thơ lần thứ ba, quá tam ba bận, bằng ba tập “Di cảo thơ I , II và  III” khổng lồ ngoài sức tưởng tượng. Đỉnh thơ thứ ba hậu Chế Lan Viên này là đỉnh sâu, đỉnh lộn trái tâm hồn thi hào ra chiều thứ tư của không gian thơ: “Bắt chước đào lộn hột / Vỏ tâm hồn lộn tuốt / Bớt bớt điều kiêng khem” (Lộn trái). Quá trình lộn trái sự vật, lộn trái tâm hồn và tư tưởng, có khi lộn trái cả sự lộn trái, phản biện cả sự phản biện không chỉ là phẩm chất của nhà tư tưởng, mà còn của chính nhà thơ. Hơn nữa, Chế Lan Viên lại là nhà triết học của thi ca, lấy thi ca để làm mềm mại và dịu dàng lại hòn đá tảng triết học, như quá trình tâm hồn hóa tư tưởng, cảm xúc hóa tư duy. Từ bỏ Ma thuở “Điêu tàn” để đi theo Người nơi “Ánh sáng và phù sa”, cuối đời, nhất là trước lúc chết vài ba năm, Chế Lan Viên rút vào Viên Tĩnh Viên tạm xa lánh Người để tự theo Mình, để học theo phương pháp bất tử của loài rắn, thử lột xác tâm hồn mình, lột xác cả niềm tin và sự hoài nghi mà Marx cho là phẩm chất đẹp nhất của người trí thức, lột xác cả sự lột xác, Anti cả cái Anti. Trong bài “Tự tìm mình” viết năm 1997, nhà thơ vừa tìm Mình, vừa hoài nghi Mình: “Có một kẻ vô tình trong gió nó là ai kia / Có một kẻ hữu hình trong mùi hương, đấy là anh , chẳng lẽ / Có một cái gì đâu đó / Anh tìm anh thử hỏi làm gì / Tìm phiên bản nào rồi anh cũng đốt đi”. Đúng là Chế Lan Viên “Cái gì…cũng tột cùng”, tột cùng Chết, tột cùng Sống, tột cùng chính trị, tột cùng hư vô, tột cùng đánh giặc, tột cùng hoài nghi bản thân mình, như suốt đời ông mải tìm chiều thứ tư của tồn-tại-tôi, chiều thứ tư của cá nhân – thời gian – tôi, như bài “…Và chiều thứ tư” ông viết năm 1997: “Cái individu anh có ba chiều không gian, một chiều nước chảy / Tất cả những gì mất đi là mất đi trong chiều ấy / Đừng nghe, đừng nghe, đừng nhìn, đừng nhìn, đừng hỏi, đừng hỏi / Cái chiều hư huyễn ấy / Nó mới thật là anh đấy: thời gian”.
Nền thơ Việt Nam tự hào vì có Chế Lan Viên, một mình mở rộng thơ ra tất cả các đề tài, từ sao trời đến con đom đóm, từ con người đến con ma, như quá trình lửa – phản Prométhée – trong bài “Prométhée” viết năm 1987: “…Phát minh ra tro phản lửa của mình …/ Phải có tro thì mới có ngày ngọn lửa hồi sinh / Có tro tàn vải liệm / Phủ lên những gì đã cháy, những hoàng hôn và c những bình minh”. Thảo nào, trước khi Chết, Chế Lan Viên di chúc lại hãy đốt xác ông thành tro bỏ vô chùa: “Tro bao giờ cũng tồn tại lâu hơn lửa / Lửa hoan lạc một giây, tro cay đắng một mùa / Anh thiêu tất cả quá khứ thành tro là thơ đấy / Và thiêu hồn anh sau này không là lửa, lại là tro” (Tro và lửa -1988). “Di cảo Thơ” chính là quá trình tro hóa ngọn lửa thi ca một đời thiêu cháy Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên – thiên tài đầy mâu thuẫn: vừa là lửa vừa là nước, vừa mê Phật, vừa tôn sùng Chúa, vừa say Cách Mạng và rồi nghi ngờ Cách Mạng, coi Cách Mạng chính là một tai họa cho dân tộc, đất nước. Ông tự xẻ mình ra làm hai mảnh thực tại và siêu hình, vừa theo gót Dante đạt tới ba cõi: địa ngục, luyện tội, thiên đàng, vừa theo Goethe phiêu du tìm niềm vui cõi Người-thực-tại – Faust. Rốt ráo tinh thần “Di cảo thơ” chừng như giấu cả trong bài tứ tuyệt “Tháp Bay-on bốn mặt” này đây: “Anh là tháp Bayon bốn mặt / Giấu đi ba còn lại đấy là anh / Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc / Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình”. Ba chặng đường thơ quá sức đồ sộ làm sửng sốt thi đàn của Chế Lan Viên đi từ Ma qua Người đến Mình, rồi trước khi chết dường như ông lại lộn về đối thoại với Ma xưa, thương tiếc Ma xưa đã bị Người lừa đảo ?
Phải chăng hành trình khổ đau sinh nở kia chỉ mới là gương mặt Thi Ca nhìn thấy của một Brahma-Sáng tạo Chế Lan Viên? Còn ba gương mặt Brahma siêu hình khác ông phải đau đớn chôn cất trong hồn, nén chúng vào bản thể như nén cà nén dưa, tự giấu hư vô mình đi mà tồn tại, giấu đi cả Siva hủy diệt và Vishnu bảo tồn; như giờ đây Chế Lan Viên hằng sống bằng cách tự giấu mình trong bình tro bé như bình mực của cái chết tại tháp chùa Vĩnh Nghiêm, đặng bất tử trên Niết Bàn Thi Ca. Thương thay Chế Lan Viên, chết rồi mới được đi tu, mới được vào chùa làm một Phật tử có tên là tro cốt. Hành trình tới cửa Phật của Chế quả là một hành trình kinh hãi : bỏ mác lê ( đao, giáo) xuống mà thành Phật được chăng ?