S. Mrozek (Ba Lan)
Lê Bá Thự dịch
Đức Chúa Trời làm việc sáu ngày, nghỉ ngày chủ nhật... Người trần mắt thịt chẳng phải là Chúa Trời nên chóng mệt hơn, lẽ vậy họ mới định rằng, thứ bẩy cũng phải là ngày nghỉ của con người. Quyết định này không vấp phải sự phản đối ra mặt từ phía Đấng Tối Cao.
Chuyện nghỉ ngày thứ bẩy mà đã thuận buồm xuôi gió thì với thứ sáu có lẽ rồi cũng suôn sẻ mà thôi - tôi thầm nghĩ vậy, nên đã gửi lên Đức Chúa trời lá đơn như sau:
“Do bị mệt mỏi sau thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu, con xin kính cẩn cầu Đức Chúa Trời cho con được nghỉ thêm cả thứ sáu nữa. Homo Sapieniens”.
Không có trả lời, nên tôi hiểu rằng mình đã được phép nghỉ thêm ngày thứ sáu.
Tuy nhiên, giữa thứ tư và đoạn còn lại của tuần vẫn còn kẹt cái ngày thứ năm chết tiệt. Chẳng có gì nhọc nhằn bằng phải lao động trong ngày cuối của tuần làm việc. Bởi vậy cho nên, lần này, trong đơn gửi lên Đức Chúa Trời tôi viết mạnh tay hơn:
“Con người chẳng qua là thân sậy biết nghĩ” (Blaise Pascal, nhà toán học, nhà vật lý, nhà văn, nhà triết học, 1623 - 1662). Con nghĩ rằng thứ năm con cũng cần được nghỉ làm”.
Bây giờ thì chiều thứ tư là tôi đ• xong việc. Nhưng mà còn cái thứ tư này... Sự lặng im của Đức Chúa Trời khiến tôi càng bạo dạn.
“Con yêu cầu phải loại thứ tư ra khỏi ngày làm việc. Prometeusz”.
Về chuyện nghỉ ngày thứ ba thì tôi cự nự thẳng thừng:
“Con người, hai tiếng đó vang lên với niềm tự hào”. (Mácxim Goocki, nhà văn 1868 - 1936). Thứ ba làm tổn thương danh dự của con. Con kiên quyết chối từ và kết thúc vào thứ hai”.
Chẳng thấy trả lời gì cả, cho nên còn chuyện nghỉ ngày thứ hai thì dễ ợt.
“Thứ hai con cũng xin loại nốt”.
Bây giờ thì tôi nghỉ bẩy ngày trong một tuần, tôi lấy làm hãnh diện về cuộc nổi loạn của tôi. (L’Homme révolté, Albert Camus, nhà văn, 1913 - 1960). Tuy vậy, sau một thời gian tôi nhận ra rằng, tuần chỉ có bẩy ngày, cho nên trong tuần tôi không thể nghỉ hơn bẩy ngày được. Tôi nghĩ bụng, hạn chế tự do của của mình như thế là không có được. Tôi bèn đánh điện lên Đức Chúa Trời: “Xin tạo ngay cho con ngày thứ tám”.
Chẳng thấy hồi âm, điều này khiến tôi hoàn toàn tin là Nietzsche có lý (Friedrich Nietzsche, nhà triết học, 1844 - 1900), không có Đức Chúa Trời. Có điều, đã vậy thì ai là người chịu trách nhiệm khi tuần có độc bẩy ngày và tôi chẳng thể có hơn bẩy ngày nghỉ trong một tuần? Tôi bèn vớ cái gậy, đoạn ra rình ở cầu thang. Hễ thấy người láng giềng đi qua là tôi sẽ phang cho ông ta một gậy.
Phải có ai đó gánh chịu sự thiệt thòi của tôi chứ.