(Dân trí) - Mình đã có một giấc mơ kỳ lạ. Đó là được hầu chuyện Trạng Quỳnh. Trong mơ, Ngài đã luận về một chuyện rất thời sự: Trọng dụng nhân tài. Câu chuyện nửa hư, nửa thưc, như mới, như cũ cứ ám ảnh mình mãi, đành ghi lại để mọi người tham khảo.
Thưa Quan Trạng, hậu thế vẫn không ngừng tranh cãi quê hương của Ngài. Vậy rốt cuộc, Ngài quê ở thôn nào, xã nào vậy?
Hơ! Lũ hậu thế các anh thật là lắm chuyện. Ta sinh ở đâu nào có vấn đề gì? Đơn giản ta là công dân nước Việt Nam văn hiến, con của bà mẹ Văn học dân gian.
Ngài là con của Bà mẹ Văn học dân gian...?
Đúng. Đó là một bà mẹ kỳ lạ. Khi dòng văn học chính thống đủ tâm, đủ tầm, đủ trí tuệ và bản lĩnh đảm đương được sứ mệnh là phản ánh trung thực thời cuộc cũng như những khát vọng sâu kín của quần chúng nhân dân thì dòng văn học dân gian lắng xuống. Còn ngược lại, khi dòng văn học chính thống hời hợt, xa lạ nguyện ước của nhân dân thì khi ấy, dòng văn học dân gian sẽ đẻ ra những đứa con tinh thần để gánh vác sứ mệnh và duy trì sự liên tục dòng chảy của văn chương...
Và trên dòng chảy văn chương ấy, có một Quan Trạng Nguyễn Quỳnh chèo đò trên sông và một thi nhân Đoàn Thị Điểm bán quán nước ở bến đò?
Đúng thế, dù thực chất cô Điểm bán hàng ở bến sông khác.
Dạo còn chăn trâu trên, tôi đọc chuyện đối đáp “Sấm động Nam bang - Vũ qua Bắc hải” giữa Trạng và sứ Tầu, sướng chêt mê chết mệt. Nhất là đoạn kết, sứ Tầu sợ xanh mắt vì người bán quán, chèo đò nước Nam ta còn tài đến thế, huống hồ...Ngốc ơi là ngốc. Đấy là chuyện ngụ ngôn.
Truyện ngụ ngôn? Truyện ngụ ngôn là phải rút ra bài học mà tôi không thấy bài học gì ở đây cả?
Nó có một thông điệp về sử dụng nhân tài. Nếu sứ Tàu nghĩ rằng: “Trời ơi, những nhân tài như Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm đến nước Trung Hoa rộng lớn còn đếm trên đầu ngón tay mà ở xứ An Nam này, họ lại phải đi chèo đò, bán quán!? Lãng phí nhân tài, bỏ rơi nhân tài, đầy đọa nhân tài đến thế này ru!”. Đó cũng là bài học cho hôm nay, khi mà hiện tượng người có tài không được trọng dụng đang có nguy cơ tái phát…
Thưa Quan Trạng, có lẽ ngài nói sao chứ hiện nay, ngành ngành trải thảm đỏ, bộ bộ trải thảm đỏ, tỉnh tỉnh trải thảm đỏ, huyện huyện trải thảm đỏ… Xem ra cả nước đang tưng bừng thảm đỏ để đón rước nhân tài.
Hơ! Hơ! Hơ! Hơ! Ta đã nghe nhiều đến cái gọi là “phong trào trải thảm đỏ” này lắm rồi. Nhưng nói là một chuyện mà làm lại là chuyện khác, rất khác. Khác vì họ nói thế nhưng họ liệu có đón thật không? Đón về rồi có dùng không? Dùng có thật lòng không, có tin cậy không? Mà ta nói thật, tài năng thì hiếm lắm nhưng tài vừa vừa thì chả thiếu. Ngành nào, địa phương nào cũng có. Chỉ cần sử dụng được hết cái số tài vừa vừa thì đã tốt đẹp lắm rồi.
Nghĩa là…Nghĩa là hãy thật lòng trọng dụng những tài năng có ở ngành mình, địa phương mình, cơ quan mình đi đã. Hãy cho họ được sáng tạo thì không cần trải thảm đỏ, thảm xanh, thảm vàng… Xin đừng đẩy người tài vào “thảm… cảnh” đã là may lắm rồi. Mà thiên hạ tinh lắm. Người ta không tin anh thực lòng trọng dụng nhân tài nếu như tài năng ở chính cơ quan anh, địa phương anh, bộ ngành anh… chưa được trọng dụng.
Dạ, xin cám ơn Quan Trạng!