Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC TRUYỆN NGẮN " THỈNH KIẾN CỤ NGUYỄN TIÊN ĐIỀN" CỦA NGUYỄN THÁI QUỲNH

Lê Lanh
Thứ hai ngày 12 tháng 9 năm 2011 1:40 PM

Truyện ngắn “Thỉnh kiến cụ Nguyễn Tiên Điền”  đề cập đến sự việc nổi cộm nhất hiện nay là việc tham nhũng đất đai và các mặt tiêu cực khác của những cán bộ lãnh đạo biến chất, thoái hóa .
 Nhân vật trung tâm là ông chánh án . Thông thường thì người xử án dựa vào hồ sơ bị cáo rồi định tội . Nhưng quá trình xem xét, nghiên cứu phải lắng nghe dư luận . Từ dư luận đối chiếu với hồ sơ . Nếu sai lệch có thể phải điều tra thêm . Chỉ cần một tình tiết nhỏ được thay đổi, tội trạng của bị cáo có thể tăng hoặc giảm .. Như vậy, tính phức tạp trong công việc đòi hỏi người có trách nhiệm cẩn trọng bao nhiêu cũng chưa đủ . Trong trường hợp này, ông chánh phải đương đầu với một vụ việc khó gấp trăm ngàn lần so với những vụ việc thông thường . Những bị cáo trong hồ sơ không có tiền án , tiền sự mà đa số là những người “có công với nước với dân” và chí ít cũng là “con cháu các cụ cả”. Với tội danh chiếm dụng đất “trợ nghèo”, “mỗi xuất có giá chênh lệch hàng trăm triệu đồng”. Nếu không có vấn đề gì thêm nữa thì việc xét xử minh bạch , công tâm đối với ông chánh cũng vô cùng khó khăn .
 Chất bi hài của tác phẩm được thể hiện ở tình tiết : “Ông H đã thừa lệnh cấp trên, kí văn bản gửi tới, yêu cầu vo tròn vụ việc . Ông phải “phù phép” thế nào để con voi biến thành con kiến” . Một người được nhà nước trao cho cái quyền tối cao – xét xử những công dân phạm tội . Nhưng lại phải làm theo yêu cầu của người khác. Như thế, chả đáng cười lắm sao ? . Nếu sự việc chỉ có thế thì chưa chắc đã ảnh hưởng đến hướng giải quyết . Ở đây . ông chánh lại rơi vào tình trạng dở khóc, dở mếu . Đó là người yêu cầu trên lại đang nắm quyền sinh, quyền sát cả gia đình ông . Chỉ cần “một tiếng hắng giọng của ông H , giám đốc hai sở có con ông chánh đang làm việc “cũng sợ hết hồn”. Đó là một trong số bị cáo là ân nhân cứu mạng, ngày “Đánh Xuân Lộc , bị thương…”, “Cư đã cõng ông chạy băng băng về trạm quân y tiền phương”.
 Từ xưa , con người có thể quên bản thân mình . Thậm chí có thể quên cả vợ con để mưu việc lớn . Nhưng nói đến việc quên  ân nghĩa thì dường như người đời chưa từng khuyên nhau . Tâm can ông chánh bị dày vò bởi mối quan hệ trên nên đã tìm cách giải tỏa bằng việc đến thăm ân nhân và “thử phản ứng “, tìm sắc màu  trái tim đồng đội có còn như lửa chiến trường năm xưa ?
 Kết quả “phản ứng” cho màu đen, qua câu trả lời của Cư : “Tể tướng ở xa ,tổng đốc ở gần “, “Cứ làm theo chỉ đạo, ông không phải khóc mếu đâu” . Rõ ràng Cư đã cùng quan điểm , cùng phe cánh ông H . Xét trong ý tứ câu nới còn có cả sự đe dọa của ân nhân đối với người bạn đã từng là tri kỉ.
 Đến thăm bạn cũ, không tìm  được niềm an ủi , tâm trạng ông chánh lại càng thêm bối rối . Đó là khoảng tối con đường đi tìm sự đồng cảm của người đang có trong tay hồ sơ vụ án . Sự xuất hiện nhân vật “Thầy Tri” là đốm sáng làm rõ thêm quan điểm lập trường mà “văn “Quan Phương” nghiêm cẩn”  đang nhiễu loại bộ óc  cơ mưu của ông Chánh . Qua thầy Tri , vị quan tòa biết thêm về ông H , người đang dựa vào cái bằng kinh tế “gia công” để hành nghề . Được thầy Tri tiếp sức , ông chánh cố gắng  đi tìm một phương án vừa có lý , vừa có tình. Tình ở đây chỉ là phương pháp. Lý mới là cái đích ông phải vươn tới .
 “Thỉnh kiến cụ Nguyễn Tiên Điền” – màn độc thoại nội tâm, có sức hấp dẫn với bạn đọc . Nhân vật cụ Nguyễn Tiên Điền xuất hiện làm cho câu chuyện có chất huyền thoại . Đó là sự sáng tạo độc đáo của nhà văn . Nhờ có sự sáng tạo ấy mà tác phẩm trở nên đậm đà bản sắc dân tộc . Tính nghệ thuật được thể hiện ở chỗ tác giả đã biết chuyển hóa những băn khoăn , trăn trở của ông chánh thành một màn kịch đối thoại giữa hai nhân vật . Cụ Nguyễn Tiên Điền chỉ là một cái bóng . Ông chánh bàn luận vụ việc Thúy Kiều xử án Hoạn Thư với một cái bóng . Nhờ phương pháp đối thoại ấy mà ý tứ hàm ẩn của vụ án được dẫn truyền đến trái tim bạn đọc . Tính đa nghĩa của vụ việc được giải mã . Mục đich của nhà văn là lấy xưa răn nay đã được thực hiện .Trong xã hội truyện Kiều , tòa án là công cụ bảo vệ cho tầng lớp trên . Trong xã hội ta hiện nay không thể còn để lọt lưới những hiện tượng “chỉnh danh thủ phạm “ như Hoạn Thư mà lại ở ngoài vòng pháp luật , Với ông chánh thì càng không thể “cứ làm theo chỉ đạo ….” Như lời khuyên của  Cư . Tuy nhiên , ông có thể đem “cái tội bằng con voi” lắp vào cái luật “bằng con kiến “. Phương pháp làm việc “uyển chuyển” của nhân vật ông chánh là sự đối xử “tế nhị” của một đồng đội đang làm công tác hành pháp đối với một ân nhân phạm tội trong đời thường . Đó là tính chân thực của hình tượng nhân vật .
 Nhà văn đã để cho nhân vật ông chánh pháp đình trông cậy vào cái “Khoảng trống rộng rãi ở bên trên”giải quyết vụ việc là hợp lý . Đành rằng bạn đọc rất mong muốn có một chữ “dũng” .
 “Thỉnh kiến cụ Nguyễn Tiên Điền” của Phạm Thái Quỳnh như một chuyện có thật . Hẳn là nhà văn đã từ một chuyện có thật mà sáng tạo ra . Tính điển hình của tác phẩm rất cao . Bạn đọc nào cũng có thể nghĩ truyện này tác giả đã lấy nguyên mẫu từ quê mình hoặc nơi mình đang công tác . Những nhân vật như ông H, Cư …. Là những người đang sống và làm việc ở phường, xã , quận , huyện, tỉnh, thành phố mình.
 Giọng văn châm biếm , hài hước , càng làm cho tính phê phán của tác phẩm thêm sâu sắc .
 Nhà văn là người có tâm thế nên dễ nhập thân vào nhân vật như chính tác giả là ông chánh pháp đình.
 Về câu chữ : nếu tác giả biết sử dụng loại câu  ẩn chủ ngữ thì tránh được nhược điểm lặp từ ở một số đoạn.
 L.L