Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠI CHUYỆN BÊN LỀ HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ

Vũ Xuân Tửu
Thứ ba ngày 13 tháng 9 năm 2011 5:07 AM

Viết văn phải tự do
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, nổi tiếng với những tiểu thuyết lịch sử. Phát biểu trước hội nghị, ông nhấn mạnh:
- Viết văn là phải tự do. Các bạn hãy viết khi chỉ có mình là thượng đế trước trang giấy. Các bạn không phải tự biên tập, không phải đắn đo rằng, viết thế này có được đăng hay không, có được xuất bản không? Không ai có thể ngăn cản ngòi bút của các bạn được, nhưng phải có cái lim (giới hạn) - ông đưa tay lên đầu, - Đó là tổ quốc và nhân dân. Nhà văn không ai chống lại nhân dân và tổ quốc của mình.
Còn nhớ, sau Đại hội nhà văn Việt Nam lần trước, nghe nói, ông có bản tham luận rất ấn tượng, tôi bèn gọi điện thoại xin. (Lúc đó, tôi chưa phải hội viên). Ông bèn gửi qua bưu điện cho tôi, bản tham luận viết tay. Hôm qua, lúc đưa ông và nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và chị Hoàng Tuyên, đi thăm mấy cái đền, chùa ở thành phố Tuyên Quang, ông gặng hỏi chuyện cũ:
- Sau khi tớ gửi tham luận lên, bên cơ quan có ý kiến gì không?
Tôi thực thà đáp là không có dấu hiệu gì. Thì ra, bấy lâu nay, ông vẫn canh cánh trong lòng, câu chuyện về tự do sáng tác.

Nhà văn là người đẻ ra trường phái
 Tham quan trở về nhà khách Kim Bình đã muộn, nhưng tôi vẫn lặng lẽ theo mấy bác vào Hội trường tầng 3, nghe những người viết văn trẻ hội thảo văn xuôi. Chưa kịp thở, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã được mời phát biểu. Nhưng ông khỏe, hơn tám mươi rồi mà còn Đội gạo lên chùa được nữa là:
 - Viết văn cần phải vô thức. Viết trong vô thức. Các bạn đừng có câu nệ trường phái này nọ. Nhà văn đẻ ra trường phái ấy chứ.
 Hăng lên, ông còn bảo:
 - Đi thực tế chẳng làm cái gì cả. Cần đi để làm thay đổi đầu óc, thay đổi không khí thôi. Thực tế chính là cuộc sống quanh ta, hàng ngày. Nhưng mà phải đọc nhiều. Ngày nào cũng phải đọc. Nhà văn thì phải đọc và đọc. Đọc thì có khi nó gợi ý cho mình rất nhiều điều. Mỗi người nên có cái vùng của mình. Tôi hay về quê Cổ Nhuế, ai hỏi thì bảo về ăn giỗ. Mình về gặp lại những người thân, người quen, gặp gỡ và nhớ lại, gửi gắm vào nhân vật trong tác phẩm.

Trường phái Hiện đại, Hậu hiện đại?
Tôi nghe nhà lý luận phê bình, nói về các trường phái Hiện đại, Hậu hiện đại, trong buổi tổng kết hội nghị, đại ý thế này:
- Trường phái HĐ thì có tuyên ngôn, nhưng HHĐ là kế tiếp của HĐ, nên không có tuyên ngôn gì nhiều.
Đại loại thế, không biết có phải tôi nghe tai nọ sang tai kia hay không? Nhưng mớ kiến thức tạp pí lù về lý luận trường phái này nọ, mà tôi ghi nhận được rằng, HĐ và HHĐ là trường phái (to) khác nhau, vì trong lòng nó, còn chứa nhiều loại (con) nữa, như: Đa Đa, Siêu thực, Tân hình thức… HĐ thì ra đời từ những năm 50 của thế kỷ XX, bản chất nhất nguyên, một trung tâm, nên mấy ông cộng sản khoái. Còn HHĐ, ra đời những năm 70 của thế kỷ trước, nó vốn đa nguyên, nhiều trung tâm, nên các ông nhà ta hay mè nheo, chê bôi.
 Nếu đánh đồng HĐ và HHĐ với nhau, thì có liên quan gì đến vấn đề ý thức hệ không? Vấn đề này, tôi cần được sự chỉ giáo, xin trân trọng lắng nghe. Bởi đọc lý luận về trường phái này nọ, nhiều quá, đầu óc cứ mụ mị cả đi. Có lẽ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh dạy phải, cứ viết, không nệ trường phái.

Con giời con phật
Thăm đền Thượng, chị Hoàng Tuyên (Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam), đứng bên sông Lô ca cẩm:
- Đầu óc mình bâng khuâng thế nào ấy, cứ như lơ lửng giữa trời, giữa đất.
Tôi bảo:
- Có lần, chị kể, thuở nhỏ, các cụ bán khoán chị ở đền Ba Khuôn, trên bến Bình Ca đó thôi. Bây giờ, cạnh đó, dựng cái bia kỷ niệm, trận pháo binh bắn ca-nô Pháp trên sông Lô, hồi Thu-Đông 47.
- Ừ, thế mà các cụ chưa chuộc tớ ra đâu đấy.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải, bảo:
- Thế thì phải chuộc ra thôi. Nhưng là con giời con phật thì cũng có cái hay.
Lên xe tắc-xi trở về, chị hỏi cậu lái xe:
- Cháu bao nhiêu rồi?
- Hai mốt, cô ạ.
Nhà thơ “Hương thầm”, vừa ngắm nghía túi măng khô mới mua ở sân đền Thượng, vừa tỷ tê:
- Hồi cô Tuyên bằng tuổi cháu, thì khối anh chết mê chết mết. Bây giờ, còn duyên thế cơ mà. Mình từng gặp nhiều cô xinh, nhưng nói chuyện nhạt lắm, chán. Mình thì vất vả từ bé. Hồi chiến tranh, đi làm báo, chỉ mỗi mình đạp xe đi đêm về hôm mà không sợ. Chiến tranh mà hóa bình yên. Bây giờ, hòa bình mà lại sợ hãi đủ thứ.

Nhậu với người biểu tình
Khi đến Tuyên Quang, nhà văn Lê Văn Thảo liền điện thoại cho tôi:
- Hồi năm trước (2009) đi Lũng Cú, nhưng chưa kịp ghé Tuyên Quang, không bận thì đợt này đi chơi nhé.
Tôi đã đăng ký với Nhà thơ Hữu Thỉnh, muốn được nghe chương trình thảo luận của những cây bút trẻ, nhưng nay đi chơi với mấy bác nhà văn Nam Bộ cũng có cái hay. Tôi còn nhớ, lúc ở Lũng Cú, nhà văn Lê Văn Thảo cũng ghi sổ lưu niệm là “Đoàn Nhà văn Nam Bộ”. Cái từ Nam Bộ nghe có vể thân mật và thiêng liêng.
Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng (Hãng phim Hội Nhà văn), lái xe đưa nhà văn Lê Văn Thảo và tôi vào thăm làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn. Đã lâu tôi không vào lễ hội Giếng Tanh, nên nom cảnh vật lạ cả đi. Gọi là giếng tanh, vì nước giếng có mùi tanh, rồi thành tên làng Giếng Tanh. Làng này của người Cao Lan. Nhà văn Thảo quay ca-mê-ra cái giếng, nước dâng cao hơn nền, đo trên thành giếng thấy chênh lệch hơn gang tay, rồi quay cảnh đình Giếng Tanh, bãi sân tung còn dịp tết Nguyên đán.
Khi ra thành phố, vào dãy phố ẩm thực bên sông Lô, uống rượu, nhà văn Lê Văn Thảo nhìn tôi, cười cười bảo:
- Vô Nam, mình sẽ khoe với bạn bè là đã được nhậu với anh bạn biểu tình…
Nguyễn Xuân Hưng cũng đế theo:
- Cái ảnh biểu tình đăng lên mạng, ai chẳng biết.
- Vinh dự quá, xin được cụng ly, cám ơn.
Thì ra, đi xem biểu tình cũng có cái thú vị. Trên đời, đối với dân cầm bút, có lẽ, không có gì là vô vị cả đâu.

Lại về Tân Trào
Lên Tuyên Quang, ai nấy đều khen thành phố thanh bình, yên tĩnh. Thấy cảnh lễ hội đường phố, rước đèn trung thu khắp phố phường, ai cũng tấm tắc khen và ước ao:
- Bao giờ Hà Nội được thế này. Thủ đô mà chẳng có chỗ chơi bời, nói gì đến rước xách. Sau cái đận biểu tình, đám đông nào cũng bị dòm. Quốc khánh vừa rồi không bắn pháo hoa.
- Thì lại lên Tuyên Quang. Nhớ chuyện, hồi bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ, trung ương phải dời thủ đô, bác Hồ bảo: “Bác cháu ta lại về Tân Trào”. Sáng nay, 11 tháng Chín, Đoàn những người viết văn trẻ lên đường thăm Tân Trào, sang Thái Nguyên, rồi về Hà Nội.
Tạm biệt, lại về Tân Trào nhé!

Tuyên Quang, đêm 11/9/2011
V.X.T