Tôi đọc bài phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8, nhận thấy nhiều chỗ nhà thơ viết sai văn phạm và dùng từ tối nghĩa, xin chép ra đây để bạn yêu văn chương cùng xem xét bình phẩm.
I. Đoạn văn:
“Chọn Tuyên Quang làm địa chỉ gặp gỡ đáng nhớ này, chúng tôi muốn diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”.
Trong đoạn văn này có một số bất ổn như sau:
1. “Chọn Tuyên Quang làm địa chỉ gặp gỡ đáng nhớ này,...”
Từ điển tiếng Việt Wiktionary giải thích từ “địa chỉ”:
Địa chỉ là nơi ở ghi trên giấy tờ. Thí dụ A nói với B:
A: Anh cho tôi địa chỉ của anh đi.
B: Địa chỉ của tôi là Ba Đình, Hà Nội.
Sau khi tra từ “địa chỉ”, tôi tra từ “địa điểm” trong từ điển này, được kết quả như sau:
Địa điểm: Nơi chốn cụ thể xảy ra một sự việc nào đó.
Có mặt tại địa điểm quy định.
Tìm một địa điểm thích hợp.
Một địa điểm chiến lược quan trọng.
Rõ ràng câu văn trên dùng từ sai. Nó phải được viết thế này mới đúng:
“Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ…”
Như vậy nếu thay “địa chỉ” bằng “địa điểm” thì đoạn văn trên đúng một phần (từ đầu đến gặp gỡ). Tuy nhiên sau “gặp gỡ”, cụm từ “đáng nhớ này” lại làm câu văn tiếp tục bị sai văn phạm. Ta hãy đọc lại:
“Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ đáng nhớ này.”
Cụm từ “đáng nhớ này” hoàn toàn không bổ nghĩa được cho bất kỳ thành phần nào của câu trước đó. Nó bị thừa. Lẽ ra chỉ nên viết:
“Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ, …”
2. “diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ tiếp tục một cách xứng đáng truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”.
Đoạn văn trên có gì đó không ổn khi sau cụm từ “cây bút trẻ”, tác giả dùng động từ “tiếp tục”. Ở đây đã có động từ “bày tỏ” rồi, sao lại dùng thêm động từ “tiếp tục”? Hai động từ dùng xen kẽ ở chỗ này là không ổn. Đoạn này phải viết là:
“diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ đối với truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến” (thay cụm từ “tiếp tục một cách xứng đáng” bằng “đối với”).
Tóm lại tôi đề nghị biên tập lại đoạn văn trên như sau:
“Chọn Tuyên Quang làm địa điểm gặp gỡ, chúng tôi muốn diễn đàn Hội nghị là nơi bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của các cây bút trẻ đối với truyền thống lịch sử vẻ vang của cách mạng và kháng chiến”.
II. Đoạn văn:
“Nếu như các Hội nghị lần trước, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, một vài truyện ngắn in trên các báo thì, rất đáng mừng của Hội nghị lần này một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn đã có tới 2, 3 đầu sách”.
Đoạn văn trên có chỗ bất ổn như sau:
I. “thì rất đáng mừng của Hội nghị lần này…”
Ở đây tác giả viết câu thiếu. Cái gì rất đáng mừng của hội nghị lần này? Có lẽ tác giả làm rơi mất chữ “điều” nên thành ra câu cụt.
Đoạn này phải viết lại như sau mới đúng:
“Nếu như các Hội nghị lần trước, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, một vài truyện ngắn in trên các báo thì, điều rất đáng mừng của Hội nghị lần này là một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn đã có tới 2, 3 đầu sách.”
III. Đoạn văn:
“Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng.”
Đây là câu văn thuộc dạng kết cấu “nếu – thì”. Loại câu này yêu cầu 2 mệnh đề phải chỉ cùng một trạng thái. Nếu mệnh đề trước chỉ thời gian thì mệnh đề sau cũng phải chỉ thời gian. Do đó ta phải viết: “Nếu hôm qua, bạn chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì hôm nay, năng khiếu phải trở thành tài năng” thì mới đúng.
IV. Đoạn văn:
“Văn chương là cái biển chứa tài năng không biết thế nào cho đủ.”
Câu này là một câu thừa. Thừa làm cho câu văn tối nghĩa.
Lẽ ra câu văn này chỉ được phép viết: “Văn chương là cái biển chứa tài năng.”. Cụm từ “không biết thế nào cho đủ” là cụm từ thừa, đã không đóng vai trò gì trong câu rồi, còn làm cho câu tối nghĩa.
Có thể tác giả không muốn dừng lại ở “cái biển chứa tài năng” mà muốn viết thêm để nhấn mạnh sự vô tận của nó nên mới viết câu như thế. Nhưng nếu muốn như thế, tác giả nên thay cụm từ “không biết thế nào cho đủ” bằng cụm từ “vô tận”. Khi đó có thể viết: “Văn chương là cái biển chứa tài năng vô tận”.
V. Đoạn văn:
“Hiểu rồi, các bạn muốn nói đến một nền văn học hiện đại, giao diện với toàn thế giới.”
Từ điển tiếng Việt Wiktionary giải thích từ “giao diện”:
Giao diện: Mặt tiếp xúc của một đối tượng, sự vật với thế giới bên ngoài.
Như vậy “giao diện” là danh từ chứ không phải là động từ. Vì vậy tác giả đã nhầm lẫn khi dùng một danh từ thay thế cho một động từ.
VI. Đoạn văn:
“Vậy lý do nào đưa đến của hội tụ tài năng hôm nay?”
Không biết có phải “lỗi người đánh máy” không mà câu này có sai sót khá bất ngờ, khi từ “của” nhảy vào chiếm chỗ từ “cuộc” một cách quá thô bạo?
Xin tạm dừng việc phân tích ở đây vì bài phát biểu khá ngắn mà tôi lại phân tích quá dài.